CNQP&KT - Tiêu chí lớn nhất đối với việc cất nhắc, sử dụng cán bộ phải là người làm được việc và đã chứng minh năng lực qua thực tiễn. Bằng cấp là cần thiết, nhưng cũng tránh vì những quy định máy móc mà không trọng dụng người tài.

Tôi hay gọi đùa cô bạn ấy là “em gái mưa”, đơn giản vì đó là tên một ca khúc mà cả tôi và em đều rất thích. Bài hát với giai điệu da diết, nồng nàn do ca sĩ Hương Tràm thể hiện từng là bản “hit” (nhiều người thích) đình đám một thời.

Em hiện là trợ lý tại một phòng nghiệp vụ ở cơ sở. Nói trong phạm vi hẹp thì em “vừa đẹp người, vừa tốt nết”, còn rộng hơn thì là “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trưởng thành từ cơ sở, nhiều năm lăn lộn, gắn bó với phong trào Đoàn, em từng được vinh danh, khen thưởng trong nhiều hoạt động và nhiệm vụ của đơn vị, là người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về niềm đam mê công việc, nghị lực vượt khó. Là trợ lý, lại là nữ, nên trong thực hiện chức trách chuyên môn em luôn phải cố gắng hơn so với các đồng nghiệp nam. Nỗ lực của em cũng được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị ghi nhận và là “ứng viên” tạo nguồn quy hoạch cán bộ cấp phòng. Tuy nhiên, để thuộc “diện nguồn”, em phải là sĩ quan “có số”, tức là đối tượng được đào tạo bài bản tại các trường sĩ quan hoặc học đại học hệ chính quy, đúng chuyên ngành, được tuyển dụng vào Quân đội. Như vậy, việc trước tiên là em phải được chuyển từ quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) sang sĩ quan, nói cách khác em phải là cán bộ rồi mới có cơ hội phát triển tiếp. Thế nhưng rất tiếc, em lại nằm trong số những người bị “trả lại hồ sơ” vì không hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn để chuyển quân hàm sĩ quan.

Trường hợp QNCN muốn chuyển thành sĩ quan để có cơ hội phát triển như “em gái mưa” không phải là cá biệt và trái ngược hoàn toàn với một vấn đề mà tôi đã từng đề cập trong bài viết “Có số muốn chuyển chuyên nghiệp”. Đó là chuyện nhiều sĩ quan là trợ lý tại các nhà máy quốc phòng muốn chuyển thành QNCN để kéo dài thời gian công tác. Bởi vì, nếu cùng có quân hàm Thiếu tá, cùng là trợ lý hoặc chuyên viên thì sĩ quan sẽ phải nghỉ chế độ ở tuổi 48, còn QNCN thì ở tuổi 54. Hai đối tượng muốn “hoán đổi vị trí” này thực ra có chung một nội dung: Vấn đề sử dụng nhân lực trong các doanh nghiệp quốc phòng sao cho hợp lý?

Có một điều mà nhiều người chưa hiểu, đó là trong Quân đội, cùng là quân nhân mặc quân phục, đeo phù hiệu như nhau, nhưng sĩ quan “có số” thuộc diện cơ quan Cán bộ quản lý. Còn QNCN (có người gọi là “sĩ quan chuyên nghiệp"), thuộc diện Quân lực quản lý. Sự khác biệt cơ bản về chức năng, nhiệm vụ giữa hai đối tượng có thể hiểu nôm na: sĩ quan “có số” là cán bộ, chỉ huy, quản lý, còn QNCN chỉ đơn thuần làm chuyên môn, nghiệp vụ. Trên thực tế, đã có những trường hợp giao thoa chức năng, quyền hạn hoặc lãnh đạo, chỉ huy đơn vị “vận dụng linh hoạt” để bố trí người thuộc diện Quân lực quản lý vào vị trí của người thuộc diện cơ quan Cán bộ quản lý. Và điều đáng nói là hầu hết những trường hợp được bổ nhiệm theo dạng “vượt rào” này đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm công tác, chuyên môn vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thế nhưng, họ vẫn không được giữ cương vị một cách chính danh, nguyên nhân chủ yếu là bằng cấp hoặc “đầu vào” không đúng đối tượng. Trong khi đó, không ít sĩ quan bằng cấp đầy đủ lại không thể hiện được năng lực chuyên môn, phải bố trí trái ngành đào tạo hoặc làm việc như một lao động thuần túy!  

Nhiều năm qua, các nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là nhân tố quyết định tới mọi thắng lợi. Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị từng đề cập CNQP “là một ngành đặc thù nên phải được ưu tiên trong đầu tư, phát triển”. Tất nhiên, sự ưu tiên đó bao hàm cả yếu tố phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề là, cần phải hiểu như thế nào về tính "đặc thù" và sự “ưu tiên”? Đây là điều chưa được “định lượng hóa” đầy đủ bằng những cơ chế, chính sách, quy định cụ thể. Suy cho cùng, tiêu chí lớn nhất đối với việc cất nhắc, sử dụng cán bộ phải là người làm được việc và đã chứng minh năng lực qua thực tiễn. Bằng cấp là cần thiết, nhưng cũng tránh vì những quy định máy móc mà không trọng dụng người tài giỏi. Việc Bộ Nội vụ từng đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức thực sự là “giọt nước lành” trong công tác nhân sự hiện nay.

Trở lại câu chuyện của “em gái mưa”, các tiêu chí như: lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, uy tín trước tập thể, lý lịch, độ tuổi, sức khỏe… em đều hội đủ, chỉ khi xét đến tiêu chí bằng cấp thì… trượt. Mặc dù đã tốt nghiệp đại học và cao học, nhưng do chuyên ngành đào tạo ít liên quan đến công việc hiện tại nên em đã tạm dừng ước mơ trở thành cán bộ.

Không hiểu sao, khi nghe nỗi niềm của “em gái mưa”, tôi bỗng liên tưởng đến câu “chồi non háo hức đang đợi mưa” trong bài hát này. Mong sao, sự tâm huyết và khát vọng tuổi trẻ của những người như cô bạn tôi sẽ có cơ hội phát triển, như chồi non lộc biếc gặp cơn mưa lành. Đó cũng là cách để những người “vừa hồng, vừa chuyên” như cô không bị “lọt sàng” bởi những quy định cứng nhắc, ngặt nghèo.

NHẤT NGÔN

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: