Máy bay không người lái lưỡng dụng09/01/2023CNQP&KT - Hiện nay, máy bay không người lái (UAV- Unmanned aerial vehicle) là sản phẩm lưỡng dụng (dual-use) quan trọng, phục vụ mục đích quân sự lẫn dân dụng. Công nghệ chế tạo UAV lưỡng dụng thay đổi theo thời gian, mang lại cơ hội mới cho các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cũng như khách hàng quân sự và thương mại. Trong đó, đáng chú ý là chất lượng và giá thành UAV được quy định bởi khả năng tự chủ hoàn toàn của hệ điều hành, trọng tâm là công nghệ tự chủ hoạt động độc lập (Autonomous technology). Đây là công nghệ mới, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển UAV trong tương lai. Các công nghệ mới sẽ phát triển từ vài trăm đến hàng nghìn loại, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo dự báo, ngành công nghiệp UAV sẽ đạt giá trị 400 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài phục vụ mục đích quân sự, UAV còn được ứng dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực dân sự, như: tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; giám sát, phát hiện mối đe dọa; bán hàng; bảo mật; kiến trúc, xây dựng... Tạp chí The New York Observer của Mỹ dự đoán, trong vòng 5 năm tới, có thể cần thêm 30.000 UAV lưu thông chỉ ở quận Manhattan (thành phố New York, Mỹ), thực hiện các nhiệm vụ: phát sóng, truyền thông, quảng bá sản phẩm, giám sát và đảm bảo an ninh... ![]() UAV trinh sát Heron do hãng IAI (Israel) nghiên cứu chế tạo. Ảnh: Internet Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đang phát triển các công nghệ UAV mới, thậm chí “không tưởng”. Ví dụ như chế tạo những chiếc UAV cỡ nhỏ gắn dưới mui xe, trông đơn giản nhưng đòi hỏi những công nghệ tiên tiến, phức tạp, như: công nghệ nhiệt, công nghệ LIDAR (phát đi chùm tia laser và thu lại tín hiệu phản hồi); các hệ thống camera, cảm biến, điều hướng, dẫn đường và điều khiển, liên lạc, nhắm mục tiêu… Trong quá khứ, những công nghệ này được xem như các yếu tố rời rạc trên nền tảng tổng thể. Ngày nay, chúng được phát triển đan xen như một hệ sinh thái. Việc nghiên cứu chế tạo UAV ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như trình độ công nghệ, được nhiều quốc gia rất chú trọng. Hiện nay, Mỹ là nước dẫn đầu thế giới trong mọi phân khúc của UAV, nắm trong tay nhiều công nghệ mới, hiện đại. Đặc biệt, các tập đoàn hàng đầu như Lockheed Martin, Northrop Grumman hay Boeing… có những bước đột phá trong chế tạo UAV phục vụ cho mục đích lưỡng dụng theo xu thế phát triển chung. Ngoài nhiệm vụ quân sự, Mỹ sử dụng UAV thực hiện hàng loạt nhiệm vụ phi quân sự như: giám sát, thực thi pháp luật; theo dõi xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phòng cháy, chữa cháy... Nổi bật trong đó là UAV Global Hawk do hãng Northrop Grumman chế tạo, được phát triển vào những năm 1990. Đây là sản phẩm do Cơ quan chỉ đạo các dự án quốc phòng tiên tiến (Defense Advanced Research Projects Agency - DAPRA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách, với mục đích ban đầu là tận dụng các công nghệ nền tảng để chế tạo UAV làm nhiệm vụ giám sát, trinh sát trong môi trường sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, UAV Global Hawk được bổ sung các tính năng mới như: radar thâm nhập, bộ xử lý ngôn ngữ, hệ thống hỗ trợ ra quyết định, hệ thống liên lạc, cùng nâng cao các khả năng khác. Nhờ công nghệ lưỡng dụng, Global Hawk được sử dụng cho các mục đích phi quốc phòng với tiềm năng lớn, như: phòng, chống ma túy, lập bản đồ địa hình, xây dựng… Trên cơ sở UAV Global Hawk, Mỹ tiếp tục chế tạo nhiều phiên bản nổi tiếng khác, đó là: Predator, Shadow, Avenger, Valkyrie... ![]() XQ-58 “Valkyrie” của Mỹ là một trong những UAV tấn công hiện đại nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Internet Nổi bật trong số các UAV Global Hawk là dòng RQ-4, được coi là siêu UAV do thám hiện đại nhất của Quân đội Mỹ hiện nay. RQ-4 sử dụng động cơ Rolls-Royce F137-RR-100; chiều dài 14,5 m, sải cánh 39,9 m, chiều cao 4,7 m; trọng lượng cất cánh tối đa 14.628 kg, vận tốc tối đa 650 km, trần bay 18.200 m và có thể bay liên tục trong 28 giờ. UAV này còn được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, gồm: cảm biến, hồng ngoại, camera có chức năng chụp hình, đo đạc thông số vẽ tọa độ. Đáng chú ý, RQ-4 Global Hawk đã đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thảm họa động đất ở Haiti vào năm 2020.
Trong khi đó, Trung Quốc sở hữu nhiều công ty sản xuất UAV hàng đầu thế giới, ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Loại UAV nổi bật của Trung Quốc phải kể đến Wingloong II, sử dụng động cơ phản lực AEP-60; trọng lượng cất cánh tối đa 4.200 kg, chiều dài 11 m, sải cánh 20,5 m, chiều cao 4,1 m. Wingloong II đạt tốc độ tối đa 370 km, tầm hoạt động 9.900 m, thời gian hoạt động lên đến 32 giờ; được trang bị các loại vũ khí như bom, tên lửa… Năm 2021, Wingloong II được điều động ứng phó thiên tai khẩn cấp trong trận lũ lụt ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). ![]() UAV do thám Wulung (Indonesia) có nhiệm vụ giám sát, tạo mưa nhân tạo, chữa cháy rừng. Ảnh: Intenet Gần đây, Trung Quốc bắt đầu khởi động Chương trình phát triển mẫu UAV lưỡng cư, có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở cả môi trường trên không và dưới nước, sử dụng để giám sát các tuyến đường biển, rà phá thủy lôi, phóng tên lửa tấn công mục tiêu. Bên cạnh đó, loại UAV lưỡng cư này còn có thể được sử dụng để chống tàu ngầm, tiêu diệt radar hoặc thiết bị vô tuyến của đối phương. Trung Quốc cũng sử dụng UAV cho các nhiệm vụ phi quân sự, như: thực thi pháp luật; giám sát hàng hải, viễn thám; nông nghiệp; hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa… Canada sử dụng UAV phục vụ quan trắc, lấy mẫu trong khí quyển; nghiên cứu đại dương, địa lý, thăm dò khoáng sản; viễn thông; tuần tra biên giới; dự báo thời tiết; giám sát; phòng cháy, chữa cháy. Nhật Bản trang bị cho các loại UAV trung bình, nhỏ, siêu nhỏ và tự chủ hoàn toàn sử dụng trong nông nghiệp, giám sát hoạt động núi lửa… Indonesia sử dụng UAV do nước này tự nghiên cứu chế tạo cho các nhiệm vụ, gồm: giám sát chụp ảnh từ trên cao, phát hiện cháy rừng, làm mưa nhân tạo chữa cháy... LAN ANH |