CNQP&KT - Việc lĩnh hội và lắng nghe ý kiến đóng góp là điều hết sức cần thiết. Bởi qua đó, sẽ có thêm nguồn thông tin hữu ích, phân biệt “điều hay, lẽ phải” và đưa ra những quyết định, giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Một đơn vị nọ, khi tiến hành cải tạo nhà vệ sinh, chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà nhóm thợ xây đã bịt kín hết những ô thông khí. Nếu không chỉnh sửa thì khi vào nhà WC (mọi người vẫn gọi đùa là nhà “Uy li am Cường”) sẽ vô cùng bí bách. Ý kiến đã được chuyển đến bộ phận xây dựng cơ bản của đơn vị. Thế nhưng, đến lúc công trình đi vào hoạt động mà nhà “Uy li am Cường” vẫn kín mít như phòng xông hơi! Do vậy, chỉ sau vài tuần sử dụng, ai đó đã đục thủng tấm trần nhựa để “lấy khí”. Hành động “xé rào” này là hệ quả của việc bộ phận xây dựng cơ bản đã không lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời khắc phục sự bất hợp lý của công trình.

Một câu chuyện khác. Ai cũng biết Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Sự thành công của Viettel có một nguyên nhân rất đáng học tập, đó là doanh nghiệp này luôn biết lĩnh hội, thu thập ý kiến khách hàng qua chương trình “Lắng nghe để phát triển” được tổ chức suốt nhiều năm. Chính từ sự “lắng nghe”, Viettel đã cải thiện chất lượng dịch vụ, đưa ra những sản phẩm mới, ưu việt, tiên tiến hơn và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khách hàng.

Hai câu chuyện về sự lĩnh hội và lắng nghe đưa đến hai kết cục hoàn toàn khác nhau.

Về ngữ nghĩa, hiểu một cách nôm na, lĩnh hội và lắng nghe là khả năng tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời để điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ, hợp lý. Ngược lại, “thiểu năng” lĩnh hội và lắng nghe chính là năng lực tiếp thu, ghi nhớ theo kiểu “được chăng hay chớ”, không đầy đủ, trọn vẹn. Từ đó dẫn đến việc điều chỉnh hành vi kém, thiếu tính xây dựng và có thể gây ra những hệ lụy đáng tiếc.

Đối với mỗi tổ chức hay cá nhân, việc lĩnh hội và lắng nghe ý kiến đóng góp là điều hết sức cần thiết. Bởi qua đó, sẽ có thêm nguồn thông tin hữu ích, phân biệt “điều hay, lẽ phải” và đưa ra những quyết định, giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Trong Quân đội, việc “tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị” là một trong những nội dung cấu thành đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được nêu rõ trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương.

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc gần gũi, lắng nghe ý kiến, hết lòng phục vụ nhân dân là đạo đức, phong cách của người cách mạng chân chính. Người chỉ ra rằng: Lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ bên dưới mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa sai, nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch…Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hơn nửa thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Người.

Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và từng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng cần bồi đắp thêm năng lực lắng nghe, biết lĩnh hội những ý kiến đóng góp chính đáng, chân thành với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, kể cả những ý kiến phản biện, để ngày càng tiến bộ, hoàn thiện hơn. Đó cũng là hành động thiết thực góp phần xây dựng Quân đội ta chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và ngày càng vững mạnh.

NHẤT NGÔN

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: