CNQP&KT - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể đối với Việt Nam, đó là: “Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”1. Trong sự nghiệp lớn lao này, Quân đội có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đảng.

Suốt chiều dài lịch sử từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội luôn quán triệt và thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình. Thời kỳ mới, Quân đội tiếp tục đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ  Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đưa Việt Nam thành nước đang phát triển. Có thể nói, bằng việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, Quân đội sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Quân đội luôn có sự phát triển, với yêu cầu cao, bởi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, mục tiêu xây dựng Việt Nam thành nước phát triển đặt ra cả thời cơ và thách thức lớn. Do vậy, để phát huy vai trò Quân đội trong thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo sát, đúng cục diện, xu hướng vận động, phát triển quân sự, quốc phòng của thế giới, khu vực để chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách quốc  phòng - an ninh (QP-AN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, xây dựng, hoạch định đường lối, chiến lược, chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng làm cơ sở, hướng dẫn toàn quân và cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Nâng cao trình độ, hiệu quả quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng đáp ứng yêu cầu đất nước phát triển, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII.


Hệ thống kéo sợi tại Xí nghiệp Dệt - Tổng công ty 28.     Ảnh: CTV

Tham mưu về lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến lược thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ, lấy sẵn sàng chiến đấu, xử lý các tình huống QP-AN trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian mạng là ưu tiên hàng đầu; lấy việc nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, đào tạo cán bộ, nhân viên, xây dựng chính quy, hiện đại, rèn luyện kỷ luật làm nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt; lấy mở rộng và nâng cao hiệu quả đối ngoại quốc phòng, tham gia tích cực lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là quan trọng. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 347-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đưa chất lượng, trình độ, năng lực tham mưu chiến lược tương xứng với Quân đội của quốc gia phát triển.

“Xây dựng, phát triển nền CNQP, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội”.

  (Nguồn: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

Hai là, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là nền tảng, môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng đất nước giàu mạnh. Quân đội là lực lượng nòng cốt xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, gắn nền quốc phòng toàn dân với an ninh nhân dân. Do đó, đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN phù hợp với yêu cầu của quốc gia phát triển; tham gia xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh, đặc biệt chú trọng ở địa bàn chiến lược. Xây dựng lực lượng vũ trang, trước hết là Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động, liên kết phòng thủ quân khu và các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) thành hệ thống phòng thủ quốc gia liên hoàn, vững chắc. Đồng thời, xây dựng, huấn luyện, quản lý lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ, nhất là dân quân tự vệ biển, đảo, biên giới, lực lượng chuyên trách và quần chúng nhân dân (lực lượng rộng rãi) tham gia tác chiến mạng và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.


Công nhân Tổng công ty 789 (Binh đoàn 11) thi công một công trình xây dựng. Ảnh: CTV

Trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, trước hết phát huy vai trò Quân đội trong xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân để tăng dự trữ quốc gia và sẵn sàng huy động cho các tình huống QP-AN. Tham mưu và thực hiện có hiệu quả kết hợp phát triển kinh tế với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phát huy vai trò Quân đội tham gia phát triển kinh tế quốc phòng, nhất là công nghiệp quốc phòng (CNQP): “Xây dựng, phát triển nền CNQP, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội”2. Chú trọng kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; kinh tế vùng, miền gắn với xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ và phòng thủ quân khu; phát triển kinh tế vùng biên gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phát triển kinh tế đối ngoại gắn với bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ nền văn hóa, xã hội, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phát huy vai trò Quân đội là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh quốc phòng nhằm tháo gỡ những tranh chấp xảy ra trong đối ngoại và đối nội. Chủ động nhận diện, phối hợp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp đối thoại, hòa bình, dựa trên luật pháp, công ước, thông lệ quốc tế; sử dụng sức mạnh mềm dựa trên truyền thống văn hóa quân sự của dân tộc, không để một “đốm lửa nhỏ” thành “đám cháy lớn”.

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ (KH-CN) ngày càng phát triển và chi phối mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để có tiềm lực KH-CN quân sự mạnh, Quân đội cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và tích cực ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng nhằm nâng cao hiệu suất thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tác chiến, phòng thủ, giáo dục đào tạo, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, hành chính quân sự…

Phát huy vai trò “đội quân công tác”, Quân đội cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, tiến hành nhiệm vụ dân vận và đối ngoại quốc phòng. Nâng cao chất lượng tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của xã hội, đoàn kết quân - dân, đoàn kết quốc tế, củng cố, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đề xuất và thực hiện các giải pháp mới, các phong trào, cuộc vận động thiết thực nhằm xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” làm nền tảng cho xây dựng và phát huy sức mạnh nền quốc phòng toàn dân thời kỳ mới. Phối hợp với cơ quan của Trung ương tăng cường thông tin đối ngoại, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng với phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Tiến hành hiệu quả công tác dân vận và đối ngoại quốc phòng chính là phát huy vai trò Quân đội xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần để tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao.


Thiết bị cơ giới của doanh nghiệp quân đội tham gia xây dựng Đường tuần tra biên giới.  Ảnh: CTV

Trong xây dựng tiềm lực quân sự, Quân đội cần chú trọng việc xây dựng nhân tố con người và vũ khí, trang bị hiện đại sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của một quốc gia phát triển. Đại hội XIII xác định: “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Cốt lõi là xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao và hệ thống vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại, tạo sức mạnh quân sự, quốc phòng, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển của đất nước.

Ba là, phát huy vai trò Quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần tăng nguồn thu cho nền kinh tế quốc dân.

Quân đội không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, mà còn trực tiếp tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lao động sản xuất, tiết kiệm một phần ngân sách chi quốc phòng, đồng thời góp phần tăng thu cho nền kinh tế quốc dân.

Thông qua tham gia phát triển kinh tế và xây dựng nền CNQP vững mạnh, Quân đội trực tiếp góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng: Đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Theo đó, Quân đội cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, các địa bàn chiến lược, gắn bảo đảm quốc phòng với phát triển kinh tế. Kiện toàn, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội. Nâng cao hiệu quả thực hiện nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ Quân đội tham gia trồng, bảo vệ rừng, thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến công, chương trình bệnh xá quân - dân y kết hợp và chính sách hỗ trợ ngư dân, tổ chức cho dân quân tự vệ tham gia sản xuất, dịch vụ trên biển…

Nghị quyết Đại hội XIII định hướng: “Phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược...”3. Còn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: “Xây dựng CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia…”.  Do vậy, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy năng lực nội sinh đồng thời chủ động tiếp thu thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa nền CNQP nước nhà. Nền CNQP thời kỳ mới vừa đảm nhiệm trọng trách là bộ phận quan trọng, đồng thời vừa là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, sản xuất được một số vũ khí chiến lược, có trình độ KH-CN, kỹ thuật cao và trình độ tổ chức quản lý, cơ cấu hiện đại nhằm đưa CNQP trở thành lực lượng tiên phong trong nền công nghiệp quốc gia. CNQP cần chủ động xây dựng và thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án về xây dựng, phát triển CNQP thời kỳ mới. Thông qua tham gia phát triển kinh tế và xây dựng nền CNQP vững mạnh, Quân đội trực tiếp góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng: đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao là mục tiêu lớn cũng là khát vọng của toàn dân tộc. Để thực hiện được điều đó tất yếu phải phát huy vai trò của Quân đội nhân dân. Quân đội cần tập trung nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Muốn vậy, Quân đội phải được chăm lo xây dựng tinh, gọn, mạnh, hiện đại, xứng đáng là Quân đội của một đất nước phát triển, có thu nhập cao.

Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG*

Đại úy QNCN NGUYỄN THỊ TRUNG THÁI**

* Viện Chiến lược Quốc phòng.

** Học viện Chính trị.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb CTQG-ST, HN 2021, T1, tr.36.

2. Sđd, T1, tr.158 - 159.

3. Sđd, T1, tr.279.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: