CNQP&KT - Tháng Bảy tri ân, cùng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, xin được gửi lời tri ân đến những người mẹ trên khắp đất nước này, trong đó có người chị, người đồng đội của tôi.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam là những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó in dấu sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng vĩ đại của hàng triệu bà mẹ. Giờ đây, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn có những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống tội phạm, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả… Phía sau những mất mát không gì có thể bù đắp ấy, là những người mẹ, người vợ liệt sĩ thời bình kiên cường vượt qua nỗi đau, tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Trong bài viết này, tôi xin được kể về người mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng một sĩ quan ưu tú cho Quân đội nhân dân Việt Nam - Trung tá liệt sĩ Đỗ Anh, trợ lý phái bộ, Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình, chiến sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ quan sát viên quân sự tại Cộng hòa Trung Phi.


Đại diện Hội phụ nữ cơ quan Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trao sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng tặng hai con Trung tá liệt sĩ Đỗ Anh. Ảnh: NAM ANH

Người mẹ ấy là chị Trần Thị Hảo, cựu quân nhân của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP). Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại Nam Đàn, Nghệ An. Bà nội của chị là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Phiệt, có 3 người con trai, trong đó có bố chị hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chồng chị cũng là một cựu quân nhân - Thượng tá Đỗ Đức Hạnh, nguyên Phân kho trưởng Phân kho Tổng hợp, Kho K602, Tổng cục CNQP.


Đại diện Hội phụ nữ cơ quan Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình Trung tá liệt sĩ Đỗ Anh. Ảnh: NAM ANH

Từ nhỏ, chị Hảo đã ước mơ trở thành bộ đội. Với ý chí quyết tâm, năm 1979, chị nhập ngũ và được điều động về công tác tại Kho K602 thuộc Tổng cục CNQP. Trong suốt cuộc đời quân ngũ, từ năm 1979 đến năm 2004, chị luôn là người quân nhân mẫu mực, được đồng đội tin yêu, quý mến; là người vợ, người mẹ hết lòng với gia đình, chăm lo nuôi dưỡng và hướng nghiệp cho con trai duy nhất của mình tiếp bước cha anh. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đỗ Anh luôn là học sinh giỏi, liên tục nhiều năm được nhận khen thưởng của nhà trường, địa phương và của Thủ trưởng Tổng cục CNQP. Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đỗ Anh về nhận công tác tại Cục Tác chiến điện tử, sau đó chuyển về Cục Gìn giữ hòa bình, Bộ Tổng Tham mưu. Năm 2021, Đỗ Anh nhận nhiệm vụ tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi vào ngày 6/1/2022.

Với chị Hảo, thời gian như ngừng lại vào ngày hôm ấy. Gặp tôi, chị không khóc, chỉ lặng lẽ nói: “Thế là chị mất nó rồi”. Nỗi đau được nén chặt trong lòng, chị gồng mình lên, khuôn mặt như sắt lại, bờ vai trĩu xuống. Chị thương con mình, thương con dâu còn trẻ và hai cháu còn quá nhỏ.

Chị Hảo chia sẻ: “Thực lòng khi con mất, anh chị rất sốc, chới với, không biết phải làm thế nào, nhưng may mắn có đồng chí, đồng đội, họ hàng, anh em bạn bè, hàng xóm; nhất là tình cảm của lãnh đạo, chỉ huy Cục Gìn giữ hòa bình, Cục Tác chiến điện tử nơi Đỗ Anh công tác đã hỗ trợ, lo toan chu toàn công việc hậu sự cũng như mọi chế độ chính sách”. Dù thời chiến hay thời bình, đã là người mẹ, thời nào có con hy sinh cũng tột cùng đau khổ, bởi đó là khúc ruột, là con mình mang nặng đẻ đau, nhưng chị Hảo xác định, đã là người lính đi làm nhiệm vụ thì phải chấp nhận mọi hy sinh gian khổ. Mất mát này không riêng gì của gia đình chị. Đây cũng là mất mát chung của đơn vị, của Quân đội, nhưng sự hy sinh của Đỗ Anh đã góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trong đau thương mất mát, vợ chồng chị Hảo động viên nhau cố gắng cân bằng lại cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn này để làm chỗ dựa cho con dâu và các cháu. Chị Hảo tâm sự: “Đau đớn nhưng cũng rất tự hào vì chị đã hiến dâng giọt máu duy nhất của mình cho quê hương, đất nước. Giờ đây, chị chỉ nghĩ là Đỗ Anh đang đi công tác xa thôi”.

Ghi nhận sự hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và Quân đội, cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Trung tá Đỗ Anh đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận liệt sĩ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”; được Bộ Quốc phòng truy thăng quân hàm từ Thiếu tá lên Trung tá. Các cấp chính quyền địa phương cũng đang tiến hành thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho chị Trần Thị Hảo.

Có một câu nói rất hay mà tôi đã đọc được: “Dù là thời chiến hay thời bình, các con hy sinh, nỗi đau mất con của các bà mẹ đều như nhau. Mỗi người hy sinh ở một hoàn cảnh khác nhau nhưng những giọt máu của liệt sĩ rơi xuống đều đóng góp cho sự bình yên của quê hương, Tổ quốc”. Tháng Bảy tri ân, cùng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, xin được gửi lời tri ân đến những người mẹ trên khắp đất nước này, trong đó có người chị, người đồng đội của tôi.

HOÀNG THỊ HUYỀN

      (Hội phụ nữ cơ quan Tổng cục Công nghiệp quốc phòng)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: