CNQP&KT - Những năm gần đây, công nghiệp quốc phòng Indonesia đã có bước phát triển mới nhờ những nỗ lực trong hoạch định chính sách, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoàn thiện hành lang pháp lý, đặc biệt là triển khai luật công nghiệp quốc phòng. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG TỒN TẠI Indonesia bắt đầu phát triển ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) từ những năm 1980 và gọi đó là ngành “công nghiệp chiến lược”. Nước này tập trung đầu tư cho 3 tập đoàn CNQP chính là PT Dirgantara Indonesia - DI (hàng không vũ trụ), PT PAL (đóng tàu), PT Pindad (vũ khí, trang bị lục quân) và đạt được những thành công nhất định. Theo đó, PT DI phát triển chế tạo máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng. Thông qua các chương trình có điều kiện, PT DI đã sản xuất được máy bay đa năng CN-235, trực thăng Super Puma và Bell-412; tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện, phụ tùng cho Hãng hàng không Airbus và Eurocopter (thân và đuôi máy bay trực thăng EC-725). Trong khi đó, PT PAL đã xây dựng được cơ sở đóng tàu tại Surabaya, có thể đóng các loại tàu tuần tra cỡ 57m, 28m, 14m và tàu đổ bộ 125m. Trong kế hoạch mở rộng sản xuất, PT PAL tiếp tục nâng cao năng lực để thiết kế và đóng tàu đổ bộ, tàu ngầm chiến thuật 1.200 tấn và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường 2.500 tấn; tham gia đóng các loại tàu đa dụng và tàu chở dầu cỡ lớn. Còn PT Pindad đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống trên bộ. Sản phẩm mới nhất của tập đoàn này là các loại xe 6x6 “Anoa”, đã bàn giao cho Lục quân Indonesia đưa vào biên chế. Nhóm xe “Anoa” gồm các loại xe: bọc thép chở quân, trinh sát, hậu cần, cứu thương và xe tăng. PT Pindad cũng sản xuất các loại vũ khí hạng nhẹ, với các sản phẩm chính gồm súng cối các loại (đặc tính nhẹ, hỏa lực mạnh, dễ sử dụng); súng ngắn các loại (hiệu suất, độ tin cậy và độ bền cao); súng bảo vệ rừng (có nhiều cỡ và hiệu suất bắn thích hợp); súng SAR-2 cung cấp cho các lực lượng thực thi pháp luật (cỡ nòng 38mm, chống bạo động sử dụng đạn hơi cay và đạn cao su); súng máy các loại; súng phóng lựu (độ chính xác cao, trọng lượng nhẹ và dễ cơ động); xe chuyên dụng (xe chiến đấu, xe bọc thép chiến thuật, xe lội nước, xe bọc thép 6 bánh và xe RPP-M...). Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không vũ trụ còn có Công ty Công nghiệp Hàng không Indonesian Aerospace với các sản phẩm tiêu biểu là: máy bay các loại (NC2 12-200, C212-400, CN-235-220 MPA, BELL 412 EP, CN235-220M, NAS332 SUPER PUMA); linh kiện, phụ tùng cho các loại máy bay (Airbus A380, Airbus A320-A321, Eurocopter Super Puma M, Airbus A350, CN235 Production Sharing...). ![]() Xe tăng hạng trung Black Tiger do hãng PT Pindad (Indonesia) và FNSS (Thổ Nhĩ Kỳ) hợp tác sản xuất, được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Indo Defence 2018. Ảnh: Internet Tuy nhiên, theo các nhà quân sự, năng lực quản lý yếu kém và lãng phí nguồn nhân lực đã kìm hãm các công ty CNQP Indonesia. Nhà sản xuất hàng không PT DI đứng bên bờ vực phá sản, nhà đóng tàu PT PAL phải đề xuất Chính phủ cấp thêm vốn để có thể tồn tại, còn nhà sản xuất vũ khí lục quân PT Pindad ở trạng thái “dậm chân tại chỗ” nếu không có sự tài trợ của Chính phủ... Nguyên nhân của những yếu kém này đó là: Chưa có cơ chế bồi hoàn hoặc giao dịch đối lưu chính thức, thường là không có chuyển giao công nghệ, thủ tục đấu thầu không rõ ràng, dẫn đến thâm hụt ngân sách quốc phòng; hầu hết các cơ sở nghiên cứu và sản xuất CNQP lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật, cản trở khả năng thiết kế và sản xuất các hệ thống vũ khí hiện đại; giá nhập khẩu nguyên vật liệu đẩy chi phí sản xuất lên cao và làm giảm tính cạnh tranh; việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa được quan tâm đúng mức; nguồn nhân lực cho ngành CNQP bị xem nhẹ... ![]() Hạ thủy tàu ngầm KRI Alugoro-405 do Công ty PT PAL (Indonesia) đóng mới cho Hải quân nước này. Ảnh: Internet ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN Những năm gần đây, Indonesia đã dần khắc phục những thiệt hại do tham nhũng gây ra bằng sự phát triển kinh tế vững chắc, cùng sự đầu tư mạnh mẽ về nhân lực và vật lực cho nền CNQP. Hiện nay, CNQP Indonesia đang ở vị trí ưu tiên phát triển thứ ba của Chính phủ, sau giáo dục và hạ tầng giao thông. Theo đánh giá của Tổ chức theo dõi kinh doanh quốc tế (BMI), Indonesia ngày càng tự chủ hơn trong lĩnh vực CNQP. Tháng 4/2022 vừa qua, Indonesia ra mắt Tập đoàn CNQP Defense Industry Indonesia (do hãng sản xuất thiết bị điện tử PT LEN Industri quản lý), tập hợp 4 doanh nghiệp nhà nước gồm: Công ty sản xuất xe tăng và vũ khí PT Pindad, Công ty đóng tàu PT PAL, Công ty sản xuất máy bay PT DI và Công ty sản xuất chất nổ PT Dahana. Đây được xem là bước đi quan trọng trong tiến trình phát triển nền CNQP Indonesia hiện đại, tự chủ, cạnh tranh và từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Theo giới quan sát, Chính phủ Indonesia ưu tiên phát triển CNQP với tham vọng các công ty CNQP trong nước phải trở thành những nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội và cảnh sát nước này, tiến tới xuất khẩu các mặt hàng CNQP. Để thực hiện mục tiêu này, Indonesia tập trung vào một số nội dung sau: Xác định rõ chiến lược phát triển CNQP: Chính phủ Indonesia chủ trương xây dựng chiến lược phát triển ngành CNQP theo phương châm “Lực lượng tối thiểu cần thiết”, qua 4 giai đoạn: giai đoạn 1 (2010-2014), giai đoạn 2 (2015-2019); giai đoạn 3 (2020-2024) và giai đoạn 4 (2025-2029). Trong mỗi giai đoạn, việc phân bổ tổng sản phẩm nội địa (GDP) sẽ được tăng dần. Giai đoạn 1 và 2, Indonesia tạo lập hành lang pháp lý và xác định điểm đột phá để phát triển tiềm năng nhân lực và sản xuất cơ bản. Việc phân bổ ngân sách quốc phòng cho cơ sở hạ tầng phi quân sự (gồm các thành phần hỗ trợ và dự trữ, như: hậu cần, nguồn nhân lực) cũng được tăng lên, cùng với đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo Luật CNQP Indonesia (năm 2012), Chính phủ sẽ đầu tư 5% từ lợi nhuận cho R&D; đồng thời, chỉ ra 7 trọng điểm cho phát triển CNQP, đó là: tăng ngân sách quốc phòng đáng kể, theo mức chi tiêu quốc phòng trung bình 2% GDP của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); thực thi chính sách quốc phòng minh bạch; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp nói chung theo hướng hài hòa giữa CNQP và công nghiệp dân dụng; áp dụng mô hình tổng hợp công nghiệp và công nghệ; thực thi chính sách bồi hoàn linh hoạt, với mục tiêu thiết lập quan hệ dài hạn, bền vững và có lợi với các nhà sản xuất vũ khí, trang bị của thế giới; đầu tư nguồn lực đủ mạnh để tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển CNQP; tích cực tham gia vào quá trình hợp tác quốc tế về vũ khí và chuyển giao công nghệ.
Hoàn thiện hành lang pháp lý: Indonesia hết sức quan tâm hoàn thiện các khung pháp lý cho phát triển CNQP với hàng loạt văn kiện, như: Luật CNQP, khẳng định những cam kết của Chính phủ trong hỗ trợ ngành CNQP trong nước; các nghị định của Tổng thống quy định các cấp phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước và ưu tiên về giá cho các sản phẩm, dịch vụ đó; quy định vốn đầu tư nước ngoài có thể chiếm đến 49% vốn điều lệ của các doanh nghiệp quốc phòng trong nước; chỉ mua các sản phẩm nước ngoài khi cần thiết; chỉ định nhà thầu ngoại cũng như nhà thầu phụ cho các công ty địa phương. Nghị định của Bộ Công nghiệp về đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm trong nước nhằm tối đa hóa việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trong nước. Luật về đầu tư vốn nhà nước và cơ chế hỗ trợ của Chính phủ đối với 42 doanh nghiệp nhà nước… Đặc biệt, việc thông qua Luật CNQP của Indonesia đã tạo ra làn sóng đổi mới trong ngành CNQP, từng bước chuyển dịch nền CNQP hướng ngoại sang nền CNQP tự chủ. Bộ luật này đã giải quyết được 2 vấn đề rất căn cơ của CNQP Indonesia. Thứ nhất, tạo điều kiện thúc đẩy sự phối hợp giữa 6 bộ, ngành có liên quan trong một khuôn khổ được gọi là Ủy ban CNQP do Tổng thống chủ trì (Komite Kebijakan Industri Pertahanan-KKIP), nhằm đưa ra những kế hoạch mang tầm quốc gia, ưu tiên phát triển CNQP trong nước, thay đổi cách thức thực hiện chính sách nghiên cứu và phát triển (R&D), chính sách đối ngoại, chính sách công nghiệp và nghiên cứu tại các trường đại học. Thứ hai, Luật giao trách nhiệm cho các ngành công nghiệp và các bộ chủ chốt trong việc phát triển CNQP trong nước. Theo đó, Chính phủ chỉ can thiệp vào thị trường trong trường hợp cần thiết, bằng cách đưa ra các chính sách ưu đãi thuế quan, nhập khẩu tự do và miễn thuế cho các sản phẩm. ![]() Máy bay vận tải đa năng CN-235-220 của hãng PT DI (Indonesia) xuất khẩu cho Quân đội Nepal. Ảnh: Internet Tăng cường hợp tác quốc tế: Mục tiêu chiến lược của các nhà sản xuất vũ khí, trang bị Indonesia là tiến dần từng bước, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đánh giá của Tổ chức tình báo kinh tế và nghiên cứu thị trường toàn cầu (ICD), hợp tác quốc phòng cùng hàng loạt chương trình tái thiết quân sự sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường quốc phòng Indonesia. Theo chủ trương này, Indonesia tăng cường quan hệ trong lĩnh vực CNQP với Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil, Nhật Bản, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Một số dấu ấn nổi bật của Indonesia trong lĩnh vực này đó là ký kết với Vương quốc Anh biên bản ghi nhớ về việc tăng cường các mối quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng, với sự hiện diện của các công ty quốc phòng Anh ở Indonesia như BAE Systems. Bên cạnh đó, thương thảo thành công với Hàn Quốc về cơ chế chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm, mua 3 tàu ngầm tấn công mới từ Tập đoàn đóng tàu Daewoo (Hàn Quốc) trị giá hơn 1,8 tỷ USD. Theo hợp đồng, 2 chiếc đầu tiên sẽ được đóng tại Hàn Quốc với sự hợp tác của Tập đoàn đóng tàu Indonesia PT PAL, chiếc thứ ba sẽ được chế tạo tại nhà máy của PT PAL. Trong thời gian 2 tàu ngầm được đóng tại Hàn Quốc, phía Indonesia cũng xúc tiến xây dựng một xưởng đóng tàu ngầm trong nước. Ngoài ra, Indonesia và Hàn Quốc tiếp tục thực hiện hợp đồng phát triển các máy bay chiến đấu KF-X, đặc biệt nhấn mạnh nội dung chuyển giao công nghệ. Công ty Noth Sea Boat (NBS) của Indonesia cũng ký thỏa thuận với Công ty Nghiên cứu công nghệ Composite Malaysia (CTRMCE) về việc đóng và kinh doanh tàu vũ trang cao tốc X2K cho các lực lượng an ninh. Thỏa thuận trên bao gồm sản xuất, tiếp thị, bán và cung cấp dịch vụ công nghệ tàu biển tiên tiến. Đến nay, NSB đã sản xuất được 60 tàu X2K cung cấp cho lực lượng an ninh các nước Brunei, Singapore, Nigeria, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch. Công ty đóng tàu Indonesia PT PAL và Công ty đóng tàu Damen Schelde Naval Shipbuiding (DSNS) của Hà Lan ký hợp đồng đóng tàu khu trục tàng hình SIGMA 10514, tổng giá trị 220 triệu USD… Có thể thấy, vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là về tài chính và công nghệ, CNQP Indonesia những năm qua đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Mặc dù trình độ công nghệ so với một số nước trong khu vực và thế giới còn ở mức thấp, song CNQP Indonesia vẫn đang tiếp tục vươn lên và kỳ vọng có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đại tá ĐOÀN MẠNH HÙNG |