CNQP&KT - Được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Bác Hồ, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Quân giới đã tổ chức được hàng trăm binh công xưởng, bảo đảm kịp thời vũ khí, khí tài, đạn dược cho bộ đội và nhân dân đánh địch.

CÁC XƯỞNG QUÂN GIỚI MIỀN BẮC

 Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Kỹ thuật quân sự Việt Nam đã hình thành, phát triển và mang đậm tính nhân dân sâu sắc. Với ý chí tự lực, tự cường và sự sáng tạo, quân và dân ta đã tìm ra những hướng đi phù hợp để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.

 Với tầm nhìn chiến lược, chỉ 5 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Bộ Tổng Tham mưu để trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang cả nước. Tiếp đó, ngày 15/9/1945, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập với hai nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quân sự hóa toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo đảm cho kháng chiến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược trên phạm vi cả nước.

Để có tiền mua sắm vũ khí, Chính phủ đã lập Quỹ Độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng “để dùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”. Chính phủ đã dành phần lớn trong số 370kg vàng do nhân dân cả nước quyên góp ủng hộ giao cho Quân giới mua sắm vũ khí. Về tổ chức sản xuất, Phòng Quân giới vừa đặt gia công chi tiết bộ phận thay thế và sản xuất vũ khí thô sơ ngay tại các cơ sở công nghiệp ở Hà Nội, như: AVIA, STAR, Trường Kỹ nghệ thực hành... 


Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Xưởng Quân giới Đội Cấn ở Việt Bắc (12/9/1950).  Ảnh: TL

Ở các tỉnh, chính quyền cách mạng cũng tổ chức những bộ phận chuyên lo việc sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang địa phương. Đồng thời, lợi dụng việc quân Nhật đang hoang mang, rệu rã, bằng nhiều biện pháp, chính quyền cách mạng ở một số địa phương đã thương lượng, thuyết phục quân Nhật bàn giao hoặc bán lại vũ khí cho cách mạng. Tiêu biểu ở Hòa Bình mua được hàng nghìn súng trường, súng máy; Vĩnh Yên mua được 2 toa xe lửa vũ khí; Bắc Ninh tịch thu 1 kho thuốc nổ, đạn dược và đạn đại bác 75mm của quân Tưởng.

Cùng với đó, công tác tổ chức sản xuất vũ khí được đặc biệt coi trọng. Những cơ sở Quân giới có từ trước Tổng khởi nghĩa như Làng Chè (ở chân núi Như Nguyệt, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được tách thành 2 xưởng (Xưởng Hóa chất và Xưởng Chế tạo đạn, lựu đạn). Cơ sở Lũng Hoàng (thành lập năm 1944 ở dãy núi Lam Sơn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) chuyển về thị xã Cao Bằng mang tên Quân xưởng Lê Tố, sản xuất mìn, lựu đạn, đạn con và sửa chữa súng pháo. Ở Hưng Yên, chính quyền cách mạng đã trưng dụng một số nhà máy của tư nhân lập ra xưởng chuyên chế tạo đạn. Ở Nam Định, ngoài một xưởng chế tạo đạn, tỉnh còn thành lập thêm 2 xưởng đặt ở Vụ Bản và Đồng Làng.

Tháng 6/1946, Cục Quân giới được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất súng và đạn Bazoka, một loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ, để chống lại xe tăng, xe thiết giáp của địch. Cục Quân giới cùng với Xưởng Giang Tiên tập trung nghiên cứu chế tạo loại vũ khí rất quan trọng này theo mẫu. Đến tháng 11/1946, Xưởng Giang Tiên đã sản xuất được cả súng và đạn Bazoka. Trước đó, vào tháng 10/1946, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tất cả các binh công xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí thuộc Vệ quốc đoàn đều do Cục Quân giới quản lý. Cũng trong năm 1946, Cục Quân giới còn tổ chức thêm các xưởng sản xuất vũ khí ở Hưng Yên, Tuyên Quang, Chi Nê 1, Chi Nê 2, Chi Nê 3.

Bên cạnh các xưởng Quân giới do Quân đội quản lý, thời gian này, nhiều tỉnh ở Bắc Bộ còn lập xưởng vũ khí dân quân, chủ yếu là sản xuất lựu đạn và mìn cung cấp cho lực lượng vũ trang góp phần phát triển chiến tranh nhân dân ở các địa phương. Đến cuối năm 1946, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình... đều có xưởng vũ khí dân quân.

Tại Thanh Hóa, giữa tháng 9/1945, Tỉnh ủy chủ trương rút vật tư thiết bị của Nhà máy điện Hàm Rồng, mỏ crôm ở Cổ Định đưa về Bái Thượng lập xưởng sản xuất vũ khí mang tên Cao Thắng. Lúc đầu xưởng Cao Thắng sản xuất tiểu liên Xten nhưng không thành công, sau đó chuyển sang sửa chữa súng và nghiên cứu sản xuất lựu đạn.

CÁC BINH CÔNG XƯỞNG MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN

Tại Nghệ An, tháng 10/1945, đồng chí Đinh Văn Đức, vốn là công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, Phó Ủy viên quân sự Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu từ Nhà máy xe lửa Trường Thi ra lập Xưởng Đặng Thái Thân. Lúc đầu xưởng đặt ở Nam Đàn, sau đó chuyển về Thanh Chương. Ngoài Xưởng Đặng Thái Thân, Nghệ An còn có Xưởng Rạng Đông, Cẩm Xuyên, chủ yếu sản xuất mìn, lựu đạn, đạn con và sửa chữa súng pháo.

Suốt dải đất miền Trung, từ các tỉnh Bắc Trung Bộ đến cực Nam Trung Bộ, từ đồng bằng ven biển đến rừng núi Tây Nguyên trong thời gian từ sau Cách mạng tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến đều triển khai xây dựng các xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí.

Ở Nam Trung Bộ, Binh công xưởng Xuân Phổ ở Quảng Ngãi phát triển thành 3 binh công xưởng lớn là Phan Diên, Từ Nhại và Lý Văn Bé, có nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo súng trường, súng ngắn, tiểu liên, lựu đạn, địa lôi, súng kíp, kiếm, dao găm, mã tấu và một số dụng cụ, phụ tùng để sửa chữa súng, pháo lấy được của Nhật, Pháp, cung cấp cho chiến trường Liên khu 5 và Nam Bộ.

Tại Bình Định, dựa vào gara ô tô Trần Hưng Tửu, đồng chí Giáp Văn Cương, vốn là công nhân cứu quốc hỏa xa đã tập hợp một số công nhân đề-pô (cơ khí đường sắt) Diêu Trì, xưởng công chính, nhà đèn... tổ chức xưởng sửa chữa súng hỏng và sản xuất lựu đạn. Lúc đầu, xưởng đặt ở Quy Nhơn, sau chuyển lên vùng núi An Khê. Xưởng có gần 100 công nhân, đặt tên là Xưởng Hoàng Hoa Thám. Ở Quảng Ngãi, có Xưởng Vĩnh Tuy sau đổi thành Xưởng Từ Nhại. Tại huyện Tịnh Nghĩa có Xưởng Quân giới Phan Điệt; ở Quảng Nam có Xưởng vũ khí Phan Đăng Lưu. Ngoài ra, Quảng Nam - Đà Nẵng còn có 2 xưởng ở ga Đà Nẵng và ở đồn Tân An (Quế Sơn). Sau các xưởng trên phát triển thành các binh công xưởng Cao Thắng, Trần Phú, chuyên nghiên cứu, sản xuất súng tiểu liên Xten.

Ở Tây Nguyên (Khu 15), do yêu cầu cấp thiết của chiến trường Nam Tây Nguyên nên xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí có từ sớm, nhưng do khó khăn về máy móc, vật liệu nên Quân giới Khu 15 chỉ tổ chức một binh công xưởng mang mật danh QB450 thực hiện nhiệm vụ sửa chữa súng, sản xuất lựu đạn đập, mìn muỗi và nghiên cứu chế tạo súng cối 81mm. 

BINH CÔNG XƯỞNG Ở NAM BỘ

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Yêu cầu cấp bách lúc này là phải có vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang Nam Bộ đánh địch, nhất là mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn. Do vậy, lực lượng Quân giới đã nhanh chóng tổ chức các cơ sở sửa chữa, chế tạo vũ khí. Các tỉnh, thành, huyện, quận thành lập các binh công xưởng hoặc xưởng nhỏ làm nhiệm vụ chế tạo, sửa chữa vũ khí, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết của chiến trường.


Trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất vũ khí ở một xưởng cơ khí Quân giới Nam Bộ thời chống Pháp. Ảnh: TL

Trong các binh công xưởng ở Nam Bộ, nơi sản xuất lựu đạn sớm nhất là Xưởng An Phú Đông (Hóc Môn, Tân Uyên, Lạc An). Đồng chí Chín Ngọc, một công nhân của Xưởng Đóng tàu Ba Son đã tập hợp được hơn 100 công nhân của Xưởng Ba Son, Pha-xi, Si-mác cùng một số máy móc, thiết bị, vật tư đưa ra An Phú Đông lập binh công xưởng. Xưởng vừa thành lập đã được Chi đội 6 (cũng mới thành lập tại An Phú Đông) yêu cầu cung cấp một số vũ khí, chủ yếu là lựu đạn. Đến cuối tháng 10/1945, Xưởng đã sản xuất được 300 quả lựu đạn kịp thời cung cấp cho Chi đội 6 chiến đấu. Đặc biệt, Xưởng đã sản xuất được cả súng cối 81mm, trang bị cho bộ đội chủ lực đánh vào thị xã Biên Hòa đêm ngày 31/12/1946.

Bên cạnh đó, một số công nhân nòng cốt của các xưởng, như: Ba Son, nhà đèn Chợ Quán, Sở mộ phu, Pha-xi, Si-mác, Ca-ríc, Ép-phen, Ro-nôn, Ốt-tô-han, Công ty Xe điện A-ta-ca, kho dầu Nhà Bè, sở Tràng Tiền Gia Định, cơ khí xe lửa Dĩ An... đã chuyển máy móc, nguyên liệu ra vùng ven đô lập nên hàng chục cơ sở sửa chữa, chế tạo vũ khí. Nổi bật có Xưởng Phước Lộc (Nhà Bè), với 80 cán bộ, công nhân và hơn 10 máy tiện, khoan, bào đã sản xuất được từ 20 đến 100 quả lựu đạn/ngày; Binh công xưởng Chi đội 7 sửa chữa vỏ đạn, nhồi lắp đạn DAM, sản xuất địa lôi, lựu đạn và cả tiểu liên Xten, Tôm-xơn, “súng ngựa trời”.

Các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Châu Đốc... đều lần lượt thành lập các xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí với lực lượng nòng cốt là các thợ máy, thợ tiện, nguội, đúc, gò, rèn, mộc, bạc và đoàn viên, thanh niên. Các xưởng trên được tổ chức gọn nhẹ, khi cần có thể dễ dàng di chuyển bằng thuyền trên kênh rạch. Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng. Tháng 5/1946, Chế tạo Quân giới Cục đổi thành Cục Chế tạo Quân giới để thống nhất tổ chức và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở chế tạo vũ khí. Cùng thời gian này, tại các khu cũng thành lập cơ quan Quân giới trực tiếp chỉ đạo các binh công xưởng và xưởng vũ khí dân quân, bảo đảm cung cấp vũ khí cho bộ đội và dân quân tự vệ. Từ cực Nam Trung Bộ trở ra có các ty Quân giới. Khu 7 có Phòng Quân giới, Khu 8 có Ban Giám đốc binh công xưởng. Các ty, phòng, ban Quân giới đều đặt dưới sự lãnh đạo của đảng bộ các địa phương và sự chỉ đạo chuyên môn theo ngành dọc của Cục Chế tạo Quân giới.

Như vậy, từ sau Cách mạng tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến (8/1945-12/1946) là thời kỳ bắt đầu hình thành và phát triển ngành Quân giới Việt Nam. Các hoạt động sửa chữa, chế tạo và cung cấp vũ khí tuy chưa có quy mô và trình độ hiện đại, nhưng lại mang tính nhân dân sâu rộng, đã kịp thời đáp ứng những yêu cầu cấp thiết cho chiến trường; đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để ngành Quân giới phát triển, đáp ứng nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ bộ đội chiến đấu.

Thượng tá, TS. LÊ QUÝ THI

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: