CNQP&KT - Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là thành tố quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước. Việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo hướng xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại là chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cần thấu triệt để thực hiện có hiệu quả.

Ngày 26/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trước đó, tại  Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là vũ khí chiến lược” 1. Nghị quyết Quân ủy Trung ương khóa XI cũng nêu rõ: “Xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước. Quy hoạch, sắp xếp các cơ sở CNQP nòng cốt trên cả ba miền phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược”2.

Như vậy, có thể thấy, việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại là chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cần thấu triệt để thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở đó, cần đẩy nhanh việc kiện toàn tổ chức cơ cấu, sắp xếp lại các cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng xây dựng CNQP hiện đại về năng lực công nghệ sản xuất, sửa chữa và nghiên cứu, đào tạo ứng dụng khoa học – công nghệ, khai thác sử dụng và tổ chức mô hình quản lý nhà nước về CNQP. Tuy nhiên, việc cơ cấu, sắp xếp cần dựa trên cơ sở bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) phù hợp với tổ chức Quân đội, thế bố trí phòng thủ và tác chiến ở ba miền đất nước cũng như nghệ thuật quân sự Việt Nam. Mục tiêu cao nhất của việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp là cơ sở CNQP nòng cốt mạnh lên, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo nguồn lực và công nghệ hiện đại cho phát triển CNQP.

Trong phạm vi bài viết, đề xuất một số nội dung giải pháp sau:

Một là, nâng cao hiệu quả tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt theo loại hình doanh nghiệp.

Việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng tinh, gọn, mạnh; trọng tâm là thực hiện sáp nhập, cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp CNQP nòng cốt theo loại hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước chủ sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và lưỡng dụng; cơ cấu lại các cơ sở CNQP nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có cùng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, hoạt động trên cùng địa bàn theo hướng tập trung, thống nhất, có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa, khai thác sử dụng, đặt hàng sản phẩm. Vì vậy, cần tổ chức cơ cấu, sắp xếp thành lập các tổng công ty, tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; trên cơ sở hai công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động trong cùng lĩnh vực; trong đó, công ty mẹ là tổng công ty  để hoạt động có hiệu quả, nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp, tiến tới hình thành Tập đoàn CNQP Việt Nam. Quá trình sắp xếp các cơ sở sửa chữa VKTBKT, bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược, cần chú trọng đến định hướng gắn sản xuất với sửa chữa, nghiên cứu, đào tạo, khai thác sử dụng. Chuyển một số cơ sở sửa chữa không có khả năng thực hiện hạch toán độc lập và các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu về đội hình bảo đảm kỹ thuật vận hành theo cơ chế nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt cần có lộ trình hợp lý, không sắp xếp cơ học và phù hợp với trình độ, năng lực quản lý để các doanh nghiệp CNQP phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình sắp xếp không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sửa chữa, bảo đảm VKTBKT phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Bên cạnh đó, tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt theo mô hình liên kết chuỗi sản phẩm gắn với chuyên môn hóa theo yêu cầu thiết kế công nghệ để phân định chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề của cơ sở CNQP; đáp ứng yêu cầu quản lý, thiết kế, chế tạo, sản xuất sản phẩm quốc phòng và kinh tế. Nâng cao năng lực bảo đảm tự chủ được các công nghệ nền, công nghệ chế tạo sản phẩm mũi nhọn với trình độ tiên tiến, hiện đại; năng lực quản trị doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; tích tụ tài chính và các yếu tố khác cho doanh nghiệp trước khi chuyển ra khỏi Bộ Quốc phòng hoạt động độc lập.

Việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt cần có lộ trình hợp lý, không sắp xếp cơ học và phù hợp với trình độ, năng lực quản lý để các doanh nghiệp CNQP phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; không được để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Hai là, tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt theo lĩnh vực, ngành nghề.

Cơ cấu, sắp xếp hệ thống các cơ sở CNQP theo hướng hình thành các tổng công ty, tập đoàn hoạt động trên các lĩnh vực, ngành nghề. Quá trình cơ cấu, sắp xếp cần có lộ trình phù hợp, có thể làm thí điểm lĩnh vực đóng tàu quân sự đi vào hoạt động ổn định, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và triển khai toàn diện. Việc cơ cấu, sắp xếp cần tạo cho doanh nghiệp CNQP nòng cốt hoạt động theo hướng độc lập, tự chủ, lưỡng dụng, hòa nhập sâu hơn vào công nghiệp quốc gia và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Tổ chức cơ cấu, sắp xếp theo hướng hình thành, phát triển Tập đoàn CNQP Việt Nam theo lĩnh vực, từng bước đưa các doanh nghiệp CNQP mạnh về kỹ thuật, tài chính vào đội hình đơn vị mũi nhọn để tập trung đầu tư hiện đại hóa. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, hình thành các liên doanh với nước ngoài trong một số lĩnh vực, như: nghiên cứu, đào tạo, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu mới, điện tử - viễn thông...


Sản xuất đạn pháo tại Nhà máy Z113.   Ảnh: THÁI ANH

Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức mô hình quản lý nhà nước về CNQP.

Mô hình tổ chức quản lý CNQP Việt Nam cần được xây dựng trên cơ sở tiếp thu chọn lọc mô hình CNQP của các nước có nền CNQP tiên tiến trên thế giới và khu vực, mà ở đó Nhà nước không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp CNQP (các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường), các doanh nghiệp CNQP nòng cốt thuộc sở hữu Nhà nước. Đồng thời, có một cơ quan chuyên trách, trực thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNQP. Hiện nay, chức năng quản lý nhà nước về CNQP do Bộ Quốc phòng quản lý, điều hành, nhưng lại phân tán trong nhiều cơ quan. Do đó, cần điều chỉnh, đổi mới, kiện toàn mô hình quản lý cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng tập trung, tăng cường các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước về CNQP cho một đầu mối, cụ thể là Tổng cục CNQP. Tuy nhiên, CNQP là ngành đặc thù, cần có sự quản lý của Nhà nước trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án; chỉ đạo, điều hành, xây dựng tiềm lực, huy động và phân bổ nguồn lực, hoạch định chính sách phát triển…

Đến năm 2025, tiếp tục kiện toàn, tập trung đồng bộ chức năng quản lý nhà nước về CNQP cho Tổng cục CNQP, định hướng đến năm 2035, nghiên cứu thành lập Ủy ban CNQP là cơ quan ngang bộ, chuyên trách, trực thuộc Chính phủ để giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNQP. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì phối hợp xây dựng chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn; xác định nhu cầu VKTBKT cần thiết đặt hàng CNQP nghiên cứu, sản xuất theo quy định của pháp luật. Bộ Tổng Tham mưu, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng thực hiện đặt hàng trực tiếp với các doanh nghiệp CNQP.

Định hướng đến năm 2035, nghiên cứu thành lập Ủy ban CNQP là cơ quan ngang bộ, chuyên trách, trực thuộc Chính phủ để giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNQP.

Bốn là, đổi mới tổ chức quy hoạch chiến lược phát triển cơ sở CNQP nòng cốt phù hợp ở cả ba miền.

Theo đó, tổ chức cơ sở CNQP miền Bắc cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa VKTBKT của các cơ sở CNQP cùng lĩnh vực, ngành nghề để hình thành, phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó, công ty mẹ là tổng công ty, tập đoàn bảo đảm chuyên môn hóa cao, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm VKTBKT tiên tiến, hiện đại trang bị cho lực lượng vũ trang và có kinh nghiệm quản lý sản xuất, có thương hiệu, thị trường, vốn. Việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp cần bảo đảm cho sản xuất, sửa chữa VKTBKT tại chỗ, phù hợp với kế hoạch tác chiến phòng thủ và tác chiến chiến lược.

Tổ chức cơ sở CNQP miền Trung - Tây Nguyên cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa VKTBKT của các cơ sở CNQP hiện có. Tuy nhiên, địa bàn miền Trung mới có một số cơ sở CNQP hoạt động trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, máy bay quân sự, súng pháo, xe tăng - thiết giáp, xe máy; năng lực sản xuất VKTBKT cho lục quân còn nhiều khó khăn. Do đó, cần nghiên cứu, lựa chọn, phát triển một cơ sở CNQP thuộc khối bảo đảm kỹ thuật làm nòng cốt và sáp nhập một số cơ sở sửa chữa hiện có, đầu tư công nghệ để hình thành, phát triển CNQP trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất một số VKTBKT hiện đại khác, đáp ứng yêu cầu trang bị vũ khí, đạn dược cho sư đoàn bộ binh.

 Tổ chức các cơ sở CNQP miền Nam - Tây Nam Bộ cần tăng cường đầu tư nâng cao năng lực đối với các cơ sở sửa chữa tổng hợp VKTBKT... Theo đó, cụm CNQP miền Nam được phát triển từ việc cơ cấu, sắp xếp các cơ sở CNQP nòng cốt sản xuất, sửa chữa VKTBKT và các cơ sở động viên công nghiệp hiện có, lấy một nhà máy của Tổng cục CNQP làm nòng cốt để mở rộng lĩnh vực sản xuất, sửa chữa. Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng đáp ứng yêu cầu trang bị cho sư đoàn bộ binh, tiến tới bảo đảm đồng bộ VKTBKT cho các đơn vị phía Nam, đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sắn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Về lâu dài, tăng cường đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất với công suất phù hợp để sản xuất các loại bán thành phẩm, vật tư đặc chủng nhằm chủ động nguồn lực tại chỗ cho sản xuất quốc phòng.

Tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, hiện đại. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp CNQP tập trung nguồn lực sản xuất quốc phòng hiệu quả và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tổ chức cơ cấu, sắp xếp cơ sở CNQP nòng cốt cần có lộ trình, bước đi phù hợp để đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra.

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HOÀN

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

     1. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.48, 49.

     2. Đảng bộ Quân đội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Hà Nội, 2020, tr.25.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: