CNQP&KT - Lịch sử hình thành, phát triển của Nhà máy Z113 gắn liền với sự ra đời của Công trường 14 vào năm 1957. Trải qua 65 năm xây dựng, trưởng thành, Nhà máy Z113 đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng, 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Trong thời kỳ mới, Nhà máy đang nỗ lực phấn đấu, tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Sử vàng truyền thống Nhà máy nhắc nhớ, cách đây tròn 65 năm (1/3/1957), Công trường 14 - tiền thân của Z113 ngày nay, được thành lập theo Quyết định số 501/QĐ1 của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà máy. Công trình 14 được khởi công xây dựng từ năm 1957, chính thức đi vào sản xuất năm 1962. Ngày 2/7/1962, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã ký Quyết định số 1187/QĐ5, giao nhiệm vụ chính thức cho Nhà máy sản xuất, sửa chữa các loại đạn pháo, đạn cối, đạn con và một số loại lựu mìn cho ngành Quân giới. Để ghi nhớ thời gian thành lập Công trường 14 (năm 1957) và thời gian ra quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Nhà máy Z2, thể theo nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy, ngày 2/1/2001, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã ký Quyết định số 05/QĐ-cnqp công nhận ngày 2/7/1957 là Ngày truyền thống của Nhà máy Z113.

Để trở thành một trong những nhà máy công nghiệp quốc phòng (CNQP) nòng cốt lớn mạnh như ngày hôm nay, Z113 đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, không thể không nhắc đến những năm kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, Nhà máy đã 2 lần bị bom Mỹ tàn phá nặng nề, công nhân phải vận chuyển hàng chục nghìn tấn máy móc thiết bị đi sơ tán tại nhiều địa điểm khác nhau. Song với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, bất chấp mưa bom, bão đạn, vừa chiến đấu, vừa sản xuất hàng vạn tấn vũ khí, bao gồm hàng triệu quả lựu, mìn, đạn pháo, đạn cối các loại phục vụ quân và dân ta đánh giặc. Đặc biệt, Nhà máy đã sản xuất, sửa chữa hàng nghìn quả đạn pháo 130mm, đạn cối 160mm theo kế hoạch 75B, kịp thời cung cấp cho chiến trường, góp phần vào chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, Z113 vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, vừa tham gia sản xuất kinh tế. Với tư duy nhạy bén, thấy trước được thời cơ cũng như thách thức, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã cử cán bộ đi nghiên cứu thị trường để phát triển sản phẩm trên cơ sở dây chuyền sản xuất hiện có. Nhà máy đã sản xuất thành công một số sản phẩm kinh tế và được thị trường đón nhận, như: các thiết bị cho ngành dệt, phụ tùng xe đạp, hàng cơ khí tiêu dùng… góp phần đảm bảo việc làm, cải thiện đời sống người lao động trong những năm vượt khó của nền kinh tế tập trung bao cấp. Cũng trong thời kỳ này, chiến tranh biên giới nổ ra ở hai đầu đất nước, theo yêu cầu của cấp trên, Nhà máy đã cử cán bộ kỹ thuật vào Nam, phối hợp với Nhà máy Z751 nghiên cứu, tổ chức sửa chữa, phục hồi thành công gần 2.000 bộ bơm cao áp xe GMC, kịp thời phục vụ bộ đội ta cơ động lực lượng và vận chuyển hàng ra mặt trận. Mặt khác, để đáp ứng kịp thời đạn dược cho chiến trường, Nhà máy đã tổ chức một dây chuyền (đặt ở tiền phương) để sửa chữa đạn pháo 105mm và đạn cối các loại, cung cấp kịp thời cho Bộ Tư lệnh Mặt trận 479, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc.


Nhà máy Z113 hôm nay nhìn từ trên cao.    Ảnh: CTV

Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, Nhà máy Z113 có điều kiện tập trung nguồn lực vật chất, kỹ thuật, nhân lực để thực hiện quy hoạch phát triển dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 05, Nghị quyết 27, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP. Trong giai đoạn này, nhiều dự án đầu tư, công trình nghiên cứu quan trọng của Nhà máy được triển khai và đi vào sản xuất đáp ứng cho nhiệm vụ phát triển quốc phòng và kinh tế... Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, Nhà máy đã làm chủ công nghệ sản xuất nhiều chủng loại đạn súng bộ binh đảm bảo cho Quân đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật Nhà máy cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, sửa chữa tổng lắp các loại đạn pháo, góp phần khẳng định năng lực của CNQP Việt Nam trong việc đảm bảo các loại vũ khí cung cấp cho sư đoàn bộ binh đủ quân.

Nhà máy Z113 vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng (Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân - năm 1990, Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - năm 2008); 1 phân xưởng và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 (Nguồn: Phòng Chính trị, Nhà máy Z113)

Với dây chuyền, thiết bị hiện có, Nhà máy đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nghiên cứu, chế thử và đưa vào sản xuất hàng chục sản phẩm mới, trong đó có nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Bên cạnh đó, Nhà máy đã tổ chức sản xuất các loại đạn dùng cho Không quân, Hải quân. Đây là bước đột phá trong sản xuất sản phẩm quốc phòng, lần đầu tiên Nhà máy làm chủ được công nghệ sản xuất các loại đạn pháo Hải quân, góp phần quan trọng trong việc chủ động đảm bảo vũ khí, không phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu và tiết kiệm ngân sách của Nhà nước. Cùng với đó, Nhà máy đã làm chủ công nghệ dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT, đáp ứng cho việc sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí trong Quân đội, góp phần tăng tính chủ động trong việc tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí.

Bên cạnh việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm quốc phòng, Nhà máy Z113 còn thực hiện hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ phục vụ sản xuất kinh tế, như: thuốc nổ nhũ tương chất lượng cao, mồi nổ MN-13 và mồi nổ tăng cường MNTC-13, liều phóng quả nổ, quả cầu chữa cháy, ống phóng chữa cháy, giàn phóng chữa cháy, máy bay không người lái chữa cháy… Trong điều kiện nhiệm vụ quốc phòng được giao không ổn định, Nhà máy đã năng động, sáng tạo đẩy mạnh sản xuất kinh tế, với doanh thu chiếm 60% tổng doanh thu của đơn vị, góp phần quan trọng trong việc duy trì đội ngũ, tạo thêm nguồn lực và nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng. Các sản phẩm kinh tế do Nhà máy sản xuất đạt chất lượng tốt, có uy tín trên thị trường, nổi bật là thuốc nổ công nghiệp, cột điện bê tông ly tâm, mũi khoan xoay cầu… Nhà máy cũng phát huy tính lưỡng dụng của dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT trong việc sản xuất thuốc nổ TNT công nghiệp phục vụ dân sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Nhà máy đã có nhiều giải pháp quan trọng, trong đó hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế được đẩy mạnh, nhờ vậy, đã xuất khẩu được hàng nghìn tấn thuốc nổ TNT công nghiệp sang thị trường Philippines và Indonesia, mở ra hướng tiêu thụ sản phẩm chủ lực trong tương lai. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn đơn vị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy liên tục phát triển, đạt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân hằng năm trên 8%. Doanh thu năm 2020 tăng 165%, lợi nhuận tăng 183%, thu nhập bình quân tăng 175% so với năm 2016.


Dây chuyền sản xuất quốc phòng của Nhà máy Z113.
Ảnh: MẠNH CHIẾN

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Nhà máy Z113 đã tiến hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị; đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng tạo động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và triển khai có hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, dân vận, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh. Ghi nhận những thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển, Nhà máy Z113 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng (Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân - năm 1990, Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - năm 2008); 1 phân xưởng và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng; 3 Huân chương Quân công; 8 Huân chương Chiến công; 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Cụm Công trình nghiên cứu, thiết kế chế tạo vũ khí; Giải thưởng Nhà nước về chế tạo vật liệu nổ công nghiệp; Giải Nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), Giải thưởng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về chế tạo mũi khoan xoay cầu; 3 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 9 Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, Nhà máy vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

"Nhà máy Z113 tiếp tục đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động tổ chức, quản lý sản xuất và điều hành doanh nghiệp theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả".

(Thượng tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113)

Lịch sử của Nhà máy Z113 là lịch sử của Công trường 14, của những phiên hiệu quân sự Z2, V113, Z113, với nhiều chiến công và thành tích rất đáng tự hào. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z113 hôm nay tiếp tục vững bước trên chặng đường mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 được Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy xác định lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 2 khâu đột phá, đó là: Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đổi mới về tổ chức sắp xếp lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung năng lực sửa chữa lớn đạn pháo, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, kinh tế và tiếp tục phát triển sản phẩm mới. Để đạt được mục tiêu đề ra, Nhà máy tiếp tục đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động tổ chức, quản lý sản xuất và điều hành doanh nghiệp theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; từng bước xây dựng nhà máy CNQP thông minh, có phương pháp quản trị tiên tiến; chủ động hội nhập, hợp tác để phát triển bền vững.

Trong hành trình 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z113 luôn ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến thăm Nhà máy vào năm 1962, đó là phải “Xây dựng Nhà máy thành Nhà máy kiểu mẫu của Quân đội”. Rồi đây, sử vàng truyền thống của Nhà máy sẽ viết tiếp những dấu ấn, sự kiện được dựng xây bằng tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z113 Anh hùng.

Thượng tá TRẦN CHÍ DŨNG

Giám đốc Nhà máy Z113

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: