CNQP&KT - Với sự sáng tạo trong nghiên cứu cải tiến vũ khí, khí tài hiện có, cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng, bộ đội Phòng không - Không quân đã góp phần làm nên Chiến thắng “12 ngày đêm” vang dội, đập tan tượng đài “bất khả tiêu diệt” là máy bay B-52 của Không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc.

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm vào tháng 12/1972, để đảm bảo an toàn cho B-52 vào đánh phá, Mỹ đã sử dụng lực lượng hùng hậu, gồm các loại máy bay tiêm kích bay phía trước, phía sau, hai bên sườn, làm nhiệm vụ hộ tống, chặn đánh gần; các máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ thả nhiễu và chặn đánh xa; máy bay chế áp hệ thống phòng không ta ở mặt đất; máy bay F-105 bay vào nghi binh tạo giả B-52; các máy bay tác chiến điện tử phát nhiễu, tạo vùng nhiễu rộng, ngụy trang cho lực lượng máy bay vào đánh trả.

Thực chất của cách tổ chức đội hình này là sự liên kết chặt chẽ chức năng và phát huy tối đa tính ưu việt của từng loại máy bay, với trang bị kỹ thuật hiện đại, tạo thành cơ cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho B-52 trong quá trình trải thảm bom hủy diệt mục tiêu. Như vậy, sức mạnh của B-52 chỉ có thể phát huy tác dụng khi duy trì được khối liên kết chặt chẽ với các loại máy bay khác trong đội hình chiến đấu. Nếu sự liên kết đó bị phá vỡ, B-52 khó lọt qua được lưới lửa phòng không của ta, đặc biệt là tên lửa và máy bay MiG-21. Đây là điểm yếu chí mạng của phương pháp liên kết chức năng và cũng là mắt xích quan trọng nhất trong tác chiến hiệp đồng của lực lượng Phòng không - Không quân (PK-KQ) trong chiến dịch này.

Quân đội ta xác định, muốn giành được thắng lợi, phải chuyển hóa lực lượng, tập trung mọi nguồn lực, vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, liên tục phá hỏng sự liên kết giữa các thành tố trong đội hình bay của địch. Cùng với đó, bộ đội tên lửa thực hiện đánh tập trung, đánh hiệp đồng liên tiếp trên đường bay của địch, làm rối loạn đội hình, tạo điều kiện thuận lợi để bắn trúng B-52. Để tiêu diệt lực lượng nòng cốt của địch, ta chủ trương tập trung tên lửa đánh B-52. Do đó, việc bảo vệ an toàn cho tên lửa là rất bức thiết. Vấn đề cơ bản nhất là phải tách được B-52 ra khỏi nền nhiễu và khối liên kết với các loại máy bay chiến thuật làm nhiệm vụ hộ tống, gây nhiễu trong đội hình chiến đấu để nâng cao hiệu quả tiêu diệt. Đây là việc hết sức khó khăn, nhưng lại thể hiện sự sáng tạo nhất trong cách đánh của ta. Theo đó, mọi biện pháp kỹ thuật hiện đại của địch đều bị lực lượng phòng không của ta phát hiện trên màn hiện sóng radar. Trong quá trình “vạch nhiễu, tìm thù”, các loại máy bay B-52, máy bay cường kích, tiêm kích, hay tiêm kích làm giả B-52, đều được “phơi trần” trước cặp mắt tinh tường của bộ đội radar và bộ đội tên lửa của ta.


Chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn tên lửa 257 nạp đạn tên lửa lên bệ phóng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.   Ảnh: TL

Quá trình nghiên cứu, nhóm cán bộ tiểu đoàn trinh sát nhiễu của Quân chủng PK-KQ nhận thấy, trong các loại radar ta đang sử dụng, có một loại mà máy bay B-52 không phát hiện được. Trên cơ sở đó, cuối năm 1971, tổ cán bộ nghiên cứu đã phát huy sự sáng tạo, đề xuất công trình cải tiến kỹ thuật: Dùng loại radar này ghép với đài điều khiển, phục vụ bộ đội tên lửa đánh B-52. Bộ khí tài mới này mang ký hiệu là KX. Tháng 1/1972, bộ khí tài được ứng dụng đạt kết quả tốt và được đánh giá có khả năng chỉ thị chính xác mục tiêu, giúp đài điều khiển tên lửa phát hiện máy bay B-52. Trong 12 ngày đêm (từ ngày 18-29/12/1972), nhờ bộ khí tài KX và sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không ba thứ quân, bộ đội tên lửa đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay B-52. Đêm ngày 22/12/1972, Trung đoàn tên lửa 257 đã phóng 4 quả đạn, diệt 2 chiếc B-52. Trong 7 ngày đêm (từ ngày 18-24/12/1972), với chỉ dẫn mục tiêu của bộ khí tài KX, Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) đã bắn rơi 4 máy bay B-52.

Những phương pháp đánh B-52 đã được Quân chủng PK-KQ phổ biến tỉ mỉ cho từng kíp chiến đấu. Bởi thế, khi bước vào chiến dịch, bộ đội tên lửa đã bình tĩnh, tự tin, bẻ gãy các đợt tấn công của Không quân Mỹ. Thậm chí, có những đơn vị chưa từng chạm trán với máy bay B-52, như Trung đoàn tên lửa 257 và Trung đoàn tên lửa 261, nhưng từ kinh nghiệm và phương pháp được phổ biến, lực lượng phòng không ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.

Trong 12 ngày đêm thực hiện Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng Phòng không của ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.

Có thể khẳng định, trận “Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng vang dội của quân và dân ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Chiến thắng oanh liệt đó có sự đóng góp quan trọng của bộ đội PK-KQ, thể hiện rõ nét sự sáng tạo tài tình trong nghiên cứu cải tiến vũ khí, khí tài hiện có, cùng ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù.

Những năm qua, Viện Kỹ thuật PK-KQ (thuộc Quân chủng PK-KQ) luôn phát huy vai trò cũng như tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Từ những bài học kinh nghiệm trong Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cùng yêu cầu xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thời gian tới, Viện Kỹ thuật PK-KQ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Một là, nghiên cứu sửa chữa hồi phục, đảm bảo vật tư; thiết kế, chế tạo các thiết bị mô phỏng, sản phẩm tiêu biểu mang tính ứng dụng cao; nghiên cứu khai thác, bảo quản, sửa chữa, tăng hạn sử dụng các loại vũ khí, trang bị đáp ứng kịp thời nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đảm bảo các loại mục tiêu bay cho nhiệm vụ bắn, ném bom, đạn thật hằng năm và đột xuất của Quân chủng.


Hội đồng nghiệm thu Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân kiểm tra bộ truyền động mâm quay đài radar RV-02.   Ảnh: CHÍ HÒA

Hai là, tích cực, chủ động nghiên cứu kỹ thuật đấu tranh điện tử trên trang bị hiện có của Quân chủng và các thủ đoạn chiến đấu của địch, đề xuất các biện pháp kỹ thuật để đối phó; phục hồi phụ tùng, sản xuất vật tư kỹ thuật, chế tạo và tổ chức kiểm nghiệm nhiên liệu tên lửa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật cho vũ khí, trang bị.

Ba là, khuyến khích cán bộ, nhân viên kỹ thuật học tập, nâng cao trình độ, đi sâu nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực như: kỹ thuật vi xử lý, kỹ thuật số, kỹ thuật siêu cao tần và xử lý số tín hiệu, kỹ thuật đo lường và điều khiển số; công nghệ thông tin, công nghệ ASIC, FPGA, PSOC, công nghệ mô phỏng; công nghệ vật liệu mới…

“Tập trung nghiên cứu, nắm bắt các kỹ thuật và công nghệ mới, như: kỹ thuật vi xử lý, kỹ thuật số, kỹ thuật siêu cao tần và xử lý số tín hiệu, kỹ thuật đo lường và điều khiển số; công nghệ thông tin, công nghệ ASIC, FPGA, PSOC, công nghệ mô phỏng; công nghệ vật liệu mới.”

(Đại tá Phạm Thanh Giang)

Bốn là, tăng cường hợp tác với đối tác trong và ngoài Quân đội, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất linh kiện, vật tư, vũ khí, khí tài, từng bước hạn chế nhập ngoại. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao, khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để phát triển trang bị kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ nói riêng và Quân đội nói chung.

Những nội dung trọng tâm và nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi sự kế thừa và vận dụng sáng tạo những thành quả đã đạt được; qua đó, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá PHẠM THANH GIANG

Viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân,

Quân chủng Phòng không - Không quân

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: