CNQP&KT – Trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), nổ mìn là hoạt động diễn ra thường xuyên, do vậy, việc xây dựng phương án nổ mìn vừa đáp ứng mục đích sử dụng, vừa đảm bảo an toàn là rất quan trọng, đòi hỏi phải chặt chẽ, khoa học và đúng quy định. Phương án nổ mìn là một văn bản pháp lý rất quan trọng trong quá trình sử dụng VLNCN, được lập ra bởi tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN và do lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp phê duyệt. Trong một số trường hợp đặc biệt, phương án nổ mìn phải được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Đây là yếu tố cốt lõi trong thực hiện thủ tục hành chính đề nghị cấp Giấy phép sử dụng VLNCN và thực tế sử dụng VLNCN khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các yêu cầu về phương án nổ mìn được quy định chặt chẽ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, trong phương án nổ mìn phải quy định cụ thể các biện pháp an toàn, bảo vệ, canh gác chống xâm nhập trái phép khu vực nổ mìn; thủ tục cảnh báo, khởi nổ; bảo quản và giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy VLNCN tại nơi nổ mìn và nội dung khác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Phương án nổ mìn cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để lập Hộ chiếu nổ mìn với các chỉ dẫn thi công nổ mìn cụ thể, bao gồm: hướng dẫn cách thức, quy trình triển khai công việc, các thông số kỹ thuật, biện pháp an toàn, giải pháp thực hiện, thời gian, địa điểm và số lượng vật liệu nổ sử dụng... kèm theo đó là các sơ đồ hoặc bản vẽ kỹ thuật. Việc áp dụng sai các quy định kỹ thuật trong việc lập phương án nổ mìn có thể dẫn đến mất an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình sử dụng VLNCN. Thực tế hiện nay, phương án nổ mìn được lập chủ yếu để phá vỡ đất đá, phục vụ khai thác khoáng sản, thi công xây dựng hoặc phá dỡ công trình, bao gồm cả hầm lò, lộ thiên hoặc dưới nước. Tùy theo yêu cầu của quá trình thi công, khai thác, người lập phương án (chỉ huy nổ mìn hoặc chỉ huy công trường) có thể đề xuất phương án nổ mìn với 5 nội dung cơ bản là: (1) Căn cứ lập phương án; (2) Đặc điểm khu vực nổ mìn; (3) Tính toán, lựa chọn các thông số khoan nổ mìn; (4) Các biện pháp bảo đảm an toàn khi nổ mìn; (5) Tổ chức thực hiện. Từ năm 2015 đến nay, bình quân hàng năm, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) thẩm định hồ sơ và cấp khoảng 160 lượt Giấy phép sử dụng VLNCN, trong đó, có khoảng 140 phương án nổ mìn phải thẩm định (các đơn vị quân đội sử dụng VLNCN phục vụ thi công công trình quốc phòng, an ninh không phải nộp phương án nổ mìn trong hồ sơ đề nghị cấp phép). Công nhân Công ty Vật liệu nổ công nghiệp (Tổng công ty GAET) thực hiện dịch vụ nổ mìn trọn gói. Ảnh: CTV Trong quá trình xây dựng phương án nổ mìn, phần lớn các đơn vị sử dụng VLNCN thường có nhiều thiếu sót về nội dung, như: thiếu căn cứ pháp lý; mô tả chưa chính xác, thiếu nội dung về đặc điểm khu vực nổ mìn; tính toán lựa chọn các thông số khoan nổ mìn chưa đúng dẫn đến lựa chọn khoảng cách an toàn, xác định quy mô một lần nổ, lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất bị sai; trình tự thực hiện, thủ tục kiểm soát các bước chưa rõ ràng; chưa quy định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, từng nhóm trong các khâu khoan, nạp, nổ và xử lý sau khi nổ mìn; các quy định về báo cáo, ghi chép các sự kiện bất thường trong đợt nổ mìn cũng chưa được thể hiện đầy đủ. Đặc biệt, cơ chế thẩm định và phê duyệt ở cấp doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ; việc phối hợp với các tổ chức có liên quan để tiếp cận các thiết kế kỹ thuật thi công công trình hoặc thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ còn chưa đồng bộ, dẫn đến các thông tin không đầy đủ, thiếu tính xác thực… Để việc xây dựng phương án nổ mìn bảo đảm chất lượng, chính xác, khoa học, hiệu quả, có tính pháp lý cao, góp phần cho việc giải quyết thủ tục hành chính được thuận lợi, các tổ chức, doanh nghiệp khi xây dựng, ký duyệt phương án nổ mìn cần lưu ý những nội dung sau: Thứ nhất, về căn cứ để lập phương án: Đây là bước quan trọng, có tính chất quyết định nội dung tính toán các thông số khoan nổ mìn và số lượng, chủng loại thuốc nổ sử dụng. Ngoài việc trích dẫn các quy định của pháp luật cần chú ý đến các loại giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; quyết định trúng thầu thi công công trình, hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp trong trường hợp thuê dịch vụ nổ mìn, ký hợp đồng thầu phụ. Bên cạnh đó, cần nêu rõ căn cứ đối với thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng, thiết kế khai thác mỏ có sử dụng VLNCN đối với công trình quy mô công nghiệp; phương án thi công, khai thác đối với hoạt động xây dựng, khai thác thủ công. Trong đó, chú ý về quy cách, tính hợp pháp của thiết kế hoặc phương án kỹ thuật thi công, khai thác. Ngoài ra, doanh nghiệp làm dịch vụ nổ mìn phải căn cứ vào hợp đồng dịch vụ nổ mìn đã ký với bên thuê nổ mìn, trong đó, có những cam kết về mặt pháp lý để cung cấp các hồ sơ kỹ thuật có liên quan, biện pháp phối hợp bảo đảm an toàn và khả năng đền bù nếu có thiệt hại do nổ mìn gây ra... Các căn cứ trên sẽ xác định được quy mô xây dựng hoặc khai thác; tiến độ hoặc năng suất khai thác ngày, tháng, quý, năm; sơ lược về phương pháp xây dựng, khai thác; thiết bị, nhân công, làm cơ sở để tính toán các thông số khoan nổ mìn và số lượng, khối lượng VLNCN cần sử dụng.
Thứ hai, về đặc điểm khu vực nổ mìn: Việc mô tả chi tiết rất quan trọng để xác định bán kính an toàn tối thiểu khi tính toán các thông số khoan nổ mìn. Dựa trên quá trình khảo sát thực tế và kết quả thăm dò khai thác, tổ chức, doanh nghiệp cần lưu ý mô tả đúng vị trí khu vực nổ mìn, cao độ, giới hạn tọa độ kèm theo bản đồ địa hình đúng quy cách về tỷ lệ, rõ về thông tin; bản đồ kèm theo phải được dẫn chiếu cụ thể trong phần mô tả. Đặc điểm dân cư, công trình, nhà không thuộc quyền sở hữu của tổ chức sử dụng VLNCN trong phạm vi bán kính 1km kể từ vị trí nổ mìn (kể cả các công trình ngầm) cũng cần được mô tả chính xác về cự ly, tính chất, loại hình (phân cấp nhà, cấp công trình xây dựng, công trình văn hóa, công trình khác cần bảo vệ...); số lượng công trình, quy mô phân bố và khả năng bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính an toàn tối thiểu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu huỷ VLNCN và bảo quản tiền chất thuốc nổ (QCVN 01:2019/BCT). Mô tả chi tiết cự ly, tính chất các công trình cần bảo vệ... để tính toán, lựa chọn khoảng cách an toàn. Để có căn cứ xác định chỉ tiêu thuốc nổ, phương pháp nổ mìn cần xác định đầy đủ thông tin về nhân tố địa chất, địa hình, như: đặc điểm đất đá khu vực nổ mìn hoặc điều kiện địa chất, môi trường khác (nước, bùn…); hướng, trình tự khai thác, thay đổi về điều kiện địa chất, địa hình theo chu kỳ khai thác và những yếu tố ảnh hưởng khác đến công tác nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn các hộ dân vàcông trình xung quanh. Thứ ba, tính toán, lựa chọn các thông số khoan nổ mìn: Đây là công việc có tính chuyên môn sâu, liên quan đến loại hình nổ mìn (hầm lò, lộ thiên, dưới nước, xây dựng công trình...). Người lập phương án phải có trình độ chuyên môn phù hợp để bảo đảm tính toán, lựa chọn đúng các thông số theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, như: lựa chọn đường kính lỗ khoan, chiều cao tầng H (nếu đào hầm lò thì lựa chọn chiều dài một bước đào), đường cản chân tầng; chiều sâu lỗ khoan;chỉ tiêu thuốc nổ tính toán;lựa chọn phương pháp nổ mìn VLNCN (sử dụng trong môi trường khô, ướt, hầm lò, khí nổ...); khối lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất; tính toán về an toàn, xác định quy mô một lần nổ (kg); lựa chọn khoảng cách an toàn cho người, thiết bị, v.v. Đặc biệt, cần chú ý việc lựa chọn bậc an toàn của công trình và các hệ số tra cứu phải bảo đảm chính xác, logic, hợp lý. Các tra cứu, áp dụng phải tính đến đặc điểm của lỗ khoan (lớn, nhỏ) để tính toán khoảng cách an toàn tương ứng. So sánh kết quả tính toán với đặc điểm khu vực nổ mìn, nếu chưa phù hợp, phải điều chỉnh lại. Việc tính toán lượng thuốc nổ sử dụng phải bảo đảm khoa học, chính xác dựa trên đặc tính cơ lý của đất đá, thiết kế kỹ thuật công trình, định mức pha bổ đá quá cỡ, mô chân tầng theo quy định tương ứng với loại hình khai thác, thi công... Thứ tư, các biện pháp bảo đảm an toàn khi nổ mìn: Đơn vị nổ mìn cần xác định việc bảo đảm an toàn trong tất cả các khâu từ bốc dỡ, vận chuyển, nạp mìn, che chắn chống đá văng, tín hiệu cảnh báo an toàn và giờ nổ mìn, gác mìn cho đến các biện pháp kiểm tra sau nổ mìn và xử lý mìn câm; các quy định bổ sung về biện pháp xử lý, ứng phó khi gặp sự cố về thời tiết, cản trở khác trong các khâu khoan, nạp. Ngoài ra, đối với các khu vực đặc biệt, nhạy cảm cần có thêm chỉ dẫn về việc tăng cường an ninh, an toàn. Đối với nổ mìn trên mặt bằng thi công xây dựng, khoảng cách an toàn tối thiểu được xác định trong bản thiết kế nổ mìn (đặc biệt là nổ mìn trong vùng có dân cư và trong mặt bằng thi công xây dựng) phải có một phần riêng đề cập đến các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn đối với người.Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật đã giới hạn bán kính an toàn tối thiểu, nhưng thực tế tính toán, lựa chọn thông số khoan, nổ mìn có bán kính an toàn không đáp ứng được yêu cầu này thì tổ chức, doanh nghiệp lưu ý các biện pháp bảo vệ, che chắn nhằm giảm khả năng phá hoại của sóng xung kích, đá văng... Đối với thời gian nổ mìn, cần lưu ý lựa chọn thời gian phù hợp với quy định của từng địa phương. Đối với trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật có khoảng cách an toàn không đảm bảo quy định tại khoản 7 Điều 5 của QCVN 01:2019/BCT, phương án nổ mìn phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý và thực hiện giám sát ảnh hưởng nổ mìn theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đồng thời, tổ chức sử dụng VLNCN phải có thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ, che chắn hoặc phương án khắc phục các thiệt hại do nổ mìn (nếu có) gây ra với tổ chức, cá nhân quản lý, sở hữu công trình, tài sản đối. Thoả thuận phải được thực hiện không nhỏ hơn 15 ngày trước khi tiến hành nổ mìn, nội dung phải nêu rõ hiện trạng công trình, các hư hỏng sẵn có, nguồn nước cũng như các vật kiến trúc khác có thể bị ảnh hưởng do nổ mìn. Thứ năm, tổ chức thực hiện phương án: Đơn vị nổ mìn phải bảo đảm đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng VLNCN, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất VLNCN. Trong đó, cần quy định rõ trình tự thực hiện, thủ tục kiểm soát các bước; trách nhiệm của từng cá nhân, từng nhóm trong các khâu khoan, nạp, nổ và xử lý sau khi nổ mìn; yêu cầu về trình độ chuyên môn và hạng thợ mìn tương ứng với điều kiện thực tế nổ mìn... Người lập phương án nổ mìn phải là chỉ huy nổ mìn hoặc chỉ huy trưởng công trường; người ký duyệt phương án phải là lãnh đạo phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các trường hợp đặc biệt, ngoài ký duyệt của lãnh đạo doanh nghiệp, phương án nổ mìn phải được thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sử dụng VLNCN phê duyệt. Nhiều phương án nổ mìn được chỉnh lý nội dung và được quản lý bởi nhiều cấp tổ chức trong nội bộ doanh nghiệp và cơ quan quản lý, do đó, đơn vị nổ mìn cần thực hiện nghiêm túc việc đăng ký số, ký hiệu văn bản, số lượng văn bản theo quy định về công tác văn thư, đóng dấu giáp lai để bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ, thuận tiện trong tra cứu, kiểm soát. Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa việc thẩm định nội dung của phương án nổ mìn trước khi thực hiện thủ tục hồ sơ cấp phép nhằm giảm thiểu những sai sót về nội dung, tránh phải chỉnh lý nhiều lần. Mặt khác, cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện nổ mìn, việc thay đổi chủng loại VLNCN, phương pháp điều khiển nổ hoặc số lượng VLNCN sử dụng lớn hơn quy mô bãi nổ quy định tại giấy phép, thiết kế hoặc phương án nổ mìn đã được phê duyệt sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Có thể nói, phương án nổ mìn là tài liệu pháp lý quan trọng, chứa đựng hàm lượng thông tin khoa học cao, có tính bắt buộc tuân thủ để các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan căn cứ vào đó lập hộ chiếu nổ mìn, thực hiện nổ mìn bảo đảm an toàn, hiệu quả, chống thất thoát VLNCN. Đồng thời, phương án nổ mìn cũng là cơ sở để tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền quản lý, xác định tính đúng đắn, tuân thủ quy định của pháp luật khi truy cứu trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện nổ mìn. Phương án nổ mìn cần được tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN nghiên cứu xây dựng, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đại tá, ThS. TRẦN XUÂN SƠN Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng |