CNQP&KT - Những năm qua, Nhà máy Z113 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về kết hợp sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế bằng các giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán, chủ trương chiến lược của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Nhà máy Z113 đã quán triệt sâu sắc chủ trương trên, thực hiện kết hợp giữa nhiệm vụ sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế bằng các giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Xác định sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng để duy trì năng lực sản xuất quốc phòng và phát triển kinh tế, trong những năm qua, Nhà máy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng đảm bảo chất lượng, độ tin cậy, góp phần nâng cao sức mạnh, khả năng chiến đấu của Quân đội; đẩy mạnh phát triển kinh tế để duy trì đội ngũ và nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Nổi bật là Nhà máy đã làm chủ công nghệ sản xuất nhiều chủng loại đạn súng bộ binh; các loại đạn pháo mặt đất, phòng không, hải quân... đảm bảo chất lượng, độ tin cậy, phục vụ công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

Trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm, Nhà máy đã phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục CNQP như Viện Vũ khí, Viện Công nghệ nghiên cứu sản xuất thành công một số chủng loại đạn mới mà trước đây phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt, các loại đạn pháo dùng cho Hải quân là sự đột phá trong sản xuất sản phẩm quốc phòng, khi lần đầu tiên Nhà máy làm chủ được công nghệ sản xuất, góp phần quan trọng trong việc chủ động đảm bảo vũ khí cho Quân đội, không phải phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, góp phần tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Ngoài ra, Nhà máy đã làm chủ dây chuyền, công nghệ sản xuất thuốc nổ TNT được đầu tư, góp phần tăng tính chủ động trong việc tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí, không phải nhập khẩu của nước ngoài.


Sản xuất thuốc nổ TNT phục vụ quốc phòng và kinh tế ở Nhà máy Z113.    Ảnh: MẠNH CHIẾN

Bên cạnh đó, Nhà máy cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, sửa chữa tổng lắp các loại đạn pháo, khẳng định năng lực của công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong việc đảm bảo trang bị các loại vũ khí cho sư đoàn bộ binh đủ quân; làm chủ công nghệ sửa chữa nhiều chủng loại đạn pháo, đảm bảo chất lượng, an toàn, độ tin cậy cao.

Đối với nhiệm vụ sản xuất kinh tế, trong điều kiện nhiệm vụ quốc phòng được giao không ổn định, có năm doanh thu quốc phòng chỉ chiếm từ 20%-30% tổng doanh thu, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z113 đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kinh tế (thuốc nổ công nghiệp, mũi khoan khai thác, sản phẩm cơ khí, hợp kim...), góp phần quan trọng trong việc duy trì đội ngũ, tạo thêm nguồn lực và nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng của Nhà máy.

Phát huy thế mạnh là đơn vị hóa nổ, Nhà máy đã đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại mồi nổ: MN-13, MNTC-13. Đặc biệt, Nhà máy đã khai thác, phát huy hiệu quả tính lưỡng dụng của dây chuyền TNT, không những sản xuất TNT-QS mà còn sản xuất thuốc nổ TNT-CN đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, trong 2 năm (2020-2021), mặc dù ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Nhà máy vẫn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu trên 1.500 tấn thuốc nổ TNT-CN sang thị trường khu vực Đông Nam Á. Cũng từ dây chuyền này, Nhà máy đã nghiên cứu thành công đề tài: “Nghiên cứu sử dụng dung dịch H2SO4 thu hồi của dây chuyền sản xuất quốc phòng để sản xuất bột thạch cao dùng cho xây dựng ”.

So với năm 2017, doanh thu năm 2021 của Nhà máy Z113 đạt 1.885 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần; giá trị sản xuất đạt 2.268 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; giá trị tăng thêm đạt 556,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần; lợi nhuận đạt trên 103 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần; thu nhập bình quân đạt 17,4 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 2 lần.

  (Nguồn: Phòng Chính trị, Nhà máy Z113)

Trong những năm qua, Nhà máy luôn duy trì và giữ vững thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống; đồng thời, đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển các sản phẩm mới, tiêu biểu là dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao, dây chuyền đúc, nâng cấp dây chuyền hợp kim cứng. Trong đó, dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao được cấp trên đánh giá hiệu quả vì nguồn vốn đầu tư không cao, tận dụng được nguồn vật tư sản xuất trong nước, dòng sản phẩm đa dạng. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chữa cháy có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, như: phương tiện bay không người lái chữa cháy, giàn phóng chữa cháy, ống phóng cá nhân chữa cháy, quả cầu chữa cháy, lọ hoa chữa cháy, quả ném chữa cháy và các khối chữa cháy tự động, trong đó sản phẩm quả cầu chữa cháy đã được cấp phép đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh. Đây đều là những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống, mở ra một hướng đi mới về cách tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Nhà máy đã tích cực khai thác, phát triển, mở rộng thị trường sản xuất các sản phẩm quốc phòng nhóm 2 cho Bộ Công an. Việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế đã góp phần củng cố, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, tăng trưởng kinh tế địa phương, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Có thể nói, nhờ kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất quốc phòng và kinh tế, với quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động, những năm gần đây, sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Z113 liên tục phát triển, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt mức cao. So với năm 2017, doanh thu năm 2021 đạt 1.885 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần; giá trị sản xuất đạt 2.268 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; giá trị tăng thêm đạt 556,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần; lợi nhuận đạt trên 103 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần; thu nhập bình quân đạt 17,4 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 2 lần.


Nhà máy nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm giàn phóng chữa cháy.     Ảnh: NGUYỄN CHIẾN

Để phát huy hiệu quả việc kết hợp sản xuất quốc phòng và kinh tế, trong thời gian tới, Nhà máy xác định tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của cấp trên, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 820-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030; Nghị quyết số 426- NQ/ĐU ngày 28/3/2022 của Đảng ủy Tổng cục CNQP về lãnh đạo nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu đến năm 2030. Xác định sản xuất kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn liền với sản xuất quốc phòng, tạo nên hai “trụ cột” cho sự ổn định và phát triển của Nhà máy, góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo cơ sở thuận lợi thu hút, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất của Nhà máy.

Hai là, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, xác định công tác kế hoạch phải là trọng tâm, luôn đi trước một bước. Bám sát chủ trương và sự chỉ đạo của cấp trên, sớm xác định rõ nhiệm vụ sản xuất quốc phòng hằng năm để chủ động chuẩn bị các yếu tố đảm bảo theo 5 khâu quản lý; tổ chức sản xuất, nghiệm thu đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn tuyệt đối.

“Xác định sản xuất kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, cùng với sản xuất quốc phòng tạo nên hai "trụ cột” cho sự ổn định và phát triển của Nhà máy”.

 (Thượng tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113)

Bên cạnh đó, khai thác và phát triển công nghệ lưỡng dụng để phát triển sản phẩm kinh tế, tham gia phục vụ dân sinh. Xây dựng cơ chế, chính sách thị trường linh hoạt, tăng sức cạnh tranh; chủ động gắn sản xuất với thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả website của Nhà máy trong công tác tiếp thị, bán hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm và tham gia xuất khẩu sản phẩm quốc phòng và kinh tế.

Ba là, thực hiện chặt chẽ công tác đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả. Phát huy tính lưỡng dụng của các dây chuyền sản xuất đã được đầu tư; đồng thời có chiến lược trong việc đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đổi mới cơ cấu lực lượng lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Rà soát bổ sung và hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, áp dụng hiệu quả phương pháp quản lý Kaizen-5S; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động tổ chức, quản lý sản xuất và điều hành doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tổ chức lại hoạt động sản xuất và quản lý theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ. Nâng cao chất lượng công tác quản trị nhân lực, có chính sách tuyển dụng và sử dụng đội ngũ cán bộ trình độ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí mới cũng như nghiên cứu phát triển các sản phẩm kinh tế.

Năm là, tập trung năng lực phát triển sản phẩm mới. Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm mới. Kết hợp đầu tư trọng điểm để có sản phẩm chiến lược với đầu tư xen kẽ ở những khâu thắt, những chặng công nghệ có tính chất quyết định đến chất lượng, năng suất trên các dây chuyền hiện có; từng bước loại bỏ các công nghệ sản xuất thủ công, hiệu quả thấp và tự động hóa các công đoạn sản xuất nguy hiểm, độc hại. Tích cực phối hợp với các viện nghiên cứu triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, sớm đưa kết quả nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm quốc phòng mới vào sản xuất loạt để trang bị cho Quân đội. Hợp tác có hiệu quả trong việc nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các loại đạn thương mại phục vụ trong huấn luyện, thi đấu thể thao, đạn huấn luyện, diễn tập; nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm sử dụng công nghệ vật liệu mới.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tin tưởng rằng, trong những năm tới, Nhà máy Z113 sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, trở thành một trong những doanh nghiệp quốc phòng - an ninh điển hình của Quân đội; đồng thời, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Thượng tá TRẦN CHÍ DŨNG

 Giám đốc Nhà máy Z113

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: