CNQP&KT - Thể chế hóa việc huy động nhân lực trình độ cao là cần thiết để phục vụ hiện đại hóa, lưỡng dụng hóa công nghiệp quốc phòng (CNQP), hướng tới xây dựng nền CNQP Việt Nam “tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”.

Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ chủ trương xây dựng CNQP Việt Nam: “tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”. Vấn đề tiên quyết để xây dựng CNQP theo những tiêu chí trên chính là chất lượng nguồn nhân lực. Bởi tri thức, công nghệ, kỹ thuật sản xuất vũ khí, trang bị quân sự các đối tác thường không chuyển giao trọn vẹn. Chúng ta chỉ có thể làm chủ bắt đầu từ xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh. Dưới góc tiếp cận như vậy, rõ ràng dự án Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp mà các cơ quan đang phối hợp soạn thảo phải có bước phát triển hơn Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (năm 2008) trong xác định nguồn nhân lực phục vụ CNQP. Nội dung dự thảo Luật cũng đã thể chế hóa bộ phận nhân lực trình độ cao, tuy nhiên, cần bổ sung cụ thể hơn để huy động hiệu quả cho phát triển CNQP.

Nhân lực trình độ cao bao hàm cả về trình độ đào tạo; lĩnh vực đào tạo, bề dày kinh nghiệm của đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực CNQP và khả năng nhân lực có thể huy động được từ nền kinh tế. Xét ở trình độ đào tạo, nhóm nhân lực này phải được đào tạo theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành, trình độ đào tạo sau đại học trở lên. Xét ở lĩnh vực đào tạo, phải được đào tạo ở những lĩnh vực, ngành sản xuất quốc phòng mang tính chuyên biệt như tên lửa; thuốc phóng tên lửa; tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; công nghệ vũ trụ (vệ tinh viễn thám, máy bay, tên lửa phóng, tên lửa đẩy…); thiết kế tàu chiến, tàu ngầm hiện đại… Xét ở bề dày kinh nghiệm, cần có thời gian cống hiến, nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực được đào tạo, có các công trình nghiên cứu giá trị, theo nghĩa đó bộ phận này có thể là nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp; kỹ sư chính, kỹ sư cao cấp; giáo sư, phó giáo sư, hoặc tổng công trình sư…


Công nhân trẻ Nhà máy Z115 (thuộc Tổng cục CNQP) trao đổi kinh nghiệm sản xuất sản phẩm quốc phòng.     Ảnh: CTV

Huy động nhân lực trình độ cao phục vụ cho hiện đại hóa, lưỡng dụng hóa CNQP là vấn đề rất cần được quy định rõ ràng trong dự án Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp, điều đó xuất phát từ những lý do sau đây:

Một là, đào tạo nhân lực trình độ cao phải có nguồn lực lớn và mất nhiều thời gian. Do điều kiện nguồn lực hạn chế, buộc chúng ta phải hiện đại hóa CNQP theo hai hướng: mua sắm, nhận chuyển giao công nghệ vũ khí, trang bị và tự nghiên cứu phát triển, cả hai hướng đều rất tốn kém. Tuy nhiên, nếu như máy móc công nghệ có thể bỏ tiền mua thì nguồn lực con người phải trải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng lâu dài, thậm chí có lĩnh vực trong nước chưa đào tạo được. Trong khi đây là nhân tố quyết định việc tiếp thu công nghệ; nghiên cứu, sáng tạo công nghệ; thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị chiến lược. Điều đó cũng có nghĩa, nhân lực chất lượng cao chính là mắt xích quan trọng để kết nối giữa kỹ năng, tri thức công nghệ quân sự (từ đối tác) với quy trình vận hành sản xuất quốc phòng (ở lĩnh vực được chuyển giao). Vì vậy, bộ phận nhân lực chuyên biệt này còn phải đảm nhiệm thêm chức năng truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vận hành công nghệ cho bộ phận trực tiếp sản xuất tại các nhà máy CNQP.

Để xây dựng được đội ngũ nhân lực trình độ cao đủ sức nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị hiện đại đòi hỏi phải thể chế hóa thành các điều luật cụ thể.

Hai là, nhân lực trình độ cao bị cạnh tranh rất lớn trong nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, nhân lực trình độ cao rất khó thu hút, tuyển dụng để làm việc trong lĩnh vực quốc phòng vì các cơ sở CNQP thường đóng quân ở địa bàn xa trung tâm, cơ sở vật chất hạn chế nên điều kiện thu hút, ưu đãi, giữ gìn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực CNQP còn bị cạnh tranh gay gắt bởi thị trường lao động từ các tập đoàn, công ty lớn trên địa bàn.

Ba là, các nước trên thế giới thường chỉ xuất khẩu vũ khí chứ rất ít “xuất khẩu chất xám” trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là lĩnh vực chuyên biệt. Khác với sản xuất thông thường, lĩnh vực công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị thuộc về bí mật quân sự, bí mật nhà nước. Do vậy, các đối tác chỉ xuất khẩu vũ khí hoặc bán dây chuyền công nghệ và hướng dẫn sử dụng mà không xuất khẩu nhân lực kèm theo công nghệ. Bộ phận nhân lực này được xem là “bí quyết công nghệ” và trở thành bí mật quân sự. Ở tầm cao hơn, nhân lực chuyên biệt là các nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư lại càng là “tài sản trí tuệ” thể hiện sức mạnh của nền CNQP quốc gia. Do vậy, được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không dễ chia sẻ thông tin, bí quyết, trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực CNQP từ nhóm nhân lực này.


Sản xuất thiết bị quang điện tử tại Tổng công ty Sản xuất thiết bị Viettel.  Ảnh: CTV

Từ những vấn đề nêu trên, thể chế hóa việc huy động nhân lực trình độ cao là cần thiết để phục vụ hiện đại hóa, lưỡng dụng hóa CNQP. Tuy nhiên, nội dung đề cập như trong dự án Luật cần bổ sung chặt chẽ hơn. Điểm d, mục 1, điều 13 dự thảo Luật CNQP và động viên công nghiệp đề cập đến nhân lực trình độ cao là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cần thiết phải cụ thể hơn về nội dung, đối tượng và trách nhiệm huy động nhân lực trình độ cao cho CNQP, cụ thể như sau:

Xác định lại vị trí nhân lực trình độ cao: Việc xác định đúng vị trí của nhân lực trình độ cao sẽ cho thấy vai trò, tầm quan trọng của bộ phận nhân lực này trong sự nghiệp hiện đại hóa, lưỡng dụng hóa CNQP. Mục 1 điều 13 dự luật xác định vị trí của bộ phận nhân lực trình độ cao là “các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước” phục vụ trong các cơ sở CNQP nòng cốt lại thể hiện ở điểm d, sau bộ phận lao động hợp đồng là chưa thật hợp lý. Với tầm quan trọng của bộ phận nhân lực này (nếu được huy động) thì cần thiết phải đưa lên ở vị trí hàng đầu (tức điểm a) trong các bộ phận nhân lực phục vụ CNQP nòng cốt.

Bổ sung thêm đối tượng nhân lực trình độ cao. Đối tượng được huy động ở đây không chỉ trong phạm vi biên giới lãnh thổ quốc gia mà còn bao hàm người Việt, người gốc Việt ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao, phù hợp với yêu cầu xây dựng CNQP, có nguyện vọng làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở đây cần bổ sung thêm đối tượng là các tổng công trình sư trong và ngoài nước. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng. Hiện nay, CNQP Việt Nam đang thiếu các tổng công trình sư đủ tầm để làm chủ các dự án nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị, phương tiện tác chiến hiện đại. Theo đó, điểm d, mục 1, điều 13 dự thảo luật cần sửa thành: Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư trong và ngoài nước.

Nên có điều luật xác định rõ trách nhiệm huy động nhân lực trình độ cao. Hiện nay, trong điều 13 của dự thảo Luật chưa đề cập trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Bộ Quốc phòng trong việc quy định huy động nhân lực nói chung và nhân lực trình độ cao. Ở đây cần có nội dung quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong hoạch định cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực để huy động nhân lực trình độ cao; các bộ, ngành liên quan có chức năng phối hợp, phát hiện những chuyên gia, nhà khoa học, tổng công trình sư có thể huy động phục vụ cho CNQP; Bộ Quốc phòng với nòng cốt là Tổng cục CNQP tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thu hút, tuyển dụng, huy động, phân bổ, sử dụng nhân lực trình độ cao trong CNQP.

Để xây dựng được đội ngũ nhân lực trình độ cao đủ sức nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị hiện đại đòi hỏi phải thể chế hóa thành các điều luật cụ thể. Theo đó, các điều, khoản trong dự thảo Luật phải xác định rõ vị trí, đối tượng, trách nhiệm huy động bộ phận nhân lực này cho CNQP. Khi được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Tổng cục CNQP huy động nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển, hiện đại hóa nền CNQP Việt Nam.

Thượng tá, TS. PHÙNG MẠNH CƯỜNG

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết 08-NQ/TW về "Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo", Hà Nội.

2. Bộ Quốc phòng (2021), Báo cáo số 2934/BC-BQP ngày 15/8/2021 về Tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (2008-2020).

3. Bộ Quốc phòng (2018), Báo cáo số 12012/BC-BQP ngày 20/10/2018 về Tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (2003-2018).

4. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Dự thảo Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp.

5. Tổng cục Chính trị (2020), Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

6. Lê Văn Hưởng (2021), Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng, Tạp chí CNQP&KT, số 4 (180/2021).

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: