CNQP&KT - Các cường quốc quân sự đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, trang bị kỹ thuật, thúc đẩy chiến lược lưỡng dụng hóa hay bước đột phá trong sản xuất vũ khí thế hệ mới, là những điểm nhấn quan trọng của công nghiệp quốc phòng (CNQP) thế giới năm 2021. ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU VŨ KHÍ Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố tháng 12/2021, năm qua, bất chấp kinh tế toàn cầu suy thoái do đại dịch Covid-19, tổng doanh thu của 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới đạt mức kỷ lục 531 tỷ USD. Trong đó, Mỹ tiếp tục thống trị thị trường với 285 tỷ USD, chiếm 54% tổng doanh thu toàn cầu. Chính phủ các nước tiếp tục chi ngân sách cho việc mua vũ khí, trang bị kỹ thuật, thậm chí thông qua các biện pháp trợ giúp các công ty sản xuất vũ khí của mình. Mặc dù trải qua nhiều lần tái cấu trúc hệ thống, nền CNQP Mỹ những năm gần đây cho thấy mô hình cơ bản không thay đổi. Nguồn vốn đầu tư vẫn chảy từ Bộ Quốc phòng tới các nhà thầu vũ khí, trang - thiết bị quân sự thông qua các hợp đồng và đơn đặt hàng; qua đó, tiếp tục bảo đảm an ninh nội địa, duy trì tầm ảnh hưởng toàn cầu, bảo vệ đồng minh và ngôi vị số một thế giới về sản xuất và xuất khẩu vũ khí. Cùng với đó, nền CNQP Mỹ tiếp tục tái định hình dựa trên những xu hướng đang nổi, như: thành lập thêm nhiều tập đoàn lưỡng dụng thương mại - quốc phòng; gia tăng hợp nhất và mở rộng nguồn vốn đầu tư tư nhân. Năm 2021 còn đánh dấu bước tiến quan trọng của Hàn Quốc, từ một quốc gia nhập khẩu đã vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí. Theo SIPRI, Hàn Quốc xếp thứ 9 trong số những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất hiện nay. Mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của quốc gia này trong giai đoạn 2016-2020 tăng 210% so với 5 năm trước đó, chiếm 2,7% tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu; đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong số 20 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Thành công của Hàn Quốc nhờ vào chiến lược khá toàn diện, trong đó ưu tiên phát triển CNQP trong nước, tăng cường quảng bá các công nghệ mới, kết hợp mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật. ![]() Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Shin Chae-ho do Hàn Quốc nghiên cứu đóng mới. Ảnh: Internet Ngoài ra, CNQP Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nhiều bước tiến mới, nhất là trong lĩnh vực đóng tàu quân sự và phát triển các công nghệ sản xuất vũ khí. Theo đó, với việc đóng mới thành công chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên TCG Anadolu, xuất khẩu hơn 130 tàu quân sự… đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc trong lĩnh vực này. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiên cứu chế tạo thành công các loại tên lửa hành trình với tầm bắn hàng trăm km, tên lửa phòng không hiện đại...
THÚC ĐẨY CHIẾN LƯỢC LƯỠNG DỤNG HÓA Năm 2021, các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chiến lược lưỡng dụng hóa. Theo đó, 5 doanh nghiệp lớn của Mỹ (gồm Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics) tiếp tục thâu tóm hầu hết các công nghệ kỹ thuật đỉnh cao trong chế tạo, sản xuất các hệ thống vũ khí. Nền CNQP Mỹ cơ bản được thể hiện qua kết cấu hình tháp 3 tầng, lần lượt là nhà tổng thầu (5 doanh nghiệp trên) chịu trách nhiệm về các hệ thống chính; nhà thầu phụ chịu trách nhiệm về các hệ thống con và cuối cùng là nhà thầu cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu. Một dẫn chứng về “kết cấu hình tháp 3 tầng” như sau: Kế hoạch nghiên cứu sản xuất máy bay chiến đấu F-22 có sự tham gia của Lockheed Martin và Boeing. Dưới sự điều hành của họ còn có các nhà thầu phụ cung cấp các hệ thống con như Công ty Pratt & Whitney chuyên sản xuất các hệ thống động cơ, Công ty Sanders chuyên sản xuất các hệ thống tác chiến điện tử… Những nhà thầu phụ cung cấp các hệ thống con này lại tiếp tục thuê một số cơ sở sản xuất nhỏ, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất hàng dân dụng hoặc cơ sở kinh tế tư nhân, nghiên cứu và sản xuất một phần cấu kiện và linh kiện trong hệ thống con. Theo xu hướng này, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) hiện là nhà cung cấp chính các thiết bị cho quân đội bằng cách tích hợp các dòng sản phẩm, phát triển hoạt động kinh doanh, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực sản xuất cả hàng không dân sự và quân sự. Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực không gian vũ trụ và công nghệ vệ tinh quân sự qua việc tham gia các tổ chức công nghệ vệ tinh quốc tế, phát triển đối tác về không gian, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác... Việc nghiên cứu sản xuất và phóng thành công Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu (BDS) đã đánh dấu bước tiến mới của Trung Quốc trong công cuộc chinh phục không gian vũ trụ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ coi việc phát triển CNQP là sức mạnh tổng hợp với sự tham gia của 4 bên: Chính phủ, ngành công nghiệp, giới quân sự, giới nghiên cứu, nhưng có sự tách biệt giữa các ngành, các doanh nghiệp vừa và nhỏ... để tối đa hóa tiềm năng của doanh nghiệp và hoàn thiện nhu cầu chủng loại sản phẩm cho quân đội. Coi trọng phát triển các công nghệ cao, tiên tiến nhất bằng đội ngũ nghiên cứu trong nước (các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học); chú trọng từng bước nội địa hóa vũ khí, trang bị. Quốc gia này còn vạch ra chiến lược đặt hàng sản phẩm dài hạn ngay từ giai đoạn nghiên cứu mẫu; cho vay kinh phí, kết hợp với các chính sách khuyến khích khác về kinh tế và tài chính đối với các loại trang - thiết bị, vũ khí công nghệ cao... Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực CNQP; xúc tiến xuất khẩu sản phẩm quốc phòng; có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân; hình thành các cụm doanh nghiệp; bảo đảm sự tham gia của các trường đại học và viện nghiên cứu; tăng cường năng lực công nghệ của ngành công nghiệp quốc gia... ![]() Chiến đấu cơ mang theo tên lửa không đối không nội địa Bozdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Internet ĐỘT PHÁ TRONG SẢN XUẤT VŨ KHÍ THÊ HỆ MỚI Trong năm qua, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có bước đột phá mới. Nga phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57E để cạnh tranh với đối thủ của Mỹ và phương Tây như F-22, F-35. Điểm mạnh của Su-57E không chỉ nằm ở khả năng tàng hình, mà còn ứng dụng nhiều công nghệ hàng không tiên tiến nhất của Nga hiện nay như ra-đa mảng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống hỗ trợ phi công ePilot, hàng loạt cảm biến và vũ khí hàng không hiện đại. Nga cũng phát triển tàu chiến tàng hình, nổi bật là tàu hộ vệ Mercury. Đây là con tàu đầu tiên của Hải quân Nga có lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến trên toàn bộ diện tích bề mặt bên ngoài; có khả năng tấn công tàu mặt nước của đối phương bằng tên lửa hành trình, tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm cũng như làm nhiệm vụ yểm trợ cho lực lượng đổ bộ. I-xra-en cũng phát triển hai hệ thống vũ khí “lảng vảng” hiện đại, kết hợp hoàn hảo giữa máy bay tấn công không người lái và tên lửa hành trình. Gọi là vũ khí “lảng vảng” vì bản chất là máy bay không người lái mang theo đầu đạn bay xung quanh khu vực mục tiêu trong thời gian dài (tối đa 6 giờ), tìm kiếm, xác định, định vị mục tiêu rồi tấn công. Giới quân sự cho rằng, giá thành sản xuất các hệ thống vũ khí của I-xra-en rẻ hơn, trong khi đã được chứng minh về khả năng chiến đấu và liên tục được nâng cấp dựa trên kết quả hoạt động. ![]() Hệ thống ra-đa kiểm soát và cảnh báo sớm ELM-2090U ULTRA của I-xra-en. Ảnh: Internet Ngoài ra, các nước cũng tích cực phát triển ra-đa thế hệ mới. Đây là loại vũ khí không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại, với các loại phổ biến là ra-đa trên máy bay và ra-đa vệ tinh. Hoạt động tại các tầng điện ly (cách bề mặt Trái đất từ 80km đến 1.000km), các ra-đa vệ tinh có nhiệm vụ trinh sát, giám sát, phát hiện, có thể hỗ trợ đồng thời nhiều nhiệm vụ. Ra-đa vệ tinh có nhiều lợi thế hơn so với ra-đa trên máy bay, như: khả năng bao phủ rộng, thậm chí có thể bao phủ cả Trái đất; quan sát được những khu vực mà máy bay không thể tiếp cận; hoạt động 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết. CUỘC ĐUA VŨ KHÍ SIÊU THANH Vũ khí siêu thanh đang trở thành tâm điểm trong chương trình phát triển vũ khí của các cường quốc quân sự. Mỹ, Nga, Trung Quốc, thậm chí là Triều Tiên, đều công bố đã thành công hoặc đang trong quá trình nghiên cứu các loại vũ khí này. Ưu thế vượt trội của vũ khí siêu thanh nằm ở tốc độ và đường bay khó đoán định, có khả năng bay nhanh hơn nhiều lần tốc độ âm thanh, khó bị phát hiện và đánh chặn. Giới quân sự cho rằng, tên lửa siêu thanh sẽ là yếu tố có thể làm thay đổi cuộc chiến trong tương lai, đưa thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, với những quả tên lửa nhanh hơn, thông minh và chính xác hơn. ![]() Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh Hwasong-14. Ảnh: Internet Hiện nay, dù là nước dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh nhưng Nga vẫn tiếp tục cải tiến để tên lửa siêu thanh có tốc độ nhanh hơn và tầm bắn xa hơn. 3M22 Zircon là một trong những tên lửa hành trình siêu thanh có tốc độ cao, đường bay thấp, có thể “xuyên thủng” các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Còn nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ chủ yếu tập trung vào chế tạo thế hệ tên lửa đánh chặn mới, hệ thống tấn công và triển khai các trạm theo dõi không gian. Theo đó, hàng loạt dự án đang được Mỹ triển khai, như: tên lửa đạn đạo tầm trung phóng chất rắn với đầu đạn dẫn đường siêu thanh C-HGB; Chương trình sản xuất tên lửa có chứa đầu đạn siêu thanh lướt (C-HGB); Dự án sản xuất thiết bị bay siêu thanh với tốc độ 7 Mach… Theo giới quân sự, thực tế về vũ khí siêu thanh của Mỹ rất khác so với kế hoạch đề ra, bởi nước này chưa có đủ công nghệ tiên tiến và các chương trình được thực hiện còn chậm. PHƯƠNG TIỆN KHÔNG NGƯỜI LÁI PHÁT TRIỂN NHANH Phương tiện bay không người lái (UAV) quân sự bước vào giai đoạn phát triển mới khi các thiết bị này ngày càng trở nên nhỏ gọn, thông minh, rẻ và dễ dàng cải tiến hơn. Nga hiện sở hữu ít nhất 2.000 UAV quân sự. Đây là kết quả trong ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ và khoa học, nhất là trí tuệ nhân tạo. Máy bay không người lái chiến đấu đa dụng Orion-E (phiên bản xuất khẩu) được xem là sự hội tụ công nghệ của các hãng chế tạo hàng không hàng đầu của Nga. Thiết bị này có khả năng bay liên tục hơn một ngày đêm, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt và có thể mang các loại vũ khí không đối đất chính xác cao để tấn công đột kích. ![]() Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: Internet Với biệt danh “Thần chết”, MQ-9 Reaper của Mỹ được xem là máy bay không người lái đa năng nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Ngoài ra, máy bay không người lái Coyote Block 3 của Mỹ sử dụng các nguyên tắc vật lý mới (NPP) và áp dụng các hệ thống phi động học, có khả năng vô hiệu hóa, tấn công một nhóm phương tiện bay không người lái của đối phương bằng thiết bị gây nhiễu, tác chiến điện tử hoặc một dạng năng lượng định hướng như vi sóng công suất lớn. Đại tá ĐOÀN MẠNH HÙNG |