CNQP&KT - Theo các nhà phân tích quân sự, vũ khí năng lượng định hướng là yếu tố quan trọng của chiến tranh trong tương lai; trong đó, vũ khí vi sóng sẽ trở thành nhân tố mang tính cách mạng.

ĐẶC ĐIỂM VŨ KHÍ VI SÓNG

Vũ khí vi sóng là một loại vũ khí năng lượng định hướng, được chế tạo trên cơ sở ứng dụng công nghệ vi sóng năng lượng cao; có thể tấn công các hệ thống điện tử, gây ra những tác động làm gián đoạn, gây hư hại hoặc phá hủy thiết bị đó. Vũ khí vi sóng có thể áp đảo khả năng của một mục tiêu thông qua việc làm hư hại và phá hủy các mạch điện tử, phụ tùng và các hệ thống nhánh; khiến đối phương phải “gia cố” lại toàn bộ hệ thống để chống lại những tác động của loại vũ khí này. Vũ khí vi sóng có một số đặc điểm chính là:

Nhiều điểm truy nhập: Có rất nhiều đường và điểm truy nhập mà thông qua chúng những phát xạ vi sóng có thể thâm nhập vào các hệ thống điện tử. Nếu những phát xạ vi sóng xuyên qua ăng-ten hoặc các xen-xơ đang hoạt động của mục tiêu, thì đường truy nhập này là “cửa trước”; nếu đi qua các khe, điểm nối, các đường dây điện, cáp điện… thì đường này gọi là “cửa sau”.

Tác động dần dần đến mục tiêu: Các phát xạ vi sóng có tác động đến các mục tiêu điện tử từ trong ra ngoài và không phá hủy tính chất vật lý của mục tiêu, nhưng có thể phá hủy hay phá vỡ các phụ tùng riêng lẻ, kể cả mạch điện tổng hợp, bảng điện và các công tắc tự động... Các hệ thống vũ khí này có khả năng tạo ra những tác động dần dần đến các thiết bị điện tử, tùy theo năng lượng mà nó “gắn kết” với mục tiêu. “Năng lượng được gắn kết” có nghĩa là năng lượng nhận được và sau đó truyền vào các thiết bị điện tử thông qua các mạch điện của các mục tiêu.

Tính phi sát thương của vi sóng: Các thiết bị điện tử rất nhạy cảm với các phát xạ vi sóng, đặc biệt là các mạch tổng hợp, vi điện tử và các chi tiết trong hệ thống điện tử hiện đại. Tính phi sát thương của tác động điện tử có thể làm rối tung hay gây nhiễu; làm suy biến, hư hại hay chốt chặt hệ thống hoặc phá hủy nó. Mật độ năng lượng nhận được tại mục tiêu sẽ dao động từ 1 mi-crô oát/cm2 (10-6 oát/cm2) đến 1 mi-li oát/cm2 (10-3 oát/cm2), tùy  theo khoảng cách giữa hệ thống vũ khí vi sóng và mục tiêu. Những tác động phụ thuộc vào mức năng lượng mà vũ khí tạo ra, khoảng cách giữa vũ khí và mục tiêu, sự phát xạ vi sóng (tần số, tốc độ phát tán, thời gian xung…) và tính dễ bị tổn thương của mục tiêu đối phương.


Mô hình vũ khí vi sóng trong tác chiến vũ trụ. Ảnh: Internet

Chỉnh sửa mục tiêu: Mọi mục tiêu của đối phương đều bị tác động bởi hệ thống vũ khí vi sóng nếu nằm trong phạm vi sát thương của vũ khí đó. Khả năng phán đoán và sửa chữa phải nhờ vào những kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm và cần đến vài tuần để phát hiện, “mổ xẻ” và sửa chữa lại toàn bộ hệ thống.

Vũ khí diện: Mỗi vũ khí vi sóng là một vũ khí diện mà “dấu vết” của nó được xác định bởi tần số, trường nhìn của ăng-ten và cự ly tới mục tiêu. Phần lớn các ăng-ten có trường nhìn có thể đo được từ một vài chục độ. Vũ khí vi sóng có thể hoạt động mà không đòi hỏi nghiêm ngặt về chỉ thị và bám mục tiêu như vũ khí laser hoặc đạn “thông minh”. “Dấu vết” của vũ khí vi sóng có thể là một diện 2 chiều của các mục tiêu trên bộ, hoặc khối hình nón ba chiều đối với các mục tiêu trên không hay trong vũ trụ; có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Ví dụ, nếu mục tiêu của vũ khí vi sóng là đoàn xe của đối phương, thì một tên lửa đất đối không nằm trong dấu vết hình nón của vũ khí vi sóng cũng có thể bị tác động. Một lợi thế khác của vũ khí này là ăng-ten dường như là một vật mờ ảo nguyên khối, nhưng thực tế có thể bao gồm nhiều thiết bị phát mạng pha, cho phép hòa nhập vào trong một hệ thống vũ khí, như cánh hoặc thân của một máy bay.


Hệ thống vũ khí vi sóng năng lượng cao của hãng Raytheon (Mỹ). Ảnh: Internet

Không nhạy cảm với thời tiết: Vận tốc vi sóng năng lượng cao bằng vận tốc ánh sáng. Tuy nhiên, không giống như tia laser, tần số vi sóng không nhạy cảm với thời tiết, có nghĩa là sự phát tán vi sóng có thể thâm nhập vào trong các đám mây, hơi nước, mưa và bụi. Do vậy, vũ khí vi sóng có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Tầm xa, ổ đạn sâu, kích thước ngày càng lớn: Vận tốc vi sóng năng lượng cao nhanh gấp 40.000 lần tốc độ của tên lửa đường đạn. Ngoài ra, với công nghệ hiện nay, tầm của một vũ khí vi sóng chiến thuật có thể đến hàng chục km và tiếp tục tăng tầm trong tương lai. Đồng thời, vũ khí vi sóng có một “ổ đạn sâu” có thể phát ra năng lượng. Kích cỡ của các hệ thống vũ khí vi sóng phụ thuộc vào mục tiêu, ứng dụng giao phát, hiệu quả mong muốn nên phù hợp với các hoạt động tác chiến bí mật. Ngoài ra, vũ khí vi sóng có trọng lượng khác nhau; loại mang vác được có trọng lượng gần 10kg, loại cơ động bằng xe nặng tới hàng chục kg, loại cơ động bằng đường không có trọng lượng hàng trăm kg.

Hỗ trợ hậu cần: Các hệ thống vũ khí vi sóng được cung cấp năng lượng bằng ắc-quy, từ một hệ thống chủ (như các động cơ máy bay) hoặc nguồn năng lượng nội sinh (bên trong) và có thể phát ra rất nhiều tiếng nổ theo lượng vi sóng trong thời gian dài. Hỗ trợ hậu cần đi cùng hệ thống vũ khí vi sóng gồm các lực lượng cung cấp, bảo dưỡng và sửa chữa.

Thiệt hại ngoài mong muốn: Vũ khí vi sóng có tính năng rất ưu việt, tác động đến điện tử và không gây ra những thiệt hại vật lý và cơ cấu cho các thiết bị. Để giảm thiểu những tác động đến các hệ thống “phi tác chiến” trên một khu vực nào đó (ví dụ khu vực bệnh viện), vũ khí vi sóng có thể được lập trình để làm ngưng trệ hay giảm thiểu các phát xạ trên khu vực đó.

Vũ khí vi sóng được chế tạo trên cơ sở ứng dụng công nghệ vi sóng năng lượng cao, có thể tấn công các hệ thống điện tử đối phương, gây ra những tác động từ khước từ sử dụng đến làm gián đoạn thiết bị điện tử, gây hư hại hoặc phá hủy thiết bị đó.

MỘT SỐ ỨNG DỤNG

Bom, đạn dẫn đường chính xác (PGM).

Tính sát thương của đạn dẫn đường chính xác thông thường bị hạn chế ở dấu vết nổ và văng mảnh của vũ khí. Một quả bom dẫn đường chính xác nặng hơn 900kg có bán kính nổ và văng mảnh khoảng 35m, gây dấu vết trong khoảng 4.000m2. Bom, đạn có chứa thiết bị vi sóng có bán kính sức ép và văng mảnh tương tự. Tuy nhiên, trong khi vụ nổ tạo ra sức ép, nhiệm vụ chính là sinh ra năng lượng để cung cấp cho thiết bị vi sóng. Do vậy, một quả bom vi sóng có cơ chế sát thương chủ yếu là năng lượng vi sóng, làm gia tăng rất lớn bán kính và dấu vết. Ví dụ, một quả bom vi sóng nặng hơn 900kg sẽ có bán kính tối thiểu xấp xỉ 200m, hoặc dấu vết khoảng 126.000m2. Đồng thời, các mục tiêu dễ bị tổn thương trước sức ép và văng mảnh của bom sẽ không tránh khỏi năng lượng vi sóng. Bom, đạn vi sóng không hạn chế ở vũ khí dẫn đường chính xác, kích cỡ từ cỡ quả đạn pháo, đến quả mìn và bom hàng nghìn kg; qua đó, gia tăng khả năng ứng dụng trong tác chiến.


Đại bác vi sóng của Nga. Ảnh: Internet

Hệ thống tự vệ cho máy bay.

Vài thập kỷ qua, tên lửa đất đối không và không đối không từng là mối đe dọa nguy hiểm cho máy bay. Tuy nhiên, nếu được lắp đặt một hệ thống vi sóng năng lượng cao, máy bay có thể tấn công một tên lửa đang bay tới. Hệ thống này cung cấp thông tin về vị trí và đường bay của tên lửa; năng lượng vi sóng tràn vào một số hệ thống bên trong tên lửa có thể làm thay đổi đường bay của nó, gây trục trặc trong tên lửa, nổ ngòi đầu đạn và buộc tên lửa phải thay đổi hướng và cạn nhiên liệu.

Hệ thống vi sóng năng lượng trang bị cho máy bay có tính ưu việt cao, như: có thể tấn công rất nhiều tên lửa trong một khu vực mục tiêu; chùm tia vi sóng nhanh chóng bắt được mục tiêu, đặc biệt khi đối phương sử dụng hệ thống ăng- ten mạng pha. Các hệ thống vi sóng cho máy bay cỡ lớn có thể được lắp đặt bên trong máy bay, còn hệ thống cho máy bay cỡ nhỏ đặt bên ngoài. Vũ khí vi sóng loại nhỏ có thể được lắp đặt trên các máy bay tiêm kích, trực thăng, xe tăng, xe bộ binh; vũ khí vi sóng cỡ lớn được sử dụng để bảo vệ tàu, lực lượng phòng vệ bờ biển cũng như căn cứ trên bộ.

Các phương tiện bay không người lái chiến đấu.

Phương tiện bay không người lái chiến đấu (UACV) được trang bị vũ khí vi sóng có thể được lập trình để chống lại các mục tiêu cố định; được điều khiển để tấn công các mục tiêu di dộng. Đối với các mục tiêu di động, các UACV vi sóng có thể sử dụng khả năng trinh sát và giám sát để tìm và định vị chúng, sau đó tấn công khi đã thanh sát các mục tiêu.

Trong tác chiến, hệ thống vi sóng sẽ sử dụng năng lượng từ động cơ của phương tiện bay để sinh ra năng lượng vi sóng và tấn công các mục tiêu đối phương. Khả năng cao nhất được tung ra cho một UACV vi sóng là vào khoảng 100.000 nhịp của năng lượng định hướng (phát bắn trong một nhiệm vụ). Tuy nhiên, trong một cuộc giao tranh điển hình, vũ khí vi sóng có thể bắn ra nhiều nhịp vào mục tiêu nhằm đảm bảo nó đã bị phá hủy hoặc bị tê liệt. Nếu tấn công 1.000 nhịp một mục tiêu, UACV vi sóng có thể tấn công vào đội hình 100 mục tiêu trong một nhiệm vụ. Ngoài ra, hệ thống vi sóng có thể được sử dụng để bảo vệ UACV phòng tránh các tên lửa đối phương. Các UACV vi sóng có thể được lập trình sẵn hoặc được kiểm soát nghiêm ngặt, tấn công các cơ sở chỉ huy và kiểm soát của đối phương cũng như các đơn vị riêng lẻ phân tán trên chiến trường. UACV vi sóng cũng có thể được sử dụng để tấn công các trạm phát thanh và truyền hình nhằm hạn chế thông tin của đối phương.

Có thể thấy, việc phát triển vũ khí vi sóng sẽ dẫn đến những phương pháp và chiến thuật triển khai mới cho tất cả quân, binh chủng. Khía cạnh mang tính cách mạng của công nghệ vi sóng chính là các vũ khí này sẽ trở thành hệ thống năng lượng định hướng đầu tiên có cả khả năng tấn công lẫn phòng thủ.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: