CNQP&KT - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là đầu mối quản lý nhiều doanh nghiệp, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, từ cơ quan Tổng cục đến các doanh nghiệp đã rất chủ động trong thực hiện “mục tiêu kép”: vừa nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực tìm các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về người mà còn làm kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa... với thiệt hại vật chất lên đến hàng nghìn tỷ USD. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém và bất cập trong hệ thống quản trị ở các cấp độ từ toàn cầu, khu vực, quốc gia đến các ngành, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp... Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19; trong đó, Tổng cục CNQP cũng không ngoại lệ. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong Tổng cục, đặc biệt quá trình tổ chức, bảo đảm tiến độ sản xuất quốc phòng và kinh tế theo kế hoạch. Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, như: Nhà máy Z117, Z143, Z175, Z176, Z183; doanh nghiệp hoạt động thương mại và xuất khẩu lao động là Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET). Một số đơn vị thực hiện dự án đầu tư, nhập khẩu linh kiện, vật tư, thực hiện nhiệm vụ có chuyên gia nước ngoài và các đơn vị đóng tàu cũng bị ảnh hưởng từ đại dịch. Cụ thể: Thứ nhất, công tác bảo đảm và tổ chức sản xuất: Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình thông quan, nhập khẩu, phải gia hạn tiến độ giao hàng; đàm phán thương mại bị ảnh hưởng do đối tác chưa xác định được thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, hợp đồng và kế hoạch sản xuất. Vật tư trong nước khan hiếm, giá thành tăng, dẫn đến chi phí đầu vào tăng; khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư thay thế. Cùng với đó, quân số có nhiều biến động, khâu tổ chức lao động bị xáo trộn do các đơn vị phải nghỉ luân phiên, tổ chức sản xuất theo ca, kíp để thực hiện biện pháp phòng chống dịch. Thời gian nghỉ của học sinh kéo dài, đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của người lao động; khó tuyển dụng lao động thời vụ cho sản xuất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Do thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế hội họp, việc tổ chức thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm và phê duyệt giá phải tạm hoãn, chưa thực hiện được. ![]() Nhà máy Z176 sản xuất bộ đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19 phục vụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: PV Thứ hai, hoạt động hợp tác quốc tế và thương mại quân sự: Do đại dịch Covid-19, công tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài và chuyển giao công nghệ ngoài nước bị chậm; việc tổ chức đoàn ra, đoàn vào gặp khó khăn; các hợp đồng, dự án bị đình trệ, trì hoãn đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do hạn chế đi lại trong nước và thủ tục xuất, nhập cảnh.
Thứ ba, việc thực hiện các hợp đồng kinh tế: Trong những tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng cung cấp sản phẩm bị đối tác thông báo dừng, hủy; một số đối tác đóng tàu kéo dài thời gian nhận hàng, cộng với thủ tục thông quan chậm dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho ngoài kế hoạch. Các hợp đồng sản xuất kinh tế trong nước giảm nhiều; việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường giảm; việc bàn giao sản phẩm, vận chuyển hàng hóa tại các đơn vị bị ảnh hưởng. Đặc biệt là Nhà máy Z121, hoạt động sản xuất, cung ứng pháo hoa bị ảnh hưởng nặng nề, tồn kho sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 lên tới hơn 130 tỷ đồng. Sản xuất khung máy khâu xuất khẩu ở Nhà máy Z117. Ảnh: PV Thứ tư, về công tác đầu tư: Công tác đầu tư cũng đang gặp nhiều khó khăn về tiến độ do việc vận chuyển các trang - thiết bị và phụ kiện lắp đặt theo hợp đồng nhập khẩu bị ảnh hưởng; các thiết bị và vật tư cung cấp là loại đặc chủng khó tìm kiếm thay thế. Đối với lĩnh vực đóng tàu, việc đàm phán, ký kết hợp đồng, bảo đảm vật tư, linh kiện, kiểm tra, nghiệm thu các dự án sửa chữa, đóng mới tàu bị ảnh hưởng dẫn đến tiến độ chung của các dự án bị chậm. Trước tình hình đó, Tổng cục CNQP đã quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Thường vụ Đảng ủy Tổng cục đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc quán triệt và ra nghị quyết chuyên đề ở cấp mình. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện đồng bộ từ cơ quan đến đơn vị. Cơ quan chức năng của Tổng cục và các đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, giúp cán bộ, công nhân viên, người lao động chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng dịch. Để thực hiện “mục tiêu kép”, các doanh nghiệp trong Tổng cục đã chủ động tìm kiếm các nguồn vật tư, nguyên vật liệu và trang - thiết bị thay thế để phục vụ cho sản xuất; tăng cường công tác nghiên cứu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng cục đã kịp thời tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét, chỉ đạo; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị bị ảnh hưởng do đại dịch. Một số đơn vị đã nắm bắt thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, như Nhà máy Z176 đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất vải không dệt, nghiên cứu sản xuất khẩu trang phòng dịch và áo bảo hộ y tế, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, góp phần bảo đảm doanh thu, việc làm và thu nhập cho người lao động.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng cục và quyết tâm cao của các đơn vị, Tổng cục CNQP đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Giá trị sản xuất đạt 103,1% kế hoạch năm, tăng 13,2% so với năm 2019; tổng doanh thu đạt 102,5% kế hoạch năm, tăng xấp xỉ 2% so với năm 2019. Đáng chú ý là doanh thu kinh tế đạt 13.503,5 tỷ đồng (bằng 105,5% kế hoạch năm); trong đó, xuất khẩu tiệm cận kế hoạch năm với 2.392,8 tỷ đồng (bằng 98% kế hoạch)... Thu nhập bình quân đạt 12,5 triệu đồng/người/tháng (bằng 104,2% kế hoạch) và tăng trên 11% so với năm 2019. Từ kết quả đạt được trong năm 2020 và căn cứ vào tình hình thực tiễn, Tổng cục CNQP đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch năm 2021, có tính đến các yếu tố ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để cơ cấu lại sản phẩm, ngành hàng với các chỉ tiêu phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi. Với những kinh nghiệm trong chỉ đạo, ứng phó với đại dịch, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng cục CNQP vẫn đạt được những kết quả khả quan. Tổng doanh thu đạt 44,8% kế hoạch năm (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2020); doanh thu kinh tế đạt 6.375,7 tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch năm; thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng/người/tháng, bằng 88,8% kế hoạch năm (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020). Để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra của năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thời gian tới, cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP cần thực hiện tốt các giải pháp sau: Một là, tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là biện pháp “5K”, tránh để dịch bệnh lây lan vào cơ quan, đơn vị. Đây là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu và loại trừ nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Tổng cục. Hai là, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và đóng tàu, trên cơ sở chiến lược trang bị, cần tính toán, cân đối, chủ động đề xuất, báo cáo Bộ Quốc phòng cho phép tạo nguồn vật tư, nhất là vật tư trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu, bảo đảm lượng dự trữ cần thiết cho thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị, theo phân cấp bảo đảm, cần chủ động tìm kiếm thị trường mới cho việc tạo nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào cả trong nước và nhập khẩu; trong đó, tích cực đàm phán, cùng với các đối tác cung cấp vật tư đầu vào, các đối tác tiêu thụ truyền thống để chia sẻ khó khăn về chi phí sản xuất. Ba là, bám sát việc thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế, gia hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; miễn giảm các khoản thu nộp... của Nhà nước cho các doanh nghiệp quân đội để giảm bớt khó khăn; kiến nghị Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ bố trí và giải ngân vốn, quyết toán hoàn thành đối với các dự án đã có trong kế hoạch để tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bốn là, do các yêu cầu về thủ tục và thời gian cách ly y tế khi nhập cảnh, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; qua các kênh ngoại giao, trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hợp tác. Năm là, khi chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ, các đơn vị chủ động cân đối nguồn kinh phí bảo đảm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả trong đơn vị; tích cực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, xử lý công việc trực tuyến để phòng ngừa lây nhiễm virus Sars-CoV-2 trong cơ quan, đơn vị; tích cực áp dụng công nghệ mới trong theo dõi, nhận dạng và phát hiện tiếp xúc gần người bị nhiễm hoặc có nguy cơ bị nhiễm virus Sars-CoV-2 thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh của cá nhân trên tinh thần nghĩa vụ y tế cộng đồng. Sáu là, cơ quan Tổng cục phải đẩy nhanh, rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (cấp giấy phép; mệnh lệnh vận chuyển; phê duyệt các phương án, kế hoạch, tài liệu kỹ thuật, mặt bằng công nghệ...) cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thông qua cơ chế tiền kiểm (kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý trước, kiểm tra thực tế sau); các đơn vị cần tích cực chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để giảm bớt tần suất kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan, góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị trong điều kiện kiểm soát phòng dịch; khuyến khích các doanh nghiệp tích cực sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh; đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong điều hành sản xuất, kinh doanh, đàm phán, ký kết hợp đồng trực tuyến. Bảy là, đối với các sản phẩm kinh tế, các đơn vị tích cực phối hợp với các đối tác để đàm phán ký kết hợp đồng với những điều chỉnh linh hoạt về số lượng, đơn giá, thời hạn giao hàng theo thực tế và có tính đến những diễn biến phức tạp của dịch bệnh để cùng chia sẻ khó khăn, hài hòa chi phí sản xuất; áp dụng các biện pháp tích cực để duy trì việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, tin tưởng rằng, các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục CNQP sẽ vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo. Thiếu tướng NGUYỄN ĐẮC HẢI Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng |