Quân giới Trung Bộ sản xuất, sửa chữa vũ khí06/09/2021CNQP&KT - Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để có vũ khí phục vụ lực lượng vũ trang và nhân dân đánh địch, ở Trung Bộ đã sớm hình thành các xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí. Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ nổ ra, ở Bình Thuận đã có xưởng chế tạo vũ khí với khoảng 200 cán bộ, công nhân luôn tích cực sửa chữa các loại súng, đúc lựu đạn, rèn dao găm, mã tấu… phục vụ các đơn vị đang chiến đấu tại miền Đông Nam Bộ, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp ra Nam Trung Bộ. Tại Ninh Thuận, công nhân cứu quốc ở Đề-pô Tua Chàm đã nhanh chóng lập xưởng sửa súng, sản xuất lựu đạn, mìn, dao găm, mã tấu; nghiên cứu sản xuất cung, nỏ cải tiến, cùng lúc có thể bắn liên tiếp 10 mũi tên, đánh địch rất hiệu quả. Còn ở Khánh Hòa, dựa vào Nhà máy Sơ chế cao su đồn điền Đồng Trăng và máy móc, vật tư của xưởng sửa chữa ô tô tư nhân Phú Xuân Long, đã lập nên Xưởng vũ khí Đồng Trăng, với khoảng 50 công nhân. Lúc đầu, Xưởng rèn giáo mác, sau sửa chữa súng trường, súng máy, sản xuất lựu đạn thường, lựu đạn đập kiểu Nhật, lựu đạn có đuôi tôm và lựu đạn có cần bật kiểu Mỹ. Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm lựu đạn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đồng chí Phạm Bá Đồng đã anh dũng hy sinh. Sau này, Xưởng Đồng Trăng được mang tên là Xưởng Quân giới Đồng Thắng. Tháng 12/1945, căn cứ Đồng Trăng và Xưởng Quân giới Đồng Thắng vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và động viên cán bộ, công nhân viên của Xưởng. Đối với Phú Yên, lúc đầu tỉnh thành lập Ủy ban Quốc phòng chỉ đạo việc sửa chữa và sản xuất vũ khí, sau đổi thành Ban Quân giới và thành lập Xưởng Quân giới Cao Thắng. Có thời điểm, Xưởng có tới 400 cán bộ, công nhân, đảm nhiệm sửa chữa các loại súng, sản xuất lựu đạn, mìn; nghiên cứu cải tiến súng tiểu liên. Một lần thử mìn, công nhân Đoàn Ngọc Lân đã hy sinh, từ đấy Xưởng Cao Thắng mang tên Xưởng Đoàn Ngọc Lân. Khi giặc Pháp đánh chiếm các tỉnh cực Nam Trung Bộ, Xưởng Đoàn Ngọc Lân và một số xưởng vũ khí khác được hợp nhất với Quân giới Phú Yên, tích cực nghiên cứu sửa chữa và sản xuất vũ khí phục vụ lực lượng vũ trang chiến đấu trên mặt trận cực Nam Trung Bộ. ![]() Một xưởng vũ khí ở Nghệ An sản xuất vũ khí cung cấp cho các chiến trường trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: TL Ở Khu 5, trước khí thế sôi sục của cả nước chống thù trong giặc ngoài, đặc biệt là tiếng súng chống xâm lăng từ phía Nam dội ra, các tỉnh Trung Trung Bộ đều tích cực xây dựng các xưởng Quân giới. Hầu hết các xưởng đặt ở miền Tây và vùng hẻo lánh nằm dưới chân dãy Trường Sơn, khí hậu rất khắc nghiệt. Có đồng chí lãnh đạo ở miền Trung hồi ấy nói rằng: “Người làm súng cũng quan trọng như người cầm súng. Phải có người làm súng thì ta mới có súng mà cầm... Hiện nay, người cầm súng rất đông mà người làm súng lại quá ít. Cho nên, yêu nước thiết thực nhất đối với người am hiểu kỹ thuật, biết gò, rèn, đúc, tiện, nguội... là hãy tham gia làm súng”. Do đó, phần lớn công nhân Quân giới Khu 5 lúc đầu là anh em thợ rèn, đúc, tiện, nguội, điện... ở các hãng, xưởng, nhà máy, nhất là các đề-pô xe lửa các tỉnh Trung Bộ. Lúc đầu, khó khăn, thiếu thốn đủ bề (thiếu máy móc, vật liệu, nhiêu liệu, tài liệu kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật chuyên ngành chế tạo vũ khí)… nhưng bằng lòng yêu nước, ý chí kiên cường, cán bộ, công nhân Quân giới Khu 5 đã khắc phục mọi khó khăn, cùng nhân dân địa phương tích cực thu thập các máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật liệu, nhiên liệu từ mọi nơi, nhất là trong các thành phố, thị xã để sửa chữa và chế tạo vũ khí. Tháng 3/1946, đồng chí Hà Văn Tính, Trưởng khoa Quân giới Khu 5, dẫn đầu đoàn cán bộ ra Bắc học hỏi kinh nghiệm, tìm thợ chuyên môn giỏi về vũ khí, xin bổ sung vật tư kỹ thuật… Đến Huế, đoàn đã xin được một số cán bộ kỹ thuật ở Trường Kỹ nghệ thực hành. Khi đến Hà Nội, đoàn đã báo cáo đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân - phụ trách Cục Quân giới lúc đó, xin chi viện nhân lực và trang bị kỹ thuật để phục vụ công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí phục vụ chiến trường.
Trong thời gian này, các tỉnh Khu 5 đều thành lập xưởng vũ khí. Tại Bình Định, dựa vào ga-ra sửa chữa ô tô Trần Hưng Tửu, đồng chí Giáp Văn Cương, vốn là công nhân cứu quốc hỏa xa, đã đứng lên tập hợp một số công nhân đề-pô Diêu Trì, Xưởng Công Chính, Nhà Đèn... thành lập xưởng sửa chữa các loại súng, đặt tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Về sau xưởng mang tên Hoàng Hoa Thám và chuyển lên đóng quân ở An Khê, tiếp tục sửa súng, sản xuất lựu đạn. Xưởng còn tận dụng đạn PIAT (của Anh) sửa lại ngòi nổ để sử dụng. Cũng thời điểm này, ở phía Bắc tỉnh Bình Định còn thành lập Binh công xưởng Quang Trung. Ở Quảng Ngãi, kế tục phong trào sản xuất vũ khí từ khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945), Tỉnh ủy chủ trương phải “tự chế” và “tự sắm” vũ khí; quyết định lấy ngày 27 âm lịch hằng tháng vận động đồng bào góp tiền mua sắm vũ khí và máy móc, vật liệu để chế tạo vũ khí. Đồng chí Hà Văn Tính, Chủ tịch Ban công nhân hỏa xa Quảng Ngãi (sau là Trưởng khoa Quân giới Khu 5) được giao nhiệm vụ tổ chức xưởng vũ khí để kịp thời đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đồng thời, tại huyện Tịnh Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng lập Xưởng Quân giới Phan Diệt (lấy tên một chiến sĩ du kích Ba Tơ đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ). Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, thành lập Ban Tạo tác vũ khí, lúc đầu nhận nhiệm vụ sửa súng, sản xuất lựu đạn; sau đó thành lập thêm các xưởng vũ khí Phan Đăng Lưu, xưởng ở đồn Tân An (Quế Sơn); về sau phát triển thành các binh công xưởng Cao Thắng, Trần Phú, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, cải tiến, sản xuất tiểu liên Xten, nhưng do nhiều khó khăn nên chỉ sản xuất được một số khẩu. Khu vực Tây Nguyên (Khu 15), do yêu cầu cấp thiết của chiến trường Nam Tây Nguyên, khi giặc Pháp tiến công ra Buôn Mê Thuột và cực Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên đã lập xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí từ sớm. Nhưng do có nhiều khó khăn về máy móc, vật liệu, cơ khí, hóa chất, nên chỉ tổ chức một binh công xưởng mang ký hiệu QB450, tập trung sửa chữa súng từ đại liên trở xuống, sản xuất lựu đạn đập, mìn muỗi và nghiên cứu chế tạo súng cối 81mm. Tại Khu 4, các tỉnh đều lập xưởng sản xuất vũ khí. Trong đó, ở Nghệ An có tới 3 xưởng (Đặng Thái Thân, Cẩm Xuyên và Rạng Đông); Thừa Thiên Huế có 2 xưởng (Ngọc Lâm, Phú Lâm); Quảng Trị có Xưởng Đội Quyên; Quảng Bình có Xưởng Trần Táo; Thanh Hóa có Xưởng Cao Thắng. Tất cả các xưởng đều tích cực nghiên cứu sản xuất nhiều loại vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang đánh địch. Như vậy, suốt dải đất miền Trung, từ đồng bằng ven biển đến rừng núi Tây Nguyên, từ sau Cách mạng tháng Tám, đến kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đều triển khai xây dựng các xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí. Phổ biến lúc đầu là rèn dao găm, mã tấu, mác, lao, kiếm, cung; sửa chữa các loại súng trường, súng máy; chế tạo lựu đạn các loại; nghiên cứu sản xuất tiểu liên, súng ngắn, súng trường... sau đó, nghiên cứu sản xuất các loại mìn, đạn, súng tiểu liên, súng ngắn, vỏ đạn ĐAM... Việc sửa chữa và sản xuất vũ khí của miền Trung thời gian này tuy còn những hạn chế, song đã đáp ứng được một phần nhu cầu cấp bách của kháng chiến, góp phần tích cực cùng quân và dân địa phương xây dựng thực lực cách mạng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. HỒ NAM (Theo Lịch sử Quân giới Việt Nam 1946-1954) |