CNQP&KT - Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng (CNQP) vừa diễn ra Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân lần thứ V, giai đoạn 2016-2021. Quả thật, có chứng kiến những người lính thợ đua tài mới thấy, đây thực sự là cuộc sát hạch cam go, nghiêm túc và cũng vô cùng ấn tượng... TỪ HỘI THI CẤP CƠ SỞ ĐẾN HỘI THI CẤP TOÀN QUÂN Trong nhiều năm qua, bên cạnh thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên công đoàn, tổ chức Công đoàn trong Quân đội còn đẩy mạnh các phong trào thi đua, trong đó có phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”. Qua phong trào này giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, doanh nghiệp đánh giá đúng chất lượng, trình độ bậc thợ, từ đó làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ thợ kỹ thuật giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Do vậy, mục đích, yêu cầu khi tổ chức Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí từ cấp cơ sở đến toàn quân đều nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật được học tập, rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ, tay nghề. Với ý nghĩa thiết thực đó, ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Ban Công đoàn Quốc phòng, cơ quan chính trị các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nội dung Hội thi; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”. Tính đến đầu tháng 4/2021, đã có 129 công đoàn cơ sở tổ chức ôn luyện và thi tay nghề, bậc thợ cho hơn 2.500 đoàn viên công đoàn, qua đó lựa chọn những người có tay nghề giỏi tham gia thi cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đối với Hội thi cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, tiến hành vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song, các đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức và đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Kết quả, đã có 133 thí sinh của các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được lựa chọn để tham gia Hội thi cấp toàn quân. Đây thực sự là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho hơn hàng nghìn thợ cơ khí tham gia đua tài tại Hội thi cấp toàn quân. Do định kỳ 5 năm mới tổ chức 1 lần nên Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí cấp toàn quân đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, đòi hỏi các đơn vị phải tổ chức ôn luyện thật sự nghiêm túc, đáp ứng phương châm “Vững lý thuyết, giỏi thực hành”. Nội dung thi gồm 2 phần: Thi lý thuyết và thi thực hành. Với phần thi lý thuyết, thí sinh phải thực hiện thi nhận thức chính trị và công tác bảo hộ lao động; thi lý thuyết cơ sở và lý thuyết chuyên ngành cơ khí 4 nghề: tiện, phay, hàn, nguội. Trong phần thi thực hành, thí sinh thực hiện gia công hoàn chỉnh một sản phẩm theo chuyên ngành. Đại tá Nguyễn Đình Đức, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng, Trưởng ban tổ chức Hội thi, cho biết: Qua hướng dẫn chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt, Ban Tổ chức nhận thấy, trước khi đến với Hội thi, các đơn vị đã tổ chức tốt công tác ôn luyện, trong đó có nhiều đơn vị mời cả chuyên gia giỏi để tổ chức huấn luyện cơ bản cho các thí sinh. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã sớm tổ chức cho các thí sinh được tiếp cận, làm quen với hệ thống trang bị và cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng CNQP - đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi. ![]() Các đại biểu xem sản phẩm do thí sinh thực hiện trong phần thi thực hành nghề. Trực tiếp “sát cánh” cùng đội tuyển thợ giỏi tham gia Hội thi lần này, Đại tá Nguyễn Mạnh Vững, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Kỹ thuật, cho biết: Tổng cục Kỹ thuật tổ chức Hội thi cấp cơ sở và thành lập đội tuyển dự thi cấp toàn quân ngay từ cuối năm 2020 nên các thí sinh có điều kiện và thời gian ôn luyện. Trước khi đến với Hội thi cấp toàn quân, 11 thí sinh đã được triệu tập về cơ quan Tổng cục để ôn luyện tập trung trong 10 ngày. Có thể nói, Tổng cục Kỹ thuật đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, với quyết tâm giành kết quả cao nhất tại Hội thi. Do diễn ra trong thời gian ngắn (4 ngày), số lượng thí sinh đông, trong khi số lượng thiết bị phục vụ cho các nghề ít, nên tại Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân có nghề phải thi tới 3 ca (sáng, trưa, chiều). Đặc biệt, đề thi thực hành của nghề nguội có định mức thời gian thực hiện lên đến 6 giờ/sản phẩm. Điều đó cho thấy “độ khó” của nội dung thi. Thí sinh Dương Văn Hoán đến từ Nhà máy Z49, Binh chủng Công binh, thi nghề thợ nguội, bày tỏ: “Đến với Hội thi, tôi có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, trình độ tay nghề và cũng là cơ hội tôi để đánh giá năng lực bản thân. Do vậy, tôi đã nỗ lực hết sức để thực hiện tốt phần thi của mình”. Còn thí sinh Phạm Thị Hồng Nhung, đến từ Công ty Cổ phần 22, Tổng cục Hậu cần, thi nghề hàn, chia sẻ: “Tôi là 1 trong 3 thí sinh nữ tham gia Hội thi, tuy phái nữ chiếm số lượng ít ỏi, nhưng tinh thần thi đấu của chúng tôi rất mạnh mẽ. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu đạt kết quả tốt nhất”.
ẤN TƯỢNG THỢ GIỎI CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG Tại Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân, hình ảnh lính thợ CNQP đã tạo được ấn tượng sâu sắc với Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và các đoàn dự thi. Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cuối tháng 3/2021, Tổng cục CNQP mới tổ chức Hội thi cấp Tổng cục. Như vậy, các thí sinh của CNQP chỉ có khoảng hơn chục ngày ôn luyện để tham gia Hội thi toàn quân. Nhưng cũng chính sự eo hẹp thời gian này đã thêm phần khẳng định năng lực thực sự của lính thợ CNQP. Thực tế cho thấy, tại các nhà máy, xí nghiệp, xưởng cơ khí trong Tổng cục CNQP, phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” luôn thu hút được đông đảo đội ngũ thợ cơ khí tham gia. Qua Hội thi cấp Tổng cục đã đánh giá chính xác chất lượng, năng lực của đội ngũ thợ cơ khí các nhà máy khi họ đều khẳng định được tay nghề bậc thợ mà mình đang giữ. Trong đó, có những người thể hiện được trình độ tay nghề đa năng khi vừa thi trên máy vạn năng, vừa đăng ký thi đề mở trên máy CNC. Đó là thí sinh Nguyễn Văn Huy (Nhà máy Z127) và thí sinh Nguyễn Xuân Chiến (Nhà máy Z125) thi tiện CNC, thí sinh Trần Minh Thái (Nhà máy Z125) thi phay CNC… Sự đa năng của những người thợ giỏi đã chứng minh, họ luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất quốc phòng và kinh tế. Đến với Hội thi cấp toàn quân, Tổng cục CNQP là đầu mối có số lượng thí sinh dự thi đông nhất, với 20 người. So tài tại Hội thi, lính thợ CNQP đã ghi đậm dấu ấn ở cả 4 ngành nghề: tiện, phay, hàn, nguội. Tiêu biểu như thí sinh Nguyễn Cảnh Nam (Nhà máy Z189) ở nội dung thi thực hành nghề hàn; sản phẩm của Nam được Ban Giám khảo đánh giá đạt tính thẩm mĩ, kỹ thuật và chất lượng tốt nhất. Đây là lần thứ 2 Nam tham gia Hội thi cấp toàn quân và cả hai lần đều đạt giải Nhất cùng danh hiệu “Bàn tay Vàng”. Chưa có kinh nghiệm “chinh chiến” như Nam, nhưng thí sinh Trần Xuân Mạnh (Nhà máy Z183) thi nghề tiện, đã rất nỗ lực trong những ngày đua tài. Ở Hội thi cấp Tổng cục, anh chỉ đạt giải Nhì, nhưng khi mang “màu cờ sắc áo” CNQP tham gia thi toàn quân, anh đã vượt qua chính mình khi giành giải Nhất cùng danh hiệu “Bàn tay Vàng”. Mạnh tâm sự: “Tham gia Hội thi, tôi có cơ hội củng cố, bổ sung kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội. Đối với tôi, điều này rất có giá trị, bởi những bài học thu nhận được sẽ giúp ích cho tôi trong công việc hằng ngày và có thêm động lực tiếp tục bám máy, bám xưởng”. ![]() Đại tá Nguyễn Đình Đức, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng, trao giải Ba tặng các tập thể. TẠO SỰ LAN TỎA SÂU RỘNG Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân lần thứ V, giai đoạn 2016-2021, đã khép lại nhưng dư âm của Hội thi sẽ còn lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ đoàn viên công đoàn, người lao động trong toàn quân. Thành tích của các tập thể, cá nhân đạt được tại Hội thi chính là kết quả của sự lao động sáng tạo, phấn đấu, rèn luyện bền bỉ “khổ luyện thành tài” của những người lính thợ ngành cơ khí. Đúng như sự ghi nhận, đánh giá cao của Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tại buổi bế mạc, trao giải Hội thi: Thành công và kết quả Hội thi tiếp tục khẳng định, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” của Công đoàn Quốc phòng đạt hiệu quả thiết thực, góp phần bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng của người lính thợ; khuyến khích, động viên họ vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, nhất là phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”. Đồng thời, có chế độ đãi ngộ, khuyến khích đối với thí sinh có tay nghề giỏi, đạt kết quả cao tại Hội thi. Đối với các thí sinh, cần tiếp tục phát huy kỹ năng tay nghề, cùng với các lực lượng khác của đơn vịchia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, giúp đỡ đội ngũ thợ trẻ, lớp thợ kế tiếp, tạo nguồn cho đơn vị.
|