CNQP&KT - So với nhiều nước trên thế giới, Công nghiệp quốc phòng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thành công các loại vũ khí công nghệ cao.

Trong một cuộc trò chuyện với người viết bài này, Trung tướng Phan Thu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP), từng bộc bạch: “Tôi giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng nỗi khát khao thì vẫn còn nguyên vẹn. Đó là CNQP Việt Nam phải sản xuất được tên lửa đạn đạo; phải làm chủ được công nghệ chế tạo vũ khí mới, có điều khiển, hỏa lực càng mạnh càng tốt, bắn càng xa càng tốt”.

Có lẽ, niềm trăn trở và nỗi mong mỏi của Trung tướng Phan Thu cũng là khát vọng của nhiều người về một Việt Nam mạnh mẽ, hùng cường, đủ khả năng đối phó với mọi kẻ thù xâm lược. Nhìn lại chặng đường gần 77 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Bao chiến công hiển hách của người chiến sĩ ngoài mặt trận luôn gắn liền với những đóng góp lặng thầm của người lính thợ Quân giới. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những người lính thợ Quân giới - CNQP tiếp tục cống hiến để làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước.

Tuy vậy, “trông người mà ngẫm đến ta”, phải thẳng thắn nhìn nhận, so với nhiều nước trên thế giới, CNQP Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thành công các loại vũ khí công nghệ cao (còn gọi là vũ khí thông minh, vũ khí tinh khôn). Nhờ ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0, ngành sản xuất vũ khí thế giới đã có những bước tiến vượt bậc. Cùng với các loại vũ khí chiến lược như tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu thế hệ mới, tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân, tàu ngầm không người lái, thì nhiều loại vũ khí được chế tạo dựa trên những nguyên lý kỹ thuật mới, như: vũ khí siêu thanh, vũ khí laser, vũ khí chùm hạt, pháo điện tử, bom thông minh, vũ khí tác chiến vũ trụ… cũng đã được nhiều nước nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa vào trang bị. Trong khi đó, tuy đã có rất nhiều cố gắng, nhưng các loại VKTBKT mới, hiện đại do CNQP Việt Nam nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công vẫn còn ở mức độ rất khiêm tốn... Một trong những nguyên nhân là do CNQP chưa có nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực vũ khí công nghệ cao, vũ khí tích hợp hệ thống. Cùng với đó, cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo VKTBKT của ngành CNQP còn hạn hẹp và thiếu đồng bộ…

Từng đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất ngành CNQP cùng những hiểu biết sâu sắc về ngành, Trung tướng Phan Thu cho rằng: Nhiệm vụ sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội phải là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành trong cả nước. Ở quốc gia nào cũng vậy, nền khoa học kỹ thuật và nền công nghệ cao phải phục vụ cho việc phát triển CNQP. Trong cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay, CNQP Việt Nam phải đi đầu, tiếp cận cái mới nhất của khoa học và công nghệ, có như thế mới làm ra những loại vũ khí công nghệ cao. Vị Tướng cao niên cũng thấu tỏ: “Có làm mới thấy rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều vấn đề phải giải quyết, vượt qua. Nhưng có ý chí, quyết tâm chính trị cao, nhất định chúng ta sẽ chế tạo được các loại vũ khí tiên tiến, hiện đại”.

Cần khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP, nhờ vậy, đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng. Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thời gian tới, Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư nghiên cứu, sản xuất một số chủng loại vũ khí, trang bị hiện đại, tập trung vào các vũ khí chiến lược; tiếp tục hiện đại hóa vũ khí bộ binh; các loại tàu chiến hiện đại; phấn đấu xuất khẩu được một số loại vũ khí, trang bị mang thương hiệu Việt Nam. Đó là những định hướng chiến lược và quá trình thực hiện sẽ nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, trước hết là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, viên chức ngành CNQP.

Đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ nguyên nhân, đề ra phương hướng và giải pháp đúng đắn, phù hợp, nhất định khát vọng nghiên cứu thiết kế, chế tạo được “vũ khí thông minh” của ngành CNQP Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực.

NHẤT NGÔN

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: