CNQP&KT - Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi hiện tượng “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình” là “bệnh hẹp hòi”, “óc hẹp hòi”, là “kẻ địch”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ, “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình” là một trong những biểu hiện suy thoái hàng đầu trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trăn trở về tác hại của bệnh hẹp hòi - một trong những nguồn gốc làm suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong các tác phẩm: “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (năm 1947), “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Bệnh tự ái, tự kiêu” (năm 1948), “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969)... Người đã chỉ ra triệu chứng, nguy cơ nảy sinh từ bệnh hẹp hòi. Có thể khái quát quan niệm của Hồ Chí Minh về bệnh hẹp hòi trong cán bộ, đảng viên ở một số vấn đề cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nguồn gốc của bệnh hẹp hòi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh hẹp hòi trong cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do kém tính Đảng, chưa đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết: “Chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng…, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng”1. Bệnh hẹp hòi không chỉ xuất phát từ sự ích kỷ, nhỏ nhen của cá nhân, mà đôi khi nó còn trỗi dậy từ trong tập thể thiếu đoàn kết, thiếu dân chủ: “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra”2.

Thứ hai, biểu hiện của bệnh hẹp hòi. Theo Hồ Chí Minh: “Óc hẹp hòi - Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình”3. Hồ Chí Minh có cái nhìn rất cụ thể đối với bệnh hẹp hòi: “Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác… không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng”4. Đồng thời, Người cũng cho rằng: “Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết… Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào”5.

Thứ ba, tác hại của bệnh hẹp hòi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh hẹp hòi có mối quan hệ với nhiều tính xấu, nhiều chứng bệnh khác: “Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa,... đều do bệnh hẹp hòi mà ra”6. Hậu quả của bệnh này là làm giảm ý chí phấn đấu của những cán bộ, đảng viên gương mẫu, kéo lùi sự phát triển của tập thể: “Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân”7. Nếu không khắc phục triệt để bệnh hẹp hòi thì đây chính là một trong những nguy cơ làm xói mòn đạo đức, văn hóa trong tổ chức, trong tập thể.


Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành Nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội (tháng 5/1957).   Ảnh: TL

Thứ tư, biện pháp phòng, chống bệnh hẹp hòi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm phòng, chống bệnh hẹp hòi, mà căn cơ nhất, theo Người, đó là phải thật thà tự phê bình và phê bình: “Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy… Ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình”8. Muốn vậy, về phía cá nhân, cần phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình: “Đảng viên phải coi việc tự kiểm điểm như rửa mặt. Hằng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm mình”9. Về phía tổ chức đảng, phải thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kiên quyết thực hành kỷ luật đảng: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết”10. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống bệnh hẹp hòi, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, thời gian qua, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng đã được triển khai thực hiện một cách: “Nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng…, nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”11. Tuy nhiên, “công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm… Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở… Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm…”12. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên không chỉ làm nản lòng, nhụt chí và cản trở sự phấn đấu của những nhân tố tích cực (nhất là cán bộ trẻ), mà còn gieo rắc sự hoài nghi, gây mất đoàn kết nội bộ.

 

“Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết”.

(Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, để chủ động đấu tranh phòng, chống biểu hiện ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình trong cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng và người chỉ huy cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết trong từng chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể. Tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của phương tiện truyền thông, nhất là trên mạng xã hội, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”13.

Hai là, thường xuyên, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình gắn với đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chủ động thực hành dân chủ rộng rãi kết hợp thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, với tính tự giác cao của mỗi cán bộ, đảng viên. Quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình phải bảo đảm dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, phương pháp: “Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”14.

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và rèn luyện đạo đức cách mạng.

Mỗi cán bộ, đảng viên kiên quyết chống tư tưởng ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; rèn luyện tính khiêm nhường lắng nghe, học hỏi và thân ái, giúp đỡ, sẻ chia, động viên mọi người xung quanh để cùng chung tay, góp sức hoàn thành công việc chung: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng... Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”15.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc cấp ủy cấp trên kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới, kiểm tra chéo, kiểm tra định kỳ và không định kỳ. Quá trình kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”16.

Có thể khẳng định, phòng, chống bệnh hẹp hòi theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đó là việc làm cần thiết nhằm làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thiện phẩm chất, năng lực; làm cho Đảng ta vững mạnh về mọi mặt, làm tốt trọng trách của mình trước dân tộc và nhân dân.

Thiếu tá, ThS. NGUYỄN QUANG BÌNH

Hệ đào tạo sau đại học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.276, tr. 278, tr. 279, tr. 296.

9. Sđd, tập 15, tr.117.

11. Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận số 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.22.

13. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.30.

14, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.237-238.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: