Chuyện một Việt kiều về nước làm vũ khí25/01/2022CNQP&KT - Cuối tháng 11/1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỹ sư Lê Tâm từ Pháp trở về nước tham gia Quân giới Nam Bộ và đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, đặc biệt là mìn lõm, súng SS… Năm 1946, theo đề nghị của “Hội Ái hữu những người Việt Nam tại Pháp”, kỹ sư Lê Tâm được đồng chí Phạm Văn Đồng, khi đó đang dự Hội nghị Fontainebleau, cử qua Ý thực tập về công tác đê điều (nước Ý nổi tiếng trên thế giới về hệ thống đê điều). Với Công hàm giới thiệu, đóng dấu Quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lê Tâm đến Roma - thủ đô nước Ý. Đang họp nội các, Thủ tướng Ý cho dừng ngay cuộc họp và giới thiệu Lê Tâm như là “Sứ giả đầu tiên” của nước Việt Nam độc lập đến học tập, làm cho nước Ý rất vinh dự. Lúc đó giữa Ý và Pháp đang có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở biên giới, nên Việt Nam - một dân tộc đang chống Pháp, nhất định phải là “đồng minh” tự nhiên với Ý. Nhờ vậy, thời gian thực tập của Lê Tâm được thuận lợi. Thời điểm đó, kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa) và một số trí thức Việt kiều ở Pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn khi Người tham dự Hội nghị Fontainebleau, đã theo về nước phục vụ kháng chiến. Vì vậy, nhiều trí thức khác cũng có nguyện vọng được về nước tham gia kháng chiến. Trước lòng nhiệt thành đó, đại diện Chính phủ Việt Nam ở Paris đã sắp xếp cho 6 người (trong đó có Lê Tâm) về nước trên chiếc tàu thủy Fêlich Ruxen. Đại diện Chính phủ ta trao quyết định bổ nhiệm kỹ sư Lê Tâm phụ trách công tác đê điều thuộc Bộ Giao thông Công chính. Những người khác cũng nhận được các quyết định tương tự và phấn khởi xuống tàu về nước. Về đến Sài Gòn, một quan chức Pháp ra đón và nói: “Nhiều người trong các ông là công chức Hồ Chí Minh. Chúng tôi có nhiệm vụ đưa các ông về Hải Phòng, nhưng ngoài đó đang đánh nhau... Các ông chịu khó ở lại Sài Gòn khi nào tình hình ổn định chúng tôi sẽ đưa các ông ra Bắc”. ![]() Kỹ sư Lê Tâm cùng vợ sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TL Sau nhiều ngày chờ đợi, đầu tháng 2/1947, có giao liên đến đón kỹ sư Lê Tâm vào chiến khu. Khoác bộ đồ bà ba đen, Lê Tâm cùng với 4 người khác lên xe. Xe chạy vào bìa rừng rồi dừng lại, mọi người đi bộ khoảng 5 giờ thì lên xuồng ba lá vào trạm đón tiếp. Tại đây, Ủy ban Nam Bộ phân công nhiệm vụ cho từng người, riêng Lê Tâm phải tiếp tục đi xuồng một ngày nữa để đến Khu 7, lúc đó do đồng chí Ba Bình (Nguyễn Bình) - Ủy viên Quân sự Nam Bộ, làm Tư lệnh. Ngay từ khi còn ở Paris, Lê Tâm đã được nghe kể về đồng chí Ba Bình là người “xuất quỷ nhập thần”, ra vào Sài Gòn như đi chợ, hỏng một mắt mà bắn súng lục “trăm phát trăm trúng”. Lê Tâm rất xúc động khi sắp được làm việc cùng “Hùm xám Nam Bộ” như quân Pháp thường gọi.
Đến Giòng Dinh, xuồng vừa ghé bến thì từ trên bờ, một người tầm vóc cao lớn, da ngăm đen, đeo kính râm, mặc bộ bà ba đen, bên hông đeo khẩu Colt to bước đến vồn vã hỏi: “Anh đi có mệt không?”. Anh giao liên nói khẽ với Lê Tâm: “Ông Ba Bình đấy!”. Lê Tâm bắt tay rồi theo Tư lệnh Ba Bình vào “Tổng hành dinh” Bộ Tư lệnh Khu 7. Ăn uống, nghỉ ngơi xong, Tư lệnh Ba Bình đưa Lê Tâm đến văn phòng giới thiệu với Bộ Tư lệnh và bổ nhiệm anh làm “cố vấn” về “công tác phá hoại”. Từ đây, Lê Tâm thường xuyên bàn bạc với Tư lệnh và các “đội công tác phá hoại” trong lòng địch. Để làm tốt nhiệm vụ “cố vấn”, Lê Tâm được giao phụ trách Xưởng Quân giới đặc biệt, với 30 công nhân. Xưởng có nhiệm vụ sản xuất lựu đạn, mìn phục vụ bộ đội và du kích đánh địch. Vốn là kỹ sư tốt nghiệp Trường Cầu Đường Paris, nên Lê Tâm biết rất rõ điểm yếu của kết cấu các công trình. Về mìn, ở Pháp Lê Tâm đã đọc và tìm hiểu nguyên lý của loại vũ khí này. Do đó, ông tập trung nghiên cứu, chỉ đạo sản xuất mìn và mìn hẹn giờ - loại vũ khí trước đó Quân giới Nam Bộ ít chế tạo. Để sản xuất được những quả mìn không quá nặng, nhỏ gọn, lại có sức công phá lớn, Xưởng đã chế tạo và cho nổ thử hàng trăm quả có tham số khác nhau. Trong hoàn cảnh bưng biền Nam Bộ chỉ có nước, bùn, cây cỏ và muỗi, để thử tác dụng của mìn lõm trên thép, Xưởng phải sử dụng đoạn đường ray dài khoảng 2m; còn thử mìn lõm phá cầu thì phải đưa đến tận Hóc Môn, sát nội đô Sài Gòn để thử nổ trên những chiếc cầu gần đồn bốt địch. ![]() Súng SS do kỹ sư Lê Tâm cùng các cộng sự nghiên cứu chế tạo trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 7. Ảnh: CTV Để chế tạo mìn hẹn giờ, Lê Tâm sử dụng bộ phận chuông báo thức đồng hồ điều khiển bằng pin điện. Nhằm mục đích bảo đảm bí mật, ông phân công cho mỗi người làm một bộ phận, còn mình tự lắp ráp bộ phận hẹn giờ. Đây là một thao tác rất nguy hiểm, cần sự chính xác cao. Một lần, khi đang gấp rút lắp ráp bộ hẹn giờ để giao mìn cho người nhận, bỗng nhiên mìn phát nổ ngay trên tay Lê Tâm. Lúc tỉnh dậy, ông thấy một cô gái trẻ ngồi bên kể lại: “Anh đã mê man 4 ngày rồi. Sau khi mìn nổ, bác Sáu Bò thấy anh nằm trong vũng máu, sờ người thấy còn nóng, bác vội cõng anh xuống xuồng đưa tới đây”. “Thế tôi đang ở đâu? Và cô là ai?” Lê Tâm hỏi. “Anh đang ở Quân y viện Bộ Tư lệnh Khu 7. Tư lệnh Ba Bình có đến thăm anh và gửi sữa cho anh đây! Còn em là Non, có nhiệm vụ chăm sóc cho đến khi anh ra viện”. Một tháng sau, nhờ sự chữa trị tận tình của bác sĩ viện trưởng Trần Nam Hưng, kỹ sư Lê Tâm dần bình phục. Bác sĩ Hưng biết kỹ sư Lê Tâm thích chơi đàn violin nên cương quyết không cưa tay trái của anh (vì vết thương có nguy cơ bị hoại tử). Do không có kháng sinh, bác sĩ Hưng sử dụng kỹ thuật “bó sunfamít”. Còn cô Non thì tận tình chăm sóc cho Lê Tâm. Sau hơn 2 tháng nằm điều trị, vì còn yếu nên Lê Tâm biết sẽ không thể được ra viện sớm nếu như xin phép đàng hoàng. Thế là nhân dịp bác sĩ Hưng đi công tác xa, Lê Tâm bỏ trốn khỏi viện, lấy xuồng của bác Sáu Bò trở về Xưởng, trong khi tay trái vẫn băng bó và phải mang theo hai cái nạng. Một thời gian sau, kỹ sư Lê Tâm được điều về Binh công xưởng 1 của Khu 8. Tại đây, Lê Tâm tiếp tục nghiên cứu chế tạo mìn lõm, súng phá công sự, và nhất là loại súng chống tăng có tên “SS” nổi tiếng của Quân giới Việt Nam. Đại tá NGÔ NHẬT DƯƠNG (Viết theo tư liệu của đồng chí Lê Tâm, Ban Liên lạc Quân giới Hà Nội) |