CNQP&KT - Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, chuyển đổi số trong công nghiệp quốc phòng và kỹ thuật cơ khí lưỡng dụng là yếu tố then chốt và quan trọng, do vậy, cần phải tiến hành từng bước vững chắc.

Trong giai đoạn phát triển mới, ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam quán triệt và tập trung thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQTW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến 2030 và những năm tiếp theo". Nghị quyết này đã kế thừa và phát triển các luận điểm về CNQP Việt Nam để định hướng mục tiêu chiến lược và đề xuất các giải pháp thích ứng với tình hình mới. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với ngành CNQP. Đồng thời, là sự cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; mặt khác, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển sản xuất quốc phòng và sản xuất kinh tế phục vụ nền kinh tế quốc dân, đòi hỏi CNQP Việt Nam phải từng bước củng cố ngành kỹ thuật cơ khí cốt lõi theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới với sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị và sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ cho nền kinh tế. Trong đó, thực hiện chuyển đổi số trong CNQP và kỹ thuật cơ khí là yếu tố then chốt và quan trọng. Ngành kỹ thuật cơ khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và sự phát triển của ngành CNQP nói riêng. Do vậy, việc ứng dụng số hóa ngành kỹ thuật cơ khí mang lại những lợi ích to lớn đối với các đơn vị sản xuất quốc phòng nhằm cải thiện năng suất và hiệu suất trong quá trình sản xuất. Cụ thể, việc sử dụng đám mây hóa lĩnh vực cơ khí công nghiệp sẽ tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất CNQP khả năng tùy chỉnh và tiết kiệm chi phí đầu tư vào cơ sở dữ liệu, mở rộng quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số một cách dễ dàng để phát triển sản phẩm mới và sản phẩm mang tính lưỡng dụng cao.


Công nhân Nhà máy Z183 sử dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất sản phẩm cơ khí lưỡng dụng. Ảnh: BÁ ANH

Quá trình số hóa ngành kỹ thuật cơ khí quốc phòng hiện nay cần định hình các chức năng thiết yếu trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, với sự ra đời của các dịch vụ công nghệ cao dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu kỹ thuật số. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghệ 4.0) làm gia tăng nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc tích hợp và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, dẫn đến các mô hình hợp tác mới trong chuỗi giá trị và quản lý vòng đời sản phẩm. Đây sẽ là chiến lược phát triển liên minh giữa các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ để hình thành một tiêu chuẩn mang tính toàn cầu hóa cho ngành công nghiệp cơ khí trên thế giới. Từ đó thúc đẩy hiện đại hóa các ngành công nghiệp, tạo ra một hệ sinh thái và chuỗi giá trị, xuất hiện nhiều tác nhân mới bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ internet, điện toán đám mây hiệu suất cao, giải pháp lưu trữ dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn, nền tảng kỹ thuật số, mô phỏng mô hình công nghệ 3D, SaaS và an ninh mạng…

Chuyển đổi số trong kỹ thuật cơ khí lưỡng dụng của ngành CNQP nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để phát triển CNQP gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Việc tăng cường số hóa đối với doanh nghiệp sản xuất CNQP trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí sẽ mang lại một lợi thế rất lớn, giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu sử dụng năng lượng, giảm thời gian ngừng sản xuất để phục vụ cho việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc. Do vậy, việc chuyển đổi số cho ngành kỹ thuật cơ khí sẽ tạo bước nhảy vọt đáng kể, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hoạt động hằng năm; đồng thời, việc số hóa kỹ thuật cơ khí với nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 như thiết kế 3D, thiết kế ngược từ sản phẩm sẵn có, tạo ra một sản phẩm mới nhằm hình thành mối liên kết chặt chẽ từ việc tạo mẫu thiết kế sản phẩm mới, mô phỏng sản phẩm tối ưu trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng và nhu cầu cung ứng cho thị trường quân sự cũng như thiết bị lưỡng dụng trong lĩnh vực công nghiệp phi quân sự.


Sản xuất quạt điện tại Nhà máy Z199 phục vụ thị trường trong nước.  Ảnh: HÙNG HƯƠNG

Yếu tố quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 để làm nền tảng cho việc số hóa ngành kỹ thuật cơ khí chính là sự kết nối dữ liệu nhằm giúp cho các thành phần tham gia chuỗi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp dễ dàng chia sẻ dữ liệu, kết quả làm việc của từng bộ phận trong toàn bộ chuỗi giá trị và quản lý vòng đời sản phẩm trong thời đại của cuộc Cách mạng lần thứ tư và khởi đầu cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm sắp diễn ra.

Các tập đoàn lớn trên thế giới, như: Hitachi, Samsung, Huyndai, Siemens… đang dần chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ thị trường dân sự với các sản phẩm lưỡng dụng.

Sự thay đổi từ tập trung vào quản lý tài sản vật chất sang việc tối ưu hóa dữ liệu là vấn đề cốt lõi của toàn bộ chuỗi giá trị mà các doanh nghiệp cơ khí cần quan tâm và đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam nhanh chóng bắt kịp “con tàu công nghệ” của thế giới. Thực tế, các tập đoàn lớn trên thế giới, như: Hitachi, Samsung, Huyndai, Siemens… đang dần chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ thị trường dân sự với các sản phẩm lưỡng dụng. Quá trình thực hiện, có sự thay đổi mô hình quản lý, sáp nhập các doanh nghiệp quốc phòng trong chuỗi cung ứng để tối ưu hóa hạ tầng công nghệ, quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Đây cũng có thể là sự sống còn của một doanh nghiệp cơ khí quốc phòng với xu thế ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển nhanh như hiện nay.

Có thể nói, chuyển đổi số trong kỹ thuật cơ khí lưỡng dụng của ngành CNQP nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để phát triển CNQP gắn kết chặt chẽ, là bộ phận quan trọng và thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

TS. NGUYỄN HOÀNG HIỆP

Đại học Lincoln, Malaysia/Missouri

Giám đốc Quốc gia Công ty Hitachi Systems Việt Nam

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.http://www.pwc.com/gx/en/industries/industries4.0/landing-page/industry-4.0-building-yourdigitalenterprise-april-2016.pdf.

2. McKinsey Digital 2015, “Industry 4.0 How to navigate digitization of the manufacturing sector”.

3. Enterprise IoT, 2015, Data-driven manufacturing.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: