CNQP&KT - Những năm qua, Tổng công ty Đông Bắc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm “vàng đen”, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, có chức năng chính là khai thác, chế biến, kinh doanh than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, Tổng công ty gặp không ít khó khăn, thách thức do các khu mỏ khai thác nhỏ, nằm phân tán, địa chất phức tạp, chất lượng, phẩm cấp than xấu. Sau nhiều năm khai thác, các mỏ lộ thiên đã xuống sâu, khai trường hẹp, hệ số bóc đất đá cao, cung độ vận chuyển và cao trình đổ thải lớn. Các mỏ hầm lò khai thác dưới các bãi thải, khu vực khai thác cũ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, như: bục nước, cháy nổ khí metan, cháy mỏ, sập, đổ lò…

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phương Kim Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc, cho biết: Nhận thức rõ khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Tổng công ty đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hợp lý hóa sản xuất, trong đó, đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SKCTKT) áp dụng vào sản xuất được xem là khâu đột phá, giải pháp quan trọng hàng đầu. Để thực hiện, Tổng công ty đã xây dựng, ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN); có cơ chế, chính sách đãi ngộ và quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, phát huy SKCTKT vào các khâu, các bước của quá trình khai thác, chế biến than. Trên cơ sở đó, các công ty, đơn vị thành viên chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất; tăng cường phối hợp với các chuyên gia, đơn vị tư vấn, đồng thời, khuyến khích đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ tay nghề cao tích cực nghiên cứu, ứng dụng KHCN, phát huy SKCTKT vào đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng ngừa rủi ro, tai nạn và đảm bảo thân thiện với môi trường. Hằng năm, Tổng công ty yêu cầu các cơ quan, đơn vị đăng ký đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN, SKCTKT; từ đó, xem xét phê duyệt, đầu tư kinh phí để triển khai thực hiện. Với cách làm này, những năm qua, Tổng công ty đã nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu, ứng dụng thành công hàng chục tiến bộ KHCN; có 110 SKCTKT trên các lĩnh vực, như: cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ khai thác, đào chống lò, thông gió, thoát nước, phòng ngừa bục nước, vận tải, gia công chế tạo, cải tiến máy móc, thiết bị… được áp dụng vào quá trình khai thác, chế biến, sàng tuyển than mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ý nghĩa lớn về xã hội, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, khả năng bảo đảm an toàn cho người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.


Sử dụng công nghệ chống bằng giá khung thủy lực ZH trong khai thác than hầm lò ở Tổng công ty Đông Bắc.  Ảnh: MẠNH QUÂN

Xuất phát từ yêu cầu, đặc thù khai thác than ở từng loại mỏ khác nhau, Tổng công ty tiến hành cơ giới hóa từng phần phù hợp điều kiện địa chất trong quá trình khai thác than. Trong khai thác mỏ lộ thiên, Tổng công ty nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, trình tự khai thác, vận chuyển, đổ thải hợp lý cho từng khu vực mỏ, như: bố trí các tuyến hào vận tải bảo đảm không gây ách tắc sản xuất, tăng năng suất vận chuyển (mỏ Đông Đá Mài, Tây Khe Sim); bố trí trình tự khai thác các diện sản xuất hợp lý, bảo đảm sản lượng than, giảm cung độ vận chuyển đất tại các mỏ lộ thiên (Đông Đá Mài, Bình Giã, Tây Khe Sim và Nam Tràng Bạch). Cùng với đó, để hạn chế xử lý bùn thải tại các moong khai thác, Tổng công ty thực hiện tốt việc tạo nhiều moong tạm thứ cấp trên các diện khai thác, tuyến đường hào vận tải, tuyến tầng nhằm phân thoát nước, lắng đọng bùn thải (mỏ Tây Khe Sim, Đông Đá Mài). Đặc biệt, để khắc phục đặc điểm địa chất rất phức tạp tại khu vực các mỏ này, thuộc vùng tụ thủy, lượng nước ẩn chứa phía dưới địa tầng lớn, Tổng công ty đã áp dụng công nghệ bơm nước trong lỗ khoan, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc nổ chịu nước nên đã tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất hàng chục tỷ đồng mỗi năm. 

Trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa công đoạn sản xuất phù hợp, nâng cao mức độ an toàn, khai thác tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.

Khai thác hầm lò là công việc vô cùng nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, do vậy, Tổng công ty đã triển khai hàng loạt các giải pháp kỹ thuật, công nghệ đào lò, khai thác tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, như: áp dụng hệ thống lò chợ xiên chéo tại các vỉa có độ dốc lớn; sử dụng sơ đồ công nghệ lò chợ 1.0.0 và 1.0.1 vào khai thác, không để lại trụ bảo vệ; áp dụng công nghệ giàn chống mềm ZRY và giàn mềm cơ khí trong khai thác lò chợ xiên chéo thay thế cho công nghệ khấu chống thủy lực đơn, lò dọc vỉa phân tầng, bảo đảm an toàn trong khai thác, tăng khả năng thu hồi than nóc, than trụ, giảm mét lò đào, tăng năng suất lao động… Tại Công ty Khe Sim còn áp dụng phương pháp đưa máy khấu một tang vào khai thác lò chợ có chiều dày vỉa mỏng giúp tăng năng suất lao động hơn 1,9 lần so với khấu thủ công, bảo đảm thu hồi tối đa tài nguyên, chất lượng than.


Khai thác than lộ thiên tại mỏ Đồng Rì (Công ty 45 - Chi nhánh Tổng công ty Đông Bắc).  Ảnh: MAI PHƯƠNG

Cùng với các giải pháp kỹ thuật khai thác than, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị thành viên thực hiện tốt phương châm “an toàn thứ nhất, sản xuất thứ hai”; thực hiện nghiêm quy chuẩn, quy trình, chế độ trực trong sản xuất; làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động. Chủ động bảo đảm đủ lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nhận diện, cảnh báo, phát hiện, xử lý kịp thời nguy cơ mất an toàn trong sản xuất, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn, sự cố lao động. Đặc biệt, Tổng công ty đã triển khai có hiệu quả giải pháp thông gió hợp lý (ứng dụng phần mềm Vensim, Kzamazu vào tính toán, quản lý thông gió; sử dụng các loại quạt gió lớn có cơ cấu đảo chiều FBDCZ No (10-22) lắp đặt cho các trạm thông gió chính và quạt gió đa cấp loại FBDY, DBKJ, giúp rút ngắn thời than thi công các đường lò khai thông, đẩy nhanh tiến độ ra than của các diện khai thác. Đồng thời, lắp đặt các trạm giám sát khí mỏ tập trung tự động, kết nối, truyền kết quả qua mạng internet về văn phòng các đơn vị và Tổng công ty phục vụ việc quản lý, điều hành; lắp đặt, vận hành hệ thống camera giám sát hoạt động tời trục chở người trên giếng nghiêng, quản lý xe chở than bằng hệ thống định vị GPGS, v.v.

Năm 2022, Tổng công ty Đông Bắc phấn đấu doanh thu đạt hơn 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 570 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/tháng.

    (Nguồn: Tổng công ty Đông Bắc)

Ngoài ra, Tổng công ty còn đầu tư lắp đặt hệ thống băng tải tự hành khép kín vận chuyển than từ kho chế biến ra tới bến cảng, không để bụi, than rơi vãi xung quanh, vừa tiết kiệm chi phí, nhân công lao động, phương tiện trong bốc xúc, vận chuyển, vừa bảo vệ môi trường. Đồng thời, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động với 14 trạm quan trắc liên tục truyền các số liệu, như: lưu lượng (đầu vào, đầu ra), nhiệt độ, pH, COD, Fe, Mn... về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để các cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá lượng nước xả thải.

Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong nghiên cứu đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát huy SKCTKT áp dụng vào sản xuất đã góp phần đưa sản lượng khai thác than của Tổng công ty giai đoạn 2015 - 2020 đạt 127%, tiêu thụ than đạt 149%, tổng doanh thu đạt 158%, vượt mức so với giai đoạn trước. Riêng năm 2021, Tổng công ty đã sản xuất được hơn 7,2 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 10 triệu tấn than các loại, doanh thu đạt hơn 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 586 tỷ đồng, thu nhập bình quân hơn 17 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, với những khó khăn về điều kiện khai thác, giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá dầu tăng cao đột biến, đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, song Tổng công ty vẫn phấn đấu doanh thu đạt hơn 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 570 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/tháng.

Theo Đại tá Phương Kim Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc: Trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa công đoạn sản xuất phù hợp, nâng cao mức độ an toàn, khai thác tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, cải thiện điều kiện làm việc. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện các đề án, dự án theo Quy hoạch phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm ổn định sản xuất và góp phần đảm bảo đủ than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, các tổ chức, hộ tiêu thụ. Cùng với đó, Tổng công ty chú trọng ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngay từ quy trình khoan thăm dò, nắm chắc các biến động địa chất trong lòng đất, quan sát được vỉa than qua mô hình 3D; nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm các thiết bị cơ giới hóa trong các công đoạn đào lò và khai thác than phù hợp với quy mô, công suất các mỏ... Tăng cường phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến kỹ thuật mỏ, nhất là việc đổ thải, thoát nước các mỏ lộ thiên để duy trì sản xuất an toàn, hiệu quả, xây dựng Tổng công ty Đông Bắc trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất, chế biến, kinh doanh than, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

TÙNG NGUYỄN

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: