CNQP&KT - Trong buổi làm việc với chúng tôi, Trung tá Đoàn Đắc Dũng, Giám đốc Xí nghiệp In (Nhà máy Z176) luôn khẳng định: “Kết quả đạt được của Xí nghiệp thời gian qua còn rất khiêm tốn, mới chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn để tạo đà phát triển mới”. Song, trước bối cảnh khó khăn về tài chính, nhân lực và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thì những kết quả bước đầu ấy của Xí nghiệp là rất đáng trân trọng.

QUYẾT TÂM VƯỢT KHÓ

Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc khá rộng rãi và ngăn nắp, Trung tá Đoàn Đắc Dũng, Giám đốc Xí nghiệp In, Nhà máy Z176 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP) chia sẻ: Xí nghiệp In được thành lập năm 1994 (trực thuộc Cục Chính trị, Tổng cục CNQP), có nhiệm vụ in các ấn phẩm, tài liệu phục vụ Tổng cục và các cơ quan, đơn vị trong Quân đội. Có thể nói, hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành và những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, nhân lực, vật lực, tài chính… đã cản trở rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp. Do thu nhập thấp, đời sống khó khăn, một số thợ lành nghề đã rời bỏ Xí nghiệp, tìm đến những cơ sở in có chế độ đãi ngộ cao hơn; thậm chí đã xuất hiện tình trạng đơn thư vượt cấp phản ánh về nội bộ đơn vị. Trước tình hình đó, năm 2014, Thủ trưởng Tổng cục CNQP quyết định điều chuyển Xí nghiệp In về Nhà máy Z176, hoạt động theo mô hình đơn vị công lập có thu. Theo đó, hằng năm, Xí nghiệp được Bộ Quốc phòng hỗ trợ một phần ngân sách để trả lương cho quân số định biên và đầu tư, sửa chữa trang - thiết bị, máy móc, nhà xưởng. Cùng với đó, Xí nghiệp được phép trích lập các quỹ dự phòng từ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh để phục vụ cho các hoạt động công ích. Nhà máy Z176, với vai trò là công ty mẹ đã chỉ đạo, định hướng những chủ trương, giải pháp lớn trong hoạt động của Xí nghiệp, bổ sung, điều chuyển cán bộ, công nhân viên, tăng cường kiểm tra, giám sát. Nhờ đó, Xí nghiệp In đã bước đầu có những chuyển biến tích cực.


Thiếu tướng Lê Văn Trì, Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu), kiểm tra sản phẩm bia huấn luyện do Xí nghiệp In (Nhà máy Z176) chế bản, in ấn (tháng 9/2022).  Ảnh: HỮU HƯNG

Tuy nhiên, khi những khoản nợ do “lịch sử để lại” chưa kịp hoàn trả thì những thách thức mới lại xuất hiện. Năm 2018, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định về việc tái cơ cấu và sắp xếp lại các cơ sở in trong Quân đội. Xí nghiệp In phải đứng trước sự lựa chọn giữa sáp nhập với đơn vị in khác hoặc tái cơ cấu để tồn tại, phát triển. Theo Trung tá Đoàn Đắc Dũng, anh được cấp trên điều động giữ chức Giám đốc Xí nghiệp đúng vào thời điểm “tồn tại hay không tồn tại”, và phương án là Xí nghiệp in không chỉ tồn tại mà cần phải có sự phát triển mới.


Công nhân Xí nghiệp In hoàn thiện sổ tay chiến sĩ.    Ảnh: LÂM MINH

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z176 và các cơ quan chức năng thuộc Tổng cục CNQP, Xí nghiệp In được duy trì hoạt động nhưng phải chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập có thu sang đơn vị tự chủ và tự hạch toán. Điều đó có nghĩa là, từ thời điểm này, Xí nghiệp In phải hoàn toàn tự chủ về tài chính, tự đi bằng chính “đôi chân” của mình. Trong thời gian chuyển đổi mô hình hoạt động, Xí nghiệp gặp vô vàn khó khăn, có thời điểm phải đối mặt với nguy cơ giải tán do tài chính eo hẹp, nguồn kinh phí hỗ trợ của trên không còn, không tiếp cận được vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất (do lỗ lũy kế tồn đọng kéo dài, công nợ khách hàng không thu hồi được). Trong khi đó, bộ máy của Xí nghiệp còn cồng kềnh, nhiều lao động gián tiếp, hoạt động kém hiệu quả; nội bộ chưa thật sự đoàn kết, thống nhất; năng lực của một số cán bộ và tay nghề của công nhân còn hạn chế; máy móc, thiết bị thiếu đồng bộ; cơ sở hạ tầng, nhà xưởng chật chội và xuống cấp; khách hàng truyền thống dịch chuyển đến nhà in khác… dẫn đến việc làm, thu nhập của người lao động không đảm bảo.

Xí nghiệp In sắp xếp lại bộ máy từ 5 ban nghiệp vụ, 2 phân xưởng sản xuất thành 2 ban nghiệp vụ, 1 phân xưởng; chi phí quản lý khối lao động gián tiếp giảm hơn 10%.

         (Nguồn: Xí nghiệp In, Nhà máy Z176)

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy Z176, Xí nghiệp In đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững sự ổn định. Biện pháp đầu tiên mà Xí nghiệp thực hiện là tái cơ cấu bộ máy, tinh giản lao động gián tiếp và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo từng vị trí việc làm, bảo đảm hoạt động hiệu quả; thay thế cán bộ giữ vị trí trọng yếu mà năng lực chuyên môn yếu. Đây là công việc vô cùng khó khăn, tác động đến tâm tư, tình cảm và lợi ích của cán bộ, công nhân viên và người lao động. Tuy nhiên, nhờ có sự thống nhất trong ban lãnh đạo Xí nghiệp, sự thấu hiểu và chia sẻ của người lao động, Xí nghiệp đã thực hiện được mục tiêu đề ra. Từ chỗ có 5 ban nghiệp vụ, 2 phân xưởng sản xuất, nay Xí nghiệp tinh gọn lại thành 2 ban nghiệp vụ, 1 phân xưởng; chi phí quản lý khối lao động gián tiếp giảm hơn 10%, từng bước giải quyết được những khó khăn về tài chính. Cùng với đó, Xí nghiệp chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ cấp ban, phân xưởng. Đối với đội ngũ cán bộ kinh doanh, Giám đốc Xí nghiệp trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm marketing, quan hệ khách hàng; đồng thời, thực hiện đánh giá hiệu quả công việc gắn với cơ chế thưởng, phạt tạo động lực làm việc cho người lao động. Cùng với việc hoàn thiện và bổ sung các quy chế, quy định trong quản lý, điều hành sản xuất, Xí nghiệp tập trung đầu tư cải tạo lại nhà xưởng, mua sắm thêm một số trang - thiết bị, máy móc mới; thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015 và tiêu chí đánh giá FSC (an ninh lâm nghiệp); tập trung rà soát và xây dựng lại mạng lưới khách hàng trong và ngoài Quân đội, kiên quyết chấm dứt hợp tác với khách hàng có công nợ kéo dài.


Kiểm tra màu sắc của ấn phẩm trước khi in loạt. Ảnh: VĂN TRỤ

Đối với chiến lược phát triển sản phẩm, trước sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà in, một mặt Xí nghiệp vẫn duy trì in các sản phẩm truyền thống, như: sách, báo, tạp chí, sổ tay; đồng thời, mở hướng sản xuất các mặt hàng nhóm tem, nhãn, hộp giấy trên cơ sở cung cấp cho khách hàng là Nhà máy Z176, sau đó mở rộng, phát triển ra thị trường bên ngoài, khai thác tối đa công suất của dây chuyền, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người lao động.

THÀNH QUẢ BƯỚC ĐẦU

Sau nhiều năm nỗ lực “thoát nghèo”, giờ đây, Xí nghiệp In đã căn bản giải quyết được những tồn tại, vướng mắc và bắt đầu sản xuất, kinh doanh có lãi. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá trị sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp từ năm 2019 đến nay liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; đời sống của cán bộ, công nhân viên và người lao động từng bước được cải thiện. Đặc biệt, tính đến hết tháng 11/2022, Xí nghiệp đạt doanh thu trên 86 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, Xí nghiệp có điều kiện đầu tư thêm máy móc, thiết bị mới. Cụ thể, năm 2022 Xí nghiệp được Nhà máy Z176 cho phép đầu tư dây chuyền in ống đồng tại khu B (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội), bước đầu hoạt động hiệu quả, sản xuất và cung cấp hàng triệu mét màng in/tháng, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Xí nghiệp cũng đầu tư, cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống hút mùi; sửa chữa mặt bằng nhà xưởng, nhà kho, bếp ăn ca, góp phần bảo đảm điều kiện làm việc cho người lao động. Đồng thời, Xí nghiệp còn trích lập được các quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ đầu tư phát triển; hỗ trợ người lao động kinh phí nghỉ mát và khen thưởng nhân dịp lễ, tết, hỗ trợ động viên cán bộ, công nhân viên và người lao động những lúc gặp khó khăn và thực hiện chính sách xã hội…


Một góc khu vực sản xuất của Xí nghiệp In.   Ảnh:  LÂM MINH

Cùng với sản xuất, kinh doanh phát triển, Xí nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và “chữ tín” với khách hàng trong và ngoài Quân đội. Hiện, Xí nghiệp đã ký kết hợp đồng in các ấn phẩm, tài liệu cho các đơn vị: Văn phòng Bộ Quốc phòng; Cục Quân lực, Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu); các Bộ Tư lệnh Biên phòng, Pháo binh, Công binh, Cảnh sát biển; Tổng cục CNQP, Tổng cục Kỹ thuật; Tổng cục Hậu cần; Tập đoàn Viettel; Công ty Sách Giáo dục Hà Nội; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm… với số lượng gần 2 triệu bản/năm, đảm bảo tiến độ, chất lượng và giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, Xí nghiệp còn hợp tác in tem, nhãn, giấy… cung cấp cho công ty mẹ là Nhà máy Z176, Công ty Thăng Long Talimex, Công ty Ngọc Sơn Nafuco và các doanh nghiệp may xuất khẩu.

Năm 2022 Xí nghiệp In được Nhà máy Z176 cho phép đầu tư dây chuyền in ống đồng, bước đầu hoạt động hiệu quả, cung cấp hàng triệu mét màng in/tháng, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.      

         (Nguồn: Xí nghiệp In, Nhà máy Z176)

Để hiểu thêm về sự thay đổi trong công tác quản lý, điều hành của Xí nghiệp In, chúng tôi đã đi đến từng bộ phận sản xuất. Điều dễ nhận thấy là hoạt động in ấn đều tuân thủ theo quy trình rất chặt chẽ, với sự liên kết của 3 khâu (trước, trong và sau in), mỗi khâu đều có cán bộ giám sát, kiểm tra chất lượng. Các sản phẩm sau khi in hoàn thiện được công nhân xếp gọn gàng, ngay ngắn. Thượng úy QNCN Đặng Quốc Thắng, công nhân bậc 6/7 chia sẻ: “Hiện nay, Xí nghiệp có một số máy in 4 màu, 7 màu tương đối hiện đại. Trong quá trình làm việc, tôi và các đồng nghiệp luôn tuân thủ đúng quy trình công nghệ nên sản phẩm in ra đều rất đẹp, được khách hàng đánh giá cao”. Còn tại bộ phận hoàn thiện sản phẩm, công nhân Nguyễn Thị Dịu hồ hởi thông tin với chúng tôi: “Thời gian qua, Xí nghiệp có nhiều đơn hàng in số lượng lớn, chúng tôi liên tục làm tăng ca, thêm giờ. Do vậy, mức thu nhập của người lao động cũng được cải thiện đáng kể”.

Dẫu biết rằng, để xây dựng Xí nghiệp In phát triển bền vững thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với kết quả mà Xí nghiệp In đã đạt được trong những năm gần đây, chúng tôi tin rằng lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z176 sẽ không còn trăn trở để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại đã “đeo bám” Xí nghiệp trong nhiều năm qua.

TUẤN MINH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: