CNQP&KT - Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (4/1975), Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương: “Các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng phải tập trung khả năng trước hết làm tốt nhiệm vụ sửa chữa các vũ khí, trang bị hư hỏng trong chiến tranh, sản xuất các loại phụ tùng thay thế, sản xuất một số vũ khí, trang bị hiện đại cần thiết cho lực lượng vũ trang theo khả năng của ta”. Thực hiện chủ trương trên, Bộ Quốc phòng huy động các xí nghiệp trong toàn quân sản xuất bộ phận, phụ tùng thay thế, sửa chữa và hiện đại hóa vũ khí, trang bị bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; duy trì và cải tiến các dây chuyền sản xuất vũ khí hiện có; tăng cường công tác thiết kế, chế thử. Ngoài ra, để bổ sung nguồn vũ khí bảo đảm cho lực lượng vũ trang huấn luyện và chiến đấu, các cơ quan, viện nghiên cứu cùng nhà máy tích cực nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị, như: Chế tạo thử tàu chiến đấu loại 250 tấn; sản xuất bệ pháo đưa lên tàu chiến đấu; chế tạo đạn cối, ngòi và đầu đạn pháo 130mm, ngòi đạn chống tăng B-40, đạn K56, cụm hãm lùi pháo phòng không 57mm; nghiên cứu cải tiến, sửa chữa sử dụng súng cối 82mm bắn được đạn cối 81mm thu được của địch... Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, lực lượng phản động Pôn Pốt (Campuchia) đã tiến hành xâm chiếm biên giới Tây Nam và biển, đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Bộ Quốc phòng chỉ thị cho các cơ sở Quân giới tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, rút ngắn thời gian lưu xưởng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm vũ khí, trang bị; nghiên cứu cải tiến, cải biên một số vũ khí có trong trang bị của các lực lượng phục vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Ngành Quân giới phối hợp với Binh chủng Pháo binh đã cải tiến và sản xuất 200 bộ kính ngắm của lựu pháo 122mm dùng chung cho pháo 105mm và 155mm, cấp phát cho Quân khu 7, Quân khu 9 và Quân đoàn 4. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các nhà máy, xí nghiệp, xưởng, trạm sản xuất lựu mìn, chông sắt để xây dựng tuyến phòng thủ ở biên giới Tây Nam. Đặc biệt, từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1978, các xưởng vũ khí của Quân khu 7 đã sản xuất được 77.900 quả mìn, trong đó có 23.000 quả mìn vỏ tôn và 54.900 quả mìn cải tiến. ![]() Bắn thử đạn B40 do Nhà máy Z131 chế tạo trong giai đoạn 1975-1980. Ảnh: TL Để bảo đảm phương tiện chiến đấu trên vùng biển Tây Nam, ngành Kỹ thuật Hải quân được cấp phát đầy đủ các loại phụ tùng, vật tư kỹ thuật phục vụ cho sửa chữa, cải tiến tàu thuyền chiến lợi phẩm thu được của Mỹ - Ngụy. Từ tháng 10 năm 1978, Cục Kỹ thuật Hải quân huy động cán bộ, nhân viên kỹ thuật Xưởng Ba Son, Xưởng 51 và một số bộ phận Xưởng X50 bổ sung vào các trạm Bình Thủy, Đồng Tâm, Rạch Sỏi, X58, An Thới làm nhiệm vụ. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần khẩn trương, các bộ phận kỹ thuật đã cải tiến, sửa chữa, lắp vũ khí cho 33 tàu thuyền, gồm 125 súng đại liên M-50, M-30 và trọng liên 12,7mm; 3 pháo 30mm; 8 khẩu ĐKZ và 20 giàn hỏa tiễn H-12... Ngày 17/2/1979, Trung Quốc tiến công xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Để phục vụ các đơn vị tác chiến đạt hiệu quả cao, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất vũ khí tập trung cải tiến, sửa chữa xe tăng, xe thiết giáp, pháo, cối và khí tài phục vụ chiến đấu... Thấy rõ tác dụng rất cao của lựu mìn trong các cuộc chiến đấu, ngành Quân giới mở lớp đào tạo cấp tốc cho 65 cán bộ kỹ thuật của 6 tỉnh biên giới phía Bắc về công tác tổ chức, quản lý dây chuyền sản xuất lựu mìn các loại. Sau nửa tháng học tập, số cán bộ này trở về làm nòng cốt xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí ở địa phương mình. Điển hình, ở Quân khu 2, quân và dân sản xuất được hơn 50.000 quả mìn định hướng, 200.000 quả lựu đạn; Xí nghiệp Cơ khí Tuyên Quang mỗi tháng sản xuất được hàng nghìn quả lựu đạn chày và mìn định hướng. Tại Quân khu 3, chỉ hơn một năm sau ngày thành lập (tháng 9/1978), Phân xưởng sản xuất lựu mìn Xưởng X56 đã sản xuất được 259.200 quả lựu đạn cháy LCH-78 và 35.000 quả mìn bộ binh vướng nổ, phục hồi 6.020 quả lựu đạn cũ. Sau khi sản xuất lô đầu tiên, Phòng Quân giới Quân khu giao cho Xưởng X56 hướng dẫn Xưởng X2 và xưởng của các tỉnh trong Quân khu tổ chức dây chuyền sản xuất lựu đạn.
Để bảo đảm an toàn, Bộ Quốc phòng ra lệnh di chuyển một số nhà máy, xí nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí ở phía Bắc sông Hồng về khu vực phía sau. Ngày 15/3/1979, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định di chuyển Nhà máy Z111 từ huyện Trấn Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái) về huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1979, Nhà máy Z111 lại tiếp tục di chuyển phần lớn lực lượng và trang - thiết bị, máy móc của dây chuyền sản xuất súng vào Thanh Hóa; phần còn lại ở Hoàng Liên Sơn là các thiết bị sản xuất máy và phụ tùng cơ khí, sau này phát triển thành Nhà máy Z183. Qua tổng kết công tác sản xuất và sửa chữa quốc phòng 5 năm (1976-1980), các nhà máy, xí nghiệp Quân giới đã cải tiến, sửa chữa lớn được 1.130.000 súng bộ binh, 7.930 súng pháo phòng không, 4.840 pháo mặt đất, 2.172 lần máy chỉ huy và ra-đa, 457 xe tăng, khôi phục các dây chuyền đi vào đưa sản xuất ổn định. Về phát triển công nghiệp quốc phòng, toàn quốc đã xây dựng và đưa vào hoạt động 18 nhà máy, với 18.764 cán bộ và công nhân, trang bị 2.642 máy công cụ; sản xuất được hàng trăm nghìn đạn cối 60mm và đạn chống tăng B-40, hàng triệu quả lựu đạn. Từ những chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực phấn đấu của các lực lượng trong những năm đầu thống nhất đất nước, đã góp phần bảo đảm kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội, đồng thời đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong công tác sản xuất và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội. Đại tá NGÔ NHẬT DƯƠNG |