CNQP&KT - Đó là tên cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2021, đã thể hiện sinh động những nỗ lực sáng tạo và những chiến công thầm lặng của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Chỉ với 276 trang sách khổ 14,5x20,5cm, cuốn sách “Đằng sau ánh hào quang Quân giới” đã giới thiệu những cá nhân, tập thể, những hành động, công việc tuy rất bình dị mà vô cùng cao quý, tự hào của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam. Trong hành trình gian lao, tự hào, từ quá khứ anh hùng cho đến ngày hôm nay biết bao đổi thay, biến động, ngành CNQP đã từng bước trưởng thành, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong Lời giới thiệu, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP, viết: “Cán bộ, kỹ sư, quân nhân, công nhân, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, đóng góp sức lực, trí tuệ và cả sự hy sinh vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Quân giới - CNQP”. Đúng như những dòng khái quát của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP, những bài viết trong tập sách đã thể hiện sinh động những con người cụ thể, sự nỗ lực sáng tạo và những chiến công thầm lặng của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đằng sau ánh hào quang chói sáng là biết bao câu chuyện, tấm gương hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng.

Ban biên soạn đã tập hợp 37 bài viết được chọn lựa từ hàng trăm tác phẩm tham gia cuộc thi viết “Công nghiệp quốc phòng - 75 năm xây dựng và phát triển” do Tổng cục CNQP và báo Quân đội nhân dân phối hợp tổ chức. Các tác giả đã đi xuống từng xí nghiệp, nhà máy, viện nghiên cứu, gặp gỡ, tiếp xúc với những nhân vật, tìm hiểu tư liệu, nhất là những chiến công, thành tích, công trình, sáng kiến tiêu biểu, để từ đó đem đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về nỗ lực vượt khó, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của người lính thợ quốc phòng.

Cuốn sách được kết cấu làm 2 phần. Phần thứ nhất với tên gọi “Một thời để nhớ” với những trang sử vàng vẻ vang của ngành Quân giới, như: “Điều ít biết về anh hùng Ngô Gia Khảm” của tác giả Phạm Thu Thủy, “Giáo sư Tạ Quang Bửu với ngành Quân giới” của tác giả Tạ Quang Chính, “Tự hào là người lính Nha nghiên cứu kỹ thuật” của tác giả Bích Trang, “Nhớ về người truyền lửa Quân giới” của tác giả Đoàn Hùng Minh... Được lấy làm tiêu đề của tập sách, bài viết “Đằng sau ánh hào quang Quân giới” của tác giả Hoàng Tiến - Thanh Tú đưa bạn đọc đến với Phòng Quân giới - tiền thân của ngành CNQP ngày nay từ những ngày mới thành lập. Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới nhằm thu hút và bồi dưỡng thế hệ tinh hoa đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vũ khí. Những cán bộ đầu tiên như Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Duy Thái, những nhà khoa học hàng đầu lúc bấy giờ như Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Tạ Quang Bửu, Võ Quý Huân, những anh hùng lực lượng vũ trang như Ngô Gia Khảm, Nguyễn Phúc Đồng, Cao Viết Bảo... Công việc của người lính thợ sản xuất vũ khí luôn lặng thầm sau những chiến công ngoài mặt trận. Biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của họ đã đổ xuống; họ luôn đối mặt với gian khó, hiểm nguy để hoàn thành việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ Quân đội và nhân dân chiến đấu.


Bìa 1 cuốn sách “Đằng sau ánh hào quang Quân giới”.

Thật khó có thể kể hết được sự hy sinh thầm lặng của những người lính thợ Quân giới trong hành trình hơn 75 năm qua. Các tác giả đã gặp gỡ những người anh hùng, nhà khoa học, cựu chiến binh của ngành Quân giới để tìm hiểu phía sau những thành công, đóng góp đó. Những vũ khí đầu tiên do cán bộ, công nhân ngành Quân giới sản xuất đã khiến cho một lính Pháp từng tham chiến thời đó phải thốt lên: “Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được tháp canh của chúng tôi”. Một số bài viết như “Người lính thợ Quân giới được gặp Bác Hồ” của tác giả Tuấn Minh, “Người đầu tiên sử dụng Badoca bắn cháy xe tăng địch” của tác giả Vũ Tang Bồng, “Chuyến hàng tiếp liệu đầu Xuân" của tác giả Dương Nhật… đã đem đến cho bạn đọc những câu chuyện thú vị về một thời hoa lửa.

Cuốn sách “Đằng sau ánh hào quang Quân giới” dày 276 trang sách, khổ 14,5x20,5cm, giới thiệu đến với bạn đọc những câu chuyện, tấm gương hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Phần thứ hai của cuốn sách có tên “Lính thợ thời bình”, đã khắc họa những nét đặc sắc, những phát hiện mới của các nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, như: Z111, Z113, Z131, Z129, Z176, Z143, Công ty Đóng tàu Hồng Hà, Công ty Cao su 75, Kho K752, Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật CNQP... Bạn đọc xúc cảm và trân trọng những tấm gương qua các tác phẩm “Nhớ về bố” của tác giả Lê Thị Thu Hiền, “Thợ cả Cù Mạnh Sinh - vừa cần cù, vừa thông minh” của Hải Bình, “Xứng danh gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân” của Chi Anh. Bạn đọc tự hào về bàn tay, khối óc của người lính thợ quốc phòng qua các tác phẩm “Kỳ tích đóng tàu chiến của Việt Nam” của My Lăng, “Tự lực, tự cường ở doanh nghiệp nghìn tỷ” của Nguyễn Vũ, “Sóng to mới rõ tay chèo” của Hồ Quang Phương, “Từ huyền thoại chống tăng đến xuyên giáp thế hệ mới” của Nguyễn Chiến Thắng... Đặc biệt, trong tác phẩm “Khúc tráng ca lặng lẽ”, tác giả Trần Hoàng đã đề cập đến những đau thương, mất mát của những người lính thợ CNQP mà do đặc thù công việc, có nhiều điều chúng ta chưa biết về họ. Đó là câu chuyện về Nhà máy Z115 gần như bị san phẳng sau sự cố kinh hoàng mùa hè năm 2003. Liên tiếp 6 kho đạn cấp 5 (loại đạn đã hết thời hạn sử dụng, đang chờ tháo gỡ thuốc nổ để tái chế) bỗng nhiên phát nổ, may mắn không gây thiệt hại về người. Từ đống đổ nát đó, Nhà máy Z115 hôm nay đã và đang trở thành một điểm sáng của Tổng cục CNQP có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Có thể nói “cơn địa chấn” là dịp thử thách bản lĩnh và ý chí của người lính thợ quốc phòng mà như Đại tá Lê Ngọc Thân - Giám đốc Nhà máy Z115, bày tỏ: “Sau biến cố, Z115 đã phải xây dựng lại từ đầu về cơ sở vật chất, nhưng cũng vì thế, Nhà máy đã nỗ lực kiến tạo để chuyển mình mạnh mẽ sau gần hai thập niên”.

Còn nhiều “khúc tráng ca lặng lẽ” như thế mà bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách “Đằng sau ánh hào quang Quân giới”. Các thế hệ lính thợ cứ nối tiếp nhau, thầm lặng lao động, cống hiến, thầm lặng viết nên những khúc tráng ca vẻ vang của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam anh hùng.

Ngành Quân giới - CNQP Việt Nam đã có những trang sử vàng truyền thống rất hào hùng. Di sản quá khứ ấy mãi là niềm tự hào, động lực tinh thần to lớn để thế hệ hôm nay tiếp tục hành trình đi tới tương lai, viết tiếp chiến công trong thời kỳ mới. Chắc chắn “Đằng sau ánh hào quang Quân giới” sẽ là ấn phẩm hữu ích, góp phần giúp bạn đọc hiểu hơn về ngành sản xuất vũ khí Việt Nam.

  MINH THỦY

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: