CNQP&KT - Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vững mạnh về mọi mặt được Đảng xác định là “nhiệm vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân…”1.

Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm bổ sung, phát triển chủ trương, đồng thời tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP, AN) ngày càng vững mạnh. Chủ trương đúng đắn của Đảng đã góp phần định hướng cho CNQP, AN phát triển nhanh, bền vững, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, cụ thể là: “Công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiều thiết bị máy móc, sản phẩm dân dụng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”2. Đồng thời, “từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật, cũng như phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ,... cho lực lượng vũ trang nhân dân”3. Những kết quả này đã giúp cho “các quân chủng, binh chủng trong Quân đội và các lực lượng trọng yếu của Công an được củng cố, tăng cường; các vũ khí, khí tài được nâng cấp và trang bị tốt hơn”4; nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế, bất cập cần khắc phục, như: Yếu tố con người chưa được đầu tư thích đáng, chưa thu hút được nhiều nhân tài vào ngành CNQP, AN. Đáng chú ý, “việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang bị phương tiện, nâng cao chất lượng vũ khí cho lực lượng vũ trang mặc dù đã được quan tâm đặc biệt nhưng vẫn còn có mặt hạn chế so với đòi hỏi của yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”5; chất lượng một số sản phẩm thiếu ổn định, độ tin cậy chưa cao…


Sản phẩm súng bộ binh do Nhà máy Z111 sản xuất.  Ảnh: TUẤN MINH

Để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, tại Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”6. Đây là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng khi xác định quan điểm về xây dựng, phát triển nền CNQP, AN trong giai đoạn hiện nay. Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, cần quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quá trình xây dựng và phát triển CNQP, AN.

“Đảng luôn nắm vững quyền lãnh đạo cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Mọi hoạt động, mọi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, ở đâu, bất cứ cấp nào cũng đều đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, tuyệt đối của Đảng”7. Trên thực tế, xây dựng và phát triển CNQP, AN là nhiệm vụ mang tính đặc thù, một bộ phận của nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia; đây cũng là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau và rất dễ nảy sinh những hạn chế, thiếu sót. Do đó, phải luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quá trình xây dựng và phát triển CNQP, AN.

“Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”.

 (Nguồn: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu suốt việc xây dựng, phát triển CNQP, AN là nhiệm vụ chiến lược của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng, phát triển CNQP, AN. Từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các chương trình, mục tiêu, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Phát huy vai trò của tổ chức đảng và người chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị của ngành CNQP, AN, trong xác định chủ trương và tổ chức thực hiện. Gắn chương trình, đề án phát triển CNQP, AN với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch phát triển công nghiệp của từng địa phương, từng ngành. Kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập và rút ra những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển CNQP, AN.

Rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình xây dựng và phát triển nền CNQP, AN hiện đại, lưỡng dụng; trong đó, nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định. Theo C.Mác, con người là yếu tố số một của lực lượng sản xuất, muốn có nền sản xuất hiện đại thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần thực hiện tốt quan điểm: “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”8.

Trước hết, cần chú trọng việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thu hút và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Các cơ sở nghiên cứu, sản xuất của Quân đội, Công an phải thực hiện tốt việc đào tạo và tuyển dụng; “chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ chất lượng cao cho những ngành đặc thù, nhất là các chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư”9. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong lĩnh vực CNQP, AN có đủ phẩm chất và năng lực, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tâm huyết với công việc. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút nhân tài và tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ cán bộ trẻ, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới.

Để giúp cho ngành CNQP, AN phát triển bền vững, hội nhập quốc tế thuận lợi, đội ngũ cán bộ công tác trong ngành cần được trải nghiệm thực tiễn và bổ sung kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp quốc tế; về các loại vũ khí, công nghệ quân sự, an ninh và các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, kỹ năng làm việc với các đối tác nước ngoài...


Dây chuyền sơn đạn pháo của Nhà máy Z113.     Ảnh: LÊ NAM

Ba là, đầu tư thích đáng cho phát triển CNQP, AN.

Trong những năm qua, việc “đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh được chú trọng, nhất là những ngành mũi nhọn, đặc thù. Việc huy động tiềm lực khoa học - công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh có bước chuyển tích cực; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này được mở rộng. Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, đúng định hướng”10. Trong thời gian tiếp theo, cần thực hiện tốt chủ trương “đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”11. Trước hết, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP, AN phù hợp với điều kiện mới. Trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cần chú ý tháo gỡ các “rào chắn” để khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng; có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ địa phương và xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Phát huy cao nhất các nguồn lực hiện có của đất nước; tiếp thu và làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại; tiến tới làm chủ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại vũ khí thông minh, với lộ trình và bước đi thích hợp, sát với điều kiện thực tiễn của đất nước, nhưng có sự đột phá, trên cơ sở mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế quốc phòng, an ninh.

Bốn là, các sản phẩm của CNQP, AN vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”12. Vì vậy, nền CNQP, AN không chỉ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. CNQP, AN phải được xây dựng để trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, luôn đi đầu trong sản xuất các sản phẩm đặc thù, có hàm lượng tri thức cao; bảo đảm an toàn, bảo vệ người tiêu dùng và thân thiện môi trường. Đảm nhiệm việc sản xuất trên các lĩnh vực quan trọng, mà các ngành kinh tế khác chưa hoặc không làm được để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, huy động có hiệu quả sự tham gia của khoa học - công nghệ quốc gia, công nghiệp dân sinh cho nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP, AN. Đầu tư xây dựng có trọng điểm một số cơ sở CNQP, AN có công nghệ tiên tiến, làm nòng cốt xây dựng các tập đoàn, tổ hợp CNQP, an ninh hiện đại.

“Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”.

 (Nguồn: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

Năm là, chú trọng phát triển công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng các loại vũ khí, trang bị hiện có.

Trên thực tế, nhiều loại vũ khí, trang bị của lực lượng vũ trang đã được đưa vào biên chế từ rất lâu, quá trình sử dụng cần sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo quy định. Thời gian qua, “công nghiệp quốc phòng, an ninh đã từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật, cũng như phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ,... cho lực lượng vũ trang nhân dân”13. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải sử dụng một nguồn kinh phí rất lớn để thuê chuyên gia nước ngoài định kỳ hoặc đột xuất bảo dưỡng, sửa chữa một số loại vũ khí. Đáng chú ý, có nhiều loại vũ khí chúng ta vẫn đang phải nhờ nước ngoài giúp đỡ sửa chữa, bảo dưỡng. Vì vậy, cần tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng, an ninh theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, giữa sản xuất và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Có thể nói, xây dựng, phát triển CNQP, AN hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, cần quán triệt và có bước đi, cách thức tiến hành khoa học, vững chắc, phù hợp với thực tiễn, hiệu quả cao,… góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại theo lộ trình đã xác định.

Thượng tá, TS.NGUYỄN VĂN TRƯỜNG

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, tập 2, Hà Nội, tr. 56.

3, 13. Bế Xuân Trường (2018), Đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 12/7/2018.

4, 5, 7. Hội đồng Lý luận Trung ương (2020), 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, tr. 179, 182-184.

6,  8, 9, 11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, tập 1, Hà Nội, tr. 158-159, tr. 160, tr.279.

10. Trần Hồng Minh (2021), Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9/2021, Hà Nội.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: