CNQP&KT - Vương quốc Anh là một trong những quốc gia khá thành công trong phát triển công nghệ lưỡng dụng. Giới quân sự Anh rất chú trọng sử dụng kỹ thuật dân sự dùng cho quân sự, coi đây là một trong những biện pháp hàng đầu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Quân đội. HÀNH LANG PHÁP LÝ Để phát triển và sử dụng hiệu quả công nghệ lưỡng dụng, Chính phủ Anh đã tạo lập hành lang pháp lý vững chắc để các cơ quan dân sự chủ động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ lưỡng dụng trong quá trình chế tạo và sản xuất vũ khí, trang bị. Theo đó, Bộ Quốc phòng Anh ban hành hàng loạt văn kiện chiến lược, nhấn mạnh đến kỹ thuật dân sự dùng cho quân sự, như: Chiến lược mua sắm thông minh, Chiến lược khoa học - công nghệ và sáng tạo, Chiến lược công nghệ quốc phòng, Sách trắng “Chính sách công nghiệp quốc phòng”… Cụ thể, “Chiến lược mua sắm thông minh” đề cập đến nhu cầu điều chỉnh thể chế mua sắm vũ khí, trang bị, tiến hành cải cách toàn diện tiến trình mua sắm, thẩm định, phê duyệt, quản lý kinh phí; đặt ra yêu cầu tăng cường quan hệ với giới công nghiệp, tạo lập kênh thông suốt chuyển giao kỹ thuật dân sự và quân sự. “Chiến lược khoa học - công nghệ và sáng tạo” vạch ra hệ thống các mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) quân sự, các chính sách quản lý và biện pháp thực hiện trong thập kỷ tới; trong đó đặc biệt coi trọng việc tận dụng thành quả nghiên cứu khoa học của các cơ quan nghiên cứu khoa học dân sự. Còn Sách trắng “Chính sách công nghiệp quốc phòng” yêu cầu phải nhanh chóng xây dựng hệ thống công nghiệp quốc phòng (CNQP) lưỡng dụng, tăng cường hợp tác với địa phương, tận dụng tối đa công nghệ dân dụng để phát triển vũ khí, trang bị. “Chiến lược công nghệ quốc phòng” Anh liệt kê 11 hạng mục kỹ thuật lớn cần khai thác, phát triển, như: chỉ huy điều khiển, thông tin, máy tính, trinh sát, bắt mục tiêu, chi viện tác chiến, thuốc nổ, hóa học, sinh học hạt nhân, máy bay không người lái… Văn kiện này không chỉ giúp giới quân sự và giới công nghiệp có cơ sở để lập kế hoạch phát triển kỹ thuật về lâu dài, mà còn tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ các cơ sở KHCN của Anh, định hướng nghiên cứu chế tạo mặt hàng quân sự của các xí nghiệp dân sự. ![]() Xe thiết giáp đa chức năng (AMPV) do Tập đoàn BAE Systems nghiên cứu chế tạo. Ảnh: Internet Những năm gần đây, Anh có nhiều sản phẩm dân sự công nghệ cao vượt trước sản phẩm quân sự. Để tận dụng tối đa các thành quả này, Bộ Quốc phòng Anh đã thành lập hai cơ quan đầu mối quan trọng. Thứ nhất là Cục Chuyển đổi công nghệ kỹ thuật quốc phòng có nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn các công nghệ cao mới do các cơ sở khoa học dân sự nắm giữ, chuyển đổi thành công nghệ quân sự; tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học dân sự; khuyến khích, tài trợ các xí nghiệp dân sự có năng lực tiến hành khai thác công nghệ kỹ thuật lưỡng dụng; thu hút các xí nghiệp dân sự tham gia nghiên cứu khoa học quốc phòng, tận dụng công nghệ và kinh nghiệm của xí nghiệp dân sự để nâng cao hiệu suất cho CNQP. Cơ quan thứ hai là Trung tâm Công nghệ kỹ thuật quốc phòng, có nhiệm vụ theo dõi sự phát triển của các lĩnh vực gồm cảm ứng điện từ, tín hiệu quang điện, công nghệ kỹ thuật lực đẩy, vật liệu tàng hình, các vật liệu hoạt tính đa tác dụng… Với việc thành lập hai cơ quan này, Vương quốc Anh đã có một bước tiến dài trong phát triển công nghệ lưỡng dụng. Theo đó, các công nghệ kỹ thuật dân sự chiếm tới hơn 80% công nghệ cao dùng cho phát triển vũ khí, trang bị tin học hóa của Quân đội Anh. ![]() Cơ sở đóng mới siêu tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Tập đoàn BAE Systems (Anh). Ảnh: Internet GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ LƯỠNG DỤNG Thứ nhất, tích cực sử dụng quy phạm tiêu chuẩn dân sự. Các quy phạm này không chỉ áp dụng trong công tác quản lý, nghiên cứu và chế tạo vũ khí, trang bị mà còn được vận dụng trong trường hợp tiêu chuẩn dân sự và quân sự có những điểm mâu thuẫn nhau. Bộ Quốc phòng Anh đã loại bỏ nhiều tiêu chuẩn quân sự và thay bằng các tiêu chuẩn dân sự, đồng thời khuyến khích các nhà thầu sử dụng ở mức độ lớn nhất những tiêu chuẩn và quy phạm dân sự thỏa mãn được nhu cầu quân sự. Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng quân sự ở Anh đã thực hiện chế độ kế toán chung, trên cơ sở đó thống nhất hệ thống chất lượng và quy trình công nghệ của sản phẩm quân sự và dân sự. Thực tế, trong quá trình đặt hàng sản xuất, nhiều loại trang - thiết bị quân sự như tàu khu trục, máy bay chiến đấu Eurofighter, Quân đội Anh cho phép các nhà thầu chủ động lựa chọn đối tác, bố trí thời gian, quy trình và các tiêu chuẩn thương mại phù hợp trong quá trình nghiên cứu, chế tạo và sản xuất.
Thứ hai, tạo cầu nối dân sự với quân sự. Trên thực tế, để công nghệ kỹ thuật dân sự nhanh chóng chuyển hóa thành quân sự thì cần một đơn vị môi giới, xây dựng kênh thông suốt cho quá trình chuyển giao này. Tại Anh, đơn vị này chính là những hiệp hội ngành nghề lưỡng dụng, như: Hiệp hội Chế tạo quốc phòng, Hiệp hội Thương nghiệp - Chế tạo hàng không vũ trụ, Hiệp hội Công trình điện tử, Hiệp hội Trang bị hải quân, Hiệp hội Trang bị không quân… Hoạt động chính của các hiệp hội này là tổ chức liên kết các xí nghiệp dân sự có ngành nghề thích hợp, có khả năng đảm nhận nghiên cứu và sản xuất các mặt hàng quân dụng; duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các bộ, ngành của Chính phủ và Quân đội. Họ trở thành cầu nối giữa Chính phủ, Quân đội với giới công nghiệp, giúp các bên hiểu thêm năng lực nghiên cứu và chế tạo, nắm được nhu cầu của nhau. Thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các bên có dịp gặp gỡ, trao đổi các vấn đề về chính sách, chiến lược phát triển, hạng mục nghiên cứu, công nghệ kỹ thuật tiên tiến… Các hiệp hội này hạn chế số người tham gia do thông tin liên quan đến bí mật quân sự; hoạt động chú trọng đến vấn đề tác chiến điện tử, chiến tranh thông tin, nhu cầu của Quân đội Anh và thế mạnh của các xí nghiệp dân sự. Thứ ba, tăng cường hợp tác với giới công nghiệp. Để đạt được mối quan hệ tốt với giới công nghiệp, Bộ Quốc phòng Anh áp dụng 3 biện pháp quan trọng. Trước hết, thành lập tổ công tác liên hợp, đặt dưới sự chủ trì của Cục Mua sắm quốc phòng, có chức năng xử lý các vấn đề mà Bộ Quốc phòng và giới công nghiệp cùng quan tâm. Trong đó, bao gồm việc soạn thảo, theo dõi thực hiện các chính sách thương mại liên quan đến mua sắm của cả quân sự và dân sự; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản lý; thu thập, tổng kết và công bố các kinh nghiệm thành công trong hợp tác giữa Bộ Quốc phòng với giới công nghiệp; nâng cao khả năng đảm bảo mua sắm của hai bên… Thứ hai, tạo điều kiện cho trí thức tham gia quản lý các hạng mục, với mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và bảo vệ quyền lợi của hai bên. Trong tổng số 150 tổ công tác liên hợp do Cục Mua sắm quốc phòng và Cục Hậu cần quản lý, hiện có gần 170 người đến từ 20 công ty dân sự trực tiếp tham gia quản lý hạng mục, một số người làm tổ trưởng. Biện pháp thứ ba, đưa công tác quản lý nghiên cứu khoa học và bảo đảm từng bước ra thị trường, với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan dân sự. Bộ Quốc phòng Anh đã có văn bản yêu cầu khi đầu tư phải tối đa hóa hiệu quả, tích cực thu hút vốn của các cơ quan, xí nghiệp có kỹ thuật công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý. ![]() Máy bay Eurofighter Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Internet Thứ tư, hoàn thiện thể chế quản lý. Để đạt được hiệu quả cao trong việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật dân sự thành quân sự, Bộ Quốc phòng Anh chủ trương phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo môi trường tốt để các xí nghiệp dân sự đi vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm quân sự. Đầu tiên là cải cách cơ chế cạnh tranh và mời thầu trong việc chế tạo các sản phẩm quân sự, tạo sự cạnh tranh công bằng cho những người đấu thầu và giảm thiểu rủi ro (cho phép các nhà thầu nước ngoài tham gia; tăng số lượng nhà thầu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hủy bỏ các loại hợp đồng bù giá…). Thứ hai là điều chỉnh, hoàn thiện chế độ quản lý hợp đồng, tiến hành theo thể chế quản lý hai cấp: Cục Mua sắm quốc phòng phụ trách quản lý hợp đồng quốc phòng thông qua hoạt động của các tổ công tác về chính sách thương mại quốc phòng, bản quyền tri thức, pháp luật thương mại, công nghiệp, vốn dân doanh, thương mại cấp cao, phục vụ mua sắm chuyên nghiệp; còn Nhóm Nhất thể hóa hạng mục trực tiếp quản lý các hạng mục, chủ yếu làm công tác chuẩn bị trước khi ký hợp đồng và giám sát, đôn đốc các nhà thầu thực hiện các điều khoản. Giải pháp tiếp theo là cải cách thể chế quản lý kinh phí. Trong đó, Cục Quản lý và Dự toán phụ trách thống nhất lập dự toán hằng năm cho Bộ Quốc phòng và 3 quân chủng, quản lý kinh phí của Bộ Quốc phòng, giám sát và thẩm tra chi tiêu kinh phí theo các hạng mục dự toán; Cục Các hệ thống vũ khí quyết định kim ngạch đầu tư của từng hạng mục, theo dõi, giám sát việc sử dụng kinh phí chế tạo, sản xuất theo nhu cầu quân sự; Cục Mua sắm quốc phòng phụ trách các chính sách và chế độ tài chính liên quan, giám sát, kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí nghiên cứu, chế tạo và sản xuất vũ khí, trang bị; Nhóm Nhất thể hóa hạng mục phụ trách việc sử dụng kinh phí cho hạng mục được giao. Cuối cùng là áp dụng phương thức giao dịch thương mại điện tử. Việc thực hiện giao dịch điện tử có thể cung cấp thông tin cho người quản lý mua sắm theo thời gian thực, việc đặt hàng và xét duyệt các hóa đơn thanh toán diễn ra nhanh chóng và chính xác, giúp giảm thiểu tồn kho và hạ giá thành. Theo đánh giá, việc phát triển và sử dụng công nghệ lưỡng dụng ở Anh được triển khai từ khá sớm và hiệu quả. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống, trong đó quân đội làm nòng cốt; tạo ra động lực sáng tạo, tinh thần chủ động, hài hòa lợi ích giữa lực lượng dân sự và quân sự. Đại tá ĐOÀN MẠNH HÙNG |