CNQP&KT - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong di sản tư tưởng to lớn của Người về xây dựng Đảng có nhiều nội dung quan trọng, sâu sắc, trong đó có bảo vệ chính trị nội bộ.

Trong tình hình hiện nay, việc làm rõ tư tưởng của Người về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, chống mọi quan điểm thù địch và những biểu hiện cơ hội, sai trái càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, góp phần thực hiện tốt chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Dưới đây là những nội dung chính:

Thứ nhất, bảo vệ Đảng về chính trị. Trước hết là phải bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn là một vấn đề “gốc”, nền tảng, cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn mới làm cho nhân dân giác ngộ về mục tiêu đấu tranh, mới hiểu rõ tình hình cách mạng và ý thức rõ được những việc nên làm. Vì vậy, muốn thực hiện được điều đó, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin trong cán bộ, đảng viên. Trong bài Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 7/9/1957, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận vạch cho Đảng con đường đúng đắn tiến lên chủ nghĩa cộng sản”1. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên trong học tập lý luận, cần phải: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”2. Để bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên. Tính đảng là gì? Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết. Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Đồng thời, theo Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng về chính trị cần phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, sâu sắc thì mới có đủ cơ sở, điều kiện để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động của kẻ địch nhằm bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.

Thứ hai, bảo vệ Đảng về tư tưởng.Để bảo vệ Đảng về tư tưởng, theo Hồ Chí Minh, phải giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đó là, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thường xuyên tự phê bình và phê bình; giữ gìn sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân mang bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

“Phải có tinh thần cảnh giác, phòng gian, bảo mật. Việc đó chúng ta làm chưa được tốt lắm. Các nơi còn làm lộ bí mật, cán bộ còn nói lung tung, làm lộ bí mật của Đảng, của Nhà nước. Bệnh ba hoa còn nhiều…”.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Thứ ba, bảo vệ Đảng về tổ chức.Theo Hồ Chí Minh, bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng cần phải giữ vững các nguyên tắc tổ chức và duy trì kỷ luật nghiêm minh. Nếu kỷ luật Đảng lỏng lẻo thì những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào Đảng để phá hoại. Đối với những kẻ xấu phá hoại Đảng đã bị phát hiện phải xử lý nghiêm minh. Song, phải xác định rõ từng đối tượng để xử lý đúng người, đúng tội. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng việc phòng gian bảo mật, coi giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Người chỉ rõ: “Phải có tinh thần cảnh giác, phòng gian, bảo mật. Việc đó chúng ta làm chưa được tốt lắm. Các nơi còn làm lộ bí mật, cán bộ còn nói lung tung, làm lộ bí mật của Đảng, của Nhà nước. Bệnh ba hoa còn nhiều; còn làm mất tài liệu bí mật…”3. Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý việc phải dựa vào nhân dân, tổ chức và động viên nhân dân tích cực tham gia bảo vệ Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa  vào nhân dân, thì việc gì cũng xong”4.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951).     Ảnh: TL

Trong bối cảnh hiện nay, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tới sự nghiệp đổi mới. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá về chính trị, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo;  tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình”. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng tăng; trật tự an toàn xã hội vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp… Tình hình nêu trên sẽ tác động mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra phương hướng trong công tác xây dựng Đảng: “Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ…”5. Nhằm tăng cường, củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng, cần có những giải pháp đồng bộ, nắm vững, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Cụ thể là:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đặc biệt là tiếp tục “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách thiết thực, hiệu quả. Kết hợp với đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, phê bình, tự phê bình. Cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước phải thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Kịp thời ngăn chặn những diễn biến xấu về chính trị, tư tưởng, phòng chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm trong nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

“Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

  (Nguồn: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

Hai là, lực lượng tiến hành bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng, bao gồm toàn thể hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên. Nhưng trước hết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, đứng đầu là đồng chí bí thư cấp ủy; các ban Đảng... Đây là những lực lượng rất quan trọng, đóng vai trò vạch lối, chỉ đường và tổ chức thực hiện; đồng thời, lực lượng trực tiếp bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng đó là các nhà khoa học chính trị, các chuyên gia hoạt động thực tiễn; cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, đảng viên… giữ vai trò chủ đạo, xung kích. Để bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng có hiệu quả, đòi hỏi người làm công tác này phải có chuyên môn cao, hiểu sâu, nắm chắc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương về xây dựng Đảng; đồng thời, thường xuyên nghiên cứu những vấn đề của thực tiễn trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng của thế giới đương đại và trong nước. Qua đó, củng cố và tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.

Ba là, để bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng, cần thực hiện tốt mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Nguyên lý này được quy định bởi vai trò và sức mạnh của nhân dân, vì dân là “gốc” của nước, là cội nguồn sức mạnh, là lực lượng to lớn của Đảng, của cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”6. Giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân chính là khơi dậy, quy tụ sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tạo dựng lòng tin và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng. Mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân không chỉ thể hiện ở mục đích hoạt động của Đảng, nó còn được biểu hiện sinh động trong phương pháp, cách thức hoạt động của Đảng trong quan hệ với dân, nhất là hoạt động của các cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự “cần, kiệm, liêm, chính” để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải hoan nghênh ý kiến phê bình của nhân dân, chân thành tiếp thu phê bình và quyết tâm sửa chữa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị hết sức to lớn đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Thời gian càng trôi đi, giá trị lý luận và thực tiễn căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng càng to lớn, là một việc làm quan trọng và cấp thiết nhằm xây dựng Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh.

TS. VŨ QUANG ÁNH*

ThS. VŨ QUANG HƯNG**

*Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

**Học viện Chính trị Công an nhân dân.

____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.93.

2. Sđd, tr.611.

3. Sđd, t.15, tr.22.

4. Sđd, t.15, tr.498.

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.2, tr. 228-229

6. Sđd, t.15, tr.280.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: