CNQP&KT - Xuất phát từ xu hướng xây dựng, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) trên thế giới và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, có thể khẳng định, Việt Nam xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là cần thiết, khách quan.

Hiện nay, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP không còn là vấn đề cá biệt, mà trở thành xu hướng phổ biến mang tính toàn cầu, một vấn đề chiến lược trọng yếu của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Xuất phát từ xu hướng phổ biến này, nhất là từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy cho thấy, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam là cần thiết, khách quan, phù hợp với xu hướng xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP thế giới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới của Nhà máy Z111.     Ảnh: BẢO LÂM

Sự cần thiết, khách quan đó xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ Đại hội IX của Đảng đến nay, xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam tự cường, hiện đại, lưỡng dụng được xác định là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Song việc lựa chọn mô hình và bước đi phù hợp với điều kiện của Việt Nam là quá trình nhận thức, tư duy và hành động. Tại Đại hội XII, Đảng ta chủ trương “từng bước hình thành tổ hợp CNQP với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp”1. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 11/4/2017, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 25-TB/TW về Đề án Đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP, an ninh. Tiếp đó, ngày 16/4/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chiến lược quốc phòng Việt Nam. Đây là những cơ sở quan trọng đẩy mạnh xây dựng, phát triển CNQP để từng bước hình thành tổ hợp CNQP.

Xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP không còn là vấn đề cá biệt, mà trở thành xu hướng phổ biến mang tính toàn cầu, một vấn đề chiến lược trọng yếu của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thứ hai, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam phù hợp với xu hướng xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP thế giới. Trước tác động của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thì “tổ hợp CNQP đã trở thành hiện tượng phổ biến”2. Xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP không phân biệt chế độ xã hội hay trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thực tế lịch sử hình thành, phát triển tổ hợp CNQP thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay cho thấy, có không ít quốc gia, vùng lãnh thổ dù chế độ xã hội và tiềm lực kinh tế khác nhau, nhưng đã xây dựng, phát triển những tổ hợp CNQP có sức mạnh răn đe, ngăn chặn từ sớm, từ xa mọi nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Điển hình như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Cuba (đang trong quá trình hình thành, phát triển). Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện như hiện nay; đặc biệt, khi “hội nhập quốc tế về CNQP được xác định là một kênh không tách rời quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất và hiệu quả”3, thì xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP thế giới.

Thứ ba, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với tính chất quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ. Trong thời gian tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới tiếp tục có những thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch chống phá Việt Nam ngày càng quyết liệt. Tình hình đó đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc4. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, bảo vệ vững chắc thành quả phát triển đất nước đạt được trong thời kỳ đổi mới, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đòi hỏi phải không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia5. Muốn vậy, vấn đề căn bản, cốt lõi là tăng cường tiềm lực quân sự và sức mạnh quốc phòng, an ninh, trong đó xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định đối với tiềm lực kinh tế quân sự và sức mạnh quốc phòng: “Nếu không xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP, sẽ khó có đủ yếu tố để có thể khắc phục, hạn chế các khó khăn, mâu thuẫn nêu trên ở tầm vĩ mô”6.


Máy bay trinh sát không người lái hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G do Tập đoàn Viettel sản xuất.    Ảnh: CTV

Thứ tư, xuất phát từ thực trạng nền CNQP Việt Nam. CNQP Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, CNQP Việt Nam đã cơ bản bảo đảm tốt nhu cầu của lực lượng vũ trang, nhất là vũ khí thông thường và một số loại vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu “xây dựng, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là các loại vũ khí chiến lược”7, thì đầu tư cho xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam thời gian qua còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, phát triển chậm; quy mô CNQP còn manh mún, biệt lập, liên kết chưa chặt chẽ giữa các lĩnh vực của CNQP có tính lưỡng dụng cao. Vì vậy, cần đổi mới tư duy, giải pháp và cách thức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP theo hướng xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP.

Thứ năm, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là phương thức hiệu quả để hiện thực hóa chủ trương xây dựng, phát triển CNQP “theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”8. Lịch sử xây dựng, phát triển CNQP thế giới, trong đó có tổ hợp CNQP, chỉ ra rằng, là một bộ phận không thể tách rời của công nghiệp quốc gia, CNQP vừa sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng quân sự, vừa tham gia sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dân dụng. Nghiên cứu mô hình tổ hợp CNQP của Liên Xô (trước đây), Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên hiện nay cho thấy, đây là các mô hình tích hợp nhiều công nghệ cao, công nghệ mới, trong đó có nhiều công nghệ lưỡng dụng. Điều cần nhấn mạnh là, tổ hợp CNQP ở các quốc gia này đều là lực lượng nòng cốt, đảm nhiệm nhiều vai trò mũi nhọn của công nghiệp quốc gia với nhiều đột phá về khoa học, công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam là phương thức hiệu quả để hiện thực hóa chủ trương xây dựng, phát triển CNQP “theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”.

Ở Việt Nam, tuy chưa hình thành cụ thể mô hình tổ hợp CNQP, nhưng CNQP không chỉ “là một bộ phận nòng cốt, cơ bản, quan trọng nhất của tiềm lực kinh tế quân sự và sức mạnh quốc phòng”9, mà còn là “bộ phận năng lực sản xuất của công nghiệp quốc gia và trở thành một trong các chủ thể của nền kinh tế, được Nhà nước đầu tư và bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Luật doanh nghiệp”10. Do vậy, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP vừa là phương thức hiệu quả để hiện thực hóa chủ trương xây dựng, phát triển CNQP “theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”11; đồng thời “là phương thức hiệu quả để Việt Nam xây dựng, phát triển nền CNQP độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường theo hướng lưỡng dụng, hiện đại12.

Thứ sáu, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là cách thức thực hiện cơ cấu lại và đổi mới các cơ sở CNQP Việt Nam. Thực tiễn các quốc gia có tổ hợp CNQP mạnh cho thấy, việc cơ cấu lại và đổi mới các cơ sở CNQP nhằm đạt được mục tiêu: Vừa giữ vững, tăng cường năng lực công nghệ của CNQP theo hướng lưỡng dụng, vừa giữ vai trò chủ đạo trong tái cơ cấu và đổi mới sản xuất quốc phòng. Kết quả của cơ cấu lại và đổi mới các cơ sở CNQP là đã tạo ra những thay đổi thực chất trong một số ngành công nghiệp, có tác động lan tỏa và dẫn dắt việc cơ cấu lại ngành công nghiệp quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với Việt Nam, việc cơ cấu lại và đổi mới các cơ sở CNQP, một mặt xuất phát từ yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có “cơ cấu lại công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại”13 nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; mặt khác, xuất phát từ yêu cầu hợp tác và hội nhập quốc tế về CNQP. Thông qua quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế về CNQP, các ngành công nghiệp dân dụng sẽ phát huy hiệu quả khi xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP. Vì vậy, xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam theo hướng từng bước hình thành tổ hợp CNQP với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp như chủ trương đã được Đảng ta xác định tại Đại hội lần thứ XII là cách thức thực hiện cơ cấu lại và đổi mới các cơ sở CNQP Việt Nam trong thời gian tới.

Tóm lại, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại không phân biệt chế độ xã hội, trình độ phát triển của nền kinh tế đã và đang trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP là chủ trương chiến lược của Đảng và là tất yếu khách quan, không chỉ xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn từ yêu cầu của hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng.

PGS, TS. TRẦN ĐĂNG BỘ*

ThS. PHÙNG THỊ NGA*

ĐỖ THỊ THU UYÊN**

 

*Trường Đại học Thành Đô.

**Học viên cao học Trường Đại học Thành Đô.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2016, tr.286.

2, 6. Bộ Quốc phòng, Viện Chiến lược quân sự, Một số vấn đề về tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Sách chuyên khảo do Phạm Ngọc Trung, Nguyễn Đình Chiến - Đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, tr.252, tr.337.

3. Đoàn Hùng Minh, Công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, http:www.bqp.vn/wps/portal, ngày 21/7/2013.

4, 5, 8, 11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tập I, tr.109, 244, 245.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tập II, tr.151, 152.

9, 10. Trần Đăng Bộ, Một số vấn đề cơ bản về kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng ở nước ta hiện nay (Sách chuyên khảo), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.6, tr.45. 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: