CNQP&KT - Xây dựng, phát triển tổ hợp Công nghiệp quốc phòng (CNQP) không phải là vấn đề cá biệt, mà trở thành xu hướng phổ biến mang tính toàn cầu. Đối với Việt Nam, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP đang trong quá trình từng bước hình thành với những tiền đề rất rõ ràng. Vậy những tiền đề đó như thế nào? Trong bối cảnh thế giới đang “xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc, toàn diện tới Việt Nam”1 có thể khẳng định, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam là cần thiết, khách quan, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam hội tụ đầy đủ cả những tiền đề mang tính chủ quan và khách quan, bao gồm: Thứ nhất, quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, từng bước hình thành tổ hợp CNQP là định hướng chính trị mang tính chiến lược, lâu dài. Xây dựng, phát triển CNQP là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà nòng cốt là Bộ Quốc phòng. Với nhận thức đó, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng, phát triển CNQP làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Điển hình là các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 05/NQ-TW (khóa VII); Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa IX); Nghị quyết số 06-NQ/TW (khóa XI); Kết luận số 25-TB/TW (khóa XII); Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XIII. Đặc biệt, tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta đề ra chủ trương xây dựng, phát triển CNQP theo hướng “Phát triển phù hợp doanh nghiệp có khả năng sản xuất sản phẩm lưỡng dụng. Từng bước hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp”2. Chủ trương này đã được kế thừa, phát triển trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Có thể khẳng định, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, từng bước hình thành tổ hợp CNQP là định hướng chính trị mang tính chiến lược, lâu dài và là tiền đề quan trọng nhất để xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam trong những năm tới. Thứ hai, Pháp lệnh CNQP số 02/2008/PL-UBTVQH12 ngày 26/1/2008, được sửa đổi, bổ sung bởi Pháp lệnh số 01/2018 /UBNVQH14 ngày 22/12/2018 và Pháp lệnh Động viên công nghiệp số 09/2003/PL-UBTVQH11 ngày 25/2/2003, là cơ sở pháp lý cao nhất để xây dựng, phát triển CNQP. Tuy nhiên, từ thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật này chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP, động viên công nghiệp trong tình hình hiện nay. Mặt khác, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có những quy định đặc thù về xây dựng, phát triển CNQP. Đặc biệt, trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng liên quan đến xây dựng, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, từng bước hình thành tổ hợp CNQP chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Pháp lệnh CNQP và Pháp lệnh động viên công nghiệp. Vì vậy, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đang trong quá trình triển khai xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP trong tình hình mới. Dây chuyền CNC phục vụ sản xuất của Nhà máy Z113. Ảnh: MẠNH CHIẾN Thứ ba, thành tựu của hơn 35 năm đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều kiện, tiền đề vật chất quan trọng để xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP. Việt Nam “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”3. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới4. Mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp5. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao6. Mặt khác, nếu hiện thực hóa được 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030 do Đại hội XIII đề ra, trong đó có chủ trương “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, tập trung phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường”7, được hiện thực hóa sẽ tạo ra tiền đề vật chất vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP.
Thứ tư, tiềm lực CNQP được hình thành trong gần 80 năm xây dựng, phát triển, là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam. Mặc dù so với yêu cầu, tuy còn có mặt hạn chế, song nhìn chung tiềm lực CNQP đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đó là: Cơ bản hoàn thiện tổ chức hoạt động từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở CNQP nòng cốt và các cơ sở công nghiệp động viên. Tổ chức lực lượng được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa. Năng lực được phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) quân sự hiện đại và sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng và an ninh quốc gia. CNQP được xây dựng, phát triển từng bước trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước8. Đặc biệt, tỷ lệ các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại và khả năng sản xuất VKTBKT được nâng cao; đã tiếp cận nghiên cứu thiết kế, sản xuất được một số loại VKTBKT hiện đại, công nghệ cao. Đến nay, tiềm lực CNQP Việt Nam bao gồm cả cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ nhân lực đặc thù ngành CNQP được tăng cường cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng phù hợp về ngành nghề, lĩnh vực. Từ thực tế đó có thể khẳng định, tiềm lực CNQP không chỉ là tiền đề quan trọng, mà còn là tiền đề vật chất và tinh thần để xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam trong thời gian tới. Thứ năm, kinh nghiệm và mô hình xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP trên thế giới là tiền đề thực tiễn đặc biệt quan trọng để xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP Việt Nam. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng: “xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP không còn là vấn đề cá biệt, mà trở thành xu hướng phổ biến mang tính toàn cầu, một vấn đề chiến lược trọng yếu của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ”9. Trước xu hướng phổ biến này thì xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Việt Nam là cần thiết khách quan, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là cách mạng quân sự mới, trên thế giới hiện nay đang tồn tại nhiều mô hình xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP khác nhau, tùy thuộc vào chế độ chính trị, mục tiêu quân sự, quốc phòng và tiềm lực kinh tế, trình độ khoa học - công nghệ… của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Thông thường, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP dựa trên sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, do vị thế địa - chiến lược và chế độ chính trị mà trình độ của tổ hợp CNQP ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển cao hơn so với tiềm lực và trình độ nền kinh tế. Ngược lại, cũng có quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhưng nền CNQP hoàn toàn phụ thuộc, bị chi phối bởi thế lực bên ngoài. Ở Việt Nam, xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP tiên tiến, hiện đại, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường theo hướng lưỡng dụng, “từng bước hình thành tổ hợp CNQP với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp”10 được xác định là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình và bước đi phù hợp với điều kiện của Việt Nam là quá trình nhận thức, tư duy và hành động. Do bối cảnh lịch sử, những hạn chế về tiềm lực kinh tế và một số yếu tố chủ quan khác, mà đến nay chủ trương hình thành tổ hợp CNQP ở Việt Nam mới đang trong quá trình từng bước hiện thực hóa. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế luôn biến động, khó lường, Việt Nam phải xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP tiên tiến, hiện đại, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế thông qua các quan hệ song phương và đa phương. Quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam có thể tranh thủ các mối quan hệ đối tác, để tìm kiếm công nghệ lưỡng dụng, thông tin khoa học công nghệ quân sự, nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP có lợi, phù hợp nhất, theo hướng “đi tắt, đón đầu”, bỏ qua những khâu, những bước trung gian. ![]() Một số thiết bị quân sự do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nghiên cứu chế tạo. Ảnh: CTV Thứ sáu, thực tiễn xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho thấy, Viettel đã đạt được thành quả bước đầu trong việc xây dựng, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, từng bước hình thành tổ hợp CNQP. Điển hình về mô hình tổ hợp CNQP ở Viettel là Công ty Thông tin M3. Là một đơn vị thuộc Khối Nghiên cứu và sản xuất, Công ty Thông tin M3 được xác định là thành phần quan trọng trong việc tham gia xây dựng Tổ hợp CNQP công nghệ cao của Viettel với nhiệm vụ tham gia chế thử, gia công, sản xuất các loại vũ khí, trang bị công nghệ cao11. Thực tế cho thấy, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Công ty Thông tin M3 đã và đang làm chủ nhiều công nghệ cơ khí chính xác công nghệ cao; trong đó có công nghệ “gia công, sản xuất và tích hợp các sản phẩm cơ khí cho các loại vũ khí công nghệ cao và các trang, thiết bị phục vụ huấn luyện quân sự, như: mô phỏng xe tăng, mô phỏng máy bay SU30, thiết bị trinh sát ảnh nhiệt, quang điện tử tầm xa…”12. Đây là những công nghệ lưỡng dụng có thể phục vụ đồng thời cho nhu cầu quân sự, quốc phòng và kinh tế. Nhờ đó, hiện nay có khá nhiều sản phẩm của ngành Công nghiệp Điện tử viễn thông và Công nghiệp Vũ khí công nghệ cao ở Viettel “đã được trang bị trong Quân đội và được đánh giá có tính năng tương đương với sản phẩm của NATO, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội”13. Trong định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Công ty Thông tin M3 tập trung vào một số công nghệ nền tảng, công nghệ cốt lõi, như: công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo các sản phẩm hàng không vũ trụ và quốc phòng; trong đó lấy sản phẩm quốc phòng làm nền tảng để phát triển ngành cơ khí hàng không vũ trụ và các sản phẩm công nghệ cao khác. Đồng thời, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất hàng không vũ trụ trên thế giới; phấn đấu trở thành nhà thầu quốc phòng có năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ, dầu khí, y tế. Từ thực tiễn xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP ở Viettel cho thấy, Việt Nam có khả năng xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP.
Tóm lại, hành trình để CNQP Việt Nam tiến tới tiên tiến, hiện đại, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường theo hướng lưỡng dụng, hình thành tổ hợp CNQP còn không ít những khó khăn, trở ngại; đòi hỏi phải kiên trì, có quyết tâm chính trị cao với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và sự nỗ lực không ngừng của mọi chủ thể, mọi lực lượng trong hệ thống chính trị. Trước mắt, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình, mục tiêu, đề án, dự án xây dựng, phát triển CNQP theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cả trong nhận thức, tư duy và hành động, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP trong thời gian tới. Đại tá, PGS, TS. TRẦN ĐĂNG BỘ - NGUYỄN THỊ TRANG - ĐINH TIẾN HẢI (Đại học Thành Đô)
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngô Xuân Lịch, Thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự trong tình hình mới, http://tapchiqptd.vn, ngày 1/10/2020. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2016. 3, 4, 5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.103-104, tr.209-210, tr.112, tr.217-218, tr.123. 8. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 5/8/2020 về việc Tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (2008 - 2020). 9. Trần Đăng Bộ, Sự cần thiết xây dựng, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế số 1 (184)/2022, tr.28. 10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2016, tr.286. 11, 12. Văn Phong, Hải Ngọc, Đơn vị nòng cốt trong xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel, Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế, số 3 (186)/2022. 13. Như Tuấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Viettel là thí dụ điển hình khích lệ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, https://baodautu.vn, ngày 27/6/2018. |