CNQP&KT - Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực, nhưng những người lính thợ Z1 (nay là Nhà máy Z111) vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, cải biên nhiều loại súng bộ binh, kịp thời phục vụ bộ đội và nhân dân chiến đấu.

Bước vào đầu năm 1962, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, lực lượng vũ trang đã hình thành 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Vùng giải phóng không ngừng được mở rộng. Để đối phó với ta, một mặt Mỹ - ngụy tăng cường các cuộc hành quân càn quét bằng cơ giới, mặt khác chúng khẩn trương xây dựng nhiều căn cứ quân sự kiên cố để ngăn chặn các cuộc tiến công của quân và dân ta. Vì vậy, nhu cầu trang bị vũ khí hỏa lực mạnh cho lực lượng vũ trang miền Nam rất cấp bách. Tuy nhiên, việc chi viện vũ khí phải được tiến hành trong phạm vi nhất định để đế quốc Mỹ không có cớ mở rộng chiến tranh, buộc chúng phải đối phó với ta trong khuôn khổ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Để đáp ứng nhu cầu vũ khí trang bị cho bộ đội trên chiến trường, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Cục Quân giới và các cơ quan chức năng nghiên cứu chế tạo, cải biên một số loại vũ khí hỏa lực mạnh. Trong đó, có việc cải biên súng tiểu liên K50 theo cấu tạo hình dáng bên ngoài giống tiểu liên Tulle của Pháp; chế tạo súng cối 81mm và chế thử súng trường CKC để đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang miền Nam đánh địch.

Nhà máy Z1 được Cục Quân giới tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ này. Tháng 3/1962, các cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Z1, gồm: Trịnh Huy Oa, Vũ Viết Trinh và Võ Thành Khương nhanh chóng bắt tay vào công tác thu thập, nghiên cứu tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ để tìm ra phương án tối ưu nhất cải biên súng tiểu liên K50. Sau khi cân nhắc mục đích, yêu cầu của việc cải biên; đối chiếu với khả năng công nghệ, trang - thiết bị hiện có của Nhà máy có thể bảo đảm cải biên hàng loạt, nhóm nghiên cứu đã đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy lựa chọn phương án tháo bỏ vỏ bọc ngoài nòng súng K50 và chế tạo một vỏ bọc mới có kết cấu giống như súng Tulle; bỏ báng gỗ, thay bằng báng khung thép, có thể kéo ra khi bắn và rút vào khi hành quân; sản xuất băng đạn mới, bảo đảm không hóc, tắc khi bắn liên thanh.

Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, cán bộ, kỹ sư và công nhân Nhà máy Z1 đã tập trung mọi nguồn lực cải biên thành công súng K50 trong thời gian sớm nhất. Sau vài lần bắn thử nghiệm kiểm tra độ cứng vững, độ bắn chụm... đều đạt tính năng kỹ, chiến thuật theo yêu cầu, được Cục Quân giới nghiệm thu và cho phép Nhà máy Z1 hoàn thiện quy trình công nghệ, tổ chức cải biên hàng loạt súng tiểu liên K50 tại Phân xưởng sản xuất súng pháo. Trong 2 năm (1962-1963), Nhà máy Z1 đã cải biên được gần 7.000 khẩu súng tiểu liên K50, kịp thời gửi vào miền Nam chiến đấu.


Công nhân Nhà máy Z1 sản xuất tại nơi sơ tán.  Ảnh: TL

Tiếp đến, cuối năm 1962, Cục Quân giới giao cho Nhà máy Z1 tiến hành nghiên cứu, sản xuất súng cối 81mm. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã tổ chức lực lượng, bố trí máy móc, trang - thiết bị, nhà xưởng và triển khai các phương án thiết kế, chế tạo súng cối 81mm. Trên cơ sở mẫu súng cối của nước bạn viện trợ, cán bộ, kỹ sư Nhà máy Z1 đã lựa chọn phương án thiết kế, chế tạo giá súng theo mẫu súng cối 82mm; máy ngắm kiểu súng Trung Chính; bệ súng theo mẫu của nước ngoài, hướng quay được 3600, chia làm 2 mảng (theo hình vành khuyên), dễ cơ động và có thể dùng bệ trong khi bắn với liều nhỏ; nòng súng được chế tạo bằng thép các-bon 70, đạt độ cứng cao. Quá trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm, cán bộ, kỹ sư Nhà máy gặp rất nhiều khó khăn trong khâu gia công và công nghệ nhiệt luyện nòng súng. Bởi nòng súng cối 81mm được chế tạo theo công nghệ gia công lỗ sâu rất phức tạp, phải qua các bước như: khoan, khoét, xoáy, doa và miết bóng đạt độ nhẵn sáng; công nghệ nhiệt luyện phải đảm bảo nòng súng không bị nứt và biến dạng. Nhưng bằng ý chí tự lực, tự cường, cán bộ, công nhân Nhà máy Z1 đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại dụng cụ đồ gá để gia công nòng súng và chọn được phương pháp nhiệt luyện thích hợp. Ngày 19/11/1963, tại Trường bắn Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113), Cục Quân giới đã tổ chức bắn thử để xác định độ bền của nòng súng cối 81mm. Ngày 30/11/1963, tại Trường bắn quốc gia Sơn Tây, Cục Quân giới tiến hành thử nghiệm lần hai để kiểm tra lại sức bền của súng, độ chụm, mối lắp ghép các chi tiết... Sau hai lần thử nghiệm nòng súng, giá súng, bệ súng, máy ngắm, lò xo giảm giật và các mối lắp ghép đều đạt tính năng kỹ, chiến thuật. Trong 2 năm (1963-1964), Nhà máy Z1 đã sản xuất được 84 khẩu và bàn giao cho Cục Quân giới trang bị cho bộ đội trên chiến trường.

Trong 2 năm (1962-1963), Nhà máy Z1 đã cải biên được gần 7.000 khẩu súng tiểu liên K50 kịp thời gửi vào miền Nam trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu.

Cùng với nghiên cứu cải biên súng tiểu liên K50 và chế tạo thành công súng cối 81mm, Nhà máy Z1 tiếp tục hoàn thành công tác chế thử súng trường CKC. Đây là loại súng có cỡ nòng 7,62mm, chiều dài toàn thể 1.022mm, trọng lượng 4kg, sơ tốc 715m/giây, tầm bắn hiệu quả 400m, tầm bắn xa nhất 2.500m, băng đạn có 10 viên và tự động nạp đạn. Để chế tạo thành công loại súng này, một dây chuyền sản xuất súng CKC có công suất 2 nghìn khẩu/năm được nước bạn viện trợ và lắp đặt tại Nhà máy Z1. Dây chuyền được trang bị rất nhiều máy móc, dụng cụ, đồ gá chuyên dùng, dưỡng kiểm… có độ chính xác cao. Bên cạnh đó, nước bạn còn cung cấp cho Nhà máy một số tài liệu thiết kế, hướng dẫn quy trình công nghệ, định mức kỹ thuật và cử chuyên gia hướng dẫn công tác nghiên cứu chế tạo hoàn chỉnh súng CKC.

Trên cơ sở dây chuyền công nghệ và tài liệu thiết kế, Nhà máy Z1 đã thành lập Ban chế thử súng CKC do đồng chí Đồng Tiêu phụ trách. Cuối năm 1962, Nhà máy đã chế thử được 200 khẩu CKC và tổ chức bắn thử nghiệm kiểm tra chuyển động và đường ngắm; đồng thời, tổ chức rút thăm bắn thử độ bền của 1 khẩu. Kết quả sau khi bắn 6.000 viên đạn, súng chỉ bị hóc tắc 9 lần, bị hỏng 2 chi tiết, trong khi quy định kỹ thuật bắn thử bền cho phép súng hóc tắc 21 lần và gẫy, hỏng 3 chi tiết. Sau cuộc bắn thử nghiệm, Nhà máy Z1 đã tổ chức rút kinh nghiệm đợt chế thử lần đầu và lập kế hoạch đẩy nhanh tiến độ chế thử cho những lần tiếp theo đảm bảo hiệu quả và an toàn. Đến quý II năm 1963, Nhà máy Z1 đã cơ bản hoàn thành chương trình chế thử súng CKC với số lượng 2.000 khẩu và bắt đầu sản xuất loạt nhỏ. Đầu năm 1967, Nhà máy đã sản xuất được 5.786 khẩu CKC, kịp thời trang bị cho lực lượng vũ trang đánh địch trên các mặt trận.

Có thể nói, những năm đầu mới thành lập (19/3/1957), Nhà máy Z1 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, có thời điểm phải sơ tán chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, song cán bộ, công nhân viên Nhà máy luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa nhiều loại vũ khí phục vụ bộ đội chiến đấu, khẳng định là chiếc nôi sản xuất, sửa chữa súng bộ binh phục vụ Quân đội.

MINH LÂM

Theo Biên niên Sự kiện lịch sử Quân giới Việt Nam (1954 - 1975)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: