CNQP&KT - Một trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quyết định đến vị thế, uy tín và sức mạnh quốc phòng của Nga trên trường quốc tế, đó là thành tựu xây dựng, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP). Vì vậy, trên cơ sở tìm hiểu mô hình của Nga có thể rút ra một số gợi ý cho Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP.

BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN

Nga là một trong những quốc gia có nền CNQP chiếm ưu thế vượt trội, trong đó các tổ hợp CNQP là lực lượng nòng cốt, có ý nghĩa quyết định tiềm lực quân sự và sức mạnh quốc phòng. Sau khi Liên Xô tan rã, kế thừa thành tựu xây dựng, phát triển các Tổ hợp CNQP Liên Xô trước đây, Nga đã rất coi trọng đầu tư xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP theo mô hình và cơ chế mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Mặc dù nước Nga được kế thừa đến 70% tiềm lực CNQP của Liên Xô1, song Tổ hợp CNQP Nga phải trải qua một quá trình xây dựng, phát triển với nhiều thăng trầm và không ít khó khăn, thách thức, đó là: Một là, đơn đặt hàng vũ khí, khí tài quân sự giảm, hoặc Chính phủ chậm thanh toán làm cho tổ hợp CNQP có thời điểm lâm cảnh nợ nần, và để trở lại hoạt động bình thường, cần một khoản cứu trợ khoảng 600-700 tỷ rúp2; Hai là, Tổ hợp CNQP Nga phải tiến hành chuyển đổi toàn diện cả mô hình tổ chức và cơ chế quản lý quy mô lớn; Ba là, doanh nghiệp CNQP nước ngoài thâm nhập sâu rộng thị trường vũ khí, khí tài quân sự của Nga, đẩy không ít sản phẩm do Tổ hợp CNQP Nga sản xuất ra khỏi thị trường nội địa; Bốn là, doanh nghiệp CNQP nước ngoài được mua cổ phiếu của doanh nghiệp CNQP Nga, đã làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CNQP Nga trên thị trường trong nước và thế giới; Năm là, kinh tế ngầm phát triển rất mạnh, đẩy Tổ hợp CNQP Nga vào tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng; Sáu là, đồng nhất sản xuất quân sự và dân dụng, buộc Tổ hợp CNQP Nga hoạt động như doanh nghiệp dân dụng; Bảy là, do thay đổi hình thức sở hữu từ nhà nước là chủ yếu sang sở hữu tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, nên không ít doanh nghiệp thuộc Tổ hợp CNQP Nga đã tiến hành tư nhân hóa; Tám là, các ngành khoa học nền tảng của CNQP chưa được đầu tư đúng mức; Chín là, cán bộ khoa học trẻ không muốn làm việc ở các cơ sở khoa học - công nghệ quốc phòng do cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu.


Triển lãm vũ khí, trang bị tại Nga.  Ảnh: Internet

NGUYÊN TẮC PHÁT TRIỂN

Sau khi kế thừa ngành CNQP nói chung, Tổ hợp CNQP Liên Xô nói riêng, nước Nga phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải trong quá trình xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP. Tuy nhiên, với phương châm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, nước Nga đã thành công trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Một trong những thành tựu to lớn, quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến vị thế, uy tín, tiềm lực quân sự và sức mạnh quốc phòng của Nga trên trường quốc tế, đó là thành tựu xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP. Nhờ vậy, nước Nga đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành một trong những cường quốc về quân sự với sự vượt trội, độc đáo về sức mạnh và tiềm lực CNQP, trong đó tổ hợp CNQP “đóng vai trò then chốt trong việc kiềm chế những kẻ xâm lược tiềm tàng và duy trì cân bằng quyền lực trên thế giới”3. Thành tựu đó được khẳng định từ những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP, đó là:

Thứ nhất, Nga xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là tất yếu khách quan, một hoạt động cấp bách, lâu dài để bảo vệ an ninh quốc gia. Trên thực tế, từ khi Liên Xô tan rã cho đến nay, chưa khi nào nước Nga có được hòa bình thực sự để xây dựng và phát triển đất nước. Nhất là trong thế kỷ XXI phức tạp, nhiều sóng gió, nước Nga luôn ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh vì trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ, văn minh; sẵn sàng hợp tác với tất cả các đối tác nhằm bảo đảm an ninh toàn cầu, bởi nước Nga ngày càng khẳng định vị thế, uy tín và trách nhiệm của một cường quốc.


Hệ thống tên lửa siêu âm Avargard của Nga.   Ảnh: Internet

Thứ hai, nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tổ hợp CNQP. Những năm đầu sau khi Liên Xô tan rã, ngân sách quốc phòng của Nga, nhất là dành cho đầu tư xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP suy giảm đáng kể. Để khắc phục tình trạng này, Học thuyết quân sự Nga kiên định nguyên tắc: “Dù cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ và phương Tây… việc nâng cao tiềm lực quốc phòng và tăng cường vũ khí trang bị mới cho quân đội vẫn là mục tiêu quan trọng hàng đầu”4. Do vậy, Nga chủ trương ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển ngành CNQP, cốt lõi là hiện đại hóa tổ hợp CNQP. Nhờ đó, ngành CNQP cũng như tổ hợp CNQP đã phát triển nhanh chóng và đạt được thành tựu quan trọng, có sức mạnh răn đe vượt trội so với thế giới, “lần đầu tiên không nước nào đuổi kịp Nga và Nga đang sở hữu những loại vũ khí mà các quốc gia hàng đầu khác vẫn chưa chế tạo ra”5. Chính sức mạnh răn đe vượt trội của tổ hợp CNQP đã tạo được môi trường thuận lợi để Nga gìn giữ hòa bình, tập trung phát triển kinh tế.

Nga tiến hành đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ hợp CNQP theo hướng “cốt tinh không cốt nhiều” nhưng không làm suy giảm năng lực sản xuất quân sự.

Thứ ba, mục đích xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP của Nga là duy trì sức mạnh quân sự như một cường quốc; đồng thời phát triển kinh tế nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và duy trì thế cân bằng chiến lược. Với mục đích này, Nga chủ trương từng bước hội nhập với mức độ phù hợp giữa sản xuất quân sự với sản xuất dân dụng nhằm xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại. Nhờ đó, tổ hợp CNQP hoạt động hiệu quả như một khu vực kinh tế đa ngành công nghệ cao, có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu vũ khí, khí tài quân sự hiện đại và thiết bị đặc biệt cho các lực lượng vũ trang của Nga; đảm bảo sự hiện diện chiến lược của các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao của Nga trên thị trường thế giới6.

Thứ tư, sự quản lý nhà nước đối với quá trình xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP giữ vai trò quyết định. Theo đó, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP giữ vai trò then chốt trong giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại… Vai trò quản lý nhà nước đối với ngành CNQP nói chung và tổ hợp CNQP nói riêng thông qua Cục Vũ khí, trang bị. Cục này có nhiệm vụ chuẩn bị chính sách quốc gia về CNQP, bảo đảm thực hiện các chương trình phát triển tiềm lực công nghệ; thực hiện quy định đối với doanh nghiệp CNQP bao gồm từ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, sửa chữa, nâng cấp hoặc loại khỏi biên chế vũ khí, khí tài quân sự… Cục Vũ khí, trang bị cùng với Bộ Quốc phòng và các cơ quan nghiên cứu chương trình quốc gia về vũ khí, khí tài quân sự, nhất là sản xuất vũ khí, khí tài quân sự mới, công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Thứ năm, tham gia Tổ hợp CNQP Nga gồm 4 thành phần: Cơ quan lập pháp (Quốc hội, Hội đồng Liên bang, Tổng thống Nga); Cơ quan hành pháp (Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban các vấn đề về tổ hợp CNQP, Bộ Quốc phòng và một số cơ quan liên quan khác); Giới công nghiệp (các tập đoàn, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp CNQP); Các lực lượng vũ trang (chủ thể đề xuất nhu cầu tiêu dùng quân sự và là đối tượng khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài quân sự do tổ hợp CNQP sản xuất). Quy mô của các ngành công nghiệp trong Tổ hợp CNQP Nga rất đa dạng, bao gồm: công nghiệp vũ khí hạt nhân; công nghiệp vũ trụ; công nghiệp hàng không; công nghiệp đóng tàu quân sự; công nghiệp tăng - thiết giáp; công nghiệp sản xuất vũ khí bộ binh, đạn dược; công nghiệp sản xuất vũ khí pháo binh... Sự tồn tại, phát triển của các ngành công nghiệp trong tổ hợp CNQP phụ thuộc vào yêu cầu của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về nhu cầu sản phẩm quân sự và năng lực chuyên biệt ở từng lĩnh vực công nghiệp.

Thứ sáu, Tổ hợp CNQP Nga có cơ cấu công nghệ phù hợp, linh hoạt giữa sản xuất quân sự và dân dụng; chú trọng công nghệ độc quyền, công nghệ đặc biệt mà các đối thủ chưa có hoặc không thể có. Với chủ trương xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP tinh, gọn, hiệu quả nên khi ngân sách quốc phòng giảm, chỉ còn 5%-6% GDP, Nga tiến hành đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ hợp CNQP theo hướng “cốt tinh không cốt nhiều” nhưng không làm suy giảm năng lực sản xuất quân sự. Doanh nghiệp CNQP được phân ra 3 loại: doanh nghiệp có đơn hàng quốc phòng lớn, chiếm tỷ lệ 90% sản phẩm; doanh nghiệp vừa sản xuất sản phẩm quân sự vừa sản xuất sản phẩm dân dụng; doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm dân dụng7. Đây là căn cứ để chuyển đổi cơ cấu công nghệ giữa sản xuất quân sự và sản xuất dân dụng trong tổ hợp CNQP. Theo đó, trong cơ cấu tổ hợp CNQP có 40% doanh nghiệp CNQP, 60% dân dụng8. Với cơ cấu này, khi có yêu cầu đột xuất, tổ hợp CNQP dễ dàng chuyển đổi từ sản xuất quân sự sang sản xuất dân dụng và ngược lại. Sự chuyển đổi này diễn ra nhanh, đơn giản, bí mật, hiệu quả nhờ bí quyết thay đổi tỷ trọng giữa công nghệ quân sự và công nghệ dân dụng; hoặc nếu phải đầu tư mới loại công nghệ nào thì chi phí thấp, thậm chí không đáng kể.


Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 trang bị tên lửa siêu thanh. Ảnh: Internet

Thứ bảy, sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao do Tổ hợp CNQP Nga sản xuất chiếm ưu thế trên thị trường công nghệ cao. Với khoảng 1.200 xí nghiệp và các tổ chức khác, sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao do tổ hợp CNQP sản xuất chiếm ưu thế trong tổng số sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao của quốc gia, với 100% sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ, quang học, điện tử, vật liệu nổ công nghiệp; 90% trong lĩnh vực đóng tàu, thiết bị điện tử và 70% trong lĩnh vực thông tin liên lạc9. Đây là bước tiến quan trọng trong chính sách xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP sau chiến tranh lạnh, góp phần quan trọng đưa nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc trên thế giới như hiện nay.

Thứ tám, sức mạnh của Tổ hợp CNQP Nga giữ vai trò quyết định để “khả năng phòng thủ của Nga được đảm bảo trước một thập kỷ”10. Với công nghệ độc quyền và tính năng vượt trội mang đặc trưng riêng, tổ hợp CNQP Nga không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà cả thị trường thế giới. Thành tựu được Tổng thống V.Putin khẳng định trong Thông điệp Liên bang năm 2020 rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Nga đã vượt trước các nước khác trên thế giới trong việc phát triển và đưa vào trang bị các loại vũ khí hạt nhân chiến lược hoàn toàn mới”11. Nhờ đó, từ năm 2020 “tỷ lệ vũ khí và thiết bị hiện đại trong lục quân, hải quân, cơ quan an ninh và thực thi pháp luật Nga cần được nâng lên 70% so với 68% hiện nay và sau đó giữ ổn định ở mức này”12. Vì thế, lực lượng vũ trang Nga không ngừng được hiện đại hóa, với tỷ trọng trang bị quân sự hiện đại trong năm 2022 sẽ là 76%; trong đó tỷ lệ tên lửa hiện đại trong lực lượng tên lửa chiến lược là 88% và Quân đội Nga được trang bị hệ thống tên lửa siêu âm Avangard, hệ thống laser Peresvet13. Đó là sức mạnh nền tảng, làm căn cứ để Tổng thống V.Putin tuyên bố: “Nga là nước đi đầu trong việc chế tạo các hệ thống chiến đấu thế hệ mới và phát triển các lực lượng hạt nhân hiện đại, Nga mời các đối tác quốc tế thảo luận việc đảm bảo an ninh tập thể và khái niệm cùng chung sống”14.

VẬN DỤNG VÀO VIỆT NAM 

Xuất phát từ bối cảnh lịch sử và những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng, phát triển Tổ hợp CNQP Nga có thể rút ra một số gợi ý mà chúng ta có thể tham khảo, vận dụng vào việc xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP Việt Nam. Cụ thể là:

Một là, xuất phát từ tính phổ biến của tổ hợp CNQP mà mô hình Tổ hợp CNQP Nga là một điển hình, chỉ ra tính tất yếu khách quan của việc xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam, là một đòi hỏi từ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hai là, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là phương thức hiệu quả để Việt Nam xây dựng, phát triển nền CNQP tự lực, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng. Đây là một trong những thành công quan trọng của Nga và cũng là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay.

