CNQP&KT - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam Defence 2022) lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng tổ chức là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng. Vietnam Defence 2022 là điểm đến để các nhà sản xuất vũ khí, trang bị quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong nước và ngoài nước giao lưu, xúc tiến hợp tác cung cấp, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ quốc phòng.

THÚC ĐẨY HỢP TÁC QUỐC PHÒNG

Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/12, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và người dân Việt Nam, cũng như bạn bè quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu tại Lễ khai mạc. Tham dự Lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, các thứ trưởng Bộ Quốc phòng; thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; đại biểu các tổng cục, quân khu, quân binh chủng, học viện, nhà trường quân đội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương. Khách quốc tế có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước: Lào, Mông Cổ, Cộng hoà Séc; Chủ nhiệm Chính trị các Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chỉ huy quân đội nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong 3 ngày diễn ra, Triển lãm cũng đón hơn 70.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân vào tham quan.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ và vì nhân dân. QĐND Việt Nam hiện đang tích cực tham gia các hình thức hợp tác quốc phòng cả song phương và đa phương với nhiều đối tác trên thế giới. Hợp tác CNQP và đặc biệt là Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 sẽ mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu xu hướng phát triển của trang bị kỹ thuật, CNQP, an ninh trên thế giới; đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài và sản xuất, trang bị khí tài, hậu cần đáp ứng cho lực lượng vũ trang các nước.


Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm.

 Còn Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: QĐND Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là trong lĩnh vực CNQP. Đồng thời, tin tưởng triển lãm sẽ góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác quốc phòng và hợp tác CNQP, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.


Hội đàm giữa Quân chủng Phòng không - Không quân và đại diện Quân đội Mỹ trong khuôn khổ triển lãm.

Vietnam Defence 2022 có quy mô tổ chức rất lớn, với tổng diện tích hơn 50.000m2, bao gồm phần trưng bày trong nhà và ngoài trời; thu hút 174 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 30 quốc gia tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, như: phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho tất cả lực lượng hải quân, lục quân, phòng không - không quân, tác chiến không gian mạng và các trang - thiết bị hậu cần, kỹ thuật…

"Hợp tác CNQP và đặc biệt là Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 sẽ mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu xu hướng phát triển của trang bị kỹ thuật, CNQP, an ninh trên thế giới".

      (Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính)

ẤN TƯỢNG SẢN PHẨM QUỐC PHÒNG VIỆT NAM

Tại triển lãm, Việt Nam trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm quốc phòng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo. Trong đó, khu vực của ngành CNQP Việt Nam, do Tổng cục CNQP chủ trì, được thiết kế quy mô, trưng bày sinh động, trực quan các sản phẩm, năng lực sản xuất và công nghệ mà CNQP Việt Nam làm chủ. Đồng thời, làm nổi bật vị thế, tinh thần thượng tôn hòa bình và mong muốn mở rộng hợp tác của CNQP Việt Nam với các nước trên thế giới.


Một số sản phẩm của Tổng cục CNQP trưng bày tại triển lãm.

Đại tá Phạm Thanh Khiết, Phó Tham mưu trưởng (nay là Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP), cho biết: Tại khu vực trưng bày của ngành CNQP Việt Nam, các đầu mối gồm Tổng cục CNQP, Tổng cục Kỹ thuật; các quân chủng: Phòng không - Không quân, Hải quân; các binh chủng: Thông tin liên lạc, Hóa học; Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, đã trưng bày 253 sản phẩm: súng, đạn bộ binh; súng, đạn chống tăng; súng, đạn cối; súng, đạn pháo; các sản phẩm hóa nổ, ngòi nổ; khí tài quang; sản phẩm tàu; các loại áo giáp, mô hình nghi binh, nghi trang và trang - thiết bị hậu cần; hệ thống thông tin liên lạc, radar, tác chiến điện tử, chỉ huy điều khiển, huấn luyện mô phỏng, thiết bị quang điện tử, thiết bị bay không người lái (UAV), hệ thống tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin… Đây là các sản phẩm do CNQP Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo, có thương hiệu hoặc nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài; có đầy đủ cơ sở kỹ thuật, pháp lý.


Ký kết hợp tác giữa Nhà máy Z113 (thuộc Tổng cục CNQP) với đối tác nước ngoài tại triển lãm.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tham gia Triển lãm với hai gian trưng bày trên diện tích 2.200m2. Viettel giới thiệu hơn 60 sản phẩm quân sự, bao gồm: các sản phẩm radar; thông tin liên lạc và tác chiến điện tử; hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển; máy bay không người lái (UAV); quang điện tử; khu vực trải nghiệm sản phẩm mô hình mô phỏng; tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin. Viettel cũng trưng bày 16 nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực dân sự, gồm sản phẩm chuyển đổi số, hỗ trợ cho y tế số, gia đình số, giáo dục số, tài chính số, logistics, doanh nghiệp số, chính quyền số, giao thông số, cùng những sản phẩm nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Các sản phẩm giới thiệu hiện đang được Viettel đầu tư sản xuất và đã thương mại cả trong và ngoài nước. Trong đó, những thiết bị quân sự của Viettel đã đem lại hiệu quả thiết thực, được các đơn vị sử dụng đánh giá cao về chất lượng và tính năng kỹ, chiến thuật, phù hợp với điều kiện khí hậu, nhu cầu huấn luyện và tác chiến của Quân đội.

Tham gia triển lãm, Viettel mong muốn giới thiệu năng lực nghiên cứu sản xuất, nắm bắt xu thế phát triển của thế giới, tìm kiếm đối tác, khách hàng tiềm năng... Từ đó, phổ biến hình ảnh CNQP của Viettel - Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, tạo ra các hợp đồng thương mại với mục tiêu doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu công nghiệp công nghệ cao lên đến hơn 50%. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2025 đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng và đến năm 2030 tiến lên vị trí 60 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu.


Màn biểu diễn chào mừng Lễ khai mạc Triển lãm của lực lượng Không quân Việt Nam.

Đến với Triển lãm, Bộ Công an giới thiệu 91 sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng. Đại tá Phạm Văn Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh (Bộ Công an), cho biết: Các sản phẩm tham gia triển lãm được chia thành 5 nhóm, gồm công nghệ, phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy - vật tư, công cụ hỗ trợ và thiết bị nghiệp vụ. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm an ninh chuyên dụng và vũ khí hiện đại, như: súng ngắn bắn đạn đa năng dạng băng, súng phóng lựu, súng bắn lưới, lựu đạn khói cay… Các sản phẩm an ninh lưỡng dụng gồm xe ô tô chữa cháy, xe chữa cháy cỡ nhỏ, xe ô tô chở dây thép gai, xe cứu thương, xe tuần tra giao thông, các loại xe chở quân cho lực lượng vũ trang, tàu tuần tra… Đây là các sản phẩm do các doanh nghiệp trực thuộc Cục Công nghiệp an ninh và doanh nghiệp liên kết nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chế tạo và sản xuất thành công trong thời gian qua. Tại Vietnam Defence 2022, Cục Công nghiệp an ninh và các đơn vị liên kết còn cung cấp các giải pháp tích hợp, thiết kế chế tạo quản lý an ninh mạng, camera an ninh, lắp đặt thiết bị và tích hợp các hệ thống cho thành phố thông minh, hệ thống báo cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ…

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Mặc dù lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhưng Vietnam Defence 2022 đã thu hút 174 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia trên thế giới tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá: “Điều đó thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của các nước, các tổ chức dành cho Việt Nam và QĐND Việt Nam”.


Quân chủng Phòng không - Không quân trưng bày tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại SPYDER.

Tới dự triển lãm, Thiếu tướng Jered P. Helwig - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Duy trì lực lượng Quân khu 8, Lục quân Thái Bình Dương (Mỹ) - đại diện cho Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong tổ chức triển lãm của Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam về đào tạo nhân lực và trang - thiết bị quốc phòng. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhận định sự tham gia của các công ty đến từ Mỹ và các quốc gia khác thể hiện tầm quan trọng của triển lãm, mở ra tiềm năng, cơ hội hợp tác trong tương lai.

Rosoboronexport thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec (Nga) có mặt tại triển lãm với hơn 400 sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp hàng đầu của Nga. Rosoboronexport trưng bày các dòng máy bay không người lái (UAV), như: Orlan-10E, Orlan-30, Orion-E hay Kub-E; mô hình tiêm kích Su-35 và Su-30SME, trực thăng chiến đấu Ka-52, trực thăng săn ngầm Ka-28; các hệ thống tên lửa phòng không Buk, Tor, Pantsir-S1; xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và T-90MS; súng trường tấn công AK-15 và AK-19, súng bắn tỉa bán tự động Chukavin... Trong một thông cáo, ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Rosoboronexport, cho biết doanh nghiệp muốn “ủng hộ sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược song phương và tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước"; đồng thời, “sẵn sàng thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng với Việt Nam”. 

Còn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh James Heappey, cho biết ông mong muốn tìm hiểu một số công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng; đồng thời các doanh nghiệp Anh như Thales, Airbus và Steel Core Designs cũng mang tới Triển lãm những công nghệ hiện đại mà Việt Nam đang muốn mở rộng. Bộ Quốc phòng và Vương quốc Anh rất mong muốn hợp tác kinh doanh với Việt Nam, cung cấp thiết bị, xây dựng quan hệ với Quân đội Việt Nam. Đây cũng là một phần quan trọng trong cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khu vực của Vương quốc Anh.

Nằm trong số những quốc gia có hợp tác quốc phòng sâu rộng với Việt Nam, Ấn Độ có tới 18 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các vũ khí, khí tài và công nghệ quân sự tiên tiến nhất của nước này, bao gồm máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas Mk-1Trainer, hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không, tên lửa đất đối không tầm ngắn Akash, tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra, tên lửa chống tăng Nag (HELINA), bộ sonar tích hợp trên tàu ngầm SMS-X… Đại diện Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết, sự tham gia của DRDO tại triển lãm sẽ giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời mở ra những lĩnh vực hợp tác mới trong tương lai.

Trong khuôn khổ triển lãm, đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc để tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trong đó, riêng tại khu trưng bày của CNQP Việt Nam đã có hơn 80 buổi tiếp, làm việc song phương với các doanh nghiệp, tập đoàn CNQP các nước. Nhiều đối tác nước ngoài đã đề nghị Tổng cục CNQP hợp tác cung cấp các loại súng, đạn bộ binh; đạn cối, đạn pháo; các loại tàu kinh tế; thuốc phóng - thuốc nổ... Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức 6 buổi làm việc trực tiếp và trên không gian mạng cho Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Thành An với các doanh nghiệp đến từ Nga và Hàn Quốc. Các quân, binh chủng, doanh nghiệp quân đội cũng đã có hàng trăm cuộc tiếp xúc để nghe giới thiệu sản phẩm, trao đổi về các lĩnh vực cùng quan tâm. Kết quả tại Vietnam Defence 2022 vừa qua, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel và Tập đoàn UTL/Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận về việc thí điểm triển khai thiết bị 5G tại thị trường Ấn Độ; các doanh nghiệp của Tổng cục CNQP ký kết 4 hợp đồng với các đối tác nước ngoài, tổng giá trị khoảng 25 triệu USD. 

Tại Vietnam Defence 2022, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel và Tập đoàn UTL/Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận về việc thí điểm triển khai thiết bị 5G tại thị trường Ấn Độ; các doanh nghiệp của Tổng cục CNQP ký kết 4 hợp đồng với đối tác nước ngoài, tổng giá trị khoảng 25 triệu USD. 

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo được sự quan tâm của bạn bè quốc tế, sức hút đối với các nhà sản xuất quốc phòng trên thế giới và khu vực. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam tổ chức thành công các kỳ triển lãm quốc phòng tiếp theo trong những năm tới.

Bài và ảnh: TÙNG NGUYỄN - NAM ANH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: