“Có số” muốn chuyển “chuyên nghiệp”!11/08/2021CNQP&KT - Mới đây, trong Hội nghị Quân chính Tổng cục Công nghiệp quốc phòng 6 tháng đầu năm 2021, đại diện Nhà máy Z111 đã đề cập một vấn đề làm nhiều người quan tâm. Đó là, trong khi ở nhiều nơi, những ai là quân nhân chuyên nghiệp đều muốn phấn đấu “lên” sĩ quan, thì ở đơn vị lại xảy ra hiện tượng… ngược lại - người đang là sĩ quan hẳn hoi lại muốn xin chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp! Việc không bình thường ấy thực ra cũng có “cái lý” của nó. Bởi nếu những sĩ quan “có số” không tìm cách kéo dài thâm niên công tác (mà chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp là phương án khả dĩ), thì chắc chắn họ sẽ sớm phải “giã từ vũ khí” khi tuổi đời còn khá trẻ. Cần phải nói rằng, không phải ai cũng am tường mọi chế độ, chính sách của Nhà nước, nhất là với các đối tượng công tác trong lực lượng vũ trang. Ngay trong Quân đội, cùng là quân nhân mặc quân phục, đeo phù hiệu như nhau, nhưng sĩ quan “có số” thuộc diện cơ quan Cán bộ quản lý, tuổi nghỉ hưu được quy định trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn quân nhân chuyên nghiệp (có người gọi là “sĩ quan chuyên nghiệp"), thuộc diện Quân lực quản lý, tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ luật Lao động và Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Hai đối tượng được quy định trong hai bộ luật khác nhau thì đương nhiên chức năng, nhiệm vụ cũng khác nhau. Theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan là người “hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp úy, cấp tá và cấp tướng, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp tham gia một số nhiệm vụ khác”. Trong khi đó, theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, “quân nhân chuyên nghiệp là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp”. Như vậy, sự khác biệt cơ bản về chức năng, nhiệm vụ giữa hai đối tượng có thể hiểu nôm na: sĩ quan “có số” là cán bộ, chỉ huy, quản lý, còn quân nhân chuyên nghiệp chỉ đơn thuần làm chuyên môn, nghiệp vụ. Trên thực tế, không phải không có những trường hợp giao thoa chức năng, quyền hạn hoặc đơn vị “vận dụng linh hoạt” để bố trí người thuộc diện Quân lực quản lý vào vị trí của người thuộc diện cơ quan Cán bộ quản lý. Nhưng đó là vấn đề sẽ đề cập trong một dịp khác… Trở lại vấn đề sĩ quan “có số” muốn chuyển sang “chuyên nghiệp”. Hằng năm, các đơn vị trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đều được bổ sung nguồn sĩ quan được đào tạo bài bản tại các trường trong và ngoài nước. Số sĩ quan này có người phát triển thành cán bộ chủ trì, quản lý ở các phòng, ban, phân xưởng, xí nghiệp của nhà máy, nhưng phần lớn vẫn chỉ là trợ lý, chuyên viên. Sau nhiều lần “đến hẹn nhưng không lên", số sĩ quan không được quy hoạch này bị kịch trần quân hàm. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định, đối với cấp Thiếu tá, hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của sĩ quan (cả nam và nữ) là 48 tuổi. Trong khi đó, theo Bộ luật Lao động (năm 2019), quân nhân chuyên nghiệp có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, nếu quân hàm là Thiếu tá, tuổi cao nhất được nghỉ hưu là 54. Như vậy, đều là cấp hàm Thiếu tá, đều ở tuổi 48 và đều là trợ lý, nhưng đối với sĩ quan “kịch trần” thì buộc phải nghỉ hưu, quân nhân chuyên nghiệp thì còn công tác thêm 6 năm nữa. Đây chính là lý do khiến nhiều sĩ quan trong các nhà máy quốc phòng muốn chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp. Mặc dù Nhà nước cũng có quy định kéo dài thời hạn tại ngũ cho những trường hợp cụ thể (thời gian không quá 5 năm), nhưng đối với các đơn vị cơ sở, số sĩ quan “kéo dài” này không nhiều. Việc nhiều sĩ quan được đào tạo cơ bản, có kiến thức, năng lực phải về hưu khi đang "độ chín" về kinh nghiệm thực tiễn là điều đáng tiếc, nhất là đối với những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghiệp vụ đang công tác trong các nhà máy quốc phòng. Thiết nghĩ, đề xuất kiến nghị của đại diện Nhà máy Z111 tại Hội nghị Quân chính Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về vấn đề “cần có chính sách phù hợp để giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng” đáng được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, xem xét và điều chỉnh kịp thời, tránh lãng phí “chất xám” ở đơn vị cơ sở. NHẤT NGÔN
|