Ba là, cơ cấu công nghệ (40% công nghệ quân sự và 60% công nghệ dân dụng) cho phép Tổ hợp CNQP Nga dễ dàng chuyển đổi từ sản xuất quân sự sang sản xuất dân dụng hoặc ngược lại. Đây là một mô hình hiệu quả về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. CNQP Việt Nam có truyền thống và kinh nghiệm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, sẽ tạo thuận lợi trong xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP.

Bốn là, mục đích xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP của Nga tương đồng với tính chất nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Vì vậy, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam không chỉ góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng mà còn xây dựng lực lượng quốc phòng đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và không phương hại đến quốc gia nào.

Xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là phương thức hiệu quả để Việt Nam xây dựng, phát triển nền CNQP độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.

Năm là, nền CNQP Việt Nam là kết quả từ sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, nên công nghệ CNQP Việt Nam mang nhiều nét đặc trưng công nghệ của tổ hợp CNQP Nga. Đặc biệt, hầu hết vũ khí, khí tài quân sự hiện đại của Việt Nam hiện nay do Tổ hợp CNQP Nga sản xuất. Vì vậy, công nghệ quân sự của Tổ hợp CNQP Nga rất phù hợp với yêu cầu nghiên cứu thiết kế, sản xuất, sửa chữa, cải tiến vũ khí, khí tài quân sự của Việt Nam.

Sáu là, Tổ hợp CNQP Nga là kết quả chuyển đổi mô hình tổ hợp CNQP Liên Xô. Vì vậy, xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam theo hướng từng bước hình thành tổ hợp CNQP với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp15 như chủ trương đã được Đảng ta xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII là cách thức thực hiện cơ cấu lại và đổi mới các cơ sở CNQP Việt Nam trong thời gian tới.

Bảy là, Việt - Nga có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, nhất là tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó nhiều thập kỷ. Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước là tài sản vô giá, nền móng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, trong đó có quan hệ hợp tác về quốc phòng và CNQP.

Có thể khẳng định, thành tựu xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại là nhân tố quan trọng, góp phần đưa nước Nga vượt trước nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong việc phát triển, đưa vào trang bị các loại vũ khí hạt nhân chiến lược mới và khả năng phòng thủ của Nga được đảm bảo trước một thập kỷ. Việt - Nga là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và là đối tác chiến lược toàn diện của nhau, trong đó có quan hệ hợp tác về quân sự, quốc phòng. Vì vậy, Việt Nam có thể tham khảo mô hình xây dựng, phát triển Tổ hợp CNQP Nga để xây dựng, phát triển nền CNQP Việt Nam nói chung, tổ hợp CNQP nói riêng trong giai đoạn mới.

PGS, TS. TRẦN ĐĂNG BỘ *

TRẦN THỊ THANH HUYỀN và HOÀNG THỊ THÁI **

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Quốc phòng, Viện Chiến lược quân sự, Một số vấn đề về tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Sách chuyên khảo do Phạm Ngọc Trung, Nguyễn Đình Chiến - Đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010.

2. Trung Hiếu, Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga lâm cảnh nợ nần, https://zingnews.vn, ngày 17/7/2019.

3. Nhật Linh, Khắc Long, Nga xem xét khả năng sửa đổi học thuyết quân sự, https://vtv.vn, ngày 23/11/2019.

4. Thiên Nam, Học thuyết quân sự mới: Nga - Mỹ - NATO và cây gậy hạt nhân, https://datviet.trithuccuocsong.vn, ngày  6/1/2015.

5. Thông điệp của Tổng thống Nga năm 2020, http://www.consultant.ru.

6. Học thuyết quân sự của Liên bang Nga, http://docs.cntd.ru, điểm 52.

7, 8. Bộ Quốc phòng, Viện Chiến lược quân sự, Một số vấn đề về tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Sách chuyên khảo do Phạm Ngọc Trung, Nguyễn Đình Chiến - Đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, tr.212.

9. Ngô Quyền, Vài nét khái lược về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga, http://tapchiqptd.vn, ngày 26/5/2014.

10. Văn Thường, Điểm chính trong Thông điệp Liên bang năm 2020 của Tổng thống Nga Putin, https://vov.vn, ngày 16/1/2020.

11. Lê Thế Mẫu, Hòa bình và phát triển nước Nga nhìn từ Thông điệp 2020 của Tổng thống V.Pu-tin, http://tapchiqptd.vn, ngày 24/1/2020.

12. Duy Trinh, Tổng thống Putin kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự của Nga, https://baotintuc.vn, ngày 23/11/2019.

13, 14. Thông điệp năm 2021 của Tổng thống Nga ,http://www.kremlin.ru.

15. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2016, tr.286.

*Giảng viên Trường Đại học Thành Đô.

** Học viên cao học.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: