CNQP&KT - Nhiều thập kỷ qua, I-xra-en đã đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân thông qua việc xây dựng cơ sở sản xuất và tiến hành thử nghiệm sản phẩm. Trong lĩnh vực này, I-xra-en là quốc gia có tiềm năng lớn ở khu vực Trung Đông và trên thế giới.

QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI

I-xra-en là quốc gia nhỏ, dân số ít, luôn phải đối mặt với những mối đe dọa từ các quốc gia Ả-rập trong nhiều năm qua. Do đó, I-xra-en đặt ra mục tiêu xây dựng một quân đội mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại, trong đó có vũ khí hạt nhân. Theo đó, I-xra-en thành lập Ủy ban Năng lượng nguyên tử, hoạt động bí mật, kỷ luật chặt chẽ, đội ngũ nhân sự được tuyển chọn kỹ càng. Trong quá trình thực hiện các chương trình hạt nhân, I-xra-en được Mỹ và một số quốc gia Tây Âu ủng hộ và hỗ trợ về mọi mặt. Từ năm 1969, Mỹ đã công nhận vị thế cường quốc hạt nhân không chính thức đối với I-xra-en. Sự ủng hộ của Mỹ đối với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của I-xra-en là một trong những lý do chủ yếu gây ra những bất đồng ở Trung Đông và là động lực thúc đẩy các quốc gia trong khu vực xây dựng các chương trình hạt nhân. I-ran và một số quốc gia Ả-rập đã chống lại chế độ kiểm soát gắt gao đối với các chương trình phát triển hạt nhân của họ; còn I-xra-en tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm vũ khí hạt nhân mà không chịu sự kiểm soát quốc tế.


Tên lửa hành trình không đối đất Popeye của I-xra-en.  Ảnh: Internet

Năm 1963, Pháp đã hỗ trợ I-xra-en xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại sa mạc Niu-gi, gần khu vực Đi-mô-na. Đây được coi là cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân chủ yếu của I-xra-en, với công suất 26 mê-ga-oát (MW). Năm 1970, I-xra-en tiếp tục hiện đại hóa cơ sở này, xây dựng cả trên mặt đất và ngầm dưới lòng đất tổ hợp 10 công trình, gồm: tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân; tòa nhà 2 tầng gồm văn phòng, nhà kho, nhà ăn; 4 tầng hầm là khu sản xuất; tầng hầm thứ 5 sản xuất plutonium, lithium, deuterium và berili, dưới cùng là tầng chế tạo vũ khí hạt nhân. Tiếp theo là nhà máy hóa chất sản xuất “lithium-6-deuterium”, uranium tự nhiên và thanh nhiên liệu cho lò phản ứng; nhà máy tái chế chất thải của nhiên liệu hạt nhân; khu vực chuyên mạ các thanh nhiên liệu phản ứng hạt nhân bằng nhôm; khu vực sản xuất điện và một số chức năng phụ trợ khác; khu vực hoàn toàn ngầm dưới lòng đất; các phòng thí nghiệm và đơn vị Unit 840 chuyên vận hành các máy ly tâm phục vụ quá trình làm giàu uranium; nhà máy laser phục vụ quá trình làm giàu uranium và công trình cuối cùng là khu vực sản xuất kim loại làm lõi uranium cho đạn sabot. Năm 1977, I-xra-en tiếp tục hiện đại hóa tổ hợp này, nâng công suất lên 150MW. Sau khi được nâng cấp, lượng plutonium phân hạch tăng từ 7-8kg/năm đến 20-40kg/năm. Nhà máy xử lý nhiên liệu phóng xạ có thể tiếp nhận 15-40kg plutonium phân hạch/năm. Trong điều kiện hoạt động liên tục, lò phản ứng Đi-mô-na có thể sản xuất tới 780kg plutonium phân hạch/năm, 40kg plutonium và 10kg lithium-6/năm. Dựa trên thực tế là việc sản xuất 1 vũ khí hạt nhân cần 4-10kg plutonium-239 và 1 đầu đạn nhiệt hạch với 6kg lithium-6-deuterium, nhiều khả năng I-xra-en có tới hàng trăm đầu đạn hạt nhân và 35 quả bom nhiệt hạch trong kho vũ khí. Quá trình thực hiện, I-xra-en đã tiến hành nhiều bước nhằm gia tăng khả năng dự trữ vật liệu hạt nhân. Năm 1978, I-xra-en đã thực hiện thành công phương pháp tách đồng vị uranium dựa trên sự khác biệt về bản chất của các đồng vị. Nhờ những nỗ lực này, nguồn dự trữ uranium của I-xra-en đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong 200 năm và có thể xuất khẩu uranium. Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, I-xra-en có đủ lượng plutonium để sản xuất 100 quả bom hạt nhân. Nguồn dự trữ plutonium phân hạch được tăng lên đáng kể nhờ lò phản ứng nước nặng công suất 250MW được lắp đặt tại nhà máy điện hạt nhân mới. Hiện, I-xra-en có thể sở hữu 100-200 đầu đạn hạt nhân; khoảng 400-500 vũ khí, trang bị gắn được bom, đạn hạt nhân. Theo thống kê, số lượng vũ khí hạt nhân của I-xra-en hiện xếp thứ 5 thế giới.

Hiện, I-xra-en có thể sở hữu 100-200 đầu đạn hạt nhân; khoảng 400-500 vũ khí, trang bị gắn được bom, đạn hạt nhân. Số lượng vũ khí hạt nhân của I-xra-en xếp thứ 5 thế giới.

MỘT SỐ TRANG, THIẾT BỊ MANG VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Tên lửa đạn đạo

Các lực lượng vũ trang I-xra-en có kế hoạch trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo tại các căn cứ trên đất liền và trên biển. I-xra-en đã xây dựng quân đội có lực lượng tên lửa mạnh nhất khu vực Trung Đông và phần lớn do nước này tự nghiên cứu chế tạo. Năm 1963, I-xra-en phát triển tên lửa loại Jericho với nhiều tầm, trong đó tên lửa tầm ngắn Jericho-1 có tầm bắn 480km. Quân đội I-xra-en được trang bị khoảng 50 tên lửa Jericho-1, 100 tên lửa Jericho-2. Năm 1989, I-xra-en đã thử nghiệm thành công tên lửa Jericho-2B với tầm bắn 1.500km, có khả năng bắn phá các mục tiêu trên lãnh thổ Li-bi, I-ran và miền Nam nước Nga. Đáng chú ý,  năm 2008, I-xra-en đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo mới Jericho-3, sử dụng nhiên liệu rắn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ 1.000-1.300kg, tầm bắn từ 4.800km-6.500km.


Phóng tên lửa đạn đạo từ căn cứ không quân Palmachim ở miền Trung I-xra-en (tháng 7/2018).    Ảnh: Internet

Tháng 9/1989, I-xra-en đã sử dụng tên lửa Shavit đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo Trái Đất. Tên lửa này đóng vai trò như một phương tiện vận chuyển các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ với tầm xa trên 4.500km, giới hạn hoạt động lên tới 7.000km. Do đó, tên lửa loại này được sử dụng vào mục đích nghiên cứu không gian và là cơ sở để nghiên cứu chế tạo tên lửa xuyên lục địa.

Tên lửa hành trình

Từ năm 1990, chương trình hạt nhân của I-xra-en phát triển thêm một hướng mới liên quan đến tên lửa hành trình dựa trên nguyên mẫu tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Tháng 5/2000, I-xra-en đã tiến hành thử nghiệm loại tên lửa hành trình Popeye Turbo do nước này tự sản xuất. Tên lửa này có khả năng phá hủy các mục tiêu trong khoảng cách 1.500km; mang đầu đạn hạt nhân nặng 200kg, trong đó có 6kg plutonium. I-xra-en cũng đã phát triển loại tên lửa hành trình Popeye II (Have Lite), có trọng lượng và kích thước nhỏ, được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại. Theo thông tin, từ tháng 7/1998, I-xra-en triển khai kế hoạch chế tạo một loại tên lửa hành trình mới trên cơ sở Popeye II, có tầm bắn xa tới 400km.

Tàu ngầm

Giữa những năm 1990, I-xra-en đặt mua của Đức 3 chiếc tàu ngầm lớp Dolphin - loại tàu ngầm có thể hoạt động độc lập liên tục trong 30 ngày, đêm. Đến năm 2000, I-xra-en nhận bàn giao tàu Dolphin và đưa vào biên chế của hải quân. Theo các chuyên gia, tàu ngầm này có thể được trang bị phiên bản nâng cấp của tên lửa Harpoon sản xuất tại Mỹ. Tên lửa Harpoon được thiết kế dành cho tàu ngầm với nhiệm vụ bắn hạ các mục tiêu trên bờ và dưới nước với khoảng cách tới 130km. Các kỹ sư I-xra-en đã điều chỉnh số lượng vật liệu hạt nhân trong đầu đạn tên lửa Harpoon và thay đổi hệ thống điều hướng tên lửa phù hợp với mục đích bắn hạ các mục tiêu trên bộ. Mỗi tàu ngầm mang theo 5 quả tên lửa Harpoon. Hiện, 3 chiếc tàu ngầm Dolphin của I-xra-en đang hoạt động trên biển Địa Trung Hải.

Máy bay

Không quân I-xra-en được trang bị các loại máy bay tiêm cường kích mang vũ khí hạt nhân, gồm: F-15, F-16, F-4E Phantom và An-4N Sky Hawk. Theo thiết kế ban đầu, máy bay F-15 Strike Eagle chuyên phá hủy mục tiêu trên không, nhưng cũng có khả năng mang vũ khí hạt nhân để phá hủy các mục tiêu trên mặt đất. Theo giới quân sự, I-xra-en đã dùng máy bay F-15 Strike Eagle thử nghiệm đánh phá các mục tiêu trên mặt đất và cho rằng, những máy bay trên đều có khả năng mang theo bom hoặc tên lửa hạt nhân.


Tiêm kích F-16 mang tên lửa hành trình.  Ảnh: Internet

Pháo binh

Quân đội I-xra-en được biên chế các khẩu pháo có khả năng bắn các đầu đạn hạt nhân. Lực lượng Lục quân I-xra-en được trang bị pháo tự hành và pháo xe kéo 175mm, 155mm. I-xra-en đang sở hữu đạn hạt nhân dùng cho pháo 203,2mm, 175mm và 155mm. Gần đây, I-xra-en đã nhiều lần bắn thử nghiệm đạn pháo thường và đạn pháo hạt nhân.

Có thể thấy, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, I-xra-en đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung, vũ khí hạt nhân nói riêng. Hiện, I-xra-en là quốc gia duy nhất ở Trung Đông sở hữu lực lượng hạt nhân ở cả trên bộ, trên biển và trên không; kéo theo sự chạy đua vũ trang giữa các quốc gia trong khu vực, làm gia tăng sự căng thẳng tại Trung Đông vốn bất ổn và phức tạp nhiều năm qua.

HẢI PHONG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: