CNQP&KT - Mìn định hướng là loại mìn có khối thuốc nổ lõm hình nón hoặc hình cánh cung, bên trong gắn các mảnh sắt, thép, bi... Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang Nam Bộ đã sử dụng có hiệu quả nhiều loại mìn định hướng do các xưởng Quân giới sản xuất.

Đầu năm 1963, do yêu cầu cung cấp vũ khí của chiến trường Nam Bộ, Phòng Vũ khí, Cục Nghiên cứu kỹ thuật, áp dụng lý thuyết vật liệu nổ từ các tài liệu của nước ngoài để nghiên cứu thiết kế, chế tạo mìn định hướng. Giữa năm 1963, bản thiết kế được hoàn thành. Mìn định hướng có đường kính Φ300mm, dày 55mm, góc lõm 1350, trọng lượng mìn 6,8kg, trọng lượng thuốc nổ từ 2,8 đến 3kg. Mìn có đến 500 mảnh, cự ly sát thương 100m và được ký hiệu MĐH10. Sau khi thử nghiệm thành công, Cục Quân giới giao cho Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113) và Xưởng Quân cụ X10 (nay là Nhà máy Z117) sản xuất hàng loạt mìn định hướng MĐH10 để kịp thời cung cấp cho chiến trường. Cuối năm 1963, Cục Nghiên cứu kỹ thuật biên soạn tài liệu sản xuất mìn định hướng gửi vào miền Nam phục vụ cho sản xuất tại chỗ.

Xưởng Z26 là một trong những xưởng điển hình của Quân giới Miền được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thành công mìn định hướng. Đầu tiên, Tổ Kỹ thuật Xưởng Z26 nhận được tài liệu “Hướng dẫn thiết kế và gia công mìn phóng mảnh định hướng” do đồng chí Trần Văn Trà, Phó Tổng Tham mưu trưởng gửi vào. Một số cán bộ miền Nam khi đó đang công tác ở miền Bắc đã được đồng chí Lê Văn Chiểu, cán bộ Cục Nghiên cứu kỹ thuật (sau này là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) giới thiệu về loại mìn này.

Tổ Kỹ thuật gồm đồng chí Nguyễn Thanh Vọng (năm 1978 được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang), đồng chí Nguyễn Thuần Phong và các cán bộ kỹ thuật tiến hành thiết kế mìn. Phân xưởng A4 chế tạo phần cơ khí. Phân xưởng A3 nhồi thuốc nổ. Do không có sẵn vật tư chế tạo, Xưởng cử đồng chí Nguyễn Quốc Việt đi phá cầu lấy thép về gia công, làm mảnh. Để khắc phục nhược điểm là mìn định hướng MĐH10 có 4 chân, đứng không vững, đồng chí Nguyễn Thanh Vọng đã nghiên cứu thiết kế mìn chỉ có 3 chân, khi đặt dưới đất hay treo trên cây đều điều chỉnh được tầm và hướng bắn.


Quân giải phóng miền Nam dùng mìn định hướng đánh địch.     Ảnh: TL

Năm 1964, Xưởng Z26 tổ chức thử mìn định hướng tại Bồ Túc, tỉnh Tây Ninh. Tham gia thử nghiệm có đồng chí Trường Sơn đại diện Bộ Tham mưu Miền. 8 quả mìn định hướng cỡ 300mm, nặng 11kg được cán bộ Xưởng Z26 cho nổ liên tục để kiểm tra khả năng xuyên thép dày đến 3mm, cự ly sát thương, cự ly an toàn và khả năng phá rào thép gai tạo cửa mở. Sau cuộc thử nghiệm, đồng chí Trường Sơn kết luận: 1 quả mìn định hướng nổ tương đương 1 đơn vị bộ binh bắn đồng loạt bằng súng trường, có khả năng tiêu diệt bộ binh ở cự ly 100m, đánh được xe cơ giới và tàu thuyền có vỏ thép mỏng, khi ghép từ 3 đến 5 quả có khả năng phá rào thép gai tạo cửa mở rộng 2m, sâu 30m. Tuy nhiên, khả năng này còn phải thử nghiệm thêm, nhất là chọn vị trí đặt mìn để đạt hiệu quả cao nhất. Quân giới Miền đặt tên là mìn ĐH10 (ĐH là viết tắt chữ mìn phóng mảnh định hướng, số 10 chỉ trọng lượng mìn nặng khoảng 10kg).

1 quả mìn định hướng MĐH10 có khả năng tiêu diệt bộ binh ở cự ly 100m, đánh được xe cơ giới và tàu thuyền có vỏ thép mỏng; khi ghép từ 3 đến 5 quả có khả năng phá rào thép gai tạo cửa mở rộng 2m, sâu 30m.

Năm 1964, Xưởng Z26 sản xuất loạt đầu tiên được gần 700 quả. Tiếp đó, Xưởng hoàn chỉnh bản vẽ, biên soạn quy trình sản xuất, hướng dẫn sử dụng và phổ biến cho toàn Miền. Ngay khi nhận được bản vẽ mìn ĐH10, đồng chí Sáu Bá - cán bộ phụ trách Xưởng C10 (thuộc Quân khu miền Đông) hướng dẫn cho công nhân triển khai gò vỏ, cắt mảnh thép, nhồi đúc thuốc chế tạo mìn ĐH10. Qua thử nghiệm, mìn nổ không hết thuốc, cán bộ, kỹ sư Xưởng X10 nghiên cứu thay thuốc nổ TNT bằng thuốc nổ Tétryl (lấy từ bom, đạn Mỹ) mìn nổ rất tốt. Sau đó, Xưởng C10 tổ chức sản xuất hàng loạt mìn ĐH10 cung cấp kịp thời cho chiến trường Nam Bộ. Quá trình sử dụng mìn, bộ đội đã sáng tạo ra nhiều cách đánh khác nhau, như: khi đánh máy bay trực thăng bay thấp, mìn được bố trí trên cây cao, mặt lõm hướng lên trời, sử dụng ngòi gạt, ngụy trang ống gạt bằng cành lá (sức gió của cánh quạt trực thăng làm cành lá đổ, gây mìn nổ). Lúc đánh tàu địch, mìn được gắn vào cọc sào cắm dưới sông.

Tháng 6/1965, quân ngụy với sự yểm trợ của công binh Mỹ cùng xe bọc thép M113, xe phun lửa M118, máy bay trực thăng và pháo, liên tiếp ba lần tấn công vào địa đạo An Thới. Bằng trận địa chông, mìn được bố trí sẵn, kết hợp với mìn ĐH10, du kích An Thới đã tiêu diệt 74 tên địch, 6 xe thiết giáp M113 và 1 xe M118. Đặc biệt, 2 quả mìn ĐH10 đã hạ 2 máy bay trực thăng rơi tại chỗ. Trận địa An Thới được giữ vững. Cũng trong tháng 6, mìn ĐH10 được bộ đội Biệt động đưa vào nội đô Sài Gòn đánh địch. Tại nhà hàng Mỹ Cảnh nằm bên bờ sông Sài Gòn, Đội Biệt động 67 dùng 2 quả mìn ĐH10 tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Cùng thời gian, Đơn vị C160 thuộc Đoàn Hậu cần 82 dùng súng bộ binh và mìn ĐH10 diệt 290 tên địch, bảo vệ được căn cứ. Trong cuộc hành quân Gianxơn Xiti (Junction City) - hành binh quy mô lớn nhất của quân Mỹ và quân ngụy trong cuộc phản công lần II (mùa khô 1966-1967) vào Chiến khu Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh), Xưởng Z26 sử dụng mìn ĐH10 đánh địch ở cầu Bà Chiêm, diệt một trung đội Mỹ. Để phá hoại cơ sở sản xuất vũ khí, Mỹ cho quân đánh vào Xưởng Z26 ba lần nhưng đều bị cán bộ, công nhân Xưởng dùng mìn ĐH10 phản kích đánh lui.

Sau khi nghiên cứu sản xuất thành công mìn ĐH10, Tổ Kỹ thuật Xưởng Z26 tiếp tục thiết kế mìn ĐH5 và thử nghiệm thành công ở Trảng Dài, cách Xưởng 15km. Mìn ĐH5 nặng 6,5kg, vỏ mỏng gần như mìn ĐH10 nhưng gọn nhẹ, thuận mang vác và dễ sử dụng, dùng đánh bộ binh, phương tiện cơ giới của địch rất hiệu quả.  Tiếp đến, Tổ Kỹ thuật Z26 nghiên cứu thiết kế mìn ĐH2, nặng 2,5kg, có 1,2kg thuốc nổ TNT, 380 mảnh sắt tròn Φ8mm hoặc 670 mảnh sắt tròn Φ6mm, sát thương ở cự ly 60m. Mìn trông như quyển sách, gọn, nhẹ, dễ ngụy trang, sử dụng đánh địch trong rừng, trên đường phố.        

Do các loại mìn định hướng đạt hiệu suất chiến đấu cao, nên được quân và dân miền Nam tin tưởng sử dụng. Từ đó, các xưởng Quân giới (công trường) trên chiến trường Quân khu 7 rất tích cực sản xuất mìn định hướng: Công trường huyện Phú Giáo, mỗi tháng xuất xưởng được 40 quả mìn ĐH5 và ĐH10. Công trường huyện Tân Uyên, chỉ trong 5 tháng đã sản xuất được 57 quả ĐH10. Tại Quân khu 6, các xưởng sản xuất nhiều loại mìn, như: ĐH10, ĐH20, ĐH30 (có đường kính Φ500mm). Xưởng Lâm Đồng, mỗi tháng sản xuất 50 mìn ĐH5 và ĐH10; Xưởng K30 sản xuất được 20 quả mìn định hướng và pháo phá rào, cung cấp kịp thời cho bộ đội đánh địch trên khắp các chiến trường Nam Bộ.

Có thể nói, việc nghiên cứu sản xuất thành công mìn định hướng, phù hợp với cách đánh và điều kiện chiến trường Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là một thành tựu có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của cán bộ, kỹ sư và công nhân ngành Quân giới, làm tăng sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam trên chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

                       NGUYỄN THANH TRẦN     

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: