CNQP&KT - Từ năm 1948, trước yêu cầu đánh bại chiến thuật “cứ điểm nhỏ”, đồn bốt, tháp canh vững chắc của quân đội pháp, ngành Quân giới non trẻ (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công súng đạn SS, mìn lõm FT… trang bị cho lực lượng vũ trang đánh bại chiến thuật trên của địch.

Giữa năm 1949, quân Pháp ở Nam Bộ cho xây dựng hệ thống đồn bốt, tháp canh dày đặc. Tại Khu 7, địch tạo lập 453 đồn bốt, tháp canh với gần 33.000 quân. Ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, địch xây dựng 516 đồn bốt, tháp canh với trên 10.000 quân. Ở Khu 9, địch có 656 đồn bốt, tháp canh với gần 16.000 quân. Vì vậy, nhu cầu nghiên cứu chế tạo ra loại vũ khí có khả năng tiêu diệt đồn bốt, tháp canh của địch là vô cùng cấp thiết. Nhiệm vụ này được giao cho kỹ sư Lê Tâm. Để có thời gian nghiên cứu, chế tạo vũ khí, kỹ sư Lê Tâm đã viết đơn gửi Bộ Tư lệnh Nam Bộ xin cho thôi giữ chức Trưởng phòng Quân giới Nam Bộ để làm Trưởng ban Nghiên - Huấn của Phòng.


Súng SS được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 7.  Ảnh: TL

Quân giới Nam Bộ lúc đầu định sản xuất súng đạn SKZ (vì có đầy đủ thiết kế do đoàn cán bộ của Cục Quân giới vào giúp). Tuy nhiên, sau khi xem xét nhận thấy rất khó thực hiện do việc chế tạo súng, đạn SKZ đòi hỏi công nghệ rập đầu đạn khá phức tạp, vượt quá khả năng của các binh công xưởng Nam Bộ. Mặt khác, nguyên vật liệu sản xuất lại thiếu thép đuôi, thuốc nitrô, bầu và đầu đạn; thiếu cả nòng súng đúng kích cỡ. Trong khi đó ở Nam Bộ lại có nhiều ống thép (của nồi súpde cũ) trong các nhà máy của Pháp để lại, có thể làm nòng súng hay bầu đạn; thuốc đẩy cũng có thể mua thêm. Vì vậy, kỹ sư Lê Tâm quyết định sẽ tập trung nghiên cứu sản xuất loại vũ khí bắn đạn lõm theo nguyên lý: Mỗi quả đạn sẽ kèm theo một khối lùi (chỉ cần một ít thuốc là có thể đẩy lùi nó về phía sau); đồng thời, đưa quả đạn lõm bắn lên phía trước. Theo nguyên lý bảo toàn động lượng, súng sẽ hoàn toàn không giật. Đạn có thể dùng bất cứ loại đầu đạn nào (đặc hay lõm). Muốn trúng đích, đạn sẽ được thiết kế cánh bằng tôn và đuôi bằng gỗ (bịt tôn hoặc nhôm). Còn khối lùi có thể làm bằng những nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm như gỗ cứng hoặc gang. Nhóm thiết kế cũng nghiên cứu để các tính toán về đạn, khối lùi, thuốc đẩy súng đơn giản và phù hợp với trình độ, khả năng của cán bộ, công nhân các xưởng Quân giới Nam Bộ.

Súng SS được trang bị cho các đơn vị trên chiến trường Nam Bộ đánh xe thiết giáp, tàu bọc thép, tháp canh, lô cốt rất hiệu quả.

Với sự cộng tác, giúp đỡ của cán bộ Cục Quân giới, sau một thời gian nghiên cứu, Quân giới Nam Bộ đã đề xuất Bộ Tư lệnh Nam Bộ cho chế tạo một loại súng không giật bắn đạn lõm. Theo thiết kế, cấu tạo thân súng là một ống thép dày, đường kính 60mm, có gia cố thêm để tăng cường độ cứng vững do chịu áp lực cao khi phát hỏa. Khác với súng SKZ do Cục Quân giới chế tạo, kỹ sư Lê Tâm đã dùng một khối lùi (bằng gang hoặc gỗ), có trọng lượng tương đương với khối lượng viên đạn làm vật cân bằng. Khi phát hỏa, lực đẩy của thuốc súng đưa viên đạn lao về phía trước và đẩy khối lùi về phía sau; động lực của đạn và khối lùi cân bằng, khiến súng không bị giật. Phần đạn chế tạo theo nguyên lý nổ lõm, dùng thuốc nitrô.

Sau đó, súng và đạn được chế tạo thành công tại Binh công xưởng Bà Rịa; được đặt tên là SS, với ý nghĩa: chữ S đầu là súng, chữ S sau là sác. “Súng Sác” có nghĩa là súng của rừng Sác. Trong lần bắn thử quả đạn SS đầu tiên (đầu đạn không có thuốc nổ) với mục tiêu khoảng 200m. Một đồng chí được phân công bấm nút điện, mọi người đứng gần để quan sát. Khi cờ lệnh bắn vừa phất xuống, một làn khói bao trùm súng. Mục tiêu bị đầu đạn xuyên mạnh (không có đầu nổ), cắm vào đúng ụ đất. Kết quả gần như tính toán. Mọi người vui mừng hò reo, vang dội cả khu rừng Sác.


Kỹ sư Lê Tâm (1920-2019), tác giả của súng rừng Sác-SS.                   Ảnh: QUANG NHẬT

Ngay sau khi chế tạo thành công, súng SS được trang bị cho các đơn vị trên chiến trường Nam Bộ đánh xe thiết giáp, tàu bọc thép, tháp canh, lô cốt rất hiệu quả. Trung đội đặc nhiệm Nam Bộ nhận 10 khẩu súng, 30 quả đạn, chỉ trong thời gian ngắn đã diệt được 12 xe thiết giáp của địch. Bộ Tư lệnh Nam Bộ gửi điện chúc mừng Quân giới: “Chiến thắng lớn! Chúc mừng các đồng chí! Xin gửi tiếp mấy chục quả đạn nữa”. Nghe tin Quân giới Nam Bộ chế tạo được loại vũ khí đặc biệt này, quân Pháp hoảng sợ phải rút khỏi sân bay Long Thành.

Năm 1996, công trình vũ khí SS do kỹ sư Lê Tâm sáng chế trong rừng Sác được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ.

Trên chiến trường Nam Bộ có nhiều kênh rạch, địch dùng xe bọc thép lội nước, ca nô, tàu chiến càn quét các vùng đồng nước để phá hoại mùa màng, tìm diệt cơ sở và kiểm soát đường vận chuyển của ta, nhất là vùng Đồng Tháp Mười. Để đối phó với địch, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tổ chức các đội “Săn xe lội nước” và chuyển các đội đặc công thành “Đội du kích nước” sử dụng súng SS kết hợp với thủy lôi, mìn tiêu diệt xe, tàu chiến khiến cho địch hoang mang, lo sợ. Chỉ tính từ năm 1951 đến đầu năm 1952, quân ta đã đánh đắm và phá hỏng 15 tàu địch. Riêng trận chống càn ở Đồng Tháp Mười (tháng 10/1951), quân ta đã đánh chìm 9 tàu và phá hủy 1 chiếc tàu đổ bộ LCT 2.400 tấn. Đặc biệt, trong trận đánh đồn Đồng Hòa Nam ngày 15/12/1951, bộ đội ta sử dụng súng SS đánh sập 5 tháp canh cao 16m của địch.

Do yêu cầu tác chiến trên chiến trường, Quân giới Nam Bộ đã nghiên cứu sản xuất thành công nhiều loại súng, đạn SS có tính năng kỹ chiến thuật khác nhau, như: Súng SSA là thế hệ đầu tiên có đường kính nòng Φ66mm; SSB và SSBF là thế hệ thứ hai có đường kính nòng Φ73mm (đạn làm từ đạn pháo 75mm của Pháp). SSAF dùng để phá thành, tường, công sự. SSAT có đường kính nòng Φ32mm dùng diệt xe tăng, thiết giáp. SSAL và SSAF có đường kính nòng Φ66mm… Ngoài ra, Binh công xưởng Bà Rịa còn sản xuất súng SS88 có đường kính nòng Φ88mm.

Các loại “súng của rừng Sác” đã được sử dụng rất hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội đang lưu giữ hiện vật súng SSA 66mm mang số đăng ký K3-3083 và K3-3089; súng SSB 73mm mang số đăng ký K3-3084 và K3-3090 do Quân giới Nam Bộ sản xuất.

NGÔ NHẬT DƯƠNG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: