CNQP&KT - Hiện nay, các cường quốc trên thế giới đang tích cực nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, trang bị công nghệ cao; qua đó, tác động và làm thay đổi hình thái, phương thức chiến tranh trong tương lai.

Trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự, nhiều nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự; tích cực ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các loại vũ khí tinh khôn, chính xác. Tiêu biểu là hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến (C4ISR) cho phép nhận dạng, giám sát, theo dõi, xác định vị trí, phá hủy hệ thống chỉ huy, điều hành của đối phương; máy bay không người lái (UAV); rô bốt quân sự; tên lửa siêu thanh… Các loại vũ khí có đặc trưng nổi bật là “gia tốc” phát triển - tốc độ nhanh, khối lượng lớn, phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng và độ chính xác cao; làm cho không gian chiến trường mở rộng (tác chiến trong lòng đất, dưới biển, trên vũ trụ), nhưng phạm vi tác chiến thu hẹp; dẫn đến thay đổi lớn về tổ chức lực lượng - biên chế ít hơn nhưng sức mạnh chiến đấu lại được tăng lên. Bởi vậy, vấn đề thu hút sự quan tâm của thế giới hiện nay là cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh bằng sức mạnh tổng hợp, trong đó yếu tố then chốt là phát triển vũ khí công nghệ cao.


Hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến (C4ISR) của Mỹ.  Ảnh: Internet

Từ những tác động trên, tất yếu làm thay đổi phương thức tác chiến của mọi quốc gia, nhất là trong các cuộc chiến tranh gần đây. Trước kia, phân loại chiến tranh dựa trên những tiêu chí khác nhau, như: Theo tính chất và mục đích có “chiến tranh chính nghĩa” và “chiến tranh phi nghĩa”; theo quy mô mục tiêu và mức độ, có “chiến tranh tổng lực” và “chiến tranh hạn chế” (cục bộ); dựa trên chủ thể tham gia, có hai loại là “chiến tranh quốc tế” và “nội chiến”. Ngày nay, ít xảy ra “chiến tranh thông thường” mà thay vào đó là “chiến tranh hủy diệt hàng loạt”, sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao. Do vậy, nhận thức đúng, dự báo sát các hình thái chiến tranh và loại hình tác chiến tương lai sẽ là cơ sở quan trọng giúp các quốc gia có sự phòng bị đầy đủ, chủ động, khoa học.


Tên lửa siêu vượt âm Zircon do Nga nghiên cứu chế tạo.  Ảnh: Internet

Chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao khác với các cuộc chiến trước đây về quy mô, nội dung, hình thức, phương pháp và nguyên lý. Chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy, vũ khí, chiến trường, hậu phương, xây dựng lực lượng… chịu rất nhiều tác động do sự xuất hiện của các loại vũ khí công nghệ cao. Nhiều người cho rằng, chiến tranh tương lai sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh điện tử, cuộc chiến số hóa… Đó là cách nhìn dựa vào trình độ hiện đại của vũ khí, trang bị được sử dụng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, bản chất của chiến tranh không hề thay đổi, chiến tranh tương lai về cơ bản là cuộc “chiến tranh tri thức”, tích hợp các loại hình, thủ đoạn, phương tiện, lực lượng, vũ khí, trang bị… của chiến tranh đã có cho đến nay (kể cả chiến tranh vũ trang và chiến tranh phi vũ trang). Nét nổi bật của chiến tranh tương lai là sự đan xen, chuyển hóa hết sức mau lẹ, linh hoạt, uyển chuyển của cả âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến và loại hình chiến tranh.

Nét nổi bật của chiến tranh tương lai là sự đan xen, chuyển hóa hết sức mau lẹ, linh hoạt, uyển chuyển của cả âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến và loại hình chiến tranh.

Như vậy, trong tương lai, cuộc chiến tranh có thể khởi nguồn, diễn biến và kết thúc rất đa dạng, bởi nhiều yếu tố: vũ trang, phi vũ trang, bạo loạn, ly khai, lật đổ, xâm lược, v.v. Trong hình thái xâm lăng mới “chiến thắng không cần chiến tranh”, chiến lược “diễn biến hòa bình” càng tạo ra sự phức tạp mới về vũ khí, phương tiện, phương thức tác chiến và lực lượng tham gia. Các thế lực thù địch triệt để khai thác môi trường thông tin và không gian mạng để tiến hành chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, kích động, gây hoang mang, dao động trong các tầng lớp nhân dân, hòng làm giảm sút ý chí, sức chiến đấu, làm mất lòng tin vào mục tiêu chiến đấu của quân đội; tiến hành tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, can thiệp vào hệ thống tự động hóa chỉ huy và điều khiển vũ khí, đánh cắp thông tin, làm sai lệch tham số kỹ thuật của vũ khí, phương tiện công nghệ cao; ngụy trang, tàng hình kết hợp với phương thức tấn công quân sự làm giảm hiệu quả đối phó của ta… Trong tình huống xảy ra chiến tranh tương lai, các thế lực thù địch có thể tác chiến theo kiểu “đa phi” (phi phòng tuyến, phi tiếp xúc, phi đối xứng và phi vũ trang…). Do đó, bên cạnh vấn đề cơ bản là xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, thì vấn đề về nghệ thuật quân sự (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), rất cần “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại”1, nhất là vũ khí, trang bị công nghệ cao. Đặc biệt, cần đẩy mạnh “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng cường tiềm lực, tận dụng và đẩy mạnh phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh”2.


Máy bay không người lái thế hệ mới CH-6 của Trung Quốc.  Ảnh: Internet

Trên thực tế, thắng lợi của một cuộc chiến tranh không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với mức độ hiện đại và số lượng vũ khí, trang bị được sử dụng; mà là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành “quốc lực”, nhất là ở tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả dân tộc. Mọi sự phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bao giờ cũng đặt trong mối quan hệ biện chứng với con người. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định con người là nhân tố quyết định trong chiến tranh, quyết định sức mạnh của mọi loại vũ khí, trang bị: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”3. Điều cốt lõi là phải giữ vững tinh thần cảnh giác, thực hiện nguyên tắc đánh giặc bằng mưu, thắng địch bằng thế, phải hết sức chú trọng đến tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu trong tình hình mới. Đấu tranh quân sự vẫn giữ vị trí hết sức quan trọng, các vấn đề về vũ khí, trang bị, phương thức, thủ đoạn… là hết sức đa dạng, linh hoạt, đặc biệt có thể chuyển hóa sang các loại hình chiến tranh phi quân sự. Từ hiện thực mới này, cần đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ; đặt trong mối quan hệ mật thiết, biện chứng với nội dung và phương thức mới của tư tưởng vũ trang toàn dân. Mặt khác, phải thấy rằng, việc xây dựng khu vực phòng thủ; kiện toàn và chuyên nghiệp hóa các lực lượng; chủ động phòng tránh các loại vũ khí công nghệ cao; phòng, chống thảm họa thiên tai, sự cố môi trường là hết sức cần thiết, có quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau.

Phải giữ vững tinh thần cảnh giác, thực hiện nguyên tắc đánh giặc bằng mưu, thắng địch bằng thế, phải hết sức chú trọng đến tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu trong tình hình mới.

Như vậy, hiểu rõ về sự tác động của vũ khí công nghệ cao để tiếp tục nghiên cứu, nhận diện và dự báo ngày càng chính xác hơn về các cuộc chiến tranh trong tương lai. Từ đó, tìm ra những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, bổ sung vào nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhằm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”4.

Đại tá, TS. TRỊNH VĂN NAM

Đại tá, ThS. PHẠM VĂN NGHIỆP

Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, 2, 4. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội 2021, tr. 123, 245, 117.

3. V.I. Lênin, toàn tập, tập 4. TB, M, 1980, tr. 147.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: