CNQP&KT - Phong cách chính khách Hồ Chí Minh là những giá trị đặc trưng mang đậm dấu ấn của Người, thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, chế độ. Đồng thời, thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tri thức, gắn liền với thực tiễn hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo “Đại Từ điển tiếng Việt”, chính khách là người hoạt động chính trị có danh tiếng. Còn theo từ nguyên trong tiếng Việt và Hán Việt, “chính khách” và “chính trị gia”, thường gọi chung là “nhà chính trị”. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam, cách hiểu về “chính khách” cũng chưa thật rõ ràng ở việc phân định vị trí, vai trò, vị thế lãnh đạo và thường nghiêng về quan niệm “chính trị gia” là nhà chính trị tiêu biểu - người kiến tạo tương lai của một quốc gia, tiêu biểu cho phúc lợi của nhân dân… Dù chưa có định nghĩa chính thức, nhưng trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước ta, thuật ngữ “chính khách” được dùng để chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà chính khách tiêu biểu của Việt Nam. Phong cách chính khách Hồ Chí Minh là những giá trị đặc trưng mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động của Người trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, chế độ. Phong cách chính khách Hồ Chí Minh là tổng hòa những cách thức trong giao tiếp, ứng xử; đồng thời thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tri thức, gắn liền với thực tiễn hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú của Người. Đó là vừa thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, văn hóa nhân loại, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tâm hồn, cốt cách Việt Nam. ![]() Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp đón trọng thể tại Hungari, tháng 8/1957. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao) Phong cách chính khách Hồ Chí Minh thể hiện ở một số nội dung sau: Thứ nhất, sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa dân tộc và sự am tường phong tục tập quán các dân tộc trên thế giới. Với vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ và phong tục, tập quán của nhiều quốc gia, Hồ Chí Minh đã có những cách xử thế hợp lòng người, phù hợp hoàn cảnh, đối tượng. Đó là sự kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại, kết tinh văn hóa ứng xử phương Đông và phương Tây, là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả. Ví như, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, khi dự bữa tiệc do Thủ tướng Nerhu chiêu đãi, có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Truyền thống của người Ấn Độ là dùng tay để bốc thức ăn, nhưng tại bữa tiệc quốc tế như vậy nên phải dùng dao, thìa, nĩa cho lịch sự. Hiểu rõ điều đó, nên khi món thịt gà được đưa ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh ý nói với Thủ tướng Nerhu: “Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa, nĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch”1. Theo phong tục Việt Nam, ăn cỗ phải mang phần về cho người ở nhà, vì vậy, Người ứng xử rất phù hợp. Ngày 1/1/1960, các đoàn ngoại giao, khách quốc tế tại Hà Nội đến chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối bữa tiệc, Người cầm một quả táo to và túi kẹo đi đến chỗ ông đại sứ Ấn Độ và hỏi: “Ngài đại sứ có đưa phu nhân sang đây không?”, vị đại sứ cảm động trả lời chỉ đưa theo cháu trai 9 tuổi. Người nói: “Thế thì tôi gửi ông mang về cho cháu quả táo này và gửi cháu những cái hôn”, rồi nói với quan khách: “Tết ở nhà các vị chẳng thiếu thứ gì. Nhưng xin các vị hãy cầm lấy chút hoa quả trên bàn và mang về gọi là quà của Bác Hồ tặng các cháu ở nhà”2… Việc làm của Người không chỉ tạo nên bầu không khí vui vẻ, chân tình mà còn gây xúc động và cảm phục của mọi người.
Thứ hai, ứng xử nhạy bén, linh hoạt, tinh tế, sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” - lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi. Cái “bất biến” là lợi ích của quốc gia, dân tộc; cái “vạn biến” là cách ứng phó tài tình, khéo léo, linh hoạt để đạt được cái “bất biến”. Người chỉ rõ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. Để thực hiện “ứng vạn biến”, điều quan trọng là phải đánh giá đúng tình hình quốc tế, sự tác động cả thuận lợi và bất lợi với nước ta. Về sách lược phải xác định được giới hạn của sự nhân nhượng để đề ra chính sách, phương pháp, cách thức tiến hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giữ vững độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sách lược đó thể hiện ở việc Người am hiểu và vận dụng tài tình triết lý phương Đông về “Ngũ tri” biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Để thực hiện những nguyên tắc trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một phong cách chính khách tiêu biểu - sự tổng hòa của những lời nói, việc làm và hành động trong quan hệ đối ngoại. Với tư cách là nguyên thủ của một nước Việt Nam mới, trong chuyến thăm Pháp năm 1946, có phóng viên hỏi Người với tính chất khiêu khích: “Thưa Chủ tịch, ngài có phải là cộng sản không?” Người điềm tĩnh đi tới lẵng hoa trên bàn, rút ra những bông hoa đẹp nhất, đem tặng những người có mặt và nói: “Tôi là người cộng sản thế này!”. Đặc biệt, khi được Chính phủ Pháp mời đi thăm Bảo tàng chiến tranh Normandi, Người đã giơ bàn tay bịt đầu nòng pháo, để tỏ rõ thông điệp phản đối chiến tranh và chỉ rõ khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Những cử chỉ tinh tế đó được báo chí phương Tây và chính giới Pháp đưa tin đã có giá trị và sức mạnh hơn nghìn lần những bài diễn thuyết. Cũng trong chuyến công du đó, khi chiếc tàu chở Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về nước đi qua vùng thuộc quyền kiểm soát của Anh, Người yêu cầu thuyền trưởng người Pháp kéo cờ Việt Nam, song ông ta tỏ ý không thực hiện. Với lời lẽ nhẹ nhàng, Người nói: “Thưa ngài, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiện là một nước tự do, một thành viên trong liên bang Đông Dương. Hơn ai hết, các ngài phải hiểu rằng, lá quốc kỳ của chúng tôi phải được kéo lên để cho người Anh và những thực dân khác ở châu Á biết sự hiện diện của nước Việt Nam”3 và cuối cùng người thuyền trưởng phải chấp thuận. Khi đến vùng biển Cam Ranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Đô đốc D’Argenlieu xin gặp Người trong cảng. Hiểu rõ mục đích diễu võ dương oai của chúng, trong bộ quần áo giản dị, Người đã đến ngồi giữa Đô đốc hải quân và Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông. D’Argenlieu giọng mỉa mai bóng gió: “Thưa Chủ tịch, ngài đang bị khung lại giữa lục quân và hải quân đó!”. Người thản nhiên cười và trả lời: “Nhưng như ngài biết đó, thưa Đô đốc, chính bức họa mới làm cho khung có chút giá trị”. Trước tài ứng xử thông minh của Người, họ không dám coi thường mà tỏ ra rất lịch lãm và kính phục. Đây là bản lĩnh Hồ Chí Minh, cũng chính là phong cách ứng xử đầy trí tuệ của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. ![]() Nhân dân thủ đô Vácxava nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan (năm 1957). Ảnh: TL Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng đầu tiên cho đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948 ở Định Hóa, Thái Nguyên, khi ấy đồng chí Võ Nguyên Giáp mới 37 tuổi. Phóng viên nước ngoài hỏi Người một câu đầy ẩn ý: “Chủ tịch có thể cho biết nguyên tắc phong tướng của mình được không?”. Người hóm hỉnh trả lời: “Nguyên tắc của tôi rất đơn giản và rất dễ áp dụng, đó là “thắng cấp nào tôi thăng cấp đó”. Người còn giải thích thêm, đã thắng đại tướng thì đương nhiên ông Võ Nguyên Giáp cũng là Đại tướng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch..., nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể”4. Tờ New York Times, số ra ngày 4/9/1969, cũng viết: “Trong số các chính khách của thế kỷ XX, ông Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ, dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc”5.
Thứ ba, sự gần gũi, thân tình, không câu nệ về chức vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hòa mình vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân Việt Nam và người lao động ở các dân tộc trên thế giới. Trên cương vị Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, tình yêu thương bao la đó càng được vun đắp. Người không hề giữ khoảng cách với quần chúng; luôn dành những tình cảm, tình thương đặc biệt nhất đối với trẻ em và người nghèo khổ. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nồng nhiệt bắt tay những người dân nghèo và trò chuyện với họ vô cùng thân thiện, gọi họ là những người bạn, người đồng chí, đây là điều hiếm thấy trong xã hội Ấn Độ vốn phân chia đẳng cấp… Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã từng đúc kết: “Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông” . Thứ tư, cách nói giản dị, thái độ chân thành dễ cảm hóa và thuyết phục lòng người. Nhờ vốn sống phong phú, sự am tường tình hình thế giới, đặc biệt nhanh chóng nhận biết được ý định của người đối thoại mà Hồ Chí Minh có thể lựa chọn cách ứng xử hợp lý nhất. Người dùng những ngôn ngữ giàu hình ảnh, cô đọng và súc tích nhưng thật gần gũi mà vẫn trang trọng. Nhà nghiên cứu người Mỹ David Halberstam ghi nhận: “Toàn thể con người Ông toát lên một phong thái bình dị và tế nhị bẩm sinh... Ông là tiêu biểu cho một nền văn hóa, không phải là nền văn hóa châu Âu mà có lẽ tiêu biểu cho nền văn hóa tương lai”6. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách “tâm công” trong quan hệ quốc tế. Phân biệt rất rõ bạn, thù để có những ứng xử phù hợp nhằm khơi dậy những tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, kêu gọi họ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đồng thời, bằng lời nói và việc làm cụ thể, Người luôn thể hiện là tấm gương tuyệt vời về tinh thần đoàn kết quốc tế “bốn phương vô sản đều là anh em”. Trước mỗi thắng lợi cách mạng của các dân tộc, Người đều gửi thư chúc mừng và coi đó cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh, John Golan nhận xét sau khi làm việc với Người: “Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ tỏ ra mình là một con người vĩ đại. Mặc dầu có những trọng trách phải gánh vác, Người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái”. Phong cách chính khách Hồ Chí Minh là những giá trị ổn định, bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng trở nên quan trọng đối với đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thể hiện rõ văn hóa, uy tín, vị thế của con người và sức mạnh văn hóa, dân tộc Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự - Học viện Chính trị (Kỳ sau: Bồi dưỡng phong cách chính khách, cán bộ lãnh đạo hiện nay)
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bác Hồ với ngoại giao, mẩu chuyện nhỏ bài học lớn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr50. 2. Sđd, tr.86. 3. Sđd, tr.39. 4. Vũ Trọng Lâm (Chủ biên): Văn hóa đối ngoại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.141. 5. Hồ Chí Minh - Một chính khách nổi bật trên truyền thông quốc tế, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/, ngày 29/5/2021. 6. Đặng Xuân Kỳ, Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.223. |