CNQP&KT - Ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu đối với việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quân sự - quốc phòng nói chung, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) nói riêng, trong đó có hoạt động triển lãm - hội chợ.

Mới đây, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thành công Triển lãm - Hội chợ trên không gian mạng với chủ đề: “Kinh tế - Quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” (VIDEX 2021). Hoạt động được diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 tác động tiêu cực trên diện rộng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo hướng: Nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thương mại điện tử... nhằm thích ứng với điều kiện “bình thường mới”. Đây cũng là thời cơ “chín muồi” hội tụ đầy đủ các yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử bùng nổ và phát triển mạnh mẽ.

VIDEX 2021 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp trên thực địa và trực tuyến trên mạng internet. Trong đó, lễ khai mạc được tổ chức tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, thu hút hơn 100 đại biểu tham dự và hàng nghìn lượt khách tham quan trực tiếp. Còn hình thức trực tuyến được kết nối tới 266 điểm cầu, gồm hơn 150 điểm cầu của các đơn vị trong toàn quân và hơn 100 điểm cầu của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút gần 10.000 lượt xem trực tiếp trên tất cả các nền tảng phát sóng.

VIDEX 2021 đã có hơn 20 đầu mối đơn vị quân đội tham gia triển lãm, trong đó có nhiều đơn vị tiêu biểu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) quân sự, như: Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh 86, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Tổng cục Kỹ thuật... Các hình ảnh, số liệu trưng bày theo hình thức số hóa đạt được tính tổng hợp, khái quát cao, mang tính tiêu biểu và giới thiệu được nét đặc trưng của mỗi đơn vị. Không gian triển lãm ảo được thiết kế và tích hợp trên website chính thức của sự kiện tạo thuận lợi tối đa cho khách tham quan. Do tính mở và tính không giới hạn của không gian mạng, Triển lãm đã trưng bày được nhiều nội dung dưới dạng hình ảnh, video clip đa dạng, phong phú như: Những thành tựu tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh... Các nội dung trưng bày triển lãm đều đảm bảo giữ bí mật quân sự và an toàn thông tin trên môi trường mạng internet, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng.

Toàn bộ nội dung, hình thức và cơ sở dữ liệu của VIDEX 2021 đã được tích hợp vào Sàn giao dịch điện tử các DNQĐ (tại địa chỉ www.dnqd.vn) để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện triển lãm, trưng bày sản phẩm và giao dịch với các đối tác trên môi trường thương mại điện tử.

Ngoài ra, VIDEX 2021 cũng có hơn 200 gian trưng bày dưới hình thức trực tuyến của hơn 200 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực CNQP, công nghệ điện tử, công nghệ cao, môi trường, năng lượng, cơ khí, ô tô, công nghiệp phụ trợ... trong đó có 26 đơn vị, doanh nghiệp quân đội (DNQĐ), 118 doanh nghiệp trong nước, 60 doanh nghiệp nước ngoài (Mỹ, Nga, Ukraina, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Singapore, Lào, Campuchia...). Trong thời gian diễn ra, VIDEX 2021 đã tổ chức được 56 cuộc hội thảo, giao thương trực tiếp và trực tuyến; 23 biên bản hợp tác chiến lược, hợp đồng kinh tế được ký kết, mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho các đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đăng ký kết nối giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điểm nổi bật của VIDEX 2021 là các gian triển lãm, các sản phẩm quân sự, quốc phòng được số hóa dưới định dạng 2D (video, hình ảnh, catalog...), 3D (không gian 3 chiều). Ban Tổ chức đã hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp số hóa gần 100 sản phẩm quân sự, 1.000 sản phẩm kinh tế, sản phẩm lưỡng dụng… đưa lên website để khách tham quan, trải nghiệm. Các sản phẩm số hóa có thể tương tác được đã mang lại trải nghiệm mới cho khách tham quan, thu hẹp khoảng cách về tính chân thực giữa sự kiện được tổ chức trên không gian mạng và theo phương thức truyền thống trên thực địa; đồng thời góp phần thể hiện được tiềm lực nghiên cứu, phát triển KHCN quân sự của Quân đội ta.

Được đánh giá thành công tốt đẹp, song quá trình tổ chức VIDEX 2021 cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là: Do cần bảo đảm bí mật quân sự và yếu tố bản quyền nên nhiều sản phẩm, khí tài quân sự chưa được số hóa và trưng bày đầy đủ tại Triển lãm - Hội chợ. Các sản phẩm và khí tài trưng bày chưa thể hiện hết tiềm lực quân sự, quốc phòng, sự phát triển hiện đại, những đóng góp quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Quá trình số hóa sản phẩm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên triển khai còn chậm. Nhiều doanh nghiệp còn nặng về trưng bày, quảng bá thương hiệu, chưa chú trọng đến các hoạt động XTTM, nhất là chưa kịp thời thích ứng với phương thức XTTM trên không gian mạng, cũng như tiếp cận với những công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0.


Gian trưng bày sản phẩm của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Triển lãm - Hội chợ trên không gian mạng. Ảnh: TRẦN LÊ

Để giúp các DNQĐ từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, dịch vụ; phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững, công tác XTTM trong Quân đội cần tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các nội dung. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả tổ chức triển lãm - hội chợ, đặc biệt là hình thức tổ chức trên không gian mạng. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác truyền thông, quảng bá về hiệu quả và sự cần thiết tiến hành các hoạt động triển lãm - hội chợ trên không gian mạng. VIDEX 2021 là sự kiện có tính chất tiên phong giới thiệu về tiềm lực KHCN quân sự, đóng góp quan trọng của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. VIDEX 2021 đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi số quốc gia. Do đó, đây thực sự là một “cú huých” thúc đẩy kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong kỷ nguyên công nghệ số.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện theo lộ trình thích hợp để tận dụng và phát huy tối đa các tiện ích của công nghệ thông tin vào đa dạng hóa hình thức triển lãm - hội chợ. Thành công của VIDEX 2021 đã thể hiện năng lực của cơ quan, đơn vị, DNQĐ trong chuyển đổi số, giúp tiết giảm chi phí, thời gian; góp phần nâng cao chất lượng công tác, năng lực điều hành, quản trị của các đơn vị, doanh nghiệp. Bộ Quốc phòng đã cho phép tiếp tục tổ chức thường niên các cuộc triển lãm - hội chợ trên không gian mạng, kết hợp triển lãm trên thực địa. Do đó, cần làm tốt công tác tham mưu để cấp có thẩm quyền cho phép ban hành danh mục các sản phẩm CNQP, khí tài quân sự được phép quảng bá, xuất khẩu, tạo thuận lợi trong việc tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ trong thời gian tới với quy mô lớn mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối giao thương, cung cầu công nghệ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các đơn vị, DNQĐ với các đối tác, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm kêu gọi xúc tiến đầu tư, đào tạo, hướng dẫn chuyển giao công nghệ mới, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng cạnh tranh, đi tắt đón đầu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu KHCN hiện đại vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của các đơn vị, DNQĐ.

Bộ Quốc phòng đã cho phép tiếp tục tổ chức thường niên các cuộc triển lãm - hội chợ trên không gian mạng, kết hợp triển lãm trên thực địa nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm về công nghệ phục vụ quốc phòng và dân sinh để phù hợp với xu thế xúc tiến thương mại thời kỳ 4.0.

Thứ ba, đầu tư nguồn lực nhằm làm chủ công nghệ tổ chức các sự kiện trên nền tảng thực tế ảo phục vụ tuyên truyền quảng bá hoạt động quân sự, quốc phòng nói chung và hoạt động triển lãm - hội chợ nói riêng. Để làm chủ về công nghệ, đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép Cục Kinh tế, cơ quan thường trực Ban Tổ chức, phối hợp với các đơn vị có thế mạnh về công nghệ của Bộ Quốc phòng xây dựng đề án, dự án triển khai xây dựng nền tảng công nghệ thực tế ảo tăng cường để tổ chức các sự kiện trên không gian mạng, phù hợp với xu thế mới. Cùng với đó, các đơn vị, DNQĐ cần dành nguồn kinh phí, lựa chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin để phục vụ công tác chuyển đổi số phù hợp với xu thế phát triển và đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Thứ tư, cần tiếp tục duy trì hoạt động của mạng thực tế ảo trên không gian mạng sau khi kết thúc sự kiện nhằm thu hút lượng người truy cập, tìm kiếm đối tác thương mại điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNQĐ. Thông thường, hoạt động triển lãm - hội chợ sẽ kết thúc trong khoảng thời gian theo quy định. Do đó, sau sự kiện, khách tham quan muốn tìm hiểu thêm thông tin phải liên hệ trực tiếp với Ban Tổ chức. Hoạt động triển lãm - hội chợ trên không gian mạng cho phép lưu giữ thông tin hình ảnh lâu dài. Phát huy tính năng đó, sau khi tổ chức thành công, toàn bộ nội dung, hình thức và cơ sở dữ liệu của VIDEX 2021 đã được Ban Tổ chức tích hợp vào Sàn giao dịch điện tử các DNQĐ (tại địa chỉ www.dnqd.vn) để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện triển lãm, trưng bày sản phẩm và giao dịch hiệu quả với các đối tác trên môi trường thương mại điện tử. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai, nâng cấp phục vụ cho các cuộc triển lãm - hội chợ trong thời gian tới.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng nền tảng số trong đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động triển lãm - hội chợ là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa các hoạt động quản trị doanh nghiệp. Với định hướng chiến lược đúng đắn của Bộ Quốc phòng và tiềm lực KHCN quân sự của Quân đội, tin tưởng rằng, việc ứng dụng nền tảng công nghệ thực tế ảo để tổ chức các sự kiện trên không gian mạng, phù hợp với xu thế mới sẽ là cơ hội tốt giúp DNQĐ đẩy mạnh hoạt động XTTM, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, thị trường trong nước và quốc tế.

Đại tá PHẠM VĂN THẮNG

Giám đốc Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội 

Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: