CNQP&KT - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo quân sự thiên tài, vị tướng xuất sắc của Quân đội ta. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng rất quan tâm đến việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí; đồng thời cũng ghi nhận những đóng góp quan trọng của cán bộ, công nhân, chiến sĩ ngành Quân giới.

Sau Cách mạng tháng Tám, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội, để chủ động tiến hành nghiên cứu, sản xuất vũ khí, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ký ngay Sắc lệnh số 12/SL (ngày 7/9/1945) “Ủy cho Nha Giám đốc Khoáng chất, Kỹ nghệ Việt Nam tổ chức trông coi công việc sản xuất binh khí, đạn dược và lập một ủy ban chuyên môn để tiến hành công việc đó”. Đồng thời, ủy nhiệm cho đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân (sau này là Cục phó Cục Quân giới) “có đủ quyền trưng thu các xưởng và tất cả vật liệu cần thiết cho kỹ nghệ binh khí để củng cố việc quốc phòng”.

“Bộ đội ta cần có đạn súng trường, lựu đạn, AT, Bazoka, địa lôi, thủy lôi. Tất cả những vũ khí ấy, nhờ có óc sáng tạo của các đồng chí phụ trách và công nhân quân giới các binh công xưởng”.

(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Trước tình hình lực lượng vũ trang đang phát triển nhanh, để có vũ khí trang bị, tháng 1/1947, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập hệ thống Quân giới trên cả nước; đồng thời, yêu cầu tổ chức những xưởng vũ khí theo phương châm “tiểu quy mô, cơ động, linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết” phù hợp với điều kiện những năm đầu kháng chiến của nước ta. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Lúc này hơn lúc nào hết, các chiến sĩ của ta trước mặt trận cần có súng ống, đạn dược đủ để xung phong giết giặc. Bộ đội ta cần có đạn súng trường, lựu đạn, AT, Bazoka, địa lôi, thủy lôi. Tất cả những vũ khí ấy, nhờ có óc sáng tạo của các đồng chí phụ trách và công nhân quân giới các binh công xưởng… Tôi mong anh chị em cố gắng nhiều hơn nữa, tìm mọi cách chế tạo những vũ khí tốt cho quân đội ta giết giặc bằng máy móc, vật liệu hiện có”.

Ngay từ giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến (năm 1946), nhận thấy năng lực của Xưởng Giang Tiên phù hợp cho việc sản xuất vũ khí hỏa lực, đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho Chế tạo quân giới Cục (Cục Quân giới) và Xưởng nghiên cứu, sản xuất súng và đạn Bazoka 60mm theo mẫu của Mỹ. Đầu tháng 3/1947, được đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới báo cáo vừa chế tạo thành công súng, đạn Bazoka, đồng chí Võ Nguyên Giáp lập tức cho sử dụng 2 khẩu súng và 10 viên đạn diệt 2 xe tăng địch ở vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Tây trước đây).


Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra vũ khí do Quân giới chế tạo tại Việt Bắc (năm 1950).    Ảnh: TL

Thu - Đông 1947, trước tình hình quân Pháp chuẩn bị tiến công lên Việt Bắc, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp lệnh cho Quân giới “lo phân tán và bảo vệ kho tàng, cần phải bảo vệ cơ xưởng”; yêu cầu từ cơ quan Cục Quân giới tới các ty, xưởng quân giới, xưởng vũ khí dân quân khẩn trương triển khai bảo vệ cơ sở sản xuất; chọn các địa điểm sơ tán dự phòng khi địch đánh phá. Các xưởng ở gần thị xã, thị trấn được lệnh chuyển sâu vào khu căn cứ. Xây dựng phương án phòng tránh, sơ tán công nhân, chôn giấu máy móc, nguyên vật liệu và thành lập các đội tự vệ sẵn sàng đánh địch.

Cuối năm 1947, từ Bản Thi, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đi 7km đường núi đến thăm Nha Nghiên cứu kỹ thuật (thuộc Cục Quân giới) đóng quân tại Khe Khao. Đến thăm anh em, đồng chí bày tỏ sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương đối với một cơ quan nghiên cứu sản xuất vũ khí đầu tiên của Quân đội. Đối với đội ngũ trí thức trẻ ở đây, hầu hết đều vừa rời ghế nhà trường (đồng chí gọi vui là “Sinh viên Quân giới”) đã hăng hái theo tiếng gọi của Tổ quốc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, được Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp hết sức quan tâm. Chính nhờ sự động viên đó, nhiều anh em trẻ đã nỗ lực phấn đấu, sau này trở thành những cán bộ khoa học kỹ thuật chủ chốt của Quân đội và đất nước.

“Từng bước xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại để dần dần tự giải quyết những nhu cầu về vũ khí trang bị hiện đại cho lực lượng vũ trang ta”.

(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Có một thực tế khá nan giải, đó là cùng một loại vũ khí nhưng súng xưởng này chế tạo không bắn được đạn do xưởng khác sản xuất; các mặt tiêu chuẩn hóa, quy trình sản xuất vũ khí ở các liên khu, khu rất khác nhau... Để thống nhất trong toàn quân, tháng 9/1948, Cục Quân giới tổ chức Hội nghị Chuyên môn Quân giới lần thứ nhất. Dù đang bận rất nhiều việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành thời gian tham dự Hội nghị và chỉ đạo thống nhất kiểu mẫu vũ khí, phương pháp chế tạo, tổ chức quản lý, sản xuất và đào tạo. Cùng thời gian này, tại Xưởng Lê Lợi (thuộc Liên khu 3), công nhân đang dập vỏ đạn DAM bằng đồng thau từ vỏ đạn pháo cán ra, do trước đó làm bằng đồng đỏ nhưng không đạt yêu cầu. Khi dập xong nguyên công thứ 5, Xưởng nhận được thư của Đại tướng, bức thư có đoạn: “Tôi được anh Thái (đồng chí Nguyễn Duy Thái - Cục phó Cục Quân giới - NV) báo cáo lại công việc chế tạo đạn DAM và có 5 nguyên công. Thay mặt Trung ương Đảng, Quân ủy gửi lời khích lệ và mong các đồng chí đốc thúc việc này cho chóng đến thành công. Công lao ấy đoàn thể sẽ nêu lên để các đồng chí ta ca ngợi và tác dụng của nó đối với cuộc kháng chiến khá quan trọng”.

Chỉ tính các xưởng Quân giới từ Khu 4 trở ra, riêng trong năm 1948 và 1950 đã sản xuất được hơn 1 triệu quả lựu đạn và mìn; gần 900 khẩu súng và 15 vạn quả đạn các loại; hơn 200 tấn hóa chất, thuốc nổ; hơn 2 triệu viên đạn súng trường và tiểu liên. Với những cống hiến, hy sinh của cán bộ, công nhân ngành Quân giới trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ: “Tôi không thể không nhớ tới các cán bộ và công nhân đã hy sinh trong nghiên cứu - thử nghiệm, trong chế tạo vũ khí, trong điều chế hóa chất... Đây thực sự là một mặt trận thầm lặng không thiếu những sáng tạo và chiến công, nhưng cũng đầy rẫy khó khăn gian khổ, thiếu thốn và hy sinh. Hơn hai vạn anh chị em cán bộ và công nhân ngành Quân giới với những người tiêu biểu như Anh hùng Ngô Gia Khảm, Anh hùng Trần Đại Nghĩa… đã đem hết tinh thần cách mạng của giai cấp công nhân, tinh thần lao động sáng tạo và khoa học của người trí thức yêu nước, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, làm ra một khối lượng lớn vũ khí và đạn dược, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho nền công nghiệp quốc phòng và phần nào của nền công nghiệp dân dụng của chúng ta”. Còn với Quân giới Nam Bộ, Đại tướng ca ngợi: “Anh dũng tuyệt vời, sáng tạo vô song. Quân giới Nam Bộ với những thành tích lớn là một ngành tiêu biểu cho tinh thần tự lực, tự cường, dũng cảm tất thắng của đồng bào Nam Bộ và của quân dân Việt Nam anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước nhu cầu về vũ khí trang bị ngày càng nhiều và phức tạp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Quân ủy Trung ương tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ trương “dựa vào sức mình là chính, dựa vào hậu phương ngày càng được mở rộng và củng cố… tự sản xuất một số vũ khí”. Năm 1962, khi Nhà máy Z1 (nay là Nhà máy Z111) cơ bản hoàn thành việc xây dựng, Đại tướng về thăm và chỉ đạo Nhà máy khẩn trương kiện toàn tổ chức để cải tiến, sản xuất vũ khí. Được tin các nhà máy của Cục Quân giới sản xuất thành công súng, đạn cối 160mm chi viện cho chiến trường miền Nam, Đại tướng trực tiếp đến thăm Nhà máy V125 (nay là Nhà máy Z125). Được đồng chí lãnh đạo cao nhất của Quân đội đến thăm, động viên, cán bộ, công nhân như được tiếp thêm sức mạnh. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, các nhà máy Quân giới ngày đêm nỗ lực sản xuất liên tục 3 ca, khẩn trương chế tạo vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác định: “Phải trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mà từng bước xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại để dần dần tự giải quyết những nhu cầu về vũ khí trang bị hiện đại cho lực lượng vũ trang ta”. Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận và khen ngợi: “Quân giới Việt Nam chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn, học tập nữa, học tập mãi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

NGÔ NHẬT DƯƠNG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: