CNQP&KT - Phong cách chính khách Hồ Chí Minh là những giá trị đặc trưng mang đậm dấu ấn của Người, thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước. Phong cách chính khách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng trở nên quan trọng đối với đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Như đã trình bày ở kỳ 1: Tìm hiểu phong cách chính khách Hồ Chí Minh (đăng trên Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế số 1 năm 2022), phong cách chính khách Hồ Chí Minh là những giá trị ổn định, bền vững, được hình thành không chỉ từ trí tuệ uyên bác mà còn là quá trình nghiên cứu, tìm tòi, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng nghỉ của Người. Phong cách chính khách Hồ Chí Minh là tổng hòa những cách thức trong giao tiếp, ứng xử; đồng thời thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tri thức, gắn liền với thực tiễn hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú của Người. Phong cách chính khách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng trở nên quan trọng đối với đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thể hiện rõ văn hóa, uy tín, vị thế của con người và sức mạnh văn hóa, dân tộc Việt Nam trong quan hệ quốc tế. ![]() Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan (năm 1957). Ảnh: TL Từ phong cách chính khách Hồ Chí Minh, hiểu rộng ra, chính khách Việt Nam là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, những người tham gia hoạt động chính trị, giữ những vị trí quan trọng và có khả năng ra quyết định liên quan tới chính sách hay có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội, ví dụ như lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh hay đại biểu Quốc hội… Trong bối cảnh tình hình mới, nhất là nước ta đang hội nhập sâu rộng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”1. Như vậy, để trở thành những chính khách chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau: Một là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo - chính khách đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Theo đó, cần phân biệt rõ giữa công chức và chính khách để xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính khách phù hợp với xu thế hội nhập. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính khách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hiểu biết sâu sắc, toàn diện, nhất là hiểu biết văn hóa, luật pháp quốc tế; có năng lực tham gia hoạch định, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Coi trọng bồi dưỡng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc và văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật trong quan hệ quốc tế và ứng xử linh hoạt, khéo léo trong hoạt động đối ngoại. Qua đó, tạo sự gần gũi, thân thiện, hiểu biết, tôn trọng, mến khách của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Đồng thời, có khả năng đảm nhiệm, thực hiện tốt các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp cũng như khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng sự phát triển của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhiệt tình cách mạng và trách nhiệm cao cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo - chính khách. Lòng nhiệt tình cách mạng chỉ phát huy hiệu quả khi nó tuân theo các quy luật khách quan và kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học, thực sự am hiểu và có vốn kiến thức phong phú, sâu rộng về công việc, lĩnh vực mà mình phụ trách. Tri thức khoa học được hình thành trong quá trình học tập, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn để thu thập kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như ý thức chính trị trước những diễn biến mới của tình hình. Phong cách, tác phong khoa học của chính khách từ tư duy đến phương pháp làm việc, ứng xử… có vai trò quan trọng, tạo nền tảng để hình thành phong cách lãnh đạo đúng đắn, khoa học và sáng tạo, không rập khuôn, máy móc. Từ đó, có nhận thức và chỉ đạo đúng đắn trong công việc, đánh giá, sử dụng đúng người, đúng việc, trọng dụng người có đức, có tài. Ba là, bồi dưỡng phong cách dân chủ, công khai, minh bạch. Thường xuyên trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân cả trong ban hành chính sách, pháp luật, xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là ý kiến phản biện trái chiều. Đồng thời, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết; phải thực sự gương mẫu, trung thực, khách quan, công tâm, giữ vững lập trường, bản lĩnh, nguyên tắc trong ban hành và thực hiện các chính sách, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. ![]() Đại hội XIII của Đảng xác định tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ảnh: CTV Bốn là, bồi dưỡng phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở, gần gũi với quần chúng. Luôn sâu sát, hòa mình với quần chúng để nắm bắt và định hướng dư luận, nắm được ý chí, nguyện vọng của nhân dân và đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách phù hợp với thực tiễn. Chính khách phải biết lắng nghe, thấu hiểu và phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của quần chúng để đoàn kết, quy tụ được nhân dân, tạo nên động lực, sức mạnh to lớn thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân để kịp thời tháo gỡ, giúp đỡ nhân dân. Lãnh đạo sâu sát quần chúng để nâng cao được tính khách quan, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả.
Năm là, bồi dưỡng phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của chính khách. Mỗi chính khách phải tiên phong trong công việc; dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Nêu gương chủ yếu là hành động, nói ít, làm nhiều; luôn thực hiện nói đi đôi với làm. Phát huy vai trò tự bồi dưỡng phong cách lãnh đạo, xác định những nội dung, biện pháp phù hợp để tự rèn luyện từ cách tư duy, làm việc, ứng xử... Bồi dưỡng phong cách chính khách Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay cần gắn kết chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) của Đảng và tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự - Học viện Chính trị TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 161-162. |