CNQP&KT - Những người đã từng công tác trong ngành Quân giới, không ai là không biết tới Thiếu tướng Nguyễn Duy Thái, một trong những người có rất nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng. Đồng chí Nguyễn Duy Thái sinh năm 1914 tại xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trước Cách mạng tháng Tám, đồng chí Nguyễn Duy Thái học tại Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Sau khi ra trường, đồng chí làm việc trong nhiều xí nghiệp của Pháp ở Hải Phòng và là một cán bộ kỹ thuật nổi tiếng. Sau đó, đồng chí được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Công xưởng thành phố Hải Phòng. Tháng 6/1945, đồng chí tham gia Việt Minh và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 8/1945, trước nguy cơ chiến tranh lan rộng ra cả nước, đồng chí Nguyễn Duy Thái được giao làm Tổng giám đốc các xưởng Quân giới. Ngày 4/2/1947, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 228/NĐ về việc kiện toàn tổ chức Chế tạo Quân giới Cục, cơ quan Cục Quân giới được kiện toàn, hình thành các nha trực thuộc đảm nhiệm từng lĩnh vực công tác, trong đó có Nha Giám đốc các binh công xưởng do đồng chí Nguyễn Duy Thái làm Giám đốc, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng các binh công xưởng; chỉ đạo kế hoạch và kỹ thuật sản xuất các xưởng Quân giới, các ty Quân giới Chiến khu. Trên cương vị là Giám đốc các binh công xưởng, đồng chí Nguyễn Duy Thái luôn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức chế tạo cơ khí bằng cách cho cán bộ, nhân viên được đọc nhiều sách giáo khoa của lớp hàm thụ dự bị kỹ sư tại Pháp mà đồng chí theo học từ ngày còn làm ở Nhà máy Ca-rông Hải Phòng. Hai quyển sách giúp ích nhất cho công việc chế tạo vũ khí là “Chế tạo cơ khí” (Fabrication mécanique) và “Về phương pháp Taylor”. Cũng nhờ có những cuốn sách của đồng chí Nguyễn Duy Thái và một số nguồn tài liệu khác, Cục Quân giới mới có thể mở những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thiết kế, chế tạo vũ khí cho cán bộ của các xưởng Quân giới ở Việt Bắc. ![]() Cục phó Cục Quân giới Nguyễn Duy Thái (thứ 3 từ phải sang), tháp tùng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp kiểm tra vũ khí do Quân giới chế tạo (năm1950). Ảnh: TL Những năm 1948-1950, tại Xưởng Lê Lợi thuộc Liên khu 3, để sản xuất đạn, thời gian đầu, công nhân ở đây dập vỏ đạn bằng đồng đỏ nhưng không đạt yêu cầu, sau đó chuyển sang dập bằng đồng thau lấy từ vỏ đạn pháo, đạt kết quả tốt. Biết được tin này, đồng chí Nguyễn Duy Thái đã trực tiếp báo cáo lên Quân ủy Trung ương. Ngay sau đó, cán bộ, công nhân Xưởng Lê Lợi nhận được thư của Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng - Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức thư có đoạn: “Tôi được anh Thái báo cáo lại công việc chế tạo đạn DAM và có 5 Opérations (nguyên công) như thế nào. Thay mặt Trung ương Đảng, Quân ủy gửi lời khích lệ và mong các đồng chí đốc thúc việc này cho chóng đến thành công”. Từ năm 1951, để chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động nghiên cứu và sản xuất vũ khí, ngành Quân giới tiếp tục sắp xếp lại tổ chức biên chế. Ở cơ quan Cục Quân giới, dưới sự điều hành của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa và Cục phó Nguyễn Duy Thái, công tác nghiên cứu, sản xuất vũ khí từng bước được chỉ đạo tập trung, thống nhất; đường dây liên lạc giữa Cục Quân giới và các đơn vị dần được thông suốt. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ta chủ trương thu hẹp các cơ sở Quân giới, tinh giản quân số, Cục phó Nguyễn Duy Thái là người nhìn xa trông rộng, đã khéo léo giữ lại những cán bộ cốt cán, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, bố trí vào 3 nhà máy sản xuất vũ khí. Chính số cán bộ này đã trở thành nòng cốt trong xây dựng các nhà máy Quân giới, kịp thời sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược phục vụ lực lượng vũ trang thời đánh Mỹ. Tháng 1/1959, Xưởng Quân cụ X10 được mở rộng thành một xưởng cơ khí tương đối hoàn chỉnh. Trong quá trình hoạt động, để khắc phục tình trạng thiếu nguyên vật liệu, nhất là thép, đồng chí Nguyễn Duy Thái đã nêu lên phương án đúc thép bằng lò Betsme như ở Nhà máy Ca-rông thời Pháp thuộc và chỉ đạo Xưởng X10 triển khai. Sau một thời gian nghiên cứu, tính toán, thử nghiệm, tháng 3/1959, Xưởng Quân cụ X10 đã sản xuất thành công một chiếc mỏ neo và một chiếc đe bằng nguyên liệu thép đúc từ lò Betsme. Tiếp đến, để chuẩn bị cho việc sản xuất đảm bảo tiến độ và an toàn, tháng 10/1961, Cục Quân giới tổ chức Hội nghị chuyên đề sản xuất thử súng trường CKC và đạn K56. Dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Quân giới Nguyễn Duy Thái, Hội nghị tập trung thảo luận và quán triệt các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất thử. Với quyết tâm cao, sau khi hoàn chỉnh việc lắp đặt dây chuyền, đào tạo cán bộ, sản xuất thử đợt 2 và kiểm tra bắn thử thành công, năm 1963, Cục Quân giới chỉ đạo Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113) sản xuất hàng loạt đạn K56, kịp thời trang bị cho bội đội ta chiến đấu.
Chấp hành nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngành Quân giới phải có hệ thống nhà máy sản xuất vũ khí bảo đảm cung cấp đồng bộ vũ khí cho sư đoàn bộ binh, trên các cương vị công tác khác nhau, như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Quản lý công nghiệp (năm 1964), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (năm 1968), đồng chí Nguyễn Duy Thái có nhiều sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thu hút viện trợ để xây dựng hệ thống các nhà máy bảo đảm sản xuất và sửa chữa vũ khí trong toàn quân. Đồng chí đã chỉ đạo thiết kế kỹ thuật các trạm, xưởng, đến các nhà máy sửa chữa; đề ra yêu cầu cụ thể về máy móc, dụng cụ, phương tiện, vật liệu cho từng cấp, từ trung đoàn trở lên, cho cả bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ. Nhờ có những biện pháp cụ thể và khôn khéo trong ngoại giao mà chỉ trong thời gian ngắn, ngành Quân giới đã nhận được viện trợ rất nhiều chủng loại máy móc trang bị cho các trạm sửa chữa của đơn vị, các xưởng của quân khu, quân - binh chủng, tạo thành một mạng lưới hoàn chỉnh. Đồng thời, đồng chí còn tranh thủ xin viện trợ các máy móc lẻ để bổ sung cho các nhà máy do ta xây dựng. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Duy Thái nhớ hết ký hiệu các máy công cụ, máy phát điện, nên mỗi lần đi kiểm tra hễ các nhà máy, xí nghiệp nào thiếu là đồng chí đề nghị Bộ Quốc phòng cho bổ sung. Có lần, đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần nói vui rằng đồng chí Nguyễn Duy Thái “chơi máy như chơi đồ cổ”. Nhờ vậy, ngành Quân giới đã có rất nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất các loại vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Bên cạnh việc chăm lo xây dựng ngành Quân giới nói chung, đồng chí Nguyễn Duy Thái rất quan tâm đến Quân giới miền Nam. Sau khi tiếp nhận Đội huấn luyện 557, đồng chí đã cho nâng cấp lên thành trường và tổ chức huấn luyện hàng nghìn cán bộ, công nhân cho Quân giới Miền. Những yêu cầu về thiết bị, dụng cụ, vật liệu của Quân giới Miền đều được đồng chí chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đảm bảo cung cấp ở mức cao nhất. Mỗi lần anh em Quân giới miền Nam ra thăm miền Bắc đều được đồng chí gặp gỡ và giao bộ phận hậu cần bố trí nơi ăn nghỉ hết sức chu đáo. Trong quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Duy Thái lần lượt được giao đảm nhận các chức vụ: Tổng giám đốc các xưởng Quân giới, Cục phó rồi Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Quản lý Công nghiệp (thuộc Tổng cục Hậu cần), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Thứ trưởng Bộ Cơ khí Luyện kim (nay là Bộ Công Thương), Thứ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Đại biểu Quốc hội khóa 3. Cùng làm việc, gắn bó một thời gian dài với đồng chí Nguyễn Duy Thái, Thiếu tướng Phạm Như Vưu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, từng nhận xét: “Đồng chí Nguyễn Duy Thái có nhiều đức tính tốt đẹp mà tôi ghi nhớ mãi không quên. Gắn bó máu thịt với ngành Quân giới, đồng chí kiên trì chăm lo xây dựng và phát triển ngành bền vững, nhất là trước những thử thách về quan điểm trong thời bình, thời chiến ở cấp vĩ mô... Chúng ta sẽ nhớ mãi hình ảnh người Cục trưởng Quân giới tận tụy với ngành, người đồng chí thân thiết, người Anh cả gần gũi”. Đại tá, ThS. NGÔ NHẬT DƯƠNG |