CNQP&KT - Lưỡng dụng sản xuất ở các doanh nghiệp quân đội là việc cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về kết hợp quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, góp phần giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng và phát huy tiềm năng tham gia phát triển kinh tế đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việc kết hợp quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng có mối quan hệ biện chứng, tác động và làm tiền đề cho nhau. Trình độ phát triển của nền kinh tế càng cao thì khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần kỹ thuật và huấn luyện bộ đội càng tốt. Thực tiễn ở Liên Xô (trước đây), sau khi nội chiến kết thúc, cả nước phải ra sức xây dựng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh. Trước tình hình đó, V.I.Lênin yêu cầu phải huy động sức người, sức của cho công cuộc tái thiết đất nước, trong đó lực lượng quân đội đóng vai trò xung kích trên mặt trận xây dựng kinh tế.

Quán triệt những luận thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, tại Hội nghị lần thứ 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 247-NQ/TW, ngày 29/9/1975 về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nêu rõ: “Kết hợp kinh tế với quốc phòng; tranh thủ mở rộng quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền và có lợi cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”. Kế thừa, bổ sung và phát triển quan điểm từ các đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phải “gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh”1. Quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, như: Nghị quyết số 06/NQ-ĐUQSTW; Nghị quyết số 150/NQ-ĐUQSTW; Nghị quyết số 71/ĐUQSTW; đặc biệt là Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25/9/2012 về “lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”. Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ rõ: “Lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng… Rà soát, bổ sung, điều chỉnh và chỉ đạo hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp quân đội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng”2. Ngày 17/12/2021, Quân ủy Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 820-NQ/QUTW về lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030. Trong đó chỉ rõ, tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng là nhiệm vụ thường xuyên của Quân đội. Cụ thể là: “Tập trung nghiên cứu, phát triển các tập đoàn như Viettel, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng; các doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh như Tân Cảng, MB”3. Cùng với đó, lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.


Cán bộ, nhân viên Tổng công ty 789 (Binh đoàn 11) triển khai nhiệm vụ tại công trường.  Ảnh: CTV

Có thể thấy, việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện lưỡng dụng sản xuất ở các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) bao gồm chủ trương, chính sách, nghiên cứu, đầu tư công nghệ và sản xuất và nguồn nhân lực… qua đó, củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển năng lực sản xuất hàng quốc phòng; tạo việc làm, cải thiện đời sống của người lao động; tham gia hiệu quả vào phát triển kinh tế đất nước.

Thực tế hiện nay, lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ được tổ chức thực hiện tại hầu hết các lĩnh vực, như: viễn thông; công nghệ - thông tin; tài chính, ngân hàng; xây dựng và kinh doanh bất động sản; khai thác cảng biển và logistics; sản xuất, cung ứng các sản phẩm quốc phòng, sửa chữa thiết bị quân sự... với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bền vững. Tính đến hết năm 2021, doanh thu của các DNQĐ đạt 268.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43.000 tỷ đồng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; góp phần quan trọng vào việc nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội. Tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); các Tổng công ty: Xây dựng Trường Sơn, Trực thăng Việt Nam, Lũng Lô, Xăng dầu Quân đội, Thành An, 319, 789, Vaxuco và Công ty Tecapro…4. Đối với các doanh nghiệp CNQP, hiện đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm có chất lượng tương đương khu vực, như: tàu, vật liệu nổ công nghiệp, dây cáp điện, cáp viễn thông, pháo hoa, cơ khí, cao su kỹ thuật, điện cơ, hàng may… xuất khẩu cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Tính đến hết năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt 268.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43.000 tỷ đồng; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; góp phần quan trọng nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định, trong đó một số DNQĐ sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, nợ đọng, vi phạm pháp luật; chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất, xây dựng kinh tế ở một số đơn vị còn thấp. Nguyên nhân là do dây chuyền sản xuất thiếu đồng bộ; quy mô nhà xưởng và thiết bị công nghệ chưa phù hợp cho sản xuất công nghiệp với lô, loạt lớn...

Thời gian tới, để đẩy mạnh và phát triển lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, có trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan mà trực tiếp là các DNQĐ, sẽ tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong thực hiện lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chủ trương này ở các doanh nghiệp. Nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đơn vị.


Dây chuyền sản xuất băng tải cao su phục vụ quốc phòng và kinh tế của Nhà máy Z175 (Tổng cục CNQP).    Ảnh: BẢO LÂM

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp về lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp về lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ. Phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chủ chốt các cấp, đổi mới phương pháp, tác phong công tác, tinh thần ham học hỏi, nhất là những vấn đề mới về hoạt động sản xuất - kinh doanh, hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ba là, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các DNQĐ đẩy mạnh lưỡng dụng sản xuất đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, để thực hiện có hiệu quả việc lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ hiện nay, cần có một khung khổ pháp lý vững chắc, cơ chế và chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải huy động, sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, nhất là nguồn vốn, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và nguồn tài nguyên… Việc lưỡng dụng cần được quy hoạch, chuẩn bị và triển khai tốt từ cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, con người đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, tất yếu phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các DNQĐ đẩy mạnh lưỡng dụng sản xuất. Theo đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về vốn, nhân lực, đất đai, thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

Để thực hiện tốt giải pháp này, rất cần có sự vào cuộc, giúp đỡ, tạo điều kiện của các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ. Theo đó, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật về những nội dung liên quan. Đặc biệt, tích cực phối hợp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Mặt khác, các đơn vị trong toàn quân, nhất là DNQĐ cần quan tâm đúng mức đến việc phối kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi trong lưỡng dụng sản xuất.

Năm là, chú trọng tổ chức sơ, tổng kết việc lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ.

Qua đó, rút ra được các mô hình, kinh nghiệm, sáng kiến, phương pháp, hình thức lưỡng dụng sản xuất phù hợp, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng trong toàn quân; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Mặt khác, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện khung khổ, pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp.

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… đặt ra yêu cầu cao về lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ. Vì thế, cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp trên để lưỡng dụng sản xuất ở các DNQĐ đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS. TS. HOÀNG VĂN PHAI

Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.216, 217.

  2. Tổng cục Chính trị, Đề cương học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Nội, 2020, tr.24.

  3. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17/12/2021 về lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030, Hà Nội, 2021, tr.8.

4. Vũ Hải Sản, Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 8/8/2022.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: