CNQP&KT - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích đường không của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận tháng 12/1972, có sự góp công rất quan trọng của việc cải tiến kỹ thuật cho tên lửa SAM-2 chống nhiễu đánh máy bay B-52.

Để cải tiến kỹ thuật cho tên lửa SAM-2 chống nhiễu đánh được máy bay B-52 của địch, qua kết quả trinh sát, lực lượng kỹ thuật của ta nhận thấy tần số làm việc có rãnh sóng 3cm của ra-đa K8-60 không bị nhiễu. Do B-52 bay cao hơn tầm hỏa lực loại pháo này nên các máy bay chuyên gây nhiễu chỉ tập trung vào các rãnh sóng khác. Phát hiện sơ hở này của quân Mỹ, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đề xuất cải tiến: ghép loại ra-đa không bị nhiễu với đài điều khiển SAM-2, bảo đảm chính xác về phần tử mục tiêu và thuận tiện trong thao tác sử dụng. Đây là công trình cải tiến do cán bộ kỹ thuật của Quân chủng tự lực thực hiện. Nội dung cải tiến được triển khai ở đài thu phát (xe ΠA), đài điều khiển (xe YA) và đài ra-đa K8-60.

Ra-đa K8-60 cải tiến nằm trong đội hình chiến đấu của tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bắn máy bay B-52 có chức năng: giúp các trắc thủ so kim thống nhất phần tử góc phương vị và góc tà thay cho việc bám sát vào dải nhiễu, xác định độ cao của máy bay, quyết định thời điểm phóng đạn và thời điểm mở ngòi nổ chỉ có 11,5s; giúp phát hiện mục tiêu từ cự ly 70km, bám sát tự động từ cự ly 40km, không bị nhiễu. Ngoài ra, có thể dùng K8-60 như một ra-đa chỉ thị mục tiêu chính xác, giúp sĩ quan điều khiển chọn thời điểm phát sóng, giảm thời gian sục sạo mục tiêu, chống tên lửa Shrike của địch bắn vào trận địa.


Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ra-đa 45 tham gia Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội (tháng 12/1972). Ảnh: TL

Sau khi bộ khí tài tên lửa SAM-2 cải tiến đầu tiên được trang bị cho Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 274), tháng 6/1972, một số bộ khí tài nữa được triển khai thêm ở khu vực Hà Nội chuẩn bị đối phó với máy bay B-52. Để khẳng định độ chính xác, tin cậy của bộ khí tài cải tiến và củng cố lòng tin cho bộ đội tên lửa, ngày 19/11/1972, Phòng Nghiên cứu kỹ thuật (Quân chủng PK-KQ) tổ chức thử nghiệm tại Tiểu đoàn 79 (Trung đoàn 257). Cuộc thử nghiệm có sự tham dự của đại diện Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng). Phương tiện thử nghiệm là 2 chiếc máy bay IL-18 và MiG-21 bay riêng rẽ vào 2 thời điểm khác nhau. Kết quả, lúc đầu, chỉ có ra-đa K8-60 phát sóng bắt và bám sát mục tiêu từ cự ly 35km, rồi truyền phần tử mục tiêu sang xe điều khiển. Trắc thủ của xe điều khiển bám sát mục tiêu bằng so kim thống nhất với phần tử mục tiêu của K8-60 truyền sang. Đến cự ly 28km thì ra-đa tên lửa SAM-2 mới phát sóng để bắt tín hiệu của mục tiêu; trắc thủ vẫn tiếp tục so kim để quan sát sai số tín hiệu phản xạ mục tiêu trên màn hiện sóng. Lúc này, đài điều khiển SAM-2 chuyển sang bám sát mục tiêu tự động, 2 ra-đa đều độc lập bám sát một mục tiêu, nếu không có sai số thì hai đôi kim của góc phương vị và góc tà phải trùng khít với nhau. Thật bất ngờ, với máy bay IL-18 hai kim trùng nhau, còn với máy bay MiG-21, hai kim có dao động đôi chút khi máy bay bay vào gần, sai số lớn nhất chỉ trong phạm vi từ 1 đến 2 ly giác ở cự ly dưới 10km.

Khi đế quốc Mỹ tổ chức cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Quân chủng PK-KQ trang bị 1 bộ khí tài cải tiến cho Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) bố trí ở phía Bắc sông Hồng và 1 bộ khí tài cho Tiểu đoàn 79 (Trung đoàn 257) bố trí phía Nam sông Hồng phục vụ đánh B-52. Tại 2 tiểu đoàn 57 và 79, từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, bộ khí tài cải tiến phục vụ đánh 30 trận. Cự ly mà ra-đa K8-60 theo dõi phát hiện B-52, xa nhất từ 74km, trung bình từ cự ly 50km chuyển sang cho đài điều khiển tên lửa SAM-2 thống nhất mục tiêu.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu cuối tháng 12/1972, khí tài ra-đa tên lửa SAM-2 cải tiến đã góp phần giúp lực lượng phòng không - không quân ta bắn rơi 34 máy bay B-52, đánh bại cuộc tập kích đường không của Mỹ.

Trong buổi sơ kết đánh máy bay B-52 đêm 25/12/1972, ta xác nhận ra-đa K8-60 bắt được mục tiêu B-52 tốt và không bị nhiễu. Qua thực tế chiến đấu, K8-60 còn có khả năng phân biệt được B-52 thật, giả. Nguyên nhân là do B-52 được trang bị máy gây nhiễu ALR-18 và ăng-ten lại đặt ở phần đuôi máy bay nên năng lượng nhiễu chiếu xuống mặt đất rất yếu. Phần năng lượng yếu này cảm ứng máy thu K8-60 không đủ sức chế áp ra-đa mà chỉ xuất hiện tín hiệu tạp lăn tăn ở chân sóng phản xạ của tín hiệu B-52. Đặc điểm này giúp cho trắc thủ K8-60 dễ dàng bắt đúng B-52, còn các loại máy bay chiến thuật không mang máy gây nhiễu ALR-18 nên không có tín hiệu trên. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ chỉ thị từ ngày 26/12/1972, tất cả các máy thu K8-60 hiện đang trang bị cho pháo cao xạ 57mm trên các yếu địa Hà Nội, Hải Phòng đều mở máy và khi bắt được tín hiệu B-52 phải thông báo phần tử mục tiêu về sở chỉ huy để góp phần thông báo các hướng đột nhập của B-52, đánh đúng B-52.


Tên lửa SAM-2 của bộ đội phòng không là hỏa lực chủ yếu để tiêu diệt máy bay B-52 của Mỹ.  Ảnh: TL

Sau Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đồng chí Phan Thu, kỹ sư vô tuyến điện, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu (sau này là Trung tướng, Phó Giáo sư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế) hỏi cung tên trung tá sĩ quan điện tử trên máy bay B-52 bị bắn rơi: “Anh biết gì về loại ra-đa làm việc ở rãnh sóng 3cm? Anh có thu được tín hiệu của nó không?”. Trung tá tù binh trả lời: “Thưa ngài, tôi có thu được tín hiệu của loại ra-đa đó, nhưng đó là một loại ra-đa pháo cao xạ cỡ nhỏ, không có nguy hiểm gì cho B-52 cả”. Viên sĩ quan cũng thú nhận: Với ra-đa cảnh giới sóng mét và đềximét, anh ta đều mở máy gây nhiễu ALT-32; còn với sóng 10cm thì đặt máy ALT-28, ATL-22 để gây nhiễu chặn ra-đa dẫn đường, ra-đa cao xạ, đài điều khiển tên lửa SAM-2, nhưng không có máy nào được đặt để gây nhiễu dải sóng 3cm cả. Như vậy, việc nhận định của ta về không bị nhiễu ở rãnh sóng 3cm là chính xác, quân Mỹ hoàn toàn bất ngờ và không đề phòng đối với loại ra-đa mà ta đã sử dụng để chống nhiễu B-52.

Công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật chống nhiễu đánh máy bay B-52 đã tạo được yếu tố bất ngờ với địch. Trong 12 ngày đêm chiến đấu cuối tháng 12/1972, khí tài ra-đa tên lửa SAM-2 cải tiến đã góp phần giúp lực lượng phòng không - không quân ta bắn rơi 34 máy bay B-52 đánh bại cuộc tập kích đường không của Mỹ. Đây là bài học kinh nghiệm và còn nguyên giá trị đối với ngành Công nghiệp quốc phòng hiện nay trong việc nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí, khí tài tác chiến điện tử, nhất là trong việc thiết kế, chế tạo ra-đa làm việc với nhiều rãnh sóng để tăng năng lực chống nhiễu, đối phó hiệu quả với các loại ra-đa điều khiển hỏa lực phòng không của đối phương.

Đại tá NGÔ NHẬT DƯƠNG

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: