CNQP&KT - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do tính đặc thù nên CNQP phải được xây dựng thành luật riêng, độc lập và không thể đồng nhất với công nghiệp an ninh.

Phát triển CNQP liên quan đến vận mệnh dân tộc, sự an nguy, thịnh vượng của quốc gia nên nhiệm vụ này đã sớm được hiến định trong Hiến pháp 1980, xác định trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng, phát triển CNQP.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 26/1/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã ban hành Pháp lệnh CNQP. Trước đó, ngày 25/2/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp. Các Pháp lệnh được ban hành là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị Quân đội quán triệt, tổ chức thực hiện động viên công nghiệp và xây dựng, phát triển CNQP. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, quản lý ngành đối với các hoạt động CNQP, động viên công nghiệp. Sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh Động viên công nghiệp và hơn 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP, trước yêu cầu của thực tiễn, cần xây dựng một luật thống nhất về lĩnh vực này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển CNQP, động viên công nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập xuất hiện trong quá trình thực thi 2 Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Cần khẳng định rằng, việc hợp nhất 2 Pháp lệnh xây dựng thành một luật riêng là phù hợp và cần thiết, bởi đều liên quan đến chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài và sự huy động nguồn lực của đất nước đối với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, hiện trong một số nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật đang sử dụng cụm từ “công nghiệp quốc phòng, an ninh”, hoặc “công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh”. Vậy có nên xây dựng dự án Luật theo hướng gộp cả CNQP và công nghiệp an ninh không? Đâu là những cơ sở khoa học? Đây là một vấn đề lớn, cần phải có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, mang tính đại cục. Trong phạm vi bài viết này, xin được luận bàn về tính độc lập của lĩnh vực CNQP trong dự luật này.

Tính từ ngày thành lập, ngành Quân giới - CNQP Việt Nam đã có gần 77 năm xây dựng, trưởng thành; khẳng định vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, CNQP tiếp tục giữ vai trò là ngành đặc thù, được ưu tiên trong đầu tư phát triển như Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định. Nói cách khác, CNQP là một lĩnh vực chuyên biệt, gắn với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, tăng cường tiềm lực quốc phòng đất nước và hiện đại hóa Quân đội. Vì vậy, do tính đặc thù nên CNQP phải được xây dựng thành luật riêng, độc lập và không thể đồng nhất với công nghiệp an ninh. Điều đó xuất phát từ các lý do sau đây:

Một là, lịch sử xây dựng và phát triển của từng ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cho thấy: không thể hợp nhất CNQP với công nghiệp an ninh. Với tầm nhìn chiến lược, chỉ 13 ngày sau khi tuyên bố độc lập, ngày 15/9/1945, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới - tiền thân của Tổng cục CNQP ngày nay. Như vậy, ngành CNQP đã có  vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là truyền thống không thể trộn lẫn, là sự cống hiến công sức, trí tuệ, hy sinh xương máu và ăn sâu trong tiềm thức, tâm tư, tình cảm của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong ngành. Trong khi đó, ngành công nghiệp an ninh giai đoạn gần đây mới có chủ trương xây dựng và được đề cập trong các văn bản chính thống. Cụ thể, đến Đại hội XI mới xác định chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh”1; tuy nhiên việc triển khai trên thực tế còn nhiều hạn chế. Đến ngày 8/6/2020, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 63/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 63) quy định về công nghiệp an ninh. Có thể nói, so với CNQP thì công nghiệp an ninh mới ở chặng đường đầu hình thành cơ chế quản lý, bộ máy quản lý và các thiết chế vận hành.

Trước yêu cầu của thực tiễn, cần xây dựng một luật thống nhất về lĩnh vực này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển CNQP, động viên công nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hai là, bản thân tên gọi CNQP và công nghiệp an ninh cũng đã nói lên nội hàm từng ngành công nghiệp là khác nhau. Theo đó, CNQP có tính đặc thù của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài, vật tư, trang bị hậu cần cần thiết cho lực lượng vũ trang, bao gồm cả vũ khí bộ binh và vũ khí, trang bị, phương tiện cho các quân, binh chủng và các lực lượng. Nhiệm vụ của CNQP cũng có nội hàm vừa bao trùm, vừa mở rộng là bảo đảm vũ khí, trang bị cho sự nghiệp quốc phòng, an ninh, “một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước”2. Ngược lại, nội hàm của công nghiệp an ninh không thể bao hàm nhiệm vụ đảm bảo cho quốc phòng. Do vậy, CNQP là lĩnh vực công nghiệp không thể trộn lẫn với bất kỳ ngành công nghiệp nào, kể cả công nghiệp an ninh. Thuật ngữ CNQP, an ninh được hiến định trong Hiến pháp 2013 là dùng để đề cập đến CNQP và công nghiệp an ninh gắn với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ đặc thù của từng lĩnh vực. Điều đó không đồng nghĩa với CNQP, công nghiệp an ninh là một, cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nhau hay có thể hòa lẫn vào nhau.

Ba là, việc tách riêng nội hàm CNQP và công nghiệp an ninh không dẫn tới việc đầu tư trùng lặp, dàn trải, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ mà phù hợp với yêu cầu phát triển của mỗi ngành, đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm chuyên dụng, đặc thù. Đối với công nghiệp an ninh, việc sản xuất sản phẩm chuyên dụng được quy định tại Nghị định 63, gồm: sản phẩm có tính năng đặc thù phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch; được pháp luật quy định cụ thể về sử dụng. Công nghiệp an ninh cũng được chỉ rõ nhiệm vụ là nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân. Như vậy, sản phẩm chuyên dụng và nhiệm vụ của công nghiệp an ninh chỉ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an. Nó không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của CNQP là sản xuất vũ khí, phương tiện kỹ thuật, trang bị hậu cần cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và hiện đại hóa Quân đội.


Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP, phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp về triển khai xây dựng Luật CNQP, An ninh và động viên công nghiệp.  Ảnh: MINH TUẤN

Bốn là, chủ thể quản lý của CNQP và công nghiệp an ninh là riêng biệt do đặc thù từng ngành và chức năng nhiệm vụ của từng Bộ. Cụ thể, các cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quy hoạch, xây dựng và trực tiếp quản lý, điều hành; các cơ sở CNQP do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, điều hành. Do vậy, việc hợp nhất hai lĩnh vực công nghiệp có sự khác biệt vào một dự luật là không tương thích, không khả thi. Đồng thời, nó còn ảnh hưởng đến tính bao quát của chính sách, nhất là tính đặc thù từng ngành công nghiệp, gây khó khăn cho quá trình thực thi và có thể sẽ dẫn tới không đáp ứng tốt nhiệm vụ phát triển CNQP và công nghiệp an ninh.

Năm là, quy mô sản xuất, sản phẩm cuối cùng của CNQP có khác biệt rất lớn với công nghiệp an ninh. Nếu như CNQP hướng tới sản xuất ra các loại vũ khí, trang bị cho tất cả các quân, binh chủng, gồm: vũ khí bộ binh; trang bị, phương tiện, vũ khí quân, binh chủng (máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo hạng nặng, tên lửa...) thì công nghiệp an ninh chỉ sản xuất các vũ khí trang bị hạng nhẹ, công cụ hỗ trợ. Việc phân bổ nguồn lực với tư cách là yếu tố đầu vào, như: nguyên, vật liệu; vốn; nhân lực cho CNQP lớn hơn rất nhiều so với công nghiệp an ninh. Mặt khác, CNQP được định hướng xây dựng “theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”3 nên từ việc xây dựng thể chế, quy hoạch phát triển đến đầu tư nguồn lực cũng phải khác biệt so với với công nghiệp an ninh.

Nếu ghép công nghiệp an ninh vào dự Luật sẽ vênh nhau về đối tượng và cơ chế điều chỉnh, chức năng, nhiệm vụ, chỉ huy quản lý, từ đó không thể điều chỉnh hết hoạt động của hai chủ thể không đồng nhất này.

Sáu là, CNQP và công nghiệp an ninh có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chủ thể sở hữu khác nhau, quy hoạch bố trí khác nhau theo mục đích sử dụng. Đầu mối quản lý CNQP là Tổng cục CNQP (Bộ Quốc phòng) so với Cục Công nghiệp an ninh (Bộ Công an) cũng có sự khác biệt rất căn bản. Đó là Tổng cục CNQP cùng một lúc thực hiện 3 thiết chế: quản lý nhà nước về CNQP; đầu mối chỉ huy quân sự; bộ máy điều hành quản lý sản xuất. Theo đó, Tổng cục CNQP được biên chế theo yêu cầu cả thời bình và thời chiến gồm: chỉ huy; các cơ quan và đơn vị trực thuộc. Khi cần thiết, Tổng cục CNQP có thể chuyển trạng thái sang vừa sản xuất vừa tác chiến. Các đơn vị của Tổng cục CNQP cũng được quy hoạch, bố trí phù hợp với chiến lược quân sự, quốc phòng, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và cả nước. Trong khi đó, Cục Công nghiệp an ninh chỉ thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức quản lý, nghiên cứu sản xuất sản phẩm chuyên dụng, lưỡng dụng và cũng không phải là đầu mối thực hiện nghiệp vụ an ninh như các đơn vị khác của Bộ Công an. Vì vậy, nếu ghép công nghiệp an ninh vào dự Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp sẽ xuất hiện sự vênh nhau về đối tượng và cơ chế điều chỉnh, chức năng, nhiệm vụ, chỉ huy quản lý, từ đó không thể điều chỉnh hết hoạt động của hai chủ thể không đồng nhất này.

Mặt khác, Mục 1, Điều 7, Chương 2, Nghị định 63 cũng chỉ rõ chủ sở hữu và các nguồn lực đầu tư cho công nghiệp an ninh là Bộ Công an. Tương tự, các nguồn lực đầu tư cho CNQP do Bộ Quốc phòng là chủ sở hữu, quản lý. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho CNQP rất khác biệt so với công nghiệp an ninh; chủ thể sở hữu, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ở doanh nghiệp CNQP, công nghiệp an ninh cũng hoàn toàn khác nhau.

Bảy là, quy hoạch phát triển của CNQP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng tạo nên sự khác biệt với công nghiệp an ninh. CNQP phải hướng tới mục tiêu “tự chủ, tự cường”4, chủ động nghiên cứu thiết kế, chế tạo được các loại vũ khí hiện đại đáp ứng thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và ứng phó hiệu quả với chiến tranh hiện đại sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đặc biệt, ngay đầu năm 2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó xác định rõ nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển hiện đại hóa CNQP. Theo đó, CNQP phải xây dựng, phát triển nhiều ngành mới, những nhiệm vụ rất đặc thù mà chỉ duy nhất CNQP mới có chức năng, nhiệm vụ thực hiện.

Tám là, thực tiễn thế giới cũng không có quốc gia nào, kể cả các nước có nền CNQP phát triển bậc nhất như: Mỹ, Anh, Pháp, Nga... định hình một nền công nghiệp mang tên CNQP, an ninh. Sự phát triển CNQP thế giới đã chứng minh, CNQP là cốt yếu trong sứ mệnh bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, đặc biệt là trong điều kiện thời chiến. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đang tiến hành ở Ukraina khẳng định sâu sắc điều đó. Khi chiến tranh xảy ra, điều quan trọng nhất là chuyển hướng sản xuất CNQP sang thời chiến, duy trì năng lực, khả năng cơ động và bảo đảm của CNQP cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước các đòn tấn công hỏa lực hủy diệt của đối phương. Đây là sự khác biệt không thể trộn lẫn giữa CNQP với công nghiệp an ninh.

Xây dựng Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp là cần thiết, phản ánh được chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành CNQP, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công nghiệp an ninh với chức năng, nhiệm vụ khác biệt và thời gian xây dựng ngắn, nên chưa cần thiết phải xây dựng thành luật. Để phát triển công nghiệp an ninh, trong thời gian tới trên cơ sở Nghị định 63, Bộ Công an nên đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Công nghiệp an ninh. Có thể thấy, mặc dù trong văn bản của Đảng, Nhà nước có đề cập đến CNQP, an ninh song đó là chủ trương chung, định hướng lớn. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở thực tiễn phải được cụ thể hóa và phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ, đặc thù từng ngành để triển khai phù hợp. Dựa trên những phân tích, luận giải trên đây, chúng ta khẳng định không thể hợp nhất công nghiệp an ninh vào trong Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp mà nên xây dựng là Luật CNQP và Động viên Công nghiệp.

Thượng tá, TS. PHÙNG MẠNH CƯỜNG

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

_______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.235.

2. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, Dự thảo Luật CNQP và Động viên công nghiệp.

3, 4. Đảng bộ Quân đội, Văn kiên Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội 2020.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: