CNQP&KT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhiều di sản vô giá, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh cùng tấm gương đạo đức trong sáng và phong cách làm việc khoa học, trong đó phải kể đến những dự báo thiên tài của Người đối với cách mạng Việt Nam.

Nghiên cứu những dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam không chỉ để thấy rõ hơn tài năng, sự hiểu biết, tầm nhìn xa trông rộng của Người mà còn là cơ sở để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của mỗi tổ chức, cá nhân đối với công tác nghiên cứu dự báo khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của cách mạng Việt Nam, với tầm nhìn thấu suốt và kinh nghiệm của một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một lãnh tụ anh minh, Hồ Chí Minh đã dự đoán chính xác nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trên thế giới và ở Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý một số dự báo sau:

Một là, dự đoán về việc nổ ra Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Tháng 8/1914, khi đang ở nước Anh, trong một bức thư gửi Cụ Phan Chu Trinh, Người đã viết: “...Tiếng súng đang rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng cháu đã nói với Bác về cơn giông sấm động này...”1. Điều đó có nghĩa trong một bức thư gửi trước đó, Người đã tiên đoán Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) sắp sửa nổ ra và thực tiễn đã cho thấy rõ điều đó.

Hai là, dự đoán chính xác việc bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Năm 1924, trong bài “Đông Dương và Thái Bình Dương”, Người đã dự báo về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và tiên đoán: “Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản đó”2; “Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh”3. Thực tế cho thấy, 15 năm sau (năm 1939) điều đó đã trở thành hiện thực - chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phát-xít Đức tấn công Liên Xô, các nước khu vực Thái Bình Dương trở thành chiến trường ác liệt.

Với tầm nhìn thấu suốt và kinh nghiệm của một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một lãnh tụ anh minh, Hồ Chí Minh đã dự đoán chính xác nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trên thế giới và ở Việt Nam.

Ba là, dự đoán chính xác về thời cơ giành độc lập và ngày độc lập của đất nước. Trong bài viết trên Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 1/1/1942, trả lời câu hỏi: Năm nay tình hình thế giới và trong nước sẽ thế nào? Người đã đưa ra dự báo về thời cơ để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do”4.

Khi viết “Lịch sử nước ta” do Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản, tháng 2/1942, trong mục “Những năm quan trọng”, Hồ Chí Minh đã viết “1945 Việt Nam độc lập”5. Đúng như dự đoán của Người, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Bốn là, dự đoán việc đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”6 và “Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ”7. Trong thời điểm đó, đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, vì vậy, ít ai nghĩ rằng, Mỹ lại có thể thay chân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song, lịch sử đã diễn ra đúng như sự tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (tháng 1/1964).              Ảnh: TL

Năm là, dự đoán chính xác việc Mỹ đưa B.52 đánh phá Hà Nội và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Hồ Chí Minh đã dự báo rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”8.

Trong bản Di chúc ngày 10/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”9. Đồng thời, Người cũng khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”10...

Việc nghiên cứu những dự báo chiến lược, thiên tài của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng với công tác dự báo của Đảng cũng như của các cấp, các ngành, nhất là đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Lịch sử đã diễn ra đúng như dự đoán của Người, cuối năm 1972, đế quốc Mỹ đã mở cuộc không kích bằng B.52 nhằm biến Hà Nội và một số thành phố miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Song với chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (tháng 1/1973), thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và rút hết quân về nước. Tiếp đó mùa Xuân 1975, với thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Những dự báo thiên tài nêu trên của Hồ Chí Minh hoàn toàn không mang màu sắc tâm linh, huyền bí, mà được hình thành trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo phương pháp luận khoa học, với trí tuệ uyên thâm và năng lực khái quát cao. Những dự báo đó còn là thành quả tất yếu của một nhân cách lớn trước vận mệnh dân tộc, là sản phẩm của tư duy khoa học, sự hiểu biết sâu sắc đông - tây, kim - cổ, có tầm nhìn xa trông rộng; là sự đúc kết những trải nghiệm trong mấy chục năm hoạt động cách mạng, là khả năng nắm bắt được quy luật, xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam và thế giới...

Nghiên cứu những dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh cho thấy, việc dự báo các vấn đề, sự kiện thế giới, trong nước liên quan đến quá trình cách mạng là sự quan tâm hàng đầu của Người. Bởi lẽ, chính những dự báo khoa học đó là là căn cứ, cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chiến lược, xác định mục tiêu, kế hoạch, tổ chức lực lượng, lựa chọn cách thức giải quyết các vấn đề liên quan một cách phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Thực tiễn quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh đã minh chứng rõ điều đó.

Quán triệt tư tưởng của Người, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành có hiệu quả công tác nghiên cứu dự báo, nhất là nghiên cứu dự báo chiến lược. Chính làm tốt công tác nghiên cứu dự báo đã góp phần quan trọng vào thành tựu cũng như thắng lợi của sự nghiệp giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước 35 năm qua. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác nghiên cứu dự báo vẫn còn những hạn chế, bất cập. Điều này đã được Đảng ta chỉ rõ: “Công tác dự báo, hoạch định và lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý phát triển xã hội còn nhiều bất cập”11, “Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp”12.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có sự diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định, việc nghiên cứu những dự báo chiến lược, thiên tài của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng với công tác dự báo của Đảng cũng như của các cấp, các ngành, nhất là đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Để công tác nghiên cứu dự báo đáp ứng yêu cầu đặt ra, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi cá nhân về vị trí, vai trò của nghiên cứu dự báo, làm cơ sở nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dự báo. Thực hiện giải pháp này, cấp ủy, chính quyền, quản lý các cấp cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về sự cần thiết phải tiến hành và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dự báo, coi nghiên cứu dự báo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác kế hoạch.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý các cấp đối với công tác nghiên cứu dự báo. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng bảo đảm cho công tác nghiên cứu dự báo thực hiện đúng mục tiêu, phướng hướng đặt ra. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền, cơ quan quản lý các cấp tiếp tục đổi mới tư duy về công tác nghiên cứu dự báo; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.

Ba là, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ làm công tác nghiên cứu dự báo. Trong đó, đặc biệt chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tri thức khoa học, năng lực và phương pháp trong nghiên cứu dự báo. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, quản lý các cấp cần quan tâm chăm lo xây dựng các tổ chức nghiên cứu dự báo; đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu dự báo trong nước và nước ngoài trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu dự báo.

Nghiên cứu những dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh, một mặt thấy rõ hơn sự vĩ đại của Người và là cơ sở để đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch nhằm hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, là căn cứ để mỗi tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực đối với công tác nghiên cứu dự báo, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, để làm tốt công tác tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước có kế sách ứng phó một cách phù hợp với các tình huống về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN

Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự

___________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.4.

 2. Sđd, tr.263.

 3. Sđd, tập 1, tr.264.

 4. Sđd, tập 3, tr.250-251.

 5. Sđd, tập 3, tr.267.

6. Sđd, tập 8, tr.466.

7. Trần Trọng Trung, Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 819.

8. Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân - Hà Nội, 1990, tr 203.

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.621.

10. Sđd, tập 15, tr.623.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.3.

12. Sđd, tr.4.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: