CNQP&KT - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Quân giới đã chủ động, tích cực bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cung cấp kịp thời cho lực lượng vũ trang đánh địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào miền Nam thay chân thực dân Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, tiến hành đàn áp cách mạng miền Nam. Tình hình đó đòi hỏi toàn quân ta phải có sự chuẩn bị sớm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu với địch.

Giai đoạn này, vũ khí của Quân đội ta chủ yếu là súng trường, trung liên, lựu đạn và súng cối 81mm, phần lớn chất lượng rất kém, chủng loại không đồng bộ, tính năng kỹ thuật lạc hậu. Trong khi đó, cơ sở sửa chữa ít ỏi, toàn quân chỉ có 13 xưởng vũ khí, xe máy và 6 xưởng sản xuất thuốc nổ.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Cục Quân giới đã tổ chức kiểm kê VKTBKT sau kháng chiến chống Pháp, gồm có 105.526 khẩu súng trường (trong đó 57% còn sử dụng được); 44.836 khẩu tiểu liên, 6.059 khẩu trung liên, đại liên (trong đó 72% còn sử dụng được). Về đạn, (tính cả số thu được của địch) toàn quân còn vài nghìn viên cho mỗi khẩu súng, chủ yếu là đạn súng tiểu liên, trung liên. Trước thực trạng đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) nhanh chóng bố trí lại các binh công xưởng trên những địa bàn chiến lược, sẵn sàng sản xuất, sửa chữa VKTBKT, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang. Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Cung cấp đã chỉ đạo Cục Quân giới tổ chức lại biên chế từ 13 xưởng giảm xuống còn 9 xưởng sản xuất. Các xưởng: Chiến Thắng, Tiền Phong, Thành Công, Z61 (Nhã Nam, Bắc Giang), Z62 (Đuổm, Thái Nguyên), Z63 (Đoan Hùng, Phú Thọ), Z64 (Lạc Thủy, Hòa Bình), Z65 (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), Z66 (Hương Khê, Hà Tĩnh) chủ yếu làm nhiệm vụ sửa chữa súng, pháo. Sau một thời gian tiến hành kiểm kê, dồn dịch, phân loại VKTBKT, cùng với số hàng viện trợ quý báu từ các nước và sự nỗ lực khắc phục khó khăn trong sửa chữa vũ khí của ngành Quân giới, đã từng bước cung cấp kịp thời vũ khí, trang bị cho bộ đội đánh địch.

Tiếp đến, thực hiện chủ trương chuyển từ sản xuất sang sửa chữa VKTBKT là chính, năm 1957, Phòng Kỹ thuật thuộc Cục Quân giới được thành lập. Nhiệm vụ của Phòng Kỹ thuật là tổ chức nghiên cứu và tham mưu cho Cục Quân giới về công tác sửa chữa vũ khí, khí tài; đồng thời tập trung lực lượng tổ chức nghiên cứu và chỉ đạo sản xuất các bộ phận thay thế cho súng, pháo. Đây là một yêu cầu cấp bách vì trong chiến tranh do cường độ sử dụng cao, số lượng vũ khí hỏng hóc nhiều. Mặt khác, Cục Quân khí tiếp nhận 4.486 tấn vũ khí, đạn dược viện trợ, trong đó có 1.653 tấn vũ khí, gồm 302 khẩu pháo các loại, 358 tấn súng bộ binh (đặc biệt có 5 khẩu súng chống tăng B40) và 2.475 tấn đạn… Do đó, công tác  bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện ngày càng tăng cao. Với khí thế thi đua lao động sản xuất “một người làm việc bằng hai”, trong 2 năm (1957-1958), Ban Vũ khí thuộc Phòng Kỹ thuật (Cục Quân giới) đã thiết kế được 150 bộ phận thay thế đưa vào sản xuất kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sửa chữa và các đơn vị kỹ thuật. Ban Thiết bị và Ban Công nghệ cử cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn các nhà máy: Z61, Z62, Z63 cách lắp đặt và sử dụng trang thiết bị mới; tiêu chí phân loại, đánh giá tiêu chuẩn, lựa chọn thép, đồng, gang, cách thử độ rắn; phương pháp nhiệt luyện, mạ, nhuộm đen…


Quân giới Khu 4 sửa chữa pháo tại trận địa trong kháng chiến chống Mỹ.  Ảnh: TL

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác sửa chữa, phục hồi thiết bị, vũ khí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, Cục Quân giới đã xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài của ngành. Các nhà máy sản xuất đạn K56 và K53; nhà máy sản xuất đạn cối 60, 82 và 120mm; nhà máy sản xuất súng, đạn chống tăng; nhà máy sản xuất súng tiểu liên, trung liên, đại liên, các loại súng nòng trơn, sản xuất hỏa cụ, quân cụ, phụ tùng thay thế, từng bước được xây dựng. Đồng thời, nâng cấp Xưởng Z1 thành Nhà máy Z1 (nay là Nhà máy Z111), mở rộng quy mô sản xuất lên 15.000 khẩu súng trường và tiểu liên, 5.000 khẩu súng trung liên và đại liên; nâng cấp Xưởng Z2 lên thành Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113), chuyên sản xuất các loại đạn súng bộ binh và lựu mìn. Tại Xứ ủy Nam Bộ, năm 1957, thành lập xưởng Quân giới đầu tiên ở Chàng Riệc (Tây Ninh). Xưởng có nhiệm vụ sửa chữa súng, đạn và sản xuất một số vũ khí cơ bản. Tuy quy mô còn nhỏ, số lượng cán bộ, công nhân ít, trang thiết bị thô sơ, nguyên vật liệu khan hiếm, nhưng với quyết tâm cao, xưởng đã sản xuất được một số vũ khí cung cấp cho các đơn vị vũ trang. Cũng từ xưởng Quân giới đầu tiên ở Chàng Riệc, về sau khu vực Nam Bộ phát triển thêm nhiều xưởng Quân giới vừa có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, khí tài, vừa là nơi tiếp nhận VKTBKT từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam đánh địch. Ngoài ra, ở nhiều thôn, ấp thuộc Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy 5 đã bí mật chuyển các lò rèn thành các xưởng sản xuất vũ khí. Nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp xoong, nồi và những đồ vật quý hiếm cho các xưởng làm nguyên liệu chế tạo vũ khí, nên từ chỗ chỉ rèn mã tấu, giáo mác, chông sắt, một số xưởng đã nhồi được đạn, làm địa lôi bằng vỏ xi măng… cung cấp cho bộ đội đánh địch.

Đến cuối năm 1960, hệ thống sửa chữa VKTBKT của toàn quân có 4 xưởng đại tu bộ phận, 40 trạm trung tu pháo, 1 trạm trung tu của sư đoàn bộ binh, 37 trạm tiểu tu súng bộ binh, 4 trạm sửa chữa quang học, 1 trạm sửa chữa máy chỉ huy và ra-đa, 33 trạm tiểu tu cấp tỉnh, 1 xưởng đại tu, trung tu xe ô tô, 1 xưởng đại tu xe con, xe mô tô. Các xưởng đại tu, trung tu xe ngoài nhiệm vụ sửa chữa xe phục vụ Quân đội ta còn làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào.

Đến cuối năm 1960, toàn quân có 4 xưởng đại tu bộ phận, 40 trạm trung tu pháo, 1 trạm trung tu của sư đoàn bộ binh, 37 trạm tiểu tu súng bộ binh, 4 trạm sửa chữa quang học, 1 trạm sửa chữa máy chỉ huy và ra-đa, 33 trạm tiểu tu cấp tỉnh, 1 xưởng đại tu, trung tu xe ô tô, 1 xưởng đại tu xe con, xe mô tô.

Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa VKTBKT của ngành Quân giới thì ở các địa phương Nam Bộ còn bố trí một số thợ Quân giới, cơ khí có trình độ tay nghề cao ém sẵn trong các thành phố, thị xã với danh nghĩa thợ bạc, thợ tiện, thợ sửa chữa ô tô trong các hãng xe Trường Xuân, xưởng Hiệp Lợi, xưởng mộc Vạn Xương… khi cần sẽ được huy động bí mật sửa chữa vũ khí phục vụ lực lượng vũ trang đánh địch.

Chính nhờ sự nỗ lực, cố gắng của ngành Quân giới trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến VKTBKT, cùng với số vũ khí viện trợ của các nước, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1960), đã nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang trên các mặt trận, đánh bại mọi âm mưu, chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thượng tá, TS. LÊ QUÝ THI*

TS. NGUYỄN THỊ CHINH**

* Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

**Học viện Ngân hàng.

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: