CNQP&KT - Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế số 188 (số 5 năm 2022) gồm 92 trang, được thiết kế, chế bản công phu; với nhiều nội dung phong phú, đặc sắc. Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế số mới quy tụ bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng); lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP; các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà báo, cộng tác viên trong và ngoài Quân đội. Mở đầu Tạp chí, trong chuyên mục “Định hướng - Chỉ đạo”, Ban biên tập trích đăng bài phát biểu chỉ đạo quan trọng với tiêu đề “Vươn lên làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo được các chủng loại vũ khí hiện đại” của đồng chí PHẠM MINH CHÍNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP, AN ninh, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Tiếp đến, trong chuyên mục “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” là bài viết “Công tác tài chính góp phần xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng” của Thiếu tướng LƯƠNG THANH CHƯƠNG, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục CNQP. Bài viết nêu bật những kết quả quan trọng mà Tổng cục CNQP đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 513-NQ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về công tác tài chính Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo (giai đoạn 2013-2022); đồng thời, đưa ra những định hướng, giải pháp thiết thực để tiếp tục thực hiện tốt công tác tài chính trong thời gian tới. Chuyên mục “Nghiên cứu – Trao đổi” mở đầu với bài viết “Phát huy vai trò trí thức trẻ tình nguyện tại các khu kinh tế - quốc phòng” của Thiếu tướng TRẦN ĐÌNH THĂNG, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), đề cập những kết quả tích cực trong thực hiện chủ trương đưa trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng, góp phần quan trọng hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị. Bài viết “Phát triển doanh nghiệp Công nghiệp quốc phòng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả” của Đại tá, PGS, TS. HOÀNG VĂN PHAI và Thiếu tá PHẠM THANH TÙNG, cán bộ Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (Học viện Chính trị/Bộ Quốc phòng) phân tích, luận giải sâu sắc về yêu cầu cấp thiết trong phát triển doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, nhằm “xây dựng CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”. Tiếp theo trong chuyên mục, Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN HOÀNG LÂN, giảng viên Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) có bài viết “Tăng cường công tác quản lý tư tưởng trong các doanh nghiệp Quân đội”, làm rõ vai trò quan trọng của việc quản lý tư tưởng trong các doanh nghiệp quân đội, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tập thể, tăng cường chất lượng thực hiện nhiệm vụ, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Cùng chuyên mục còn có bài viết “Tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta” của Đại tá, TS. NGUYỄN HỮU HOẠT, giảng viên Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng). ![]() Bìa 1 Tạp chí CNQP và Kinh tế số 5 năm 2022. Ngoài ra, trên các chuyên mục khác, Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế số 5/2022 đăng tải nhiều bài viết chất lượng và đặc sắc, gồm: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên (Đại úy, ThS. KHUẤT DUY TIẾN). Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Nhà máy Z143: Thượng tá Lê Văn Minh: Kế thừa di sản “phi vật thể” và nỗ lực đổi mới, sáng tạo (LÊ BÁ ANH thực hiện); Bước đột phá trong xuất khẩu sản phẩm (TUẤN MINH). Thực tiễn - Kinh nghiệm: Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” (Đại tá PHẠM VĂN TUẤN); Năng lực mới trong sản xuất quốc phòng nhờ công tác đầu tư phát triển (PHƯƠNG ANH); Làm gì để nâng cao chất lượng dự án đầu tư? (MAI PHƯƠNG); Hiệu quả từ phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (CHI ANH); Ứng dụng công nghệ trong khai thác, chế biến “vàng đen” (TÙNG NGUYỄN); Nỗ lực “hồi sinh” Z125 (HÀ ANH). Xúc tiến thương mại: Hội chợ - Triển lãm của tình đoàn kết, hữu nghị (PHƯƠNG MAI); Khẳng định thương hiệu “Bao bì Lam Kinh” (ANH KHÔI). Gương điển hình: Những cán bộ, đoàn viên “xung kích, sáng tạo” (YÊN MINH). Trên những nẻo đường đất nước: Đổi thay vùng đất đỏ ba-zan (HỒNG SÁNG). Vấn đề kỳ này: Nỗi niềm “em gái mưa”! (NHẤT NGÔN). Khoa học - Công nghệ - Môi trường: Nghiên cứu sản xuất bột thạch cao trong lĩnh vực xây dựng (Đại úy QNCN TRẦN THỊ HUYỀN TRANG); Đề tài, sáng kiến mới phục vụ quốc phòng (PHƯƠNG ANH). Nhìn ra thế giới: Thực trạng Công nghiệp quân sự Ukraine (NGUYỄN TRUNG THÁI); Đôi nét về xe tăng hiện đại của Trung Quốc (Trung tá, ThS. TRẦN MINH HUẤN). Lịch sử - Truyền thống: Cải tiến vũ khí, trang bị để đánh máy bay Mỹ (Thượng tá, TS. LÊ QUÝ THI - TS. NGUYỄN THỊ CHINH); Mìn lõm lập công (Đại tá NGÔ NHẬT DƯƠNG). Tìm hiểu chính sách - pháp luật: Chính sách đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng nghỉ chuẩn bị hưu (BAN BIÊN TẬP). Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế số 5 năm 2022 còn có các chuyên mục “Câu lạc bộ lính thợ”, “Độc đáo đó đây”, “Tin tức - Sự kiện”, đăng kèm nhiều hình ảnh, minh họa, đồ họa đẹp, được thiết kế, chế bản công phu; gồm 92 trang, in nhiều màu trên giấy cút-xê tốt; phát hành ngày 30/9/2022. BAN BIÊN TẬP